top of page

Ẩn sau giàn trống (Ep. 11): Jim Keltner

Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lại ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.


Chưa hết, tay trống sẽ còn chịu thiệt hơn gấp vạn lần nếu như họ còn phải chơi session cho ban nhạc hay nghệ sĩ, kể cả đó là nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất vũ trụ.


Jim Keltner, một trong nhưng session drummer được thu âm nhiều nhất trong lịch sử ngành, là kẻ khá kín tiếng và ít được những fan của Rock 'N Roll biết tới nhiều như những người mà anh cộng tác cùng. Có lẽ bởi anh không phải một tay trống đầu lĩnh tiên phong như Bernard Purdie, cũng không phải một người quen với việc chơi những câu cú và nhịp điệu phức tạp như Vinnie Colaiuta, thậm chí cũng chẳng phải là một tay trống nện mạnh như Josh Freese, nhất là trong cái thể loại nhạc cần nhiều sự rung lắc này.


Nhưng đây nhé, Jim Kelter là tay trống duy nhất thu âm cùng 3 trên 4 "chú bọ solo" là John Lennon (album Imagine hay Rock n Roll là những ví dụ sáng giá), George Harrison (All Things Must Pass hay Living in the Material World), và Ringo Starr (album đầu tay Ringo). Đấy là chưa kể vô khối các album cùng Bob Dylan, Eric Clapton, B.B King hay Harry Nilsson. Anh xuất hiện khắp nơi trong suốt hơn 5 thập kỷ sự nghiệp từ khi cặp đôi  Lindsey BuckinghamStevie Nicks mới chập chững ra album đầu tiên hát đôi của họ (album Buckingham Nicks) cho tới góp mặt trong những album mới toe như Did You Know That There's a Tunnel Under Ocean Blvd của Lana Del Rey. Anh cũng tham gia thu nhạc "khó" như trong album Aja của Steely Dan, nhạc blues với những bậc gạo cội như B.B. King, nhạc soul với Bill Withers, thậm chí cả phiêu du cùng nhạc tân thời như với Fiona Apple hay Phoebe Bridges.


Cũng phải thôi, vì từ thời điểm The Wrecking Crew là những nghệ sĩ tạo nhạc hit tin cậy không thể thiếu ở thập niên 60s và đầu 70s, thì Jim Keltner đã là thành viên trẻ nhất của The Crew dưới sự "điều hàng" của sếp Hal Blaine, cũng là người đã tin tưởng đẩy Keltner còn rất trẻ đi thu trống với tất cả các ngôi sao hàng đầu thời đó như Carly Simon hay Joe Cocker.


Jim Kelter, với lối chơi đơn giản nhưng lại có khả  năng đặc biệt trong việc tạo màu sắc (groove) cho bài hát và lối chơi chính xác tới mức khó tin, đã nhanh chóng gây dựng được giá trị trong cách chơi của anh. Thiên về phong cách "lười biếng" và đi hơi chậm phía sau nhịp như cách mà thần tượng Ringo Starr của anh luôn tìm cách bám theo và nhường chỗ trống cực chính xác cho câu bass của Paul Macca, Keltner luôn biết cách để phần trống không dẫm chân lên các nhạc cụ khác và khiến cho mỗi nhạc cụ vẫn có chỗ trống của riêng mình nhưng vẫn giữ được sự gắn kết chặt chẽ. "Jealous Guy", ca khúc kinh điển trong thu âm và sản xuất của John Lennon là một ví dụ điển hình về sự chắc chắc không màu mè của Jim Keltner.


Là một tay trống người Mỹ, nhưng đáng ngạc nhiên là Jim Kelter được rất nhiều nghệ sĩ nước Anh ưa thích và mời làm việc cùng, nhất là từ sau khi anh tham gia thu cùng Delaney & Bonnie trong album Accept No Substitute (1969). Mặc dù đây không phải là một album ăn khách, chả hiểu sao tất cả đám nghệ sĩ Anh quốc thời đó như Eric Clapton, Tứ quái Beatles, và cả hội Rolling Stones đều mê album này như điếu đổ. Bộ khung thu âm Accept No Substitute gồm Jim Keltner (trống), Carl Radle (bass), Bobby Whitlock (keyboard) và những người khác sau đó đi tour cùng Delaney & Bonnie cùng Eric ClaptonGeorge Harrison (dưới biệt danh L'Angelo Misterioso) và rồi lẽ tất dĩ ngẫu Keltner quen hết cả đám Anh quốc kia, những người lúc đó cũng đang nhăm nhe sang Mỹ định cư sau khi Beatles và Cream tan rã. Chuyện sau thì ai cũng biết rồi, mỗi vị trong Beatles đều ra album solo cực thành công (và 3 trong 4 bọn họ thu nhạc cùng Jim Keltner), Eric Clapton thì sau khi làm Derek and the Dominos cùng tàn dư của Delany & Bonnie thì cũng quay ra thu một loạt album solo cùng Jim Keltner (Journey Man, From The Cradle, v.v.).


Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Jim Keltner là những lần chơi trống đôi cùng người khác - một kiểu chơi nhạc và trình diễn khá là phổ biến ở đầu thập niên 70s khi lối thu âm "Wall of Sound" của Phil Spector lên ngôi. Điển hình trong số đó là lần chơi cho album live Mad Dog and Englishman của Joe Cocker cùng Jim Gordon, một tay trống cự phách khác cũng được biết tới từ lò Wrecking Crew - người sau cũng góp mặt trong album Imagine của John Lennon và cả album để đời Derek and the Dominos cùng Eric Clapton, Carl Radle, và Bobby Whitlock. Mãi sau này khi đọc cuốn tự truyện của Bobby Whitlock, Keltner mới biết hóa ra anh mới là người đáng nhẽ chơi cho Derek and Dominos nhưng vì lúc đó đang bận thu âm cùng nghệ sĩ jazz Gabo Szabo.


Và khỏi cần nhắc lại thì ai cũng nhớ màn rượt đuổi ngoạn mục giữa 3 tay trống Ringo Starr, Jim Keltner và Keith Moon dưới sự đạo diễn tài tình của John Lennon trên bàn điều khiển khi thu âm "Rock Around the Clock" cho Harry Nilsson, một trong những thời khắc độc nhát vô nhị trong lịch sử nhạc Rock khi có tới 3 tay trống lừng danh góp mặt trong một bản thu.


Nếu như những bản thu âm kể trên còn chưa đủ thuyết phục, thì resume của Jim Kelter còn có cả sự góp mặt trong album Momentary Lapse of Momentum của Pink Floyd (bài "On the Turning Away"), hay album Aja của Steely Dan (bài "Josie"), những ban nhạc nổi tiếng về sự khó tính và cầu toàn trong thu âm.


Và dĩ nhiên không thể không  nhắc tới việc Jim Kelter đều đều góp mặt trong các album Blues của Eric Claptop, B.B. King, Albert King, và Freddy King, những vị vua không ngai của ngành nhạc giàu cảm xúc.


Điều tệ nhất với một nghệ sĩ có sự nghiệp dài hơi như Keltner có lẽ là phải chứng kiến những người bạn thân nổi tiếng của anh lần lượt ra đi, John Lennon ra đi vĩnh viễn vào năm 1980; Harry Nilsson năm 1994; và George Harrison cũng rời bỏ trái đất sau vụ tai nan bị fan hâm mộ đâm trong phòng ngủ (dù thực ra George Harrison không chết vì vết thương nhưng nó cũng góp phần làm anh yếu đi nhiều khi chống chọi với bệnh ung thư) năm 2001.


Sự nghiệp dài hơi của những tay trống cứng cựa như Hal Blaine, Jim Keltner, hay Steve Gadd có lẽ không chỉ chứng tỏ rằng không có quá nhiều người trên thế giới này đủ sức cáng đáng hết hit này tới hit khác như họ, mà còn thể hiện một sự trân trọng và tin tưởng trong tình bạn đáng ngạc nhiên giữa những nghệ sĩ nổi danh, những người tưởng chừng như chỉ có sự nổi tiếng.


Hẹn gặp lại!


Kai


72 views

Recent Posts

See All
bottom of page