top of page

Lenny Kravitz: Âm nhạc tương phản như ngựa vằn

Prince meets John Lennon” – đó là dòng note mà mấy vị lãnh đạo của hãng thu âm Virgin chuyền tay nhau trong khi nghe mấy bản demo thu âm của Lenny Kravitz. Như thế là tín hiệu tốt đúng không? Tốt vì các vị đó đều mê tiếng nhạc phát ra từ chiếc băng cassette và Kravitz có được hợp đồng thu âm chính thức với Virgin sau khi bỏ qua biết bao cơ hội trước đó. Không tốt vì sự giao thoa giữa nhiều phong cách nhạc chỉ khiến thị trường không thể xếp loại âm nhạc của anh, và hãng Virgin cũng đã lường trước chuyện này.



Đó không phải lần đầu Lenny Kravitz nhận được lời đánh giá kỳ lạ đó. Sau biết bao nhiêu năm trời đi tìm âm thanh của riêng mình, sản phẩm cuối cùng mà anh ưng ý nhất lại được mấy ông trùm hãng đĩa đưa ra các ý kiến trái ngược nhau, người thì nói “Nhạc cậu chưa đủ “đen””, người thì bảo “Nhạc cậu chưa đủ “trắng””. Thế nhưng chỉ cần động thái của hãng Virgin khi chuẩn bị ký hợp đồng thu âm với Kravitz, là ngay lập tức các hãng khác đổi ý thi nhau đưa các offer hấp dẫn hơn hẳn. Trái tim mách bảo Kravitz kiên định với lựa chọn Virgin bởi họ mới là một trong số ít người đồng cảm và có lòng tin với âm nhạc của anh.

 

Rồi cứ tưởng hãng đã đồng cảm và trao toàn quyền sáng tạo cho mình, đến khi Kravitz gửi bản thu âm hoàn chỉnh của album đầu tiên Let Love Rule (1989), họ lại cuống cuồng đòi anh tinh chỉnh lại âm thanh. Lý do vì anh và Henry Hirsch (người bạn kiêm cộng sự kỹ sư âm thanh đồng hành lâu năm cho mãi tới sau này) cùng hướng tới âm thanh cổ, tạo phong cách “retro” của âm nhạc thập niên 60 và 70 trên những dụng cụ thu âm cổ điển. Chính vậy album Let Love Rule nghe quá thô ráp cùng màu sắc cũ kỹ, khác hẳn âm thanh mix tinh xảo của Van Halen, Bon Jovi thời đó, cũng chẳng giống phong cách hùng hổ của Guns N’ Roses, lại càng không đậm đặc tăm tối như thể loại Grunge đang chuẩn bị nhen nhóm để bùng lên của SoundgardenNirvana. Không tự tin với sản phẩm của Kravitz, Virgin còn thuê hẳn một kỹ sư âm thanh khác về chỉnh lại nhưng phải tới khi anh đề nghị họ nghe thử so sánh giữa hai bản mix thì hãng mới nhận ra sai lầm của mình bởi cái hồn của “Lenny Kravitz” đã bị chôn vùi trong version bị chỉnh sửa.

 

Nhưng đấy vẫn chưa phải là vấn đề chính. Câu chuyện vẫn quay về sự “mâu thuẫn” giữa yếu tố sáng tạo trong cách Kravitz giao thoa âm nhạc của “Prince” với “John Lennon”, và sự loay hoay của thị trường âm nhạc khi cố phân biệt âm thanh “đen” và “trắng” để mà không phải ai trong giới báo chí cũng đón nhận một cách tích cực, kể cả cho tới khi anh có được thành công thương mại lớn, cùng với những giải thưởng cao quý.

 

“TRẮNG”

 

Các hãng đĩa từng kêu ca là nhạc của Lenny Kravitz chưa đủ “trắng”, hay nói theo một cách khác, thứ nhạc Rock anh chơi vẫn chưa đủ ép phê khi nó bị pha với nhạc Funk và Soul. Vậy nhưng cho đến tận bây giờ, Kravitz vẫn giữ kỷ lục là nghệ sĩ giành nhiều giải Grammy nhất cho hạng mục “Best Male Rock Vocal Performance”, với con số 4 trong suốt 4 năm liền từ 1999 đến 2002. Các bài anh thắng giải là “Fly Away”, nằm trong album “5” (1998), “American Woman” mà anh cover của ban nhạc The Guess Who vào năm 1999, “Again”, ca khúc mới duy nhất trong album tuyển tập Greatest Hits (2000), và “Dig In”, nằm trong album Lenny (2001). Thành tích này của Kravitz cũng phá kỷ lục nam nghệ sĩ có số lần thắng liên tục nhiều nhất trong một hạng mục.



Thế mà các bạn biết không, thời điểm anh giành giải Grammy đầu tiên đó, Kravitz đã bắt đầu sự nghiệp solo được tới 10 năm và phát hành được 5 album với nhiều nhạc phẩm Rock hay không kém, ví dụ như “Always On The Run” trong album Mama Said (1991), “Are You Gonna Go My Way”, “Is There Any Love In Your Heart”, “Sister” trong album Are You Gonna Go My Way (1993), “Rock And Roll Is Dead” trong album Circus (1995).



Âm thanh ép phê có, giọng hát khàn đầy cảm xúc của Kravitz có, guitar riff bắt tai, thậm chí guitar solo cũng có luôn. Trong bài “Always On The Run”, sự góp mặt của ông bạn Slash kết hợp với nhạc của Kravitz cực kỳ bện, cộng thêm câu đàn solo chất lừ. Trong những lần khác, phần guitar điện được cộng sự lâu năm Craig Ross chơi một cách bài bản. Bản thân cá nhân Kravitz cũng tự mình chơi guitar và thể hiện một số đoạn guitar solo, như trong bài “Black Girl” và “Sugar”.

 

Giống như thần tượng PrinceStevie Wonder, Lenny Kravitz có khả năng chơi rất nhiều nhạc cụ từ nhỏ. Ngay như trong album đầu tay Let Love Rule, anh đã tự mình chơi và thu âm trống, bass, guitar, keyboard cũng như các phần hát bè. Được tiếp cận với âm nhạc từ bé, đôi tai nhạy bén của Kravitz đã sớm phân biệt để nghe được từng lớp nhạc cụ thu âm riêng lẻ.

 

Từ năm lên 5 tuổi, đam mê âm nhạc đến với Kravitz khi anh được giới thiệu tới các bài nhạc của The Jackson 5. Khác với những lời nhận xét chung chung ngày đó của nhiều người rằng nhạc của Jackson 5 nghe vui tươi vô thưởng vô phạt, nhưng với Kravitz, anh đã thấy sự phức tạp ẩn giấu trong đó. Không chỉ giọng hát tuyệt hay của Michael Jackson, và các lớp bè dầy tiếng của các em trai nhà Jackson, Kravitz nghe được cả từng nhịp trống, câu bass, tiếng đàn guitar rhythm quện vào nhau. Hệt như cách anh nghe album Innervisions kinh điển của Stevie Wonder hay như sau này khi anh được bố dẫn đi nghe nhạc của Earth, Wind & Fire vậy. Không cần thầy cô nào chỉ bảo, khả năng thiên phú giúp Kravitz hiểu được cách vị thủ lĩnh Maurice White soạn nhạc và định hướng cho mỗi nhạc công chơi các câu đàn giai điệu khác nhau, không cần chơi hợp âm, mà mỗi nốt của từng nhạc cụ tại một thời điểm đều tự khắc hòa vào nhau thành hợp âm của bài một cách chuẩn xác.

 

Mê hoặc bởi âm nhạc của những nghệ sĩ da màu, cậu bé Leonard Kravitz ngày đó luôn tự hào với bộ tóc afro to dầy cộp của mình, lôi hết nồi niêu xoong chảo trong nhà ra gõ, trước khi được mẹ cho đi học chơi các loại nhạc cụ, sớm nắm bắt và thuần thục chúng theo các lối chơi khác nhau. Nhưng Kravitz còn học được rằng dù âm nhạc có được chơi theo phong cách nào đi chăng nữa, thứ quan trọng nhất cần có vẫn là màu sắc Soul – “linh hồn” bên trong bài nhạc.



Bởi những ảnh hưởng của những nghệ sĩ da màu từ thuở niên thiếu, chúng ta có thể hiểu phần nào vì sao âm nhạc của Lenny Kravitz bị nói là “chưa đủ trắng”. Thậm chí, từ “trắng” còn được dùng theo nghĩa đen như một bài báo đã từng nhận xét: “Nếu Lenny Kravitz da trắng, thì hẳn anh ta sẽ là kẻ cứu rỗi cho nhạc Rock N’ Roll”.

 

Nói như vậy, giống như các giải thưởng Grammy giành cho Kravitz trong hạng mục Rock, âm nhạc của anh hẳn mang đầy đủ các chuẩn mực của thứ nhạc Rock N’ Roll cần có, nhưng lại vẫn có những yếu tố nào đó khiến giới báo chí phê bình âm nhạc chần chừ khi đưa anh lên tầm các rocker tiêu biểu của thập niên 90. Đúng là Kravitz có thể được đem so với Prince, Slash hay Jimi Hendrix vì cùng là những nghệ sĩ da màu ít hay nhiều chơi nhạc mang phong cách Rock. Thế nhưng Kravitz lại không có được tài năng chơi nhạc ở tầm cỡ virtuoso như ba vị kể tên ở trên để trở thành một guitar hero và chưa đủ để người ta tự tin gọi anh là kẻ cứu rỗi nhạc Rock.

 

Hơn cả, lý do chính vẫn là vì Lenny Kravitz đã lựa chọn con đường hẹp đầy chông gai trong âm nhạc khi tránh xa mainstream để hướng tới kiểu nhạc pha lẫn nhiều thể loại trong các album của mình.

 

Chỉ nực cười là, với màu da và mái tóc thể hiện mười mươi cội nguồn gốc Phi của Kravitz, cộng thêm màu sắc nổi trội của nhạc Blues, Funk và Soul trộn lẫn cùng Psychedelic và Rock N’ Roll trong các nhạc phẩm, anh cũng lại bị nói là nhạc “chưa đủ ...”

 

“ĐEN”

 

Sinh ra với dòng máu lai giữa người bố da trắng và người mẹ da màu, khi Kravitz tới tuổi vị thành niên và chuyển đến Los Angeles, combo hút sà cân và nghe nhạc Rock của những người bạn đã đánh thức một nửa còn lại bên trong anh. Kravitz mê mệt The Beatles, The Rolling Stones, Led Zeppelin, Jimi HendrixKiss. Anh cũng đắm chìm trong một phong cách chất nghệ, trút bỏ bộ tóc afro để thử kiểu tóc xoăn cùng lối sống phong cách Rock N’ Roll. Học cùng lớp với Slash – cậu học sinh có kỹ thuật chơi guitar hơn người ngày ấy đã tạo sự thúc đẩy cho Kravitz đào sâu nhạc Rock. Anh còn tranh thủ học chơi thêm các nhạc cụ piano và bass. Đã có lúc Kravitz tự chọn cho mình một nghệ danh sến sẩm Romeo Blue, rồi đi diễn cùng các band anh tham gia ngày đó.

 

Thế nhưng dần dà, Kravitz nhận ra anh không thể theo đuổi phong cách nhạc của thị trường hay của bất kỳ ai khác. Dù vật lộn với vấn đề tài chính và có những lúc phải tá túc nhà người quen hay ngủ ở ngoài xe ô tô, đã rất nhiều lần, Kravitz từ chối những hợp đồng thu âm vì hãng đĩa muốn band của anh chơi nhạc New Wave thời thượng ngày đó. Thậm chí có ông còn chủ đích kéo anh và các thành viên trong band để trở thành một Duran Duran da màu. Kravitz từ chối tất. Và trên tất cả, con đường âm nhạc của anh chưa bao giờ cùng tầm nhìn, hay lối đi chung với những người anh chơi nhạc cùng, kể cả đó là những nghệ sĩ tài năng nhất.

 

Kravitz vẫn kiên nhẫn kiếm tìm phong cách nhạc cho riêng mình... mãi cho đến khi anh tìm được tình yêu đích thực với diễn viên Lisa Bonet (người mà sau khi chia tay với anh họ vẫn trở thành đôi bạn tri kỷ). Việc đầu tiên Kravitz làm là vứt bỏ cái tên Romeo Blue và chuyển sang mái tóc tết dreadlock. Tình yêu dành cho Bonet đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho Kravitz sáng tác thứ nhạc tràn đầy cảm xúc. Nếu như trước đây, anh phải cố tự gò ép tìm kiếm cảm hứng khi sáng tác, thì lúc này đây, các bài nhạc cứ tự hiện ra trong đầu. Kravitz chỉ việc lôi đàn ra thu âm, và lời nhạc cứ thế tuôn ra.

 

Âm nhạc mà Kravitz sáng tác dù có đậm màu Funk, hay chất liệu Rock thì giai điệu bluesy trong tiếng hát của anh là yếu tố gắn kết lại với nhau làm nên phong cách đậm chất “Lenny”. Đó có thể là sự kết hợp giữa nhịp điệu groovy của Stevie Wonder, câu lick của Jimi Hendrix, câu riff của Led Zeppelin, và phần lời mang nội dung của Steely Dan. Kể cả với những bài Kravitz sáng tác theo lối giai điệu đơn giản, lên xuống tương phản với các câu guitar riff, thì chất giọng khàn và thô ráp anh vẫn mê hoặc người nghe qua phần nhạc điệu vô cùng soulful.



Trong album Let Love Rule, một nhạc phẩm có lẽ đậm “sắc đen” nhất, Kravitz vẫn viết ra những ca khúc như “I Build This Garden For Us” mang phong cách nhạc của The Beatles, rồi “Mr. Cab Driver” chịu ảnh hưởng từ The Velvet Underground. Thế nên từ các đĩa nhạc sau, khi mà âm thanh guitar điện và thứ nhạc Rock được chiếm phần lớn nhiều hơn, chuyện người ta nói nhạc của anh không quá “đen” thì cũng dễ hiểu. Kể cả với các bản được phối nhẹ nhàng và lắng đọng, như “Be” trong album Let Love Rule, “It Ain’t Over ‘Til It’s Over” trong album Mama Said, “Little Girl’s Eyes” trong album 5, “Believe In Me” trong album Lenny, chất nhạc của chúng vẫn khác hẳn âm nhạc R&B và Hip Hop của những nghệ sĩ da màu trong giai đoạn thập niên 90.

 


Kết quả là một tạp chí chuyên biệt về những nghệ sĩ da màu như Vibe cũng phải đến năm 2001, tức là sau gần 1 thập kỷ từ ấn bản đầu tiên, mới “nhớ đến” để tôn vinh Lenny Kravitz trên hình bìa của họ. Còn những lễ trao giải như BET hay Source Awards, Kravitz chưa từng nhận một lời mời tham dự sự kiện.

 

Đen” hay “trắng”, “Prince” hay “John Lennon”, tương phản hay đối lập như hình ảnh của "chú ngựa vằn", cuối cùng cũng lại quay về chuyện thị trường loay hoay khi không thể dán một nhãn mác nào lên âm nhạc Lenny Kravitz. Dù vậy, kết quả thương mại của hơn 40 triệu đĩa được bán ra toàn cầu và các giải thường đến từ hội đồng Grammy, American Music Award, Brit Awards, v.v. là minh chứng cho việc anh cũng không bị bỏ rơi, chưa nói đến chuyện mới đây anh nằm trong danh sách đề cử của Rock And Roll Hall Of Fame năm 2024. Ở trên trang web của Rock Hall of Fame, người ta tả về anh như sau: “Rock god. Guitar hero. Soldier of soul. Lenny Kravitz từ chối giới hạn bản thân mình ở bất kỳ một thể loại nhạc nào, và sáng tạo lại nhạc rock & roll của thập niên 90 cho tới về sau”.

 

Thế nên tôi nghĩ nếu ai đó vẫn muốn đặt một cái tên cho thể loại nhạc Kravitz mang tới thị trường, thì hợp lý nhất sẽ là R&S – Rock N’ Soul, với “Rock” và “Soul” là hai đại diện cho thứ âm nhạc mang sắc “trắng” và “đen”, không tương phản mà hòa hợp với nhau làm nên một bảng màu “Lenny”.



Hẹn gặp lại!

 

Kink

184 views

Recent Posts

See All
bottom of page