Hiếm có nghệ sĩ trẻ nào có được sự nổi tiếng, sức ảnh hưởng và đặc biệt lôi cuốn như Amy Winehouse. Điều khó hiểu là cô ca sĩ đoản mệnh này chỉ có vỏn vẹn hai album chính thức trong sự nghiệp. Chưa kể cô cũng được mọi người biết đến với một giọng ca hát nhạc Jazz xuất sắc thuộc thế hệ hiện đại, một thể loại khó nhằn cho phần đông người nghe nhạc. Hai yếu tố đó không đủ để giải thích cho sự yêu mến đặc biệt của khán giả dành cho Amy.
Với album đầu tay tên Frank, âm nhạc còn đậm chất Jazz sở trường của Amy. Đây là một album hay không “dễ nghe” mà cần người nghe đào sâu hơn. Những bài như “You Sent Me Flying” hay “Know You Now” có cách phối nhạc và vòng hoà âm đầy ngẫu hứng chỉ có ở Jazz. Một chút “dễ nghe” của đĩa nằm ở nhịp điệu theo phong cách Hip Hop và âm sắc pha Soul như bài “Stronger Than Me” hoặc pha R&B như “Fuck Me Pumps”. Ở album này, cô đã bộc lộ tài năng ở giọng hát và thiên hướng âm nhạc khác người vô cùng ấn tượng. Album được giới phê bình khen ngợi, nhưng bất ngờ là cô không hoàn toàn hài lòng với đĩa Frank. Như cách Amy Winehouse nói, chỉ có 85% trong đó là sự đóng góp của cô.
Từ đó, Amy có quyết định táo bạo thay đổi cho sản phẩm thu âm thứ hai mà theo tôi đó là sự khởi đầu cho một tiếng thơm để đời chỉ bằng đúng một album, Back To Black.
Về mặt âm nhạc, nhạc Jazz nhìn chung là dòng nhạc khó nhằn nhất vì người nghe dễ lầm tưởng với những âm thanh ngang phè không có quy luật. Sự biến tấu đầy ngẫu hứng của các hòa âm trong nhạc Jazz khác xa với sự “mong đợi” hay cảm giác “thân quen” của những vòng hòa âm êm tai từ các thể loại nhạc khác đã từng in sâu trong tiềm thức mỗi người. Đấy là đĩa Frank đã dùng Jazz pha trộn nên có phần lọt tai hơn chút rồi đó. Nhưng Amy quyết tâm từ bỏ thể loại kén người nghe đấy bằng dòng nhạc dễ vào lòng người hơn. Âm thanh của Back To Black vì thế là tổng hợp của dòng nhạc Soul, R&B và Reggae cùng màu sắc hoài niệm từ thập niên 60 và 70.
Mở đầu ca khúc “You Know I’m No Good” là phần gõ nhịp trống, chỉ bằng tiếng kick drum, hi-hat và snare, tạo một nhịp điệu vô cùng gợi nhớ của những nốt “ghost” trên trống snare nhẹ vừa đủ như hơi thở xen kẽ trong đó. Vào nhạc là câu bass tăng độ groovy và guitar nhẹ êm trên các vòng hợp âm nghe tình hơn hẳn. Bài “Back To Black” có phần giữ nhịp là tiếng piano gõ theo các nốt trong gam đều đặn, không cầu kỳ, vừa nhắc cho người nghe một tempo tốc độ trung gây hứng thú, vừa tạo không gian âm nhạc cổ xưa. Cái hay còn là nốt trầm piano được gõ ở những nhịp lẻ tạo cảm giác lệch và độ trễ trong nhịp. Ở “Wake Up Alone” là tiếng gảy guitar lên xuống các nốt trong từng hợp âm, đơn giản, nhưng hiệu quả. Ngoài ra, màu sắc hoài cổ được đóng góp lớn từ bộ ba kèn, baritone saxophone, tenor saxophone và trumpet được chơi bởi các nghệ sĩ trong nhóm The Dap-Kings, qua sự sắp xếp của nhà sản xuất nhạc Mark Ronson (nhà sản xuất nhạc cho cả Lady Gaga, Adele, Robbie Williams, Bruno Mars sau này và là đồng sáng tác ca khúc “Shallow” nổi tiếng trong phim A Star Is Born). Tiếng kèn còn làm nhân vật chính trong các nhạc cụ ở bài “Me & Mr. Jones”, “Just Friends”.
Âm thanh cổ điển có thể mang lại hoài niệm tới một số người; thể loại Soul, R&B có thể hấp dẫn một số người khác. Nhưng sức hút lớn nhất với số đông người nghe phải là giai điệu êm ái du dương thông qua giọng hát truyền cảm của Amy Winehouse. Đâu dễ kiếm được nhiều bài ở mỗi thời điểm mà có những giai điệu đầy cảm xúc như đã kể trên và sâu sắc như “Love Is A Losing Game”, “Tears Dry On Their Own”, “Some Unholy War”. Vì không phải ai cũng có cảm nhận hết được phần nhạc chơi phía sau dù chúng thực ra có vai trò quan trọng ngang ngửa, giai điệu hay cộng giọng hát hay đâm ra lại là combo hợp với thị trường đại chúng nhất.
Giọng hát của Amy đặc biệt tới mức các hãng đĩa thời đó tranh giành để có được cô sau khi nghe bản demo. Nghệ sĩ Tony Bennett, người song ca cùng Amy bài “Body & Soul”, phải thốt lên rằng Amy là số ít người hát nhạc Jazz theo “đúng cách”. “Đúng” tới mức độ nào thì phải để các chuyên gia về hát và xướng âm phân tích. Chỉ có điều là do độ phức tạp của Jazz, những người hát nhạc Jazz tốt sẽ có thể hát các dòng nhạc khác rất hay như Soul và R&B. Điều dễ nhận thấy trong giọng ca của Amy Winehouse là giọng cô cực dầy tiếng. Phát huy tốt nhất ở dải nốt trung, cô vì vậy không cần kéo những nốt cao vút để phô trương, mà chỉ hát những nốt gần nhau qua kỹ thuật ngân, ngắt, nhả chữ là đã đủ gây xúc động tới người nghe.
Trong đoạn clip trên, tài năng hiếm có của Amy bộc lộ rõ qua cách nhấn âm độc đáo này. Ở bài “Back To Black” đó, chỉ trong một đoạn ngắn “With his same old safe BET / ME and my HEAD HIGH / And my tears DRY / Get on withOUT my guy”, Amy nhấn, kéo dài và bè âm ra ở những từ “bet”, “me”, “head”, “high”, “dry”, “-out”, làm tăng màu sắc của các nốt nếu hát không khéo sẽ có sự ngang phè. Thêm nữa, lối hát này cũng lại giúp cô truyền cái cảm xúc từ đáy lòng của bản thân qua từng nốt, từng chữ chạm đến trái tim người nghe. Cũng vì cách hát có từ ảnh hưởng nhạc Jazz mà mỗi lần Amy thu âm, sự thể hiện lại có chút khác đi theo cảm hứng, nhưng lần thu nào cũng đều hoàn hảo, đều hay theo các cách khác nhau.
Về mặt nội dung, lời ca được Amy sáng tác theo đúng tính cách ngang bướng của con người cô. Trên nền nhạc luyến lái êm ái, Amy hát thẳng tưng những lời về cơn nghiện của cô mà mọi người đều khuyên cô vào trại cai nghiện, nhưng cô chỉ lắc đầu nguầy nguậy: “They tried to make me go to rehab / But I said, "No, no, no"” (bài “Rehab”). Tự nhận mình là kẻ phiền toái “I cheated myself / Like I knew I would / I told ya I was troubled / You know that I'm no good” (bài “You Know I’m No Good”). Dùng ngôn từ không xuất hiện ở những cô gái nết na “What kind of fuckery are we? / Nowadays you don't mean dick to me (dick to me)” (bài “Me & Mr. Jones”). Thú nhận cơn đau trong chuyện đường tình khiến cô muốn quay trở lại với ma túy “We only said goodbye with words / I died a hundred times / You go back to her / And I go back to black” (bài “Back To Black”).
Sự đối lập giữa âm nhạc và lời hát chỉ làm người yêu nhạc yêu mến cô hơn vì sự chân thành này, bất chấp những hành động thiếu tỉnh táo của một kẻ nghiện trên sân khấu như lần cô liên tục bỏ dở bài hát giữa bài, quay ra giới thiệu các thành viên ban nhạc nhưng lại quên tên họ. Người ta yêu cô vì hình ảnh một phụ nữ có tài, có cá tính và sống thật với bản thân.
Còn một yếu tố nữa đóng góp không nhỏ cho sự thành công của Amy Winehouse. Đó là “blue-eyed soul”. Trong bài tôi đã viết trước đây về George Michael, và Jazmine Sullivan đấu Mắt Xanh, thực tế của những nghệ sĩ da trắng hát nhạc được tạo ra của người da màu luôn được ưu ái và dễ tiếp cận hơn.
Tại Anh Quốc, tỷ lệ người da trắng lên đến 87% và tại Mỹ là 60% (so với 13% người da màu). Một sự thật không thể chối bỏ là thị trường âm nhạc chính là người da trắng. Kể cả với các quốc gia từ Châu Á, những nghệ sĩ “mắt xanh” “tóc vàng” vẫn dễ gây cảm tình với số đông người nghe và xem nhạc. Do đó khi có những nghệ sĩ da trắng có nội lực giọng ca để hát được dòng nhạc Jazz và Soul thì được coi là tài năng hiếm có. Trong khi khả năng ca hát của những người da màu thường được nhìn như một lẽ “dĩ nhiên”, số ít người như Amy Winehouse lại nổi lên thành hiện tượng. Sự thành công của Amy cũng lại giúp mở đường cho những “mắt xanh” khác tiếp bước sau đó như Lana Del Rey, Adele, Sam Smith để họ cũng như các hãng đĩa càng tự tin đầu tư.
Tôi nói điều này không phải để làm giảm uy tín và tài năng của Amy Winehouse, mà chỉ nhằm lý giải sự hấp dẫn có ảnh hưởng rộng lớn đến người nghe âm nhạc toàn cầu cho dòng nhạc không phải dễ được người nghe đại chúng yêu mến. Ngược lại, tôi thấy Amy là người xứng đáng tiếp bước theo thế hệ các nghệ sĩ theo cùng dòng nhạc từ Billie Holiday, qua Aretha Franklin, rồi Mary J. Blige và đến Amy Winehouse giống theo trình tự được săp xếp tại Bảo tàng Rock & Roll Hall of Fame Annex mở ra cuối năm 2008 tại New York. Amy là nghệ sĩ “mắt xanh” duy nhất trong bộ tứ này.
Với riêng tôi, lý do mà Amy Winehouse có sức hấp dẫn này đơn giản là cảm xúc chân thật mà không cần lên gân lên cốt, len lỏi trong âm nhạc và giọng hát của cô.
Như Amy có tâm sự được trích trong đoạn chia sẻ ở clip thu âm bài “Back To Black” trong studio trên: “Lúc đó những cảm xúc đã ùa đến với tôi và những câu những chữ cứ thế trôi nổi hiện ra trước mắt. Khi bạn sáng tác một bài, bạn cần nhớ lại chính cái cảm xúc đó. Bạn có khi phải nhớ cả thời tiết hôm đó như thế nào. Bạn có thể phải nhớ mùi hương từ cổ anh ấy ra sao. Bạn phải nhớ tất cả.”
Và cái cảm xúc chân thật từ những kỷ niệm của Amy Winehouse được lưu giữ lại trọn vẹn trong những tác phẩm âm nhạc để đời của cô.
RIP Amy
Hẹn gặp lại!
Kroon