top of page

Arcade Fire và tản mạn chuyện nghe theo album



Tôi bắt chước cách nghe nhạc theo album của một người bạn hồi cấp 2. Trước đó, thói quen thường có là đi mua mấy đĩa tuyển tập hoặc những bản hits của một nghệ sĩ nào đó. Nhưng đến khi để ý mấy thứ nhạc ông bạn nghe, mình cũng tò mò.  Có một số điểm khó khi nghe nhạc theo album:

Một (1) là, thường chỉ có một số bài trong đó được tung ra làm đĩa đơn và có video đi kèm trên kênh MTV là dễ lọt tai nhất, các bài còn lại sẽ đòi hỏi người nghe phải dành thời gian ngâm cứu và có khi sẽ không thấy hợp.


Hai (2) là, về tài chính, khi thời ấy đĩa Tàu bán chục nghìn một đĩa nên tôi phải tiết kiệm tiền ăn sáng để mua. Đứng trước hàng đĩa với hàng tá album chỉ biết cách chọn theo nghệ sĩ quen thuộc hoặc bìa đĩa nào trông cool.


Ba (3) là, chính là khả năng tiếp cận nhiều sản phẩm âm nhạc do hạn chế về tài chính. Đấy là còn chưa nói đến nhiều album hiếm không có đĩa Tàu để mua. Sau này cho đến khi công nghệ nhạc nén và Internet phát triển hơn, việc tải nhạc mp3 cũng không phải quá thuận tiện khi phải lục lọi trên các thể loại forum nước ngoài.

Ưu điểm của nghe theo album bù lại thì phải nói là tuyệt vời nhờ cái cảm xúc khi được khám phá âm nhạc của người nghệ sĩ đó một cách trọn vẹn. Cảm thấy mình như hiểu và trân trọng người nghệ sĩ đó hơn. Nói cho cùng nếu chọn bừa một đĩa của một nghệ sĩ nào chả có vài bài thấy hợp tai. Nhưng chất lượng âm nhạc của người nghệ sĩ đó phải được thử thách trong một sản phẩm tổng thể, càng ít filler (những bản track được nhét vào để đủ thời lượng album, không quan trọng về chất lượng) càng tốt. Và quan trọng nhất là những bài không phát trên đài có khi lại là những bài chất lượng hơn. Một album của một người nghệ sĩ sẽ có thể là một nội dung câu chuyện xuyên suốt (ví dụ như concept album của mấy band rock hay hip hop), hoặc một chủ đề theme hay tính nghệ thuật đại diện cho cảm xúc và cuộc đời của người nghệ sĩ trong từng giai đoạn. Ở thời đại mà nhạc online phát triển mạnh mẽ, bắt nguồn từ iTunes, việc tung ra album xem chừng như sản phẩm thừa thãi khi người mua có thể chọn các bài riêng lẻ để download về nghe riêng. Đến khi xuất hiện các phần mềm nghe nhạc với phí thường niên rẻ như Spotify hay Tidal, thì việc nghe nhạc theo cả album lại càng bị lãng quên. Còn gì tiện lợi hơn khi chọn bài ưa thích, click play rồi để chúng tự động chuyển sang các bài hát khác được gợi ý bởi AI (trí thông minh nhân tạo) được lập trình sẵn. Thế thì người nghệ sĩ phát hành album làm gì? Cứ sáng tác từng bài riêng lẻ rồi cho ra single. Đằng nào doanh thu bán đĩa bây giờ cũng tụt dốc hẳn so với trước đây rồi. May thay các ca sĩ / ban nhạc vẫn đi theo lối đi truyền thống, phát hành album cho những người còn quan tâm tới tính nghệ thuật trong âm nhạc một cách toàn diện của họ. Hơn cả là những người theo trường phái độc lập (indie). Họ sáng tạo âm nhạc, họ sản xuất các concept album để là một cái cớ cho người hâm mộ phải dành thời gian nghe toàn bộ đĩa từ đầu đến cuối. Bởi vì trong đó họ gửi gắm thông điệp hay cảm xúc nào đó trong từng album. Bởi cái họ hướng tới cuối cùng chính là một sản phẩm nghệ thuật trọn vẹn theo đúng chủ ý của họ. Một trong những nghệ sĩ mà tôi muốn lấy ra làm ví dụ trong bài này chính là Arcade Fire. Lần đầu tôi biết đến ban nhạc đến từ Canada này là qua giải Grammy diễn ra năm 2011. Đó là cột mốc đặc biệt khi Arcade Fire được xướng tên trong hạng mục ngon lành nhất - Album Của Năm cho đĩa The Suburbs, vượt qua mấy cái tên nổi như cồn như Eminem (Recovery), Lady Gaga (The Fame Monster), Katy Perry (Teenage Dream) và cả nhóm nhạc country Lady Antebellum (Need You Now) - một thể loại luôn được hội đồng Grammy ưa chuộng. Câu hỏi của tôi lúc đó là “Arcade Fire là bọn nào?”.


Hoá ra không phải mình tôi ngơ như vậy. Ngày ấy nhiều người yêu nhạc trên thế giới cũng mới được nghe đến cái tên đó. Năm 2011 đánh dấu lần đầu tiên một ban nhạc theo trường phái indie độc lập đoạt giải Album Của Năm. Arcade Fire có một đội hình đặc biệt hơn những nhóm nhạc indie khác. Với 6 thành viên chính thức (trong đó có cặp vợ chồng Win ButlerRégine Chassagne) cộng 3 người đi tour cùng, họ chơi đa dạng các nhạc cụ gồm guitar, trống, bass, piano, violin, viola, cello, xylophone, keyboard, accordion, mandolin, harp, ..v..v.. Nên ở các buổi lưu diễn, việc mỗi thành viên thay đổi liên xoành xoạch giữa các nhạc cụ là chuyện bình thường.


Ngoài chuyện đưa vào các nhạc cụ mang tính truyền thống nhưng ít gặp trong âm nhạc hiện đại, ban nhạc Arcade Fire còn có những quan điểm cái nhìn khá "cổ hủ" về sản phẩm nghệ thuật. Tay thủ lĩnh của nhóm, Win Butler đánh giá cao tầm quan trọng của một đĩa nhạc hoàn chỉnh. Không chỉ là âm nhạc, mà còn hình ảnh thiết kế của album và kỹ thuật ghi âm trong studio để đảm bảo một chủ đề (theme) xuyên suốt đĩa nhạc. Do sự tập trung chủ đích của Win mà tinh thần này thể hiện rõ trong bộ discography của ban nhạc. Trong bài viết này tôi không động đến đĩa The Suburbs (2010), Neon Bible (2007) hay Reflektor (2013), đều là những đĩa nhạc rất hay của nhóm mà các bạn cũng nên nghe. Thay vào đó chúng ta hãy tìm hiểu Funeral (2004) - album đầu tay mang tính đột phá của Arcade Fire để cùng cảm nhận. Cái tên đĩa - Đám ma - cho album đầu ra mắt xem chừng đã không có tính thân thiện với thị trường đại chúng rồi. Lý do cho cái tên Funeral là trong khi sản xuất đĩa nhạc này, bốn thành viên trong nhóm đều mất đi người thân trong gia đình. Do vậy “tinh thần album” có một màu sắc buồn, xoay quanh chủ đề tuổi trẻ, tương lai mù mịt và cái chết. "Tinh thần album" đầu tiên thể hiện ở phần âm nhạc. Mở đầu đĩa là một không gian âm thanh đầy đặn của tiếng synth, piano, tiếng keyboard lung linh, cello và guitar điện cho câu intro, và ngưng lại chuyển sang nhịp điệu đều của trống và bass cùng tiếng hát của Win. Tiết tấu mạnh mẽ hơn ở mỗi khúc điệp khúc. 



Bài thứ hai cũng lại là tiết tấu dồn dập ở mỗi câu điệp khúc. Trong bài có âm thanh chủ đạo của đàn accordion, điểm xuyết là những nốt lung linh của xylophone phía sau cũng giống bài thứ nhất. Trong bài này đã có sự giằng xé hơn giữa sự da diết của violin với tiếng guitar điện đánh những hợp âm nghịch tai tạo cảm giác cho người nghe một sự bức bối trong lòng. 

Bài thứ ba các âm thanh được tiết chế nhẹ nhàng để lấy lại cân bằng từ bài trước. Nhưng mà khúc cuối outro lại là sự dồn dập, để tiếp nối đến đoạn intro mạnh bạo hơn của ....

... Bài thứ tư. Vẫn lại là những âm thanh giằng xé được đối trọng bằng tiếng violin da diết đằng sau. 

Để rồi qua đến bài thứ năm lại quay lại sự yên bình. 

Và cứ thế, sự lên xuống trong âm nhạc của Arcade Fire trong Funeral mang đến cho người nghe cảm xúc biến đổi thăng trầm mà các nghệ sĩ muốn gửi gắm.

Điểm chung đồng nhất của âm nhạc trong Funeral chính là cách giữ nhịp đều đặn, có thể bằng tiếng trống, bass, hoặc guitar, mà không cần cầu kỳ ở nhịp phách. Cái hay chính là không gian âm thanh luôn đầy đặn bởi nhiều loại nhạc cụ phong phú độc đáo được lúc hoà quyện, lúc đối trọng và lúc tương xứng, nhưng cảm giác chung vẫn là sự hoang mang ở mỗi khúc cao trào và man mác buồn ở những khúc lắng đọng, được tăng phần hiệu quả đặc biệt ở giọng hát đầy cảm xúc của Win, và một ít bài do Régine - vợ anh đảm nhận, . Các bạn có thể để ý tôi không nói đến tên các bài hát ở trên cũng vì cách đặt tên khó nhớ của nhóm nhạc trong đĩa Funeral này. Ở nửa đầu của đĩa có đến mấy bài với cái tên là "Neighborhood" số 1, số 2, số 3, số 4 và chỉ khác từ chú thích trong ngoặc đơn bên cạnh. Đã thế xen kẽ là một track tên viết bằng tiếng Pháp. Điều đó cho thấy Win và ban nhạc không bận tâm việc track nào sẽ được làm single để quảng bá cho đĩa, mà họ muốn khán giả nghe trọn vẹn từ đầu tới cuối. "Tinh thần album" thứ hai nằm ở lời ca. Cái cảm xúc khi nghe Funeral được đẩy lên hoàn chỉnh nhất là khi đọc từng câu từng chữ trong lời bài hát để hiểu hơn Arcade Fire muốn gửi gắm ý tứ gì. Ở ca khúc đầu tiên, "Neighborhood #1 (Tunnels)", một khung cảnh buồn bã phủ trắng bởi tuyết, và một cậu thanh niên bỏ lại người cha người mẹ, khi họ cũng không còn tìm được hạnh phúc vợ chồng thuở ban đầu, để chính cậu lại là người tìm đến một hạnh phúc cho riêng mình với cô gái cậu yêu. Cậu ta và cô gái đào những đường hầm từ cửa sổ nhà để gặp nhau ở điểm giữa của thị trấn, và cùng nhau bắt đầu một cuộc sống mới, để lại phía sau gia đình và quá khứ. Một hình ảnh lãng mạn nhưng lại cũng thể hiện sự nông nổi của tuổi trẻ.  “And if the snow buries my, my neighborhood And if my parents are crying Then I'll dig a tunnel from my window to yours Yeah, a tunnel from my window to yours You climb out the chimney And meet me in the middle, the middle of the town And since there's no one else around We let our hair grow long And forget all we used to know Then our skin gets thicker from Living out in the snow” Và rồi sau đó họ có những khoảnh khắc hồi tưởng về người thân, căn nhà mà họ đã lớn lên, những người bạn thời thơ ấu. Một hình ảnh ẩn dụ buồn về sự thật của cuộc sống, khi con người ta vẫn luôn thay đổi, lớn lên, theo đuổi ước mơ riêng mình, để rồi quên đi quá khứ và những gì còn lưu lại trong tâm trí chỉ thi thoảng ùa về. "But we forgot all the names that The names we used to know But sometimes, we remember our bedrooms And our parents' bedrooms And the bedrooms of our friends Then we think of our parents Well what ever happened to them? " Ở bài thứ hai, "Neighborhood #2 (Laika)", Win mượn hình ảnh về chú chó Laika đã được đưa lên vũ trụ trong một chuyến hành trình một đi không trở lại “Alexander, our older brother Set out for a great adventure He tore our images out of his pictures He scratched our names out of all his letters Our mother shoulda just named you Laika”


Nếu như nhân vật trong bài thứ nhất bỏ lại quá khứ để theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình thì bài thứ hai là sự ruồng bỏ thế giới của nhân vật Alexander. Hình ảnh so sánh chú chó Laika được dùng để miêu tả về sự trầm cảm của nhân vật, trong cuộc vật lộn với cuộc sống, và dường như Alexander có những suy nghĩ tiêu cực với hơi hướng tìm đến cái chết để tự giải thoát bản thân.

Bài thứ ba, "Une Année Sans Lumière", được Arcade Fire sáng tác sau khi người thân của họ mất đi. Phần lớn ca từ trong bài bằng tiếng Pháp với ý nghĩa kể về nỗi buồn của người ở lại, mà họ đôi lúc nhìn thấy hình bóng của người thân đã khuất. Các ca khúc sau đó đề cập về những hình ảnh "ánh sáng" đối nghịch với "bóng tối", “tuổi trẻ”, đối lập với “trưởng thành”, “hạnh phúc” đối lập với “tan vỡ”, như sự vật lộn tìm kiếm mục đích sống của nhân vật trong câu chuyện. 

Mặc cho những khung cảnh có phần tăm tối đó, Arcade Fire dần mở ra những thông điệp mà họ đã khai sáng. Trong bài "Wake Up", ca từ có phần tích cực hơn khi nhân vật của chúng ta nhận ra là sai lầm mới giúp thức tỉnh và nước mắt mới làm con người trưởng thành  “Somethin' filled up My heart with nothing Someone told me not to cry Now that I'm older My heart's colder And I can see that it's a lie Children wake up Hold your mistake up Before they turn the summer into dust” Và ở ca khúc cuối cùng, "In The Backseat", một hình ảnh ẩn dụ buồn nhưng tuyệt đẹp về sự trưởng thành đó sau khi người thế hệ trước trong gia đình mất đi, là lúc đứa trẻ vô tư còn đang ngồi sau xe nhìn ngắm khung cảnh lướt qua giờ phải bước lên phía trước cầm chiếc vô lăng để tự mình làm chủ cuộc sống và tương lai bản thân.

"I like the peace In the backseat I don't have to drive I don't have to speak I can watch the countryside And I can fall asleep"


"Alice died In the night I've been learning to drive My whole life I've been learning"

Để hoàn thiện trọn vẹn hơn những thông điệp này, ở bìa đĩa là hình ảnh chiếc bút lông với những chiếc lá mọc ra từ chiếc bút theo từng nét viết, giống như nhân vật trong album này tiếp tục “chắp bút” vẽ nên tương lai với những chiếc lá mới tượng trưng cho thế hệ sau trong gia phả được chính người thanh niên gây dựng như người ông, người bà, người cha, người mẹ đã làm trước đó. Đây chính là "tinh thần album" thứ ba. Nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa, những ca từ càng làm cho việc cảm nhận từng ca khúc trong album Funeral được tràn đầy. Vì thế ý nghĩa của album được hoàn chỉnh trọn vẹn qua âm nhạc và lời ca trong, khiến cho việc tách các ca khúc ra riêng lẻ là điều khó khăn hơn. Nghe theo album hay nghe theo từng ca khúc là sở thích của mỗi người. Bản thân tôi vẫn nghe các ca khúc ưa thích của mỗi nghệ sĩ, nhưng mỗi khi khám phá ra một album hay, tôi cảm thấy mình như được thưởng thức một bữa ăn được nấu riêng đầy đủ khai vị, món chính và tráng miệng, thay vì lựa chọn bài mình thích như một bữa buffett, thỉnh thoảng thì ngon nhưng không mang lại một cảm xúc toàn diện. 


Hẹn gặp lại. Kink

497 views

Recent Posts

See All
bottom of page