Cũng hơi nhảm, nhưng có thật, ấy là trong một buổi bia bọt chém gió với mấy tay Kcid và Kroonie kia, Kink tôi hùng hồn tuyên bố: "Don’t Fear The Reaper" của Blue Öyster Cult là do Bruce Dickinson của Iron Maiden sản xuất, và chính Bruce đã có định hướng thiên tài khi gợi ý BÖC phải gõ Cowbell nhiều vào để tạo ra âm sắc không lẫn vào đâu được. Mấy tay kia đồng loạt ngã khỏi ghế.

“Con xin bố, bố mà đem chuyện này ra chém trên blog thì chết. Đấy là màn tấu hài của Will Ferrell trên Saturday Night Live, và nhà sản xuất không phải Bruce Dickinson, mà là The Bruce Dickinson do Christopher Walken làm lố”
Quả là trong thời đại anh tẹc nét này, không có chuyện gì quá đáng tin. Tôi cũng không tin hai tay kia lắm, nhưng rõ ràng là chúng nó xem TV nhiều hơn mình. Và kết quả nghiên cứu cho thấy tay gõ Cowbell tưởng tượng kia, Gene Frenkle (ban BÖC làm quái gì có tay này), chính là Will Ferrell. Màn kịch này nổi tiếng đến nỗi khi nhắc đến Cowbell là mọi người đều nhớ đến BÖC và “The Reaper”.
Nhưng tất nhiên, màn kịch thành công đến thế là nhờ giai điệu guitar đi vào kinh điển và sức lan tỏa khủng khiếp của bài "The Reaper" cuối thập niên 70, đầu thập niên 80.
Blue Öyster Cult là một ban nhạc khá đặc biệt, khi họ không phải là cái tên bán được quá nhiều đĩa (đâu như chỉ có vài album được Gold, 1 cái Platinum, và 1 cái Double Platinum), nhưng họ là cái tên có sức hút khủng khiếp trong các show diễn, và giành được sự yêu mến cực độ từ người Mỹ. Tất cả đến từ sự gần gũi trong văn hóa Mỹ trong nhạc của họ, giống như cách mà những King Crimson hay The Camel làm được ở bên kia bờ đại Tây Dương trong thập kỷ 70.
Không hiểu có phải vì đầu óc của mấy anh BÖC này phức tạp không, mà lúc đầu âm nhạc họ hướng tới là psychedelic rock. Ban nhạc loay hoay mãi để tìm một cái tên cho nó “khó hiểu”, xong lúc đầu thậm chí còn mang danh là Soft White Underbelly suốt một thời gian. Cái là, cho dù họ có làm gì, họ cũng tỏ ra rất “trí tuệ” bằng cách không có một lời giải thích chính thức nào quanh cái sự bí ẩn của họ, mà để cho fan đoán. Lời lẽ thì toàn nói chuyện mộng mị với sci-fi. Ngay cả cái tên Blue Öyster Cult cũng vậy. Có người thì bảo nó là cách chơi đảo chữ của Cully Stout Beer, có người thì bảo nó là dấu hiệu cuộc xâm lăng của Alien khi ông bầu Sandy Pearlman đi ăn tối đọc menu thấy có món Blue Oyster ám chỉ trái đất sắp bị tấn công. Các album nhạc của Blue Öyster Cult thì đều không in lời vào trong đĩa, mà để cho fan… tự đoán. Đến cây “Stun” guitar của Eric Bloom cũng được mô tả là được khai quật ở phòng chứa kỳ bí được canh bởi bốn tên robot khổng lồ cầm bốn cây kiếm chắn ngang con đường đi vào rải đầy xương trắng hếu. Trong khi về sau vui miệng thì anh Bloom giải thích là anh độ thêm cục phơ Fuzz vào cây đàn và gọi nó là "Stun" guitar nhờ xem phim Star Trek. Có lẽ cũng vì ảo vậy mà các fan giành thời gian tìm hiểu và yêu quý họ nhiều hơn.
Nói đi thì cũng phải nói lại, cũng không có nhiều ban nhạc mà ông bầu có vai trò lớn đến như thế. Sandy Pearlman không những quản lý BÖC, ông còn là nhà thơ, người viết nhạc, định hướng cho BÖC, nhà sản xuất âm nhạc (thời mấy album màu đen trắng), và cả nhà báo văn nghệ. Lũ ganh ghét thì bảo Sandy là quái thai vì không thể nhét chung hai thứ không đội trời chung là quản lý ban nhạc với nhà báo văn nghệ vào cùng một người được. Kệ đi, nhưng mấy trò “trí tuệ” của BOC hẳn cũng có nhiều thứ từ đầu óc quái đản của Sandy, bên cạnh mấy cái đầu của các thành viên đều là dạng “đáng nhẽ là” kỹ sư cả - nếu như họ không gặp nhau và jam nhạc dưới cái tên Soft White Underbelly, rồi sự nghiệp học hành đứt gánh.
Định hướng lúc đầu của Sandy Pearlman đầu thập niên 70s, thực ra là muốn tạo ra một ban nhạc đối trọng với Black Sabbath – một Black Sabbath cho người Mỹ (cũng chả biết có phải sau thấy ý tưởng đó cũng sci-fi quá không nên Sandy cho ban nhạc hát nhạc sci-fi luôn) Không lâu sau album đầu tay, BÖC rũ bỏ sự nghiệp psychedelic của họ để chơi heavy rock lẫn progressive. Màu sắc ảnh hưởng thì Black Sabbath có thể thấy từ những bài trong mấy đĩa đầu, như "Career of Evil" sau đây. Sandy cũng không ngại mời rất nhiều cây bút lừng danh vào sáng tác cho BÖC như Richard Meltzer, John Shirley, hay Patti Smith.
Thập niên 70s chứng kiến Blue Öyster Cult ra album toàn màu đen trắng, và cứ đĩa sau thì lại bán được nhiều hơn đĩa trước, với đỉnh điểm là album Secret Treaty (1974) và sau đó là Agents of Fortune (1976), là đĩa có hit nổi tiếng “Don’t Fear The Reaper”, thu hút được thời lượng phát sóng trên radio rộng khắp, thậm chí đến tận bây giờ bài đó vẫn được phát đều trên radio. "The Reaper" cũng mang theo âm thanh cực kỳ đặc trưng của BÖC, với tiếng guitar kiểu blues, tiếng trống căn chắc nịch nhưng cymbal phang xé tai, tiếng bass khô ấm nhưng lâu lâu có câu tu ti rất khó chịu. Chả mấy chốc, BÖC từ một band chuyên đi đánh mở màn cho Alice Cooper, vụt trở thành cái tên headlining cực nóng trên khắp nước Mỹ. Họ cũng không ngại làm theo công thức chiến thắng quen thuộc hồi đó khi ra album sau chu kỳ khoảng một năm, và ra 1 album live sau mỗi 2-3 album studio. Với sức làm việc đáng kinh ngạc đó, người được hưởng thành quả dĩ nhiên là các fan, những người đều đặn đón chờ đĩa của BÖC ra vào mỗi năm. Thật chả khác gì Black Sabbath hay Deep Purple.

Và rồi, BÖC như đạt được giấc mơ lâu nay khi cùng headline với Black Sabbath vào năm 1980, trong tour diễn khủng bố mang tên Black and Blue. Âu cũng nhờ Sandy Pearlman khéo léo vớ được luôn cái job làm quản lý cho Black Sabbath thời hậu Ozzy Osbourne. Nhưng sự thật hóa ra không đẹp như cái bìa đĩa, khi hai ban nhạc cũng chả được cơm lành canh ngọt với nhau lắm, nhất là trong việc (và hình như chỉ có mỗi việc) quyết định xem ai là người được headline mỗi đêm.
Nhưng cũng nhờ quen các anh Black Sabbath mà Blue Öyster Cult lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất Martin Birch lừng danh, người vừa trước đó sản xuất cho album Heaven and Hell, hay trước nữa là In Rock của Deep Purple (và sau này là một loạt các album của Iron Maiden trong thời NWOBHM). Đúng thế, chính là Martin Birch lừng danh đã chỉ cho Ronnie James Dio hát thế nào trong track Heaven and Hell, và sau đó chỉ cho Bruce Dickinson hát thế nào trong track Number of The Beast – để sau đó hai người đi vào lịch sử Heavy Metal. Martin tự nhận ông là kiểu nhà sản xuất luôn chọn cách phản chiếu cho các ban nhạc tỏa sáng theo sức của họ thanh vì định hình họ vào một âm thanh đã thành công – là kiểu của những nhà sản xuất giao phó cho họ thì chắc chắn thành công, nhưng là thành công cho nhà sản xuất đó (thưa ngài, Max Martin).
Dưới bàn tay của Martin Birch sản xuất, BÖC ra Cultosaurus Erectus (1980, tên nghe hiểm vãi, đĩa đạt Gold) – đĩa này tôi thích nhất của BÖC - nhưng thực tế là nó chỉ được ưa chuộng ở Anh, quê nhà của Martin Birch, và khá mờ nhạt ở Mỹ. Chắc tại band quên không chơi nhiều backbeat ở phần trống. Trong giai đoạn này, Blue Öyster Cult dường như đã đạt đến độ chín và dưới sự tự do kiểu của Martin Birch, tất cả các bài hát đều được thử nghiệm tối đa, và lời lẽ thì bài nào cũng đều có ý nhất hai lớp ý nghĩa. Chẳng hạn như bài “The Marshal plan” thì ý nói về World war II nhưng lại có lời lẽ nói về nhà sản xuất amply nổi tiếng. Album sau sửa sai, Fire Of The Origin (1981, đạt No 1 và Gold), trở thành album có lẽ là thành công nhất của BÖC và được giới phê bình đánh giá rất cao.
Single “Burning for you” có lẽ là track nổi thứ hai của BÖC chỉ sau The Reaper. Bên cạnh nó, những track như “Fire of Unknown Origin”, “Sole Survivor”, “Heavy Metal: The Black and Silver”, “After Dark”, và đặc biệt là “Joan Crawford” đều xứng đáng trở thành single cực thành công. Thực tế là “Joan Crawford” bên cạnh “Burning For You” là những track được phát cực nhiều trên radio ở Mỹ suốt thập niên 80s (tiếc rằng không có số liệu nào ghi lại được thời lượng này)
Tếu cái là, tất cả các hit lớn nhất của BÖC (The Reaper, Burning, Godzilla) đều được hát bởi tay guitar Buck Dharma chứ không phải ca sĩ chính Eric Bloom. Nói đến đây mới thấy sự đa dạng trong đội hình của BÖC, khi tất cả các cây trong band đều hát được, và đều hát chính một vài bài trong đĩa. Ca sĩ Eric Bloom ngoài chơi thêm món "Stun" guitar thì tôi nghĩ là biết gõ cả Cowbell nữa.
BÖC cũng là band tiên phong sử dụng trình diễn laser trong các buổi biểu diễn của họ để gây ép phê. Hồi đấy khoa học chưa phát hiện ra laser có hại cho mắt, nên BÖC tha hồ chiếu rọi đèn như oanh tạc khán giả phục vụ cho thứ âm nhạc sci-fi của họ: đúng là khán giả của BÖC xem show thấy phê lòi mắt theo nghĩa đen . Và tất cả những thứ chiêu trò đó, dường như chỉ càng làm cái tên BÖC trở nên hót hòn họt (thêm phần bí ẩn) trong làng biểu diễn nhạc sống, trong khi thực tế thì âm nhạc của họ, sau album lên đỉnh năm 1981 kia, bắt đầu xuống dốc không phanh, nhất là sau khi sa thải tay trống Albert Bouchard.
BÖC chưa bao giờ thừa nhận sự đi xuống của họ, vì rõ ràng họ vẫn là cái tên ăn khách trong các show diễn. Nhưng thực sự là các album của BOC ngày càng thưa và thậm chí đã có thời gian hơn 10 năm (từ 1988 đến 1998), ban nhạc không thể cho ra album nào mặc dù vẫn chăm chỉ đi lưu diễn. Với cá tính của họ, mấy tay ca sĩ Eric Bloom, tay guitar Buck Dharma, và ông em đánh bass Joe Bouchard cũng chưa bao giờ có ý định mời Alan Bouchard trở lại.
Kệ BÖC không nhận đi, tôi thì thấy đây là một trong những lần hiếm hoi trong lịch sử mà một ban nhạc Rock ngã quỵ đến mức không thể nhận ra sau sự ra đi của tay trống, người thường được cho là có ít đóng góp sáng tạo nhất trong ban nhạc (trừ trường hợp của Phil Collins với Genesis, hay Neil Peart của Rush là những người viết nhạc chính cho band). Tôi cho là Albert Bouchard chưa bao giờ có được sự ghi nhận mà anh đáng được hưởng, nhất là với tài năng của anh. Lối chơi trống của Bouchard rất nhịp nhàng mà phấn chấn, làm tôi nhớ đến nửa phần như Ian Paice (Deep Purple), nửa như Alex Van Halen (Van Halen) vậy, nhịp tay rất chắc và có thể múa trên giàn trên bất cứ lúc nào, trong khi tiếng nện chân thì đanh gọn mà có thể nhả vào những chố hiểm hóc. À đấy, trong khi Albert có lẽ là tay chơi nhạc cứng cựa nhất band, thì mấy ông còn lại thực ra cũng đều là nhạc sĩ tay ngang gặp nhau khi đều đang là sinh viên đại học mấy trường kỹ thuật ở New York có chung sở thích đọc truyện khoa học viễn tưởng. Có khi không có Sandy với Bourchard, mấy tay này có khi thành kỹ sư quèn hết cả rồi ấy.
Và dù là tôi đã thua hai tay Kroonie và Kcid vụ cowbell, bù lại, chúng tôi cũng đã có một thời gian thú vị cùng mở Cultosaurus Erectus (1980) và Fire Of Unknown (1981) ra nghe với nhau cả buổi tối, cùng sống lại thứ âm thanh hard rock/heavy pha lẫn sự chuyển mạch kiểu progressive thời đầu thập niên 80s.
Tiếc là, từ sau Fire Of The Unknown, không có thêm tiếng Cowbell đáng nhớ nữa.
Hẹn gặp lại!
Kink/ Kcid/ Kroon