Bạn có bao giờ tự hỏi, thờ phụng sự chết chóc có xấu không? Tôi cho là không, bởi chả cần nhìn đâu xa, ngay chính ở các nhà thờ đạo thiên chúa, cái nào chả thờ phụng một ông già gày nhom chết banh xác với máu me be bét trên cây thánh giá. Từ Mỹ tới Hàn Quốc, từ châu Phi tới châu Âu, cứ phàm là nhà thờ đạo chúa, hẳn là người ta đều quỳ lạy cái hình hài ghê răng đó. Nhạc Rock nặng, hay Metal, tự thân nó vốn có một nguồn gốc sâu xa không thể tách rời gắn liền với nhà thờ rồi, nên những đả kích về Metal và các nhánh của nó là những thứ đen tối và phản lại Chúa trời xem ra đều là những gán ghép duy ý chí. Còn những người nghe Death Metal ư? Tôi thấy lại càng lành mạnh nếu đem so với tư tưởng của Kinh thánh.
Nhưng trước hết, con đường nào thường dẫn mọi người tới với Death Metal? Chắc hẳn không ai bình sinh là một fan nhạc Pop hay Hip Hop, bỗng nhiên một ngày đẹp trời đi ra hàng đĩa và tìm đến những cái tên với bìa đĩa quái dị như Cannibal Corpse hay Death.
Thế là một ai đó là một fan của Death Metal sẽ sẵn sàng dốc lòng chia sẻ với bạn chặng đường gian nan của họ: thích nhạc Rock, một ít trong số đó sẽ tìm đến những thứ nhạc nặng hơn như Heavy Metal, một số ít trong số đó muốn tìm đến những thứ “bạo lực” hơn nữa. Vài người sẽ bỏ sang nghe Progressive, chỉ còn lại một số sẽ kết thúc ở con hẻm mang tên Death Metal. Với đa số mọi người, thì từ con hẻm đó chỉ phát ra những tiếng kêu khục khặc đầy khó hiểu.
Là một headbanger, bản thân tôi cũng phải thú thật rằng Death Metal không phải món tôi sẵn lòng nghe bất cứ lúc nào. Tôi nghe Death của Chuck Schuldiner bởi mấy lý do: khả năng chơi guitar của anh này, phần trống đầy tinh tế, và sự biến chuyển trong âm nhạc. Ngoài ra, cũng vì Chuck Schuldiner không muốn hát cao vút như những ca sĩ Metal khác, đâm quay ra hát gào tới nát cuống họng cũng là một lý do khiến âm nhạc của Death Metal trở nên thú vị. Tại sao ư? Nó mở đường cho việc viết lời không nhất thiết còn cần quá nhiều giai điệu và vần vò, trong khi phần nhạc phải nỗ lực hơn để trở nên thú vị khi phần giai điệu trong lời hát đã không còn.
Và đó là cảnh giới khi một ngày đẹp trời bạn ngộ ra sức hấp dẫn của Death Metal, cũng là khi bạn nhận ra tại sao những con người lẩn quất đâu đó quanh ta cũng yêu thể loại này. Death Metal nói riêng và nhạc Metal nói chung thường được ưa thích bởi nó có thể tạo cho ta một cảm giác mạnh mẽ và tự do, với một niềm tin mơ hồ rằng sức mạnh của Metal có thể gắn kết và thay đổi được cả thế giới này.
Hóa ra Death Metal cũng không hẳn chỉ rặt thứ âm nhạc khốc liệt với tiếng đàn được vặn dây thấp đục ngầu, trống nã như súng liên thanh, và lời lẽ rặt là về sự chết chóc. Nó thôi thúc ta phải theo dõi lời lẽ, ý tưởng, câu chuyện, và thậm chí phải đi google một số thứ để hiểu hơn sự khúc triết trong ý tưởng âm nhạc của nhóm người ít ỏi này. Có lẽ đó cũng là thứ tạo ra khác biệt của thể loại nhạc siêu cool này.
Làm sao mà không cool được khi thứ âm nhạc như của ban nhạc Death dường như thay đổi tiết tấu và nhịp khoảng 20 lần trong một bài, và các tay guitar của họ thì luôn có khả năng shred trên cây guitar của mình không thua gì một đại cầm thủ nào.
Đôi khi Death cũng trở nên sâu lắng và giai điệu
Điều hay ho nhất là tất cả những thứ đó đều bắt đầu từ một người: Chuck Schuldiner.
Có lẽ dù đã rời bỏ thế giới này từ rất lâu nhưng sự ảnh hưởng của Chuck với những nghệ sĩ chơi Death Metal vẫn còn vẹn nguyên tới tận bây giờ. Đó là nguồn cảm hứng của những kẻ dám đi vào một trong những nhánh hẹp nhất của Metal, chơi một trong những thứ nhạc khó chơi và khó trình diễn nhất, cho một lượng khán giả không lấy gì làm phong phú, chỉ để đạt tới một cảnh giới của âm nhạc cũng như được thỏa lòng giãi bày những tư tưởng trong những thế giới kỳ bí do họ tạo ra, những thế giới mà người nghe chỉ có thể ngộ ra được khi đã “nhập” được vào nó.
Nhưng ở góc tối của Death Metal, không nhiều người để ý ngay cả những nghệ sĩ Death Metal nổi danh nhất cũng không thể tự nuôi sống bản thân mình với cái thứ âm nhạc này. Nhưng dù cho có phải làm thêm nghề gì, những nghệ sĩ hiếm hoi chơi dòng nhạc này đều cố gắng tiếp tục con đường của họ bất chấp sự khó hiểu mà thế giới dành cho họ. Hãy tưởng tượng, hầu như không có ban nhạc Death Metal nào có thể bán được tới 6 chữ số "0" (1 triệu) đĩa, trong khi rất nhiều trong số họ đều là những nghệ sĩ đẳng cấp với trình độ và được đào tạo cao hơn rất nhiều người.
Vào đầu năm 2000, các bác sĩ ở thành phố New York đã mổ thành công cho Chuck Schuldiner để cắt bỏ bớt hơn một nửa của khối u nằm trong não của anh. Phần lớn số tiền này được chi trả bởi bố mẹ của Chuck từ số tiền dành dụm của họ.
Nhưng mọi chuyện chỉ kéo được đến đầu năm 2001, khi những cơn đau đầu của Chuck tiếp tục trở lại. Và kể cả những số tiền các đồng nghiệp chơi nhạc của anh quyên góp được, lẫn cả căn nhà mà bố mẹ anh phải bán đi để trang trải, cũng đã không cứu được một tượng đài âm nhạc ở tuổi 34.
******
Hẳn chỉ có những người trong gia đình Schuldiner là còn nhớ tới Frank, ông anh hơn Chuck 7 tuổi nhưng là người bạn chí cốt của ông em. Một ngày, khi đang trên đường về nhà từ nhà ông cậu ở bang khác, Frank Schuldiner đã không may bị tại nạn xe hơi và qua đời khi mới 16 tuổi. Chuck buồn đau hơn ai hết, và có lẽ cái chết của Frank đã luôn ám ảnh Chuck trong suốt cuộc đời cũng không quá dài của anh.
May mắn thay, Chuck tìm được niềm vui với cây đàn guitar, và khi Chuck có được cây guitar điện đầu tiên, anh đã không bao giờ rời khỏi nó nữa. Không có quá nhiều người chơi nhạc cùng chí hướng ở nơi anh ở, Chuck quyết định lập band với hai người bạn ở trường trung học. Tên ban nhạc là Mantas, biệt danh của tay guitar Jeffery Dunn của nhóm Venom. Hai đồng đội của Chuck lúc này là tay guitar Frederick DeLillo (tự là Rick Rozz) và tay trống kiêm ca sĩ Barney “Kam” Lee. Chuck viết hầu hết nhạc cho band, chơi cả guitar lẫn bass và chia sẻ cả phần hát với Kam Lee.
Mantas sau đó cho ra nhạc phẩm demo chỉ có 5 bài với cái tên Death by Metal, được ghi âm ở trong gara nhà Chuck. Không được ghi nhận xứng đáng, Chuck Schuldiner bỏ Mantas và thậm chí lưu lạc sang tận Toronto để tham gia nhóm Slaughter. Nhưng rồi anh nhanh chóng quyết định trở về Florida để tiếp tục con đường dang dở, vẫn với hai người bạn Rick Rozz và Kam Lee, nhưng lần này dưới cái tên mới toanh – Death – và người hát chính nay cũng chính là Chuck. Với gia đình Schuldiner, cái tên Death hẳn có phần từ sự ám ảnh từ cái chết của Frank Schuldiner. Còn với Chuck, Death sẽ giúp anh xây dựng nên một thế giới kỳ vĩ và thôi thúc sự tò mò như những bộ phim kinh dị cầu kỳ.
Vốn là một fan của Iron Maiden hay Manowar (thậm chí trong bài “Flattening of Emotions”, Chuck còn lấy lại nguyên đoạn riff của bài “Phantom Of The Opera”), không quá bất ngờ khi thứ âm nhạc của Death trong album đầu tay, Screaming Bloody Gore, mang đầy tính kỹ thuật với những màn phô diễn kỹ thuật và tốc độ của guitar và phần trống đầy sức mạnh. Nhưng điều bất ngờ nhất trong album này, ấy là cách hát gào đầy mới lạ của Chuck. Dĩ nhiên Chuck Schuldiner không phải người đầu tiên hát kiểu này, nhưng rõ ràng ở một thể loại chơi với âm guitar trầm đục, thay vì các ca sĩ Metal thường có giọng cao vút để bay vọt lên trên dải tần của tiếng riff guitar, giọng hát của Chuck như hoà cùng với câu riff và cứ thế rì rầm kể những câu chuyện trong thế giới của anh.
Bạn có nhận ra âm hưởng của Maiden trong bài này?
Và không giống như thứ âm nhạc của Maiden, Manowar hay những band Power Metal mà Chuck chịu ảnh hưởng trước đó – thứ âm nhạc luôn mang theo một tinh thần lạc quan hừng hực – thứ âm nhạc death metal mà Chuck tạo ra thường ít khi tạo cho người nghe một cảm giác dễ chịu. Kể cả khi đó là một câu guitar đầy giai điệu mà bạn cảm thấy thích thú, thì nó sẽ lập tức thay đổi chỉ sau 2 câu. Không bao giờ để một câu guitar giai điệu dài đủ lâu để người nghe có thể thấy quen thuộc, Chuck dường như chỉ chực nhồi đôi tai khán giả qua những lần đổi tiết tấu và tốc độ đầy bất ngờ. Như tiết tấu của một bộ phim kinh dị, âm nhạc của Death Metal cũng khiến người nghe có những trải nghiệm họ chưa từng có, khiến ta dường như có thể sống trong một thực tế hoàn toàn khác trong một khoảng thời gian ngắn, cho dù trong thực tế đó có phải đương đầu với xác chết hay những kẻ man rợ.
Tầm nhìn có lẽ là thứ đặt Chuck Schuldiner tách biệt khỏi những kẻ quyết phá cách ở thời đó. Chuck tạo ra Death vào năm 1984, cùng năm với Ride The Lightning của Metallica, và trong khi thrash metal đã trở thành một trào lưu không lâu sau đó, Chuck Schuldiner và Death cũng vẫn một mình trong khoảng thời gian khá dài trên một nhánh khác của con đường metal underground.
******
Như đã thú nhận ở trên, tôi không phải fan bự của Death Metal. Tôi cũng không nghe Death Metal từ sớm nữa. Nhưng cái sự nghe Death Metal muộn mằn xem ra cũng có cái hay, bởi bỗng nhiên cả lịch sử kéo dài gần 20 năm với 7 album của Death bỗng thu ngắn lại trong vài giờ đồng hồ tập trung cao độ. Đặc biệt là khi đem so sánh những ý tưởng sơ khai của Death ở album đầu tay Scream Bloody Gore với những Symbolic hay The Sound of Perseverance khi Death đã thành danh sau này, đã có những bước tiến đáng kể nhưng cũng rất nhất quán trong âm nhạc của Chuck.
Cũng phải nói thêm, ban nhạc tiền thân và cũng là nguồn cảm hứng lớn lao của Death là Venom đã là những người bắt đầu thứ nhạc Metal khùng khục với âm thanh đục ngầu và tiếng hát gào thét khiến người nghe phải cau mày. Với phần lời lẽ hát về quỷ sứ, địa ngục, và sự nguyền rủa, Venom cũng đôi lần khiến cho mọi người phải chú ý với những chủ đề gây sốc của họ, nhưng đa phần thì mọi người đều cho đó là những thứ mang tính giải trí nhiều hơn.
Nhưng Death đã đẩy tất cả những câu chuyện đen tối và kỳ bí lên một tầm cao hơn hẳn – đó là một thế giới của những tư tưởng. Khoan hay nói tới chuyện những tư tưởng đó có vĩ đại và xác đáng hay không, chí ít thì tất cả những gì người nghe lờ mờ cảm thấy bị thu hút từ Death Metal y như việc mọi người bị hấp dẫn bởi phim kinh dị.
Tận hưởng cảm giác kinh dị hóa ra còn giúp chúng ta thỏa mãn sự hiếu kỳ về những góc khuất đen tối trong mỗi người. Chỉ riêng việc theo dõi những câu chuyện trong thế giới của Death Metal và liên tưởng nó tới những suy nghĩ đen tối trong lòng đã đủ khiến ta cảm thấy run lên vì sợ. Nhưng khi chúng ta cảm thấy sợ sệt, não bộ ngay lập tức được đặt vào trạng thái báo động giống như adrenaline chuẩn bị được sẵn sàng bơm lên nghinh chiến vậy.
Tận hưởng những khoảnh khắc kinh dị còn giúp con người ta trở nên dễ gần với nhau hơn, và nhất là cái cảm giác bình yên dễ chịu khi những trải nghiệm gay cấn đi đến hồi kết thúc. Nó giống như cảm giác được chữa lành vết thương!
Đặt tất cả những bối cảnh này vào trong âm nhạc giàu kỹ thuật với những âm thanh đủ để khiến mọi người liên tưởng tới những gì đen tối nhất, Chuck Schuldiner vẫn thừa sức tạo ra những sản phẩm đầy tính nhạc với tiếng đàn và trống được thu âm rất rành mạnh với độ chính xác cực cao. Điều này sau đã trở thành bản sắc của Death, nhưng có lẽ đã được thể hiện rất rõ từ album thứ hai của họ, Leprosy (1988).
Một trong những ca khúc chuyển mình trong âm nhạc của Death
Những nhạc phẩm đáng nhớ như “Left To Die”, “Primitive”, hay “Pull the Plug” là những ví dụ điển hình với vô số những câu riff tuyệt vời và cả giọng hát rút hết ruột gan của Chuck. Tiếng guitar của Rick Rozz với cách chơi khác hẳn của Chuck cũng là một sự bổ sung đầy màu sắc cho phần lead guitar, dù rằng sau anh này cũng không được Chuck giữ lại. Death đã thành công khi tạo ra một thứ âm nhạc có ý tưởng rành rọt để thu hút người nghe, những cũng không phải hy sinh thứ âm thanh bạo lực của họ. Căng thẳng và căng thẳng hơn trong đôi tai của người nghe, nhưng khi đôi mắt dõi theo phần lời của album, cái đầu sẽ tự làm ra những ý niệm để kết nối hai cảm nhận này với nhau.
Âm thanh của Death đạt tới sự hoàn thiện vào album Human (1992). Chuck Schuldiner đã thay đổi hướng tấn công của mình từ những thứ giả tưởng tới những điều ghê sợ có thật ngay trong thế giới này. Vẫn giữ nguyên âm thanh đặc trưng của mình, album này có lẽ giàu sức ảnh hưởng và bán tốt hơn hẳn cũng bởi sự liên quan tới thế giới thật.
Có lẽ đến thời điểm của Human, các fan của Death đã có đủ một bộ sưu tập về những khái niệm xấu xa và đáng ghê tởm nhất của loài người. Giận dữ, sợ hãi, hay bất bình, người nghe sẽ luôn có thể tìm được một bài hát gần gũi trong nhạc của Death để chia sẻ.
Nhưng có lẽ album ưa thích nhất của tôi sẽ vẫn là Symbolic (1995) với những “Symbolic”, “Crystal Mountain”, “Zero Tolerance”, “Without Judgement”, v.v… có lẽ bởi nó mang nhiều cái sự “progressive” hơn là sự tàn khốc trong âm nhạc. Giọng hát của Chuck Schuldiner lúc này cũng đã dần từ gào khan chuyển lên gào thét. Quan trọng hơn cả, Symbolic mang đầy sự phiêu du mà có lẽ phải đợi tới album thứ 6 với hàng loạt sự thay đổi nhân sự, Chuck Schuldiner mới dám “đánh võng” trong âm nhạc mạnh đến vậy trong khi vẫn giữ nguyên được sự nguy hiểm và ma quái trong âm thanh của mình.
Màn chơi trống siêu đẳng của Gene Hoglan trong album này – album cuối cùng anh thu âm cùng Death – cũng đã trở thành sách giáo khoa cho các tay trống chơi nhạc Death/Black Metal và cả những tay guitar nữa. Đây là một minh chứng rõ rệt nếu như muốn nâng tầm tiếng guitar, tiếng trống là thứ cực kỳ quan trọng. Thứ âm nhạc mà Death chơi trong Symbolic đầy biến chuyển với hàng trăm câu riff khác nhau sẽ không có thể có hiệu ứng đó nếu như không có phần trống có khả năng cuốn theo câu riff. Và có bao nhiều tay trống có khả năng thay đổi nhịp và tiết tấu liên tục trong suốt gần một giờ đồng hồ như vậy?
******
Dù rằng Death Metal không phải lúc nào cũng nằm trong top ưu tiên của tôi về âm nhạc nặng, luôn có một sự ngưỡng mộ không nhỏ dành cho thể loại nhạc này không kém gì những thể loại khó nhằn khác như Progressive thời 70s hay âm nhạc của Frank Zappa. Tôi ước có thể biết nhiều hơn những người đã từng chơi cho Death, cũng bởi sự cầu toàn thú vị của Chuck Schuldiner đã khai quật ra tới vài chục nghệ sĩ có khả năng chơi nhạc đỉnh cao như vậy. Có lẽ cũng vì thế, mỗi lần quay lại với death metal, sẽ vẫn luôn có một điều gì đó thú vị đang chờ đợi.
Nghe Control Denied và tự hỏi Chuck còn có thể làm ra những gì nếu còn sống?
Tôi chỉ có thể kết lại rằng Death Metal là một thứ âm nhạc phức tạp nhưng đầy thú vị. Nó không dành cho tất cả mọi người, nhưng cũng biết đâu sẽ có một ngày bạn sẽ “ngộ” ra nó.
Dĩ nhiên Death Metal sẽ vẫn luôn ở đó cùng với di sản của Chuck Schuldiner. Và thế giới sẽ vẫn có những người tiếp tục cống hiến cho dòng nhạc này, dẫu rằng chỉ có một nhóm nhỏ những người nghe nhạc của họ.
Trong khi rất nhiều người vẫn đến nhà thờ để sùng bái một cái xác đầy máu treo trên thánh giá!
R.I.P Chuck Schuldiner (13/12/2001).
Hẹn gặp lại!
Kcid
so good, rất nhiều thông tin hữu ích đc chia sẻ. Mong bạn mang nhiều hơn vào các bài viết sắp tới cho con chiên sùng metal như mình có thể nghe đa dạng hơn về D E A T H