top of page

Iron Maiden (pt. 1): Chiến tranh thì có gì hay ho?

Updated: Nov 15, 2021

Metal luôn được sùng bái bởi mấy gã "cuồng" như tôi như là thứ âm nhạc dành cho sức mạnh và sự phản kháng, và không phải thứ âm nhạc dành cho tình yêu. Tiếng guitar hừng hực, tiếng trống mạnh mẽ dồn dập, phần solo réo rắt, và cả những câu hát khiến cho tất cả mọi người muốn hòa ca. Và có lẽ mức độ cao nhất của sự phản kháng là những cuộc chiến tranh.


Nhưng hóa ra, viết nhạc về chiến tranh lại không đơn giản. Dù rằng bản chất của con người là thích cạnh tranh và chiến thắng, không một ai muốn tỏ ra mình yêu mến những cuộc chiến tranh cả. Chưa kể, chiến tranh thì luôn có bên thắng bên thua và nếu không kể câu chuyện một cách khách quan, âm nhạc của bạn chỉ càng làm cho người nghe trở nên chia rẽ.


Iron Maiden hẳn là ban nhạc bậc thầy trong việc sáng tác nhạc về các cuộc chiến. Ít nhất thì họ là band tôi ngưỡng mộ nhất trong khoản này. Nếu như bạn chưa biết về Iron Maiden, thì mấy đề tài ưa thích của họ là chiến tranh, tôn giáo, cái chết, và mấy chương trình TV ăn khách. Họ gọi các fan của họ là binh đoàn. Và họ không viết nhạc về tình yêu.


Thật là khó cho một band có thể duy trì khả năng viết và biểu diễn nhạc với phong độ luôn được duy trì ở mức cao nhất trong suốt hơn 4 thập kỷ (dù họ cũng không thiếu thời gian chìm nghỉm ở thập niên 90s), nhưng mỗi khi họ trở nên bí đề tài hoặc trở nên dễ đoán trước với lối chơi nhạc ngựa phi, Maiden luôn quay lại đề tài chiến tranh và cũng nhờ nó, khai thác những câu chuyện từ cái kho vô tận của lịch sử, cũng như làm cho âm thanh của họ trở nên u ám và đen tối hơn khi album cần có thêm góc cạnh. Ấy là chưa kể, những cuộc chiến cũng là nơi lý tưởng để thao diễn khả năng diễn đạt theo chương hồi, nơi mà sự đam mê nhạc progressive của Maiden tìm được đất diễn. Sẽ là không thể nếu như bắt một ban nhạc đã chơi cả chục album phải tiếp tục tìm ra những lối chơi mới hay âm thanh mới, nên thay vào đó, Maiden giữ lối chơi thương hiệu của mình để tiếp tục kể những câu chuyện mới. Khán giả như được lọt vào những thế giới tồn tại song song, và không hề có cảm giác mệt mỏi khi bị cuốn theo những cuộc phiêu lưu dài cả chục phút như cách Maiden làm nhạc sau năm 2000s.


Iron Maiden vốn là một ban nhạc heavy metal được lập ra ở London vào cuối thập niên 70s thời hậu Punk Rock (hay còn được biết đến với cái tên New Wave of British Heavy Metal hay NWOBHM); với trưởng nhóm là tay bass Steve Harris, guitar Dave Murray và tay trống Clive Burr. Ca sĩ lúc đầu của họ là Paul Di’Anno, một gã hát đầy chất Punk với giọng khỏe và gằn. Di’Anno trở thành ca sĩ của Maiden dù anh chưa bao giờ thích nghe metal cho tới khi nghe nhạc của Steve Harris. Cũng có nơi nói anh tham gia Maiden sau khi được 2 cô thổi kèn trong toilet sau một buổi diễn thường lệ. Thành viên còn lại của Iron Maiden là tay guitar thứ hai, Dennis Stratton, một gã thích chơi nhạc Pop hơn là tham gia một ban nhạc ảnh hưởng cho cả một thế hệ.


Cũng vì thích Pop nên Stratton rất thích hoà âm bè. Tin tốt là Dennis Stratton cùng Dave Murray và Steve Harris đã tạo ra âm thanh 3 guitar bè cực kỳ đặc trưng ngay từ album đầu tiên Iron Maiden (1980), còn tin xấu là Stratton đòi thu âm hát bè vào bài “Phantom of the opera” cùng Paul Di’Anno. Chưa bao giờ Iron Maiden có ý định hát nhạc giống như Queen, thế nên Dennis Stratton bị cho đi nghỉ ngay trước khi thu album thứ hai, dù những đóng góp về phần guitar của anh trong những “Phantom of The Opera”, “Transylvania”, hay “Sanctuary” đã ghi dấu âm thanh đặc trưng của Maiden. Có nơi còn đồn rằng anh bị sếp Harris ghét vì Steve muốn Stratton mặc quần bò quần da nhưng Stratton thì không. Thú thực, cách ăn mặc của đám Maiden thời đó bị anh em ở London gọi là "Cunt Kit". Adrian Smith, một người bạn cũ của Dave Murray từ band Urchin trám vào vị trí guitar thứ hai, và dĩ nhiên không phản đối khi bị gọi là "cunt".


Không khó đoán khi album đầu tay của Iron Maiden cũng là một thứ hầm bà làng như các thành viên của họ, chứ cũng chưa đủ tỉnh táo để chiêm nghiệm về chiến tranh đâu. Trừ một yếu tố xuyên suốt: sự hòa quyện của 3 cây guitar. Đúng vậy, mặc dù chơi bass nhưng phần chơi của Steve Harris không khác gì một tay guitar thứ ba trong band. Không khó để nhận ra tiếng bass của Steve Harris lúc nào cũng được đặt trịnh trọng ở chính giữa và tiếng bass thậm chí còn ở gần tai người nghe hơn cả tiếng guitar. Mặc dù bình sinh không khoái Punk, Steve Harris học được điều khiến thứ nhạc này lại hút khách: tốc độ. Do đó anh muốn band chơi càng nhanh càng tốt để đẩy độ kích thích lên đỉnh điểm. Ném thêm vào những màn đổi tempo tạo tương phản, nhạc Iron Maiden tự nhiên mang tính progressive đầy hứng thú.


Kể cũng lạ, vì NWOBHM dù đặc trưng bởi lối chơi nhanh, nhưng có lẽ lại không phải thể loại sở hữu những người chơi guitar kiệt xuất. Mọi người thời đó phát cuồng vì NWOBHM bởi vì nó đặt dấu chấm hết cho sự nhàm chán của Punk Rock, nhưng thú thật, đa số các band NWOBHM đều không chơi thứ guitar cuốn hút khiến người nghe muốn nghe đi nghe lại nhạc của họ. Có lẽ phần chơi guitar đôi là thứ mà Iron Maiden hay Judas Priest là những band thú vị duy nhất từ NWOBHM, và cũng phần nào giải thích kết cục chóng vánh của thể loại nhạc này chỉ trong vòng cỡ nửa thập kỷ.


Nhưng trước mắt, việc chơi guitar bè với nhau chỉ khiến Iron Maiden nghe thật nhạt nhòa ở những khán phòng chất lượng âm thanh không tốt, nhất là khi họ chưa có tiếng tăm và vẫn phải chịu đi đánh khởi động cho những band khác – một lý do khiến âm thanh dành cho họ nghe như ruồi bay vè vè.


Lần nhớ đời nhất hẳn là khi họ đánh khởi động cho Judas Priest, ban nhạc già giơ và nhiều kinh nghiệm hơn họ, cho album Point of Entry. Judas Priest, cũng có hai cây guitar chơi bè, đã dạy cho Iron Maiden một bài học ai mới là Metal God với âm thanh gộc và độ chính xác khi chơi guitar bè cực cao. Cũng từ đó, Iron Maiden và Judas Priets trở thành hai ban nhạc Anh luôn hằm hè nhau. Có điều, cũng nhờ sự điều hành đáng ganh tỵ của nhà quản lý Rod Smallwood, rider của Maiden từ sau đó luôn có yêu cầu nhất định về kích thước sân khấu và âm thanh. Chính Judas Priest đã bị một phen nhớ đời khi bị Maiden từ chối đánh khởi động cho họ ở một show sau đó mà vẫn điềm nhiên nhận đủ tiền cát xê vì sân khấu dành cho Maiden nhỏ quá. Judas Priest đã không đọc kỹ hợp đồng.


Album thứ hai Killers (1981) được sáng tác hầu hết bởi Steve Harris và phần nhiều là những bài còn sót lại từ album trước. Mặc dù vậy, âm thanh của đĩa này đã được cải thiện một cách đáng ngạc nhiên với sự trợ giúp đầu tay của nhà sản xuất đại tài Martin Birch, người lúc đó đang nổi như cồn sau khi sản xuất Heaven and Hell cho Black Sabbath cùng ca sĩ mới toe R.J Dio. Steve Harris đã gieo những mầm mống về âm nhạc của Iron Maiden với âm thanh và những chủ đề xuyên suốt trong album, trong khi vẫn tận dụng tối đa tài năng của ca sĩ Paul Di’Anno khi làm nhạc theo chủ để giết chóc. Thật vậy, chất giọng khỏe và khả năng hát đầy biểu cảm ở âm vực trung khiến Paul Di’Anno là người hợp nhất để hát về mấy tay giết người và mấy chuyện rùng rợn. Hai ca khúc mang đề tài chiến tranh, thử đoán xem, lại là hai bài instrumental (“Ides of March” và “Genghis Khan”), nghĩa là không có giọng hát của Paul Di’Anno.


Mặc dù Killers vẫn luôn là một album độc đáo theo cách của riêng nó, ở thời điểm đó nó không được hoan nghênh cho lắm. Tệ hơn, chính ca sĩ Paul Di’Anno cũng không đồng tình với cách làm nhạc như vậy – các ca khúc thiếu cái tư tưởng phá phách của Rock còn các đồng đội của anh thì quá hiền lành tốt tính. Paul tin là giọng hát, cái thái độ rock and roll của mình (mà cả band đều không khoái) đã đóng góp tới 30% thành công của band trong thời gian anh hát chính. Paul Di’Anno cũng tự cho mình là diva khi đòi phòng thay đồ riêng, và desk thèm nói chuyện với ai.


Tất nhiên, về phía “sếp” Harris, tay này không nghiêm túc và tiệc tùng quá nhiều. Thể lực của Paul Di’Anno cũng không đảm bảo cho lịch lưu diễn dày đặc của band khi gã vẫn tiếp tục chơi thuốc suốt 24 giờ một ngày. Thế nên ngay trong khi thu âm Killers, Steve đã biết sẽ Paul Di’Anno sẽ phải lên đường. Người thay thế cho Paul Di’Anno, một người có âm vực rộng hơn và mang nhiều tính prog hơn, đã được nhắm từ ban nhạc đối thủ Samson: Bruce Dickinson.


Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng giọng hát cao vút và tính cách đập vào mặt của Bruce Dickinson đã khiến âm nhạc của Maiden từ sau Killers trở nên máu chiến hơn rất nhiều. Paul Di’Anno, dù có vẻ bề ngoài là một ngôi sao nhạc Rock, lại không hẳn là một tay hiếu chiến như Dickinson. Với bản tính nghịch ngợm từ bé, Bruce đã từng bị đuổi học vì tè vào đĩa ăn của thày hiệu trưởng. Khi bắt đầu tham gia trình diễn cùng Maiden, Bruce Dickinson còn tập thêm món đấu kiếm và thậm chí còn chơi giỏi đến mức đại diện cho nước Anh đi thi đấu giải vô địch thế giới.


Album tiếp theo của Iron Maiden, Number of The Beast, được phát hành vào tháng 3 năm 1982, nghĩa là chỉ 5 tháng sau khi họ đổi ca sĩ. Nếu như Iron MaidenKillers gồm toàn những bài được Steve Harris chuẩn bị trong thời gian dài từ thời cuối thập niên 70s, tới Number of The Beast, họ đã có thể trình làng một loạt những ca khúc mới với một sự thách thức mới tinh.


Quan trọng hơn, từ nay Maiden đã có thêm sự sát cánh trong viết nhạc với ca sĩ Bruce Dickinson và tay guitar Adrian Smith chia sẻ gánh cùng Steve Harris. Không hiểu có phải trùng hợp hay không, nhưng đa số những ca khúc viết về chiến tranh hoặc chiến đấu trong suốt thời gian đỉnh cao của Maiden ở thập niên 80s đều có công góp bút của một hoặc cả hai con người này.


Number of the Beast bắt đầu bằng một ca khúc nói về chiến tranh, “Invaders”, và ca khúc khiến họ trở nên được biết đến nhiều hơn ở Mỹ, “Run To The Hills”, cũng là một ca khúc nói về chiến tranh giữa người da trắng và thổ dân Mỹ. Và mặc dù Bruce Dickinson bị hợp đồng của hãng đĩa cũ ràng buộc khiến anh không thể có credit trong album này, giới thạo tin đều tin rằng lời lẽ kiểu này thì không thể thiếu phần chắp bút của Bruce D.

White man came across the sea/ He brought us pain and misery

He killed our tribes, he killed our creed/ He took our game for his own need

We fought him hard, we fought him well/ Out on the plains we gave him hell

But many came too much for Cree/ Oh will we ever be set free?


Iron Maiden làm luôn một lèo ba album đỉnh cao: Number of the Beast, Piece of Mind, Powerslave và đóng lại một chu kỳ cực kỳ thành công với tour diễn kỷ lục kéo dài hai năm (kết quả là album Live After Death kinh điển), đưa họ lên tầm của một ban nhạc Heavy Metal hàng đầu thế giới. Hoặc chí ít cũng là ban nhạc Heavy Metal được nhắc đến nhiều nhất thời đó.


Và những ca khúc nói về chiến tranh thì không bao giờ thiếu. Trong Piece of Mind (1983), có thể nhắc ngay đến “The Trooper”, ca khúc nói về một trận đánh giữa quân Anh và quân Nga trong cuộc chiến tranh Crimea ở thế kỷ 19 (Anh thua bét bè be). Nhờ Iron Maiden, tôi đã biết thêm về một cuộc chiến phủ khắp châu Âu và có lẽ độ hoành tráng chỉ thua mỗi Thế chiến. Và rồi còn “Sun and Steel”, ca khúc nói về Miyamoto Musashi, tay kiếm lừng danh kiêm nhà tư tưởng đại tài từ nước Nhật xa xôi.


Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất với tôi vẫn là “Where Eagles Dare”, ca khúc lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên năm 1968 do Richard BurtonClint Eastwood thủ vai nói về hai anh này dẫn một đội quân đồng minh đi cứu ông tướng bị kẹt bên trận địa của Đức trong thế chiến. Câu dồn trống vang dội chạy qua chắc phải 100 cái tom từ trái qua phải của Nicko McBrain đã mở đầu hoàn hảo cho cả album này, cũng như chào hàng cho chính anh khi trở thành thành viên mới thay cho Clive Burr. Cũng giống như Bruce Dickinson khi mới chân ướt chân ráo vào band đã được Martin Birch thách phải hát câu đầu tiên bung hết được những trải nghiệm của cả cuộc đời (trong bài "Number of The Beast"), Nicko McBrain "được" chính Bruce thách đánh được câu dồn trống cho ra màu sắc như Cozy Powell trong "Stargazer". Nicko đã định từ chối vì câu đó phải đi bằng chân bass đôi, nhưng khi Bruce móc rằng chắc chỉ mỗi Ian Paice của Deep Purple đánh được, Nicko McBrain đã tập mất mấy ngày và đánh được câu dồn cực nhanh đó chỉ bằng chân bass đơn. Thế trong suốt bao năm diễn live, McBrain vẫn chỉ chơi chân bass đơn. Và bằng chân trần.


Đến Powerslave (1984), cảm hứng về các cuộc chiến tràn ngập trong những “2 Minutes to Midnight”, ca khúc nói về ngày tận thế của loài người là hậu quả của chiến tranh hạt nhân. “Flash of the Blades” và “The Duelist” thì nói về mấy cuộc đấu kiếm chí chát. Nhưng đáng nhớ nhất hẳn sẽ vẫn luôn là ca khúc mở đầu “Aces High” với lời hiệu triệu của Winston Churchill. Tôi đã từng được xem Iron Maiden ở Singapore năm 2012, và đúng là khi giọng của Churchill cất lên, một cảm giác dựng sống lưng lan ra khắp toàn thân. Và khi tiếng trống của Nicko Mc Brain chuyển nhanh trước khi vào đoạn verse, cảm giác tất cả các sức mạnh trên thế giới đều được truyền vào trong người và cả đám khán giả như một đội quân hừng hực sức mạnh đã sẵn sàng lao ra mặt trận.


Đặc điểm chung của tất cả các ca khúc kiểu này là trong khi phần nhạc của Maiden luôn tạo ra những không gian hùng tráng, thì phần lời của bài hát luôn thẳng thắn về những điều ngu ngốc và nghiệt ngã do chiến tranh tạo ra. Đó là điều khiến tôi luôn kết âm nhạc của Iron Maiden: không khoan nhượng trước những thứ tàn ác xấu xa, nhưng cũng không giấu diếm sự đam mê trước những thứ oai hùng trong các cuộc chiến. Cũng có thể đó là lý do chúng ta vẫn thường chơi đánh trận giả khi còn nhỏ. Cũng có thể đó là lý do chúng ta vẫn mê chơi game chiến đấu khi đã già.


Đã có một sự hẫng hụt thấy rõ trong âm nhạc của Iron Maiden trong mảng đề tài này khi tay guitar Adrian Smith rời nhóm sau album Seventh Son of a Seventh Son (1987), và tiếp đến là sự ra đi của Bruce Dickinson sau Fear of the Dark (1992). Steve Harris đã trầy trật “gánh team” trong suốt thập niên 90s dù vẫn kịp cho ra những ca khúc viết về chiến tranh cực đáng nhớ như “Afraid to Shoot Stranger” nói về chiến tranh vùng vịnh, hay “The Clansman” nói về cuộc khởi nghĩa của người Tô cách lan trước ách thống trị của người Anh (thiếu mỗi điều đặt tên bài là "braveheart"). Nhưng Iron Maiden hoàn toàn có thể đã lụi tàn vào cuối thập niên 90s trước một thế giới nhac Rock đầy lạ lẫm với sự bành trướng của âm nhạc hát về nội tâm như Grunge và Britpop, hay sự giản lược trong cách chơi guitar của Nu Metal.


Trong khoảng thời gian này, ca sĩ solo Bruce Dickinson đã cố gắng đi đến tận cùng của những cuộc chiến tranh bằng cách tham gia buổi biểu diễn từ thiện ở Sarajevo ngay giữa cuộc chiến tranh Balkan. Adrian Smith thì bỏ đàn đi chiến đấu với mấy con cá ngoại cỡ cùng thú vui câu cá sinh thái. Còn "sếp" Harris thì căng mình với những cuộc chiến vô hình từ cuộc hôn nhân đổ vỡ đầu thập niên 90s, và nhất là sự quay lưng của các fan của Maiden trước ca sĩ có giọng hát tuyệt vời nhưng âm vực không được như ca sĩ cũ của họ, Blaze Bailey.


Tôi đã từng không nghe Iron Maiden trong hơn 10 năm, khoảng thời gian giữa album The X FactorThe Final Frontier. Tôi đã nghĩ họ đã hết thời cho đến khi tình cờ có trong tay album năm 2010. Nó đã khiến tôi phải tìm lại Dance of Death (2005) và nhất là A Matter of Life and Death (2006), một album siêu đẳng nữa.


Có thể, Steve Harris trong thời gian tôi không để ý, đã kịp nhận ra rằng không cần có thêm một cuộc chiến tranh trong nội bộ của Iron Maiden nữa. Bruce Dickinson và cả Adrian Smith đã được mời trở lại từ năm 1999, và tay guitar thay thế cho chính Adrian Smith, Janick Gers đã không phải ra đi. Steve Harris đã nhận ra rằng Iron Maiden có chỗ cho tất cả mọi người trừ những người anh không thích, và rằng ở Maiden không có chỗ cho cái tôi. Những điều kiện được đặt ra của Bruce và Adrian khi trở lại, 1- sẽ không thu âm ở studio nhà Steve Harris nữa mà ra studio, và 2- sẽ không để Steve Harris tự sản xuất như 2 album trước nữa (tiếng bass to quá thể) mà hãy để cho nhà sản xuất Kevin Shirley vặn núm, đều đã được chấp thuận.


Iron Maiden đã không cần giấu diếm sự đam mê các cuộc chiến của mình, và ra A Matter of Life and Death vào năm 2006. Không cần một ca khúc nổi bật để tạo hit, cả album này lừng lững như một tuyển tập các câu chuyện mang cùng một đề tài chiến tranh. Âm thanh nặng và đen tối, những màn màn thay đổi tốc độ, những khúc chuyển nhịp chẵn lẻ, và cả những vòng hòa âm mà Maiden chưa từng dùng bao giờ. Đó là những “The Pilgrim”, “Out of the Shadows”, “For the Greater Good of God”, hay “The Legacy”, và nhất là “Brighter Than a Thousand Suns”. Chỉ riêng việc Iron Maiden chọn đi lưu diễn trọn bộ album này trong một set, điều họ chưa từng làm với những album trước đây, đã cho thấy họ hết mình với sự đam mê của mình thế nào, và cả sự tự tin khi trình diễn những thứ họ muốn trước thế giới ra sao.


Và đây, đến năm 2021, họ lại tiếp tục cho ra một album đầy tính chiến đấu như Senjutsu (nôm na: Kỹ chiến thuật). Một album đúng nghĩa là gom đầy đủ những kỹ chiến thuật của họ trong suốt sự nghiệp dài 40 năm mà nghe vẫn không hề bị nhàm tai hay lặp lại.


Ai có thể cưỡng lại được cái sự bi tráng trong các câu chuyện chiến tranh?


Hẹn gặp lại!


Kcid

936 views

Recent Posts

See All
bottom of page