top of page

Cold Chisel: Khe Sanh

Có một người lính Úc khi rời khỏi chiến trường Quảng Trị - một trong những chiến trường khốc liệt nhất chiến tranh Việt Nam - vào năm 1973 đã không bao giờ có thể trở lại cuộc sống bình thường nữa, vì những gì anh bị ám ảnh từ trận chiến Khe Sanh năm 1968. Nếu như bạn có 5 phút để đọc, hãy thử cùng dõi theo câu chuyện cuộc đời gói gọn trong 40 dòng của anh trong ca khúc Rock "Khe Sanh" của Cold Chisel phát hành trong album đầu tay của họ năm 1978.


Câu chuyện được kể như từ giọng của chính người lính ấy, khi nước Úc góp một vài binh đoàn vào chiến tranh Việt Nam cùng quân đội Mỹ và quân đội Nam Việt Nam. Ý tưởng của bài hát như được tóm tắt ngay từ trong mấy câu đầu, khi anh mô tả phần trái tim đã để lại cho những công binh ở cái nơi nhiều bom đạn chưa từng thấy (Quảng Trị), và phần hồn thì anh cũng đã bán luôn ở nơi đó rồi.

I left my heart to the sappers round Khe Sanh And the soul was sold with my cigarettes to the black market man I've had the Vietnam cold turkey From the ocean to the Silver City And it's only other vets could understand

Trở về từ "chảo lửa" nơi ngày đêm đương đầu giữa sự sống và cái chết, những gì các cựu chiến binh Úc nhận được chỉ là sự lạnh nhạt của đất nước mà anh phụng sự, chỉ vì các anh trở về từ phe không dành chiến thắng, trái ngược với những người lính ANZACS trở về từ thế chiến thứ hai và được tung hô như những người anh hùng. Và đâu đó còn vẳng lại những lời hứa "ngây thơ" của cô gái hồi đó trước khi anh rời cảng:


About the long forgotten dockside guarantees

How there were no V-day heroes in nineteen seventhy-three  How we sailed into Sydney Harbor Saw an old friend but I couldn't kiss her She was lined, and I was home to the lucky land


Đoạn hay nhất của bài có lẽ là đoạn mô tả sự vật vã trong cô đơn của người lính trong sự ám ảnh và hoang tưởng khiến anh phải tìm đến ma túy (speed/novacaine). Và từ góc nhìn của anh - điều này lý giải tại sao mọi người không hiểu được những gì cựu chiến binh trải qua - chỉ là màu vàng của những tờ giấy của tòa án, tiếng gõ máy chũ lạch cạch như tiếng súng lên đạn, sự sợ hãi ngay cả từ sự tĩnh lặng của bãi đậu xe. Ở thời điểm mà hội chứng PTSD (Post Trauma Stress Disorder - Rối loạn stress sau sang chấn) hãy còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, tất cả những ám ảnh của cựu chiến binh đều dày vò và tra tấn tâm trí của họ hàng ngày, mà không mấy người ngoài kia có thể hiểu được.


And the legal pads were yellow, hours long, pay packet lean  And the telex writers clattered where the gunships once had been  But the car parks made me jumpy  And I never stopped the dreams  Or the growing need for speed and novacaine

Chấp nhận thực tế, anh lao vào tìm công việc để trở lại cuộc sống như người bình thường, lang thang khắp đất nước, làm việc trên giàn khoan chỉ để được "flight chopper whenever I could" (cũng là từ ám ảnh chiến tranh), rồi bất đắc chí đi lang thang khắp thế giới nhưng mỗi nơi anh đến, kể cả quay lại "South East Asia" hay thậm chí về cả Việt Nam (drifting north, to check things out again), mỗi ngày trôi qua chỉ càng làm anh thấy vô định và trong đầu lúc nào cũng chỉ ám ảnh về một thứ gì đó mơ hồ không lời đáp (but the answer sure ain't there).


Bài hát như khép lại với một loạt câu hát đi hát lại về một chuyến bay vô định từ Sydney "the last plane out of Sydney's almost gone". Anh vẫn ngồi đó trong phòng chờ, vẫn bị ám ảnh giữa một bên là câu hỏi không lời đáp về chiến tranh, và một bên là những thứ xa hoa như đến Hong kong và tìm một khách điếm cho quên hết tất cả (I'm gonna hit some Hong Kong mattress all night long). 


Nhưng có vẻ hai lần hát đi hát lại đoạn cuối "the last plane out of Sydney almost gone" khiến ta cảm thấy anh không còn thiết câu trả lời cho bất cứ điều gì nữa. Ma túy, gái, công việc, và những chuyến đi đều không thể hàn gắn lại những mảnh vỡ trong đầu óc anh. Và dường như trong khi anh vẫn đang tự hỏi mình, có lẽ chiếc máy bay đã rời khỏi Sydney.

Well the last plane out of Sydney’s almost gone

You know the last plane out of Sydney’s almost gone And it’s really got me worried, I’m goin’ nowhere and I’m in a hurry You know the last plane out of Sydney’s almost gone.

Bài hát kết thúc và tôi vẫn loay hoay không hiểu chuyện phần sau cuộc đời của anh lính, người mà tác giả - nhạc sĩ Don Walker - quen từ sau cuộc chiến. Cách viết nhạc trong bài này của Don Walker cũng lạ, khi cố tình không có đoạn điệp khúc mà chỉ toàn phần verse kể chuyện. Nó khiến cho người nghe như tôi vẫn hy vọng cho đến tận phút cuối, là sẽ có một đoạn điệp khúc để kể lại đoạn sau cuộc đời của người lính đó. Cũng có thể, bài hát vốn có điệp khúc nhưng Don Walker đã cố ý bỏ nó đi để bài hát không bao giờ "hoàn thiện"?

*** Bài hát "Khe Sanh" được Don Walker viết khá ngẫu hứng từ những câu chuyện ông biết được từ những cựu chiến binh xung quanh. Thậm chí ngay cả ca sĩ chính của Cold Chisel, Jimmy Barnes, cũng rất ngạc nhiên khi thấy bài này vì Don thường viết nhạc rất giỏi nhưng thường lâu la cầu toàn, nhưng riêng "Khe Sanh" thì được viết khá là nhanh với hợp âm đơn giản, và band đã quyết định chơi nó theo kiểu country Rock (mặc dù ý định lúc đầu của Don là chơi kiểu punk rock). Và kỳ lạ là ở chỗ, ca khúc mà ngày nay được coi là một trong những ca khúc hay nhất nước Úc mọi thời đại, đã từng chật vật để được phát trên radio chỉ vì những suy nghĩ "đi trước thời đại"  như cách nhìn của anh lính, khi bị cho là làm giảm giá trị của phụ nữ: And she was like so many more from that time on Their lives were all so empty, till they found their chosen one And their legs were often open But their minds were always closed


Nhưng bạn biết điều thú vị nhất là gì không - tôi như được nhìn thấy cả hai phía của trận chiến ở đất lửa Quảng Trị khi play bài này cùng với một bài khác của các anh em Nhà Kho, "Đò Xuôi Thạch Hãn". Thật bi tráng khi nhìn lại, mặc dầu cái giá mà những người lính, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến, sao thật khắc nghiệt.

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm


Còn gì chân thực đến đắng miệng hơn khi một bên của cuộc chiến là người lính kể về "đáy sống còn đó bạn tôi nằm"; và bên kia là người lính "left my heart to the sappers round Khe Sanh", vật vã đi tìm một câu trả lời không tồn tại?


Đã có rất nhiều người lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam, thừa nhận rằng "Khe Sanh" mới là ca khúc viết cho họ, và nó hay hơn tất thảy các ca khúc mà người Mỹ viết về chiến tranh.


Rồi thì tôi cũng hy vọng rằng, sẽ có nhiều người lính thời chiến, hay cả những người trẻ thời bình như tôi; cả Việt, cả Mỹ, và cả Úc, sẽ được nghe và ngẫm cả "Đò xuôi Thạch Hãn" của những người bạn Nhà Kho của tôi nữa.


Hẹn gặp lại.


Kcid

455 views

Recent Posts

See All
bottom of page