top of page

Coolio và bản hit "Gangsta's Paradise"

Nhớ thời những năm 90, lúc đó tôi còn đang mắt chữ O mồm chữ A khi bà chị kể một người bạn nghe nhạc rap, thứ nhạc mà chả có hát hò gì cả, chỉ có đọc lời thôi. Nghe đã thấy quái đản và không có gì hấp dẫn rồi.

Sau đó tôi có nghe qua dăm ba bài rap phát trên tivi nhưng không có thấy khoái, thì một ngày tôi được biết tới "Gangsta’s Paradise" của Coolio. Đó chính là bài rap đầu tiên đã khiến tôi phải để ý đến thể loại nhạc này hơn.


Dẫu cho sau này cả album cùng tên của Coolio thấy có nhiều bài hay như "Too Hot", "Exercise Yo’ Game" và cả album sau đó My Soul chất lượng cũng ổn, "Gangsta’s Paradise" vẫn là track xuất sắc nhất của anh và có đầy đủ yếu tố để làm một hit có sức ảnh hưởng lớn toàn cầu như vậy. Đó chính là:


1. Nhạc nền và điệp khúc

Phần production của bài này đóng góp lớn cho thành công toàn cầu. Tôi hỏi thật có mấy ai không nói tiếng Anh, không nghe nhạc rap lúc đó, và chưa hiểu gì về văn hoá hip hop lại đi bận tâm đến nhạc rap về bọn xã hội đen gangster? Riêng cái tên bài đã thấy không thân thiện chút nào.


Thế nhưng mà cái gây “chết người” lại chính là đoạn sample hoàn hảo của đàn synth giả tiếng violin và cello chơi từng nốt nhạc gọn gàng và giai điệu cuốn hút trong điệp khúc của bài "Pastime Paradise" trong album thần thánh Songs In The Key Of Life của Stevie Wonder.


Lần đấy tay producer Doug Rasheed, DJ Paul Stewart (cũng là quản lý cho Coolio), LV và mấy tay khác ngồi đọ nhạc sample với nhau. Khi Doug mới bật đoạn nhạc lấy từ "Pastime Paradise" của Stevie Wonder thì Paul phải thốt lên về độ chất của nó. Thế là ngay lập tức, Doug kéo LV vào thu giọng hát đè lên giọng của Stevie.


Đây là một bước đi khôn ngoan khi giọng ca khoẻ và ngọt của LV không chỉ mang lại một màu sắc mới cho bài rap và đoạn sample, nó còn giúp Doug lăng xê LV sau đó.


Phần nhạc của Gangsta’s Paradise được sản xuất rất tinh tế. Ở thời điểm giữa thập niên 90, các bài rap đều được sample và mix khéo léo nhờ âm thanh điện tử như cái cách Dr. Dre phổ cập hoá trong nhạc G-funk thì bài Gangsta này sử dụng tiếng dàn nhạc violin và cello (dù là âm thanh tạo ra từ đàn điện tử trong bản studio mà sau đó mỗi lần diễn live là cả một dàn nhạc sống sẽ chơi cùng), thứ nhạc cụ mang tính cổ điển và cao cấp hơn nhạc cho tầng lớp bụi đời như nhạc rap.


Phần beat thì được mix lại 4 lần ở 4 studio khác nhau. Trong bản version cuối cùng, Doug tăng âm cho tiếng dàn nhạc dây mạnh mẽ lên hơn hẳn so với bản của Stevie và tạo độ ngắt dứt khoát giữa những nốt khiến cho phần nhạc nền với câu intro có lẽ là gây ấn tượng cực kỳ.


Chưa hết. Đoạn hát của LV với giai điệu vốn dĩ đã rất hay của Stevie rồi, nhưng còn được nhấn thêm phần nền là dàn đồng ca khiến cho câu hook của bài thuộc top những câu hook hoành tráng epic nhất. Chính LV tự sửa lời thành "Gangsta’s Paradise" thay vì "Pastime Paradise" và anh tự hát từng phần bè từ giọng bass đến giọng tenor cao trong dàn đồng ca.


Rồi như thể đoạn hát trong phần hook của bài chưa đủ hay, LV còn lấy thêm đoạn bridge của Pastime Paradise vào thành “Tell me why are we/ so blind to see / That the one's we hurt, are you and me”. Có mấy bài rap có đoạn bridge như thế này?


Đoạn nhạc dàn dây và giai điệu của câu hook chính là cầu nối của bài rap về xã hội đen này với bất kỳ người nghe nào, không chỉ ở Mỹ mà cả những người không quen thuộc với văn hoá người da màu ở các quốc gia khác và không biết tiếng Anh, như tôi thời đó. Rằng nhạc rap cũng được đầu tư cho phần âm nhạc nhiều vô cùng.


Cuối cùng len lỏi trong đó là sự tinh tế mà Doug đưa vào trong phần beat như những tiếng bass dày của nhạc hip hop xen kẽ với đàn cello cùng dải âm trầm, hay khoảng lặng trong tiếng trống điện tử không có cú snare ở khuông nhạc thứ 4 ở mỗi đoạn vế, cùng với tiếng kick drum biến tấu làm cho nhạc bài rap không bị lặp và nhàm tai, một lỗi rất hay gặp ở nhạc rap.


2. Phần rap độc đáo của Coolio

Đầu tiên là cảm nhận về nhịp điệu flow. Đó không chỉ là sự theo sát nhịp chắc từng cú beat với lối rap ngầu của vùng West Coast, mà còn là sự biến đổi nhịp điệu của Coolio.


Ví dụ như khúc đầu “As I walk through the valley....” là chuỗi những nốt móc kép nhịp độ nhanh thì sau đó đoạn ngắn “Cause I’ve been blasting” chậm lại với nhịp móc đơn như nán lại một chút, và cứ như thế xen kẽ điểm suyết. Chưa kể đến có cụm từ “even my mama thinks” được đẩy nhanh hơn ở nhịp chùm ba móc kép khiến cho bài rap của Coolio vừa ngầu vừa có màu sắc nhịp điệu.


Tiếp đến trong flow của Coolio còn có cao độ lên xuống trong giọng điệu. Anh sử dụng lối biến đổi này rất hiệu quả khiến cho người nghe nhạc rap gần giống như đang nghe hát. Trong từng khúc nhạc mà tiếng dàn dây từ nốt cao đi xuống nốt thấp thì giọng của Coolio lại đối lập, cao lên ở cuối đối trọng với tiếng đàn. Có những đoạn như cụm từ “that’s unheard of” được anh đọc luyến láy âm “-heard of” nghe như đang hát rền rĩ ở nốt trầm.


Và thứ rất tinh tế của Coolio chính là ở những khuông nhạc thứ 4 của mỗi đoạn verse, khi mà phần trống bỏ tiếng snare làm cả bài như dừng lại thì là lúc giọng Coolio cao hơn hẳn ở câu “Even my mama thinks that my mind is gone” trong verse 1, hay lại trầm hẳn xuống ở câu “Too much television watchin' got me chasin' dreams” ở verse 2, rồi lại cao giọng lên ở “What's going on in the kitchen” trong verse 3, tạo độ căng thẳng trong bài rap.


Trước cái lần thu âm Gangsta’s Paradise đó, Coolio chưa bao giờ thích sử dụng beat của Doug vì anh không thích cách làm nhịp trống của tay producer này. Thế rồi tình cờ hôm anh nghe được đoạn instrumental mà Doug bật, anh ngay lập tức đòi xí luôn phần rap. Và như kiểu cho chắc cú, Coolio freestyle ngay câu đầu:

“As I walk through the valley of the shadow of death

I take a look at my life and realize there's nothin’ left”


Mượn lời từ Kinh thánh ở đoạn Thánh thi 23:4 “Yea, thou I walk through the valley of the shadow of death”  theo đúng tinh thần âm nhạc đầy chất thánh ca của khúc hát bè mà LV thực hiện, nhưng được Coolio sửa vế sau “I take a look at my life and realize there's nothin’ left” mang màu sắc đen tối của xã hội của những khu ổ chuột mà người da màu sinh sống.


Sau đoạn freestyle đó, Coolio ngồi tĩnh lại mấy phút và sau đó anh viết liền một mạch cả 3 đoạn rap. Lúc đó anh cảm thấy mình như cầu nối giữa đấng tối cao với thế giới trần tục, và những lời anh viết ra như thể anh chỉ là kẻ truyền thông điệp xuống cho mọi người. Đó chính là cái nhìn chân thực đầy thô ráp về cái gọi là “thiên đàng của gangxtơ”. Coolio tự thấy hình ảnh mình qua những làn khói từ khẩu súng lục sau mỗi lần phải dùng đến nó.


Từ verse thứ 2, Coolio tự nhận rằng anh bị vô tình cuốn vào cuộc sống và xã hội đó, nơi mà cái chết có thể xảy ra chỉ vì những cuộc đọ súng của các băng nhóm

“Death ain't nothin' but a heartbeat away

I'm livin' life, do or die, what can I say

I'm twenty-three now, but will I live to see twenty-four”


Cái chết chẳng có nghĩa lý gì khác ngoài việc trái tim mất đi nhịp đập, và kẻ như anh có sống qua đến tuổi 24 không thì cũng chỉ cho người nghe hiểu rằng, cuộc đời của những kẻ như anh chỉ tính theo từng năm.


Đoạn cuối bài có lẽ là những lời lẽ đầy ý nghĩa nhất, khác xa những ca khúc rap về gangster thường thấy

“They say I gotta learn, but nobody's here to teach me

If they can't understand it, how can they reach me

I guess they can't, I guess they won't

I guess they front, that's why I know my life is out of luck, fool”


Mọi người có thể dễ dàng khuyên những người như Coolio nên học hành nhưng vấn đề là những người ở tầng lớp xã hội cao hơn sẽ không hiểu được những gì mà hội thanh niên ở khu xóm liều phải trải qua. Sự phân cấp và khoảng cách chính là thứ mà đám thanh niên da màu trong cái xã hội đầy rẫy cạm bẫy đó chỉ luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn, không bao giờ được quan tâm, thấu hiểu, dạy dỗ và vì thế sẽ luôn đi vào vết xe đổ của những kẻ trước.


Và câu cuối “that's why I know my life is out of luck, fool” nghe mới thấy chua chát!


3. Lăng xê cho bài rap

Sau khi phần thu âm được hoàn thành, cả nhóm háo hức lắm. Nhất là Coolio. Anh nghĩ ai mà nghe cũng sẽ há hốc mồm.


Thế rồi Paul tay quản lý của Coolio mới gửi bài này cho các hãng phim với hy vọng được chọn làm soundtrack. Mấy bên đều từ chối, gồm cả nhóm làm phim Bad Boys của Will Smith Martin Lawrence đóng, bộ phim nghe chừng có vẻ hợp nhất.


Ấy nhưng mà có ai đời ngờ rằng một bài rap về gangster lại cuối cùng được hãng phim Disney chọn cho bộ phim Dangerous Minds. Bộ phim kể về một giáo viên người da trắng (do Michelle Pfeiffer đóng) phải đi dạy một lớp toàn bọn sinh viên da màu và Latino ở khu ổ chuột nghèo đói.


Ngẫm lại mới thấy không tự dưng gì mà một bài rap về cuộc sống gangster nổi tiếng này lại không có một từ chửi bậy nào cả. Thế nên mới được Disney chọn mặt gửi vàng và sau đó giúp cho soundtrack của phim bán cực chạy.


Thực ra lý do mà bài Gangsta’s Paradise không có một từ chửi bậy nào là do khi cả hội đi xin ý kiến phê duyệt của Stevie Wonder cho phép sử dụng sample của ông, Stevie đã ra điều kiện lời lẽ phải trong sạch, dù là ông cũng không khoái lắm chuyện nhạc của ông đi làm cho nội dung xã hội đen. Lúc đó Coolio mới ngậm ngùi thay mấy từ “N****” trong bài và bỏ từ “fucked in the ass” đi.


Tính ra bài rap này lại rất phù hợp với nội dung phim bởi sự đấu tranh trong việc giáo dục cải tạo và khai sáng những đứa trẻ da màu, giống như lời mà Coolio rap “I’m an educated fool”, “They say I gotta learn, but nobody's here to teach me”.


Hình ảnh Michelle Pfeiffer - cô gái xinh đẹp da trắng với khuôn mặt rất lì đi một mình vào khu xóm liều đối mặt với Coolio - tay rapper da màu bộ dạng xấu xí trong video clip "Gangsta’s Paradise" vẫn là khung hình ấn tượng thời đó, bởi sự đối lập trong mọi góc nhìn. Nhất là khi đó là lần đầu tiên một bộ phim với nữ diễn viên chính da trắng lại có bài hát chính là nhạc rap.


Bài "Gangsta’s Paradise" sau đó đạt vị trí top số 1 ở mọi thể loại suốt 3 tuần liền, và trở thành đĩa đơn số 1 sau tổng kết một năm của Billboard, một thành tích mà chưa một rapper nào, kể cả huyền thoại thời đó như Notorious B.I.G., Tupac, Dr. Dre hay Nas giành được.


Điều ý nghĩa hơn là bài "Gangsta’s Paradise" của Coolio được xếp hạng số 1 ở rất nhiều quốc gia, mà hơn thế, tôi nó nghĩ đã vô tình dẫn dắt nhiều thanh niên như tôi đến với nhạc Rap.


Quan trọng là bài rap này trở thành một cầu nối quan trọng giữa hip hop với thị trường âm nhạc đại chúng, giúp nhiều người mở lòng hơn với nhạc rap. Đặc biệt là qua chất xúc tác là bộ phim cùng thông điệp Dangerous Minds đó.


Hẹn gặp lại.


Kunt

1,409 views

Recent Posts

See All
bottom of page