top of page

Creedence Clearwater Revival: khoảng lặng trước cơn bão

Có ai đó từng nói với tôi

Trước cơn bão sẽ có một khoảng lặng

Tôi biết

Nó đã có thời gian tích tụ

Và họ rằng một khi khoảng lặng đó tan

Trời sẽ đổ mưa giữa một ngày đầy nắng

Bài hát “Have You Ever Seen The Rain” của Creedence Clearwater Revival (CCR) nằm trong Pendulum (1970), album cuối cùng của ban nhạc với đầy đủ 4 thành viên. Và gần như cùng lúc với ngày phát hành đĩa đơn “Have You Ever Seen The Rain”, cái tin Tom Fogerty rời khỏi CCR được ban nhạc thông báo với công chúng. Mọi người có thể bất ngờ trước sự xáo trộn của CCR nhưng những thành viên trong ban nhạc, đặc biệt là John Fogerty - cậu em trai của Tom thì không hề.

Từ trái qua phải: John Fogerty, Stu Cook, Doug Clifford, Tom Fogerty

John đã cảm nhận được những căng thẳng dồn nén tích tụ từ ba người còn lại, trong đó nhiều nhất từ phía ông anh, nên quyết định của Tom không sớm thì muộn cũng phải xảy ra. Đó là lý do John đã sáng tác nên những phần lời rất ý nhị trong bài “Have You Ever Seen The Rain” kia.

Cơn bão rồi cũng đến lúc phải ập tới, vào đúng một ngày nắng đẹp, khi ban nhạc Creedence Clearwater Revival (CCR) đang ở thời kỳ đỉnh cao vinh quang với một loạt những thành công mà họ đang bắt đầu gặt hái chỉ mới trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm đổ lại. Rồi chỉ hơn 1 năm sau đó, ba thành viên còn lại cũng chỉ phát hành thêm được đúng một album thất bại thảm hại cả về chất lượng lẫn thương mại. CCR nhanh chóng tan rã, đặt dấu chấm hết cho một ban nhạc đáng nhẽ có thể giành nhiều vinh quang hơn nữa, và bắt đầu một chuỗi những biến cố tranh chấp kiện tụng, để rồi cho đến giờ họ vẫn không thể vượt qua cái tôi để chỉ bắt tay nhau lại một lần nữa.

John Fogerty có thể đã nhìn ra được thời điểm của “cơn bão” nhưng có lẽ ông không bao giờ lường trước được những hậu quả nặng nề mà nó để lại cho tới giờ.


TOM FOGERTY


Tính đến thời điểm tan rã, các thành viên của Creedence Clearwater Revival (CCR) thực ra đã gắn bó với nhau được tới 13 năm, bắt đầu từ cuối thập niên 50.


CCR ban đầu có lẽ giống như hai nhóm nhạc được gộp lại: “Tom Fogerty and the Blue Velvets


Với Blue Velvets, đó là John Fogerty, Doug Clifford, và Stu Cook - ba người bạn học cùng trường cấp ba, cùng chia sẻ một tình yêu với nhạc Blues vẫn được phát trên kênh KWBR địa phương. Đó là những bài nhạc rock mà ngày đó người ta vẫn đặt theo thể loại Rhythm and Blues của những nghệ sĩ da màu, như Ray Charles, Bo Diddley, Chuck BerryCarl Perkins. Sau khi John – chơi guitar và Doug - chơi trống làm quen và lập band, họ nhận ra là âm thanh guitar điện và trống vẫn quá mỏng cho một ban nhạc thực thụ, do đó Stu đã được rủ về để chơi piano.


Nếu như Doug và Stu có một tình yêu với âm nhạc vừa đủ lớn để nuôi dưỡng sở thích này thì John mới là người có quyết tâm lớn lao và nghiêm túc nhất khi lập band. Từ ngày đó, trong đầu John đã đưa ra hai lựa chọn: một là ông gia nhập với Doug và Stu; hoặc hai là Doug và Stu vào ban nhạc của ông. Dĩ nhiên là John chọn phương án hai.


Ngày ấy ban nhạc Blue Velvets chỉ chơi instrumental và không có một ai trong ba người họ hát chính, bởi cá nhân John cũng chưa bao giờ đủ tự tin với giọng ca của mình.


Chính thế mà mảnh ghép còn lại đến từ Tom Fogerty – người anh trai của John lại khớp với Blue Velvets một cách rất tự nhiên. Vốn dĩ Tom đã tự tạo tên tuổi cho mình nhờ giọng hát tuyệt đẹp khiến cho các cô gái phải gào thét mỗi khi ông cất giọng, những ban nhạc địa phương ngày đó như Spider Webb and the Insects phải rủ Tom về làm ca sĩ chính cho nhóm. Tuy nhiên, những thất bại đã khiến ban nhạc của Tom tan rã và vì thế để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, ông mới quay sang nhờ ban nhạc của cậu em trai hỗ trợ trong việc chơi nhạc.

Hai mảnh ghép “Tom Fogerty” và “the Blue Velvets” chưa bao giờ khớp chặt chẽ với nhau đến thế. Về hình thức, họ vẫn là hai ban nhạc độc lập, nhưng tài nghệ của mỗi bên lại bù đắp cho nhau đến hoàn hảo. Tom vừa chơi đàn vừa hát với giọng hát ngọt ngào, còn bộ ba John – Doug – Stu thì đã rèn luyện kỹ thuật chơi đàn phối hợp với nhau vô cùng chặt chẽ. Ở các buổi diễn, khi chơi những bản instrumental, thì đó là bộ ba John – Doug – Stu đánh nhạc dưới danh “the Blue Velvets”, nhưng khi cần có ca sĩ hát thì Tom sẽ xuất hiện. Ngược lại, khi Tom trình diễn những bài hát của ông, thì Blue Velvets sẽ là ban nhạc chơi phía sau.

Với tuổi đời lớn nhất, cộng với số lượng người hâm mộ sẵn có từ những lần chơi trong các band trước, Tom Fogerty dĩ nhiên thành thủ lĩnh của “Tom Fogerty and the Blue Velvets”.


Nhưng hai mảnh ghép tưởng như hoàn hảo đó dần dà thay đổi tự lúc nào không ai hay. Đáng nhẽ ra cái tên “Tom Fogerty” sẽ tiếp tục ghép cùng bất kỳ cái tên gì mà ban nhạc sau này thay đổi, từ “Vision” cho đến “The Golliwogs”, thì một ngày họ đã trở thành “John Fogerty” và “ba thành viên còn lại”.


JOHN FOGERTY


John là cậu con trai thứ ba trong gia đình có 5 người anh em trai. Từ nhỏ, John đã mê nghe thứ âm nhạc Rhythm and Blues, chịu ảnh hưởng từ người anh cả Jim. Từ hồi còn lớp năm, John đã hay đi theo các ban nhạc Blues để vừa nghe nhạc và hát theo, cũng như gằn giọng theo từng nhịp trống. Ông đã sớm hình thành trong đầu những ý tưởng nhạc nên được chơi của một ban nhạc.


Trong khi ông anh thứ - Tom Fogerty bắt đầu đi hát biểu diễn ở ngoài, thì John dành đến cả 14 tiếng mỗi ngày ở nhà để nghe những đoạn nhạc guitar và tập chơi lại theo đúng từng nốt. John còn tập hát theo những giọng ca trên kênh R&B trên đài, đến độ sau hàng năm luyện tập, một đứa trẻ da trắng lớn lên ở El Cerrito, California lại có thể hát giống một người da màu đến từ miền nam nước Mỹ.


Ngoài cây đàn guitar thùng cũ kỹ trong nhà mà John thường dùng chung với ông anh Tom mỗi khi tập nhạc, John còn tập chơi piano và kết hợp thêm cả chiếc hi-hat cũ kỹ để ở nhà, tạo ra những âm thanh nhạc Rock hình thành trong đầu.

Cho đến khi xin mẹ tiền mua cây guitar điện tử tế hơn và trả góp cho bà bằng cách làm việc nhà, John gần như bỏ các tiết học cấp hai để cắm mặt vào chơi. Do đó, khi lập band cùng với Doug CliffordStu Cook, John đã chơi guitar thành thục lắm rồi. Trong khi chơi trong Blue Velvets và sau đó là cùng với ông anh Tom Fogerty, John luôn tận dụng mọi cơ hội thu âm các bản demo hay chơi đàn cho các nghệ sĩ khác trong studio để học hỏi kỹ thuật, và các thủ thuật điều chỉnh và ghi âm trong phòng thu. Điều mà ông biết trước ngày đó là, mọi kiến thức và kinh nghiệm thu nạp được chắc chắn sẽ giúp ích cho John và ban nhạc sau này. Và đúng thực là khi ông cùng ban nhạc có được hợp đồng ghi âm với hãng đĩa Fantasy, John phải nắm giữ chuyên môn của một người đã có tới 5000 giờ làm việc trong studio, điều giúp ích cho ông thừa tự tin để trở thành một thủ lĩnh của ban nhạc CCR – thay thế vị trí frontman của người anh Tom Fogerty … từ lúc nào không hay.


KHOẢNG LẶNG


Trong album đầu tay cùng tên – Creedence Clearwater Revival (1968), ngoài bài “Walk On The Water” là có tên Tom trong phần credit sáng tác cùng với John – một bản remake làm lại từ “Walking On The Water” của ban nhạc đã phát hành trước đó hai năm, dưới cái nghệ danh kỳ cục The Golliwogs mà mấy ông ở hãng đĩa nghĩ ra, thì tất cả các bài còn lại, và những album trở về sau đều do một mình John Fogerty sáng tác, cả nhạc lẫn lời (ngoại trừ những bản cover trong mỗi album). Không ai khác, John cũng là thành viên duy nhất đảm nhiệm vai trò sản xuất cho các album của CCR.


Kể ra John cũng là người có giác quan thứ sáu với những bản hit. Ông biết ca khúc nào đủ khả năng làm đĩa đơn, thậm chí là khi nào cần thì tung một bản cover để tạo cú hích với thị trường, như trường hợp với bài “Suzie Q”. Và rồi khi một single lên đến thứ hạng cao nhất có thể của nó rồi, thì là lúc CCR cần bồi thêm single tiếp theo. Nhiều lúc single sau đó không nhất thiết là một bài khác trong album, mà John sẽ sáng tác ngay một bài mới và cùng cả nhóm thu âm để tung ra để chuẩn bị cho đĩa nhạc mới. Cứ thế chỉ trong khoảng thời gian 2 năm mà một mình John Fogerty có thể sáng tác ra số lượng bài có chất lượng xuất sắc, đủ phát hành tới 5 album, chưa kể tới đĩa Pendulum.


Thay vì hợp tác với người anh Tom để viết nhạc như ở thời kỳ đầu, John chủ động một mình viết nhạc để đảm bảo ca khúc đó sẽ thành bản hit. Thông thường John sẽ có một vài ý tưởng giai điệu rồi ông sẽ chỉ cho ông anh Tom (chơi rhythm guitar), Stu Cook (giờ đã chuyển sang chơi bass sau khi được John hướng dẫn) và Doug Clifford (chơi trống) để chơi phần nhạc mà ông tưởng tượng ra trong đầu. Hoặc có lúc là khi cả band đánh thử, những ý tưởng nhạc mới sẽ lại phát triển thêm từ đó để trở thành một bài hoàn chỉnh mà John sau đó sẽ viết lời. Có điều mọi ngẫu hứng biến tấu của ban nhạc được John canh chừng rất kỹ lưỡng, để nó tuân đúng theo thể loại nhạc Roots Rock / Blues Rock, cũng như âm hưởng Southern Rock (từ trước khi mà dòng nhạc này được phát triển mạnh mẽ bởi các band như Allman Brothers Band, Lynyrd Skynyrd hay ZZ Top). John cũng canh chừng cả từng nhạc cụ, để bài nhạc sẽ đồng nhất cả về những câu rhythm lick mà ông anh Tom Fogerty sẽ chơi, phần câu bass của Stu và nhịp điệu cùng tempo và những đoạn dồn trống của Doug.


Nhờ vậy CCR mới tạo nên rất nhiều tuyệt phẩm, như bài “Keep On Chooglin’” trong album Bayou Country (1969) với phần nhạc nền chắc nịch để tôn câu guitar solo của John, “Tombstone Shadow” trong album Green River (1969) tựa như có câu guitar lick đang hát cùng, “Effigy” trong album Willy And The Poor Boys (1969) có một nốt trầm được chơi với âm lượng lớn xuất hiện trong câu riff tạo độ ngang phè về âm sắc rất khó quên, hoặc như “Travelin’ Band” trong album Cosmo’s Factory (1970) có tiết tấu nhanh và những đoạn dồn trống đối ẩm với phần guitar solo vô cùng cuốn.


Tất cả những gì người ta nghe được qua các album của CCR đều không chỉ được sáng tác bởi John Fogerty mà gần như các câu đàn đều được sắp xếp và sản xuất từ ý tưởng của mình John. Cái tư tưởng độc đoán của ông đã được truyền đạt rõ ràng cho các thành viên của ban nhạc từ ngày thu âm đầu tiên. Với lý do khát khao có được thành công như những ban nhạc đến từ Anh Quốc, John động viên mọi người rằng những gì ông đóng góp cho album của CCR là tốt cho tất cả, và rằng không quan trọng ai đóng góp cái gì, mục tiêu của cả ban nhạc chỉ hướng tới một thứ duy nhất: đó là thành công trên các bảng xếp hạng, thu được tiền từ việc bán đĩa và đi lưu diễn để không một ai phải quay lại “cái máng lợn cũ” là nghề rửa xe ô tô.

Kể ra nếu John không tinh tường trong định hướng nhạc, không giỏi xoay sở với các khâu thu âm và sản xuất, hoặc nếu CCR gặp thất bại, dù chỉ một lần, thì có lẽ vai trò của John cũng không thể nắm toàn quyền được đến như vậy. Nhưng khi những kết quả thành công nối tiếp thành công của CCR là minh chứng cho những gì John vạch ra là đúng đắn, thì trọng lượng trong lời nói của ba thành viên còn lại, Tom, Doug và Stu cũng ngày một yếu đi.

Đến cả phần hát chính cho ban nhạc, vai trò đáng lẽ ra ông anh Tom sẽ cầm chắc trong tay thì cũng bị chính John thay thế. Từ một ca sĩ có giọng ca tuyệt hay từng đốn tim hàng trăm cô gái, Tom cũng đã nhường lại cho John.

Chuyện đó bắt nguồn vào những lần đi diễn tại quán bar, khi mà CCR vẫn còn mang cái tên ngớ ngẩn The Golliwogs. Trong không gian ồn ào và bầu không khí ngập khói thuốc, tiếng hát của Tom có vẻ không xi nhê gì, dẫn đến John phải lấy đủ can đảm để hát thay cho ông anh.


Khổ cái là tiếng hát của Tom hay tám phần thì chất giọng của John lại độc đáo hút hồn đến mười phần. Các bạn vẫn nhớ chuyện John vẫn hay tập hát theo những nghệ sĩ da màu hát nhạc Blues kể ở trên chứ? Thứ giọng khàn, dầy và soulful đầy tình cảm của John quyến rũ vô cùng.


Cứ thử nghe bài “I Put A Spell On You” – track đầu tiên trong album đầu tay của CCR. Đây là một ca khúc cover lại của nghệ sĩ Screamin’ Jay Hawkins. Ngoài phần guitar solo đầy tình cảm cũng do John thể hiện, giọng hát của ông trong bản của CCR vẫn thể hiện được tinh thần bluesy và đầy chất soul trong những đoạn nhạc lên cao, tựa như bản gốc và cũng không thua kém về cảm xúc so với bản cover vô cùng chất lượng khác của Nina Simone.


Thế nên cũng dễ hiểu khi Tom Fogerty, cũng như Doug Clifford và Stu Cook, hẳn rất bất ngờ và choáng ngợp trước giọng hát của cậu em / người bạn mình. Tiếng hát đó xé toang bầu không khí đậm đặc khói thuốc và tiếng nói chuyện của đám đông trong quán bar, tựa như một nghệ sĩ nhạc Blues đang ôm cây đàn và cất giọng vậy. Giọng hát hay độc đáo của John cũng là lý do khiến âm nhạc của CCR sau này bị lầm tưởng là họ đến từ phía Nam nước Mỹ, và được thể hiện bởi một nghệ sĩ da màu.


Chất giọng đó hoàn toàn thuyết phục Tom chia sẻ vai trò hát chính với John và dần dà chấp nhận luôn chuyện John trở thành ca sĩ chính duy nhất của ban nhạc. Ông thừa nhận rằng dù mình có kỹ thuật hát tốt, nhưng John mới là người sở hữu một chất giọng đặc biệt cần có cho CCR.


Hay tất cả sự chấp nhận của Tom, lẫn từ phía hai thành viên kia cũng chỉ là sự cam chịu đang bị dồn nén, là những khoảng lặng trước một cơn bão sắp ập đến?


CƠN BÃO


Ngộ nghĩnh thay là đúng như lời hát trong bài “Have You Ever Seen The Rain” nói, cơn mưa đã trút xuống khi trời nắng đẹp chan hoà.


Thời điểm Tom Fogerty rời band và sự tan rã của cả ban nhạc hơn một năm sau đó diễn ra vào lúc CCR đang gặt hái nhiều thành công nhất, cả với giới phê bình lẫn thương mại. Dầu rằng các single đều chỉ lên vị trí số 2 trên bảng xếp hạng, CCR vẫn luôn được nhìn nhận như một trong số ít ban nhạc đứng đầu thế giới vào ngày đó. Nhất là khi kỷ nguyên của The Beatles cũng vừa chấm dứt.


Đến giờ cũng không ai biết nếu ngày đó John bớt ích kỷ hơn thì CCR có thể trở thành một huyền thoại như ngày nay hay không. Chỉ biết là, dưới thời “độc tài” của John, CCR đã luôn vận hành một cách bài bản và chuyên nghiệp. Không có được mấy band có thể giành hàng giờ để tập dượt một cách thuần thục, để rồi khi họ vào phòng thu là gần như lần thu đầu tiên hay cùng lắm lần thứ hai hoặc thứ ba là có được bản thu hoàn hảo, hoàn toàn đến từ phần chơi nhạc live của cả nhóm. Những gì thêm thắt sau đó của John cũng không quá nhiều. Thời gian họ sử dụng tại studio cực kỳ hiệu quả và kết quả là chi phí thu đĩa của CCR gần như luôn loanh quanh chỉ con số 5 hoặc 6 nghìn đô la Mỹ.

Điểm yếu trong nhạc của CCR có lẽ cũng chỉ là sự đơn giản trong cách sắp xếp nhưng không hề đơn điệu. Các bài nhạc dù thiếu vắng những câu đàn câu nhạc ngẫu hứng từ các thành viên khác, nhưng sự chặt chẽ trong nhạc nền luôn tôn cái hiệu quả trong âm nhạc của CCR, giữ cho các nhạc phẩm được trường tồn, với rất nhiều bài như “Proud Mary”, “Who’ll Stop The Rain”, “Have You Ever Seen The Rain” được những nghệ sĩ lớn khác như Elvis Presley, Tina Turner, Bruce Spingsteen, Rod Stewart phải cover lại.


Có lẽ đường lối của John Fogerty vẫn luôn là đúng đắn. Bằng chứng là ở album cuối cùng Mardi Gras (1972), John yêu cầu Doug Clifford và Stu Cook đều phải đóng góp số lượng bài tự sáng tác đều như của John, để ông có thể duy trì ban nhạc dù là theo một cách miễn cưỡng nhưng cũng là để trao thêm cơ hội cho hai anh kia tập tành và tự rút ra bài học. Kết quả là chất lượng thảm hại của album đó đến từ sự thiếu đồng nhất trong định hướng âm nhạc cũng như chất lượng ở đẳng cấp của một CCR. Kể cả album Pendulum trước đó khi Tom Fogerty vẫn còn tham gia, dù các bài đều đã được John sáng tác hết, dưới sức ép của các thành viên trong ban nhạc, John ngậm ngùi chấp nhận nhường thêm quyền cho ông anh Tom, Doug và Stu để họ đưa ý tưởng làm nhạc vào trong đó. Kết quả của những âm thanh đầy đặn hơn tạo bởi các nhạc cụ keyboard, piano, và saxophone cũng không làm nhạc của đĩa này hay lên tẹo nào, mà ngược lại, cái hồn giản dị trong âm nhạc CCR đã bị đánh mất.


Thế nhưng có lẽ sự ích kỷ và vô tâm của John ngày ấy cũng là quá đủ để khiến những người còn lại không nhận ra được những điều đúng đắn mà John muốn mang lại.


Sau khi CCR tan rã, cơn bão không hề chấm dứt. Những xung đột và mâu thuẫn xuất phát từ sự đố kị của Tom với cậu em đa tài, từ sự bất bình của Doug và Stu về những thiệt thòi của ban nhạc do John bị trách đã không xem kỹ hợp đồng thu âm từ ngày đầu tiên, đã là khởi nguồn cho một loạt các vụ kiện tụng lẫn nhau giữa các thành viên và với chính ông chủ của hãng ghi âm Fantasy.


Kết quả là kẻ tài năng nhất ban nhạc không chỉ bị chính hãng nắm giữ làm con tin cho đến khi John được một hãng đĩa khác bỏ tiền để cứu, John còn mất hết quyền phát hành nhạc cho các bài của ông, tiền bản quyền tác giả luôn bị nợ, và còn bị chính hãng này kiện ông đã “đạo nhạc” một trong những bài mà chính John đã từng sáng tác. Tệ hơn cả, những người đồng đội và người anh ngày nào giờ cũng đều về cùng phe với hãng Fantasy và chống lại chính John.


Bởi loạt những mâu thuẫn kéo dài suốt mấy chục năm này, mối quan hệ giữa John với Doug, Stu và cả người anh ruột của mình đã không bao giờ có thể hàn gắn được, kể cả cho tới ngày Tom Fogerty chết vì căn bệnh HIV ông nhiễm phải trong lần phẫu thuật lưng.

Tại đám tang của Tom, John chỉ biết ngậm ngùi phát biểu:


Tất cả chúng tôi đều muốn trưởng thành và trở thành nghệ sĩ. Tôi nghĩ là chúng tôi đã làm được một nửa, đó là trở thành các ngôi sao nhạc rock. Nhưng chúng tôi có lẽ chưa bao giờ trưởng thành!


***

Hẹn gặp lại!


Kink

1,079 views

Recent Posts

See All
bottom of page