top of page

Lynyrd Skynyrd: những người miền Nam bất khuất

Sinh ra tại Florida, Ronnie Van Zant mang trong mình dòng máu của con người miền Nam nước Mỹ, được gọi với cái tên “redneck”, một cách gọi mang tính miệt thị với người dân vùng quê thẳng tính và lỗ mãng. Van Zant còn trên cả thế. Dù không cao to, nhưng bản tính hung hăng trong người là thứ giúp anh chiến thắng phần lớn các trận so găng ở quán rượu.

Gọi là so găng một cách đúng nghĩa vì Van Zant sẵn sàng chạy về nhà để kiếm bằng được đôi găng của bố và ông để mang tới đấu. Ngoài những cuộc tỷ thí tay đôi với người lạ, hội bạn anh cũng không được tha, khi ngứa mắt là họ bị anh tẩn. Dĩ nhiên xong đâu lại vào đấy. Kể cả với đám người lạ mặt ở quán rượu, đấm nhau xong lại cụng ly, chỉ có kẻ thua thì phải trả tiền.

Năm 1964, ngay khi Van Zant tròn 16 tuổi và có được bằng lái xe ô tô, ông bố của anh đã rút hầu bao mua tặng cậu con trai đầu lòng một con xe cũ Chevy Corvair. Biết thừa bản tính hiếu chiến và bất chấp của ông con, ông bố vẫn không ngờ anh lại sớm gây tai nạn gãy cả xương sườn, rồi sau đó tông con xe xuống mương, trong vòng chưa đầy 2 năm. Ông thề với bản thân sẽ không bao giờ mua xe cho cậu con trai cho tới khi nào anh học được chút cẩn trọng trong tính cách. Dù cuối cùng, ông cũng tự phá lời thề đó và mua một chiếc xe khác cho Van Zant, nhưng ông vẫn lo lắng nói với vợ rằng, ông sợ đứa con liều lĩnh đó sẽ khó có được sinh nhật thứ 30 tuổi của anh. Đáng buồn là điều ông lo sợ lại thành sự thật, chỉ là chiếc xe ô tô không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn thảm khốc cho Ronnie Van Zant và ban nhạc Lynyrd Skynyrd sau này. 1. Bất chấp cái tên khó phát âm


Các thành viên của Lynyrd Skynyrd chơi nhạc có thể hay và giỏi so với tuổi, nhưng đặt tên band chắc hẳn chưa bao giờ là năng khiếu của Van Zant và mấy anh em.

Hồi đầu chơi nhạc, họ đã thay rất nhiều tên, trong đó có One Percent mà được hội lái xe phân khối lớn xăm lên người, như biểu tượng cho tỷ lệ dân số đam mê dòng xe này. Mục đích của band thực ra là để đỡ gặp rắc rối với hội đó, thế mà rồi cũng chả ăn thua. Ban nhạc vẫn không tránh khỏi bị trêu chọc. Có điều với nhóm nhạc có một thủ lĩnh hiếu chiến hay sôi máu như Ronnie Van Zant thì đâu dễ để bị bắt nạt. Mỗi lần như vậy, chỉ cần một câu “Phắc Diu” xong là hai bên lao vào tẩn nhau một trận ra trò. Ấy vậy mà cuối cùng họ cũng từ biệt cái tên One Percent cũng vì bị nhạo là ban nhạc chỉ có 1% Tài Năng, chứ không phải do mấy vụ choảng nhau trên. Van Zant và ban nhạc manh nha một cái tên độc chiêu hơn.

Lynyrd Skynyrd bắt nguồn từ tên Leonard Skinner của ông thầy dạy thể dục hắc xì dầu tại trường cấp ba Robert E. Lee High School, nơi ba thành viên ban nhạc, Ronnie Van Zant (ca sĩ), Gary Rossington (guitar) và Bob Burns (trống) theo học. Ông Skinner chuyên xử phạt nghiêm khắc Van Zant và Rossington vì mái tóc dài của hai cậu này. Chơi nhạc Rock là phải thế. Nhưng ông thầy không cảm thông. Ngày Rossington quyết định tiếp bước Van Zant, bỏ học để giành thời gian tập trung vào ban nhạc, trước khi đi, anh kịp gặp Skinner và nhìn thẳng vào mắt ông nói hai từ tạm biệt: “Phắc Diu”. Cái tên liên quan tới ông thầy này trông thế lại tạo sóng tại thành phố Jacksonville vì rất nhiều khán giả của ban nhạc từng học tại ngôi trường này và có cơ hội chạm mặt với ông Skinner.

Từ “skinner” dưới cái giọng miền Nam nước Mỹ nghe càng có tính nhạo báng. Cái nghĩa “skinner” thời đó dùng cho những ông nông dân trang trại chuyên đi chăn la chăn ngựa. Nên cái tên “Leonard Skinner” khi đọc lên lại giống như “Hội chăn dắt Leonard”. Và khi Ronnie Van Zant hỏi đùa khán giả về ý kiến của họ nếu thay tên ban nhạc của anh thành tên của ông thầy thể dục, thì tiếng hò reo hưởng ứng của đám đông phía dưới đã là động lực cho ban nhạc chính thức mắc kẹt với một nghệ danh trở thành huyền thoại sau này. Ban nhạc còn sửa lại cách viết để tránh rắc rối với ông Skinner: Lynyrd Skynyrd (phiên âm thô là: Ly-Nớt-Sờ-Ki-Nớt). Phải thú thật, cái tên này chưa bao giờ là cái tên hay cho một ban nhạc cả. Nó vừa khó đọc, cách phát âm lại đặc sệt kiểu giọng lè nhè vùng đất miền Nam nước Mỹ, nơi lúc đó chưa phải là cái nôi cho nhiều tên tuổi âm nhạc nổi tiếng bấy giờ, ngoại trừ Allman Brothers Band. Do đó khi mới ra thị trường, ban nhạc lo cả hậu cần hỗ trợ ở các cửa hàng đĩa hướng dẫn người mua cách phát âm tên ban nhạc cho đúng. Họ còn cẩn thận đặt cho album đầu tay bằng cái tên viết phiên âm một cách kỳ quặc “(Pronounced 'Lĕh-'nérd 'Skin-'nérd)”. Và Lynyrd Skynyrd tự dưng từ một cái tên khó nhớ và khó phát âm trở thành một cái tên gây chú ý và độc đáo.

2. Bất chấp luôn thị trường không cần thêm một Allman Brothers


Nhạc của Lynyrd Skynyrd tựa như bản tính của Ronnie Van Zant. Chí ít là với người nghe từ các vùng đất khác của nước Mỹ thời đó. Nó “khó ưa” như cái nhìn và thái độ lạnh lùng của những người miền Nam như Van Zant - kẻ được coi là đứa trẻ hung hăng nhất vùng. Với Gary Rossington (guitar) cũng vậy, kém Van Zant hai tuổi và gày gò nên cậu này sợ phát khiếp khuôn mặt của tay thủ lĩnh nhóm.

Rồi cái lần Van Zant cùng Rossington và Bob Burns (trống) đi tìm Allen Collins để rủ về nhóm làm chân đánh guitar thứ hai. Mang tiếng đi mời người ta tham gia ban nhạc mà không biết ánh mắt của tay thủ lĩnh này khiếp sợ cỡ nào khiến cho Collins mới nhìn thấy từ xa đã sợ chạy như sắp té ra quần, bỏ cả xe đạp lao hùng hục vào rừng. Cậu ta chỉ dừng lại khi biết Van Zant đến gặp với mục đích thu nạp vào đội khi nghe tiếng về tài năng guitar xuất chúng của Collins. Hết nỗi sợ với ông Van Zant, Collins lại chuyển sang sợ bị bọn trong ban nhạc cậu đang chơi tẩn cho một trận. Như được thể, Ronnie Van Zant cùng Gary Rossington và Bob Burns lại hùng hổ kéo nhau đến chỗ mấy thanh niên ban nhạc kia đang tụ tập để ra uy. Dĩ nhiên hội đó đồng ý luôn cho Van Zant nẫng Allen Collins hơn là đi choảng nhau với kẻ đã kịp lột áo cởi trần ra doạ. Cách lãnh đạo nhóm của Van Zant cũng giống như môi trường thiết quân luật. Tại nơi ban nhạc tập dượt và sáng tác cho hai album đầu tay, căn nhà với cái tên Hell House này nóng như cái lò vào những ngày hè. Không lắp nổi điều hoà nên tủ lạnh và mấy chai bia là thứ duy nhất làm dịu mọi người. Thế mà Van Zant ép Leon Wilkeson phải luyện bass riêng với trống của Bob Burns cho tới khi hai tiếng hoà như một mới thôi. Hoặc không thì Wilkeson bị đuổi thẳng thừng như thành viên bass trước đó. Tưởng tượng một kẻ thừa cân như Wilkeson khổ sở như nào khi cùng Burns vã mồ hôi như tắm cày hàng giờ cho đến khi phần nhịp được chặt chẽ. Khi đủ thành phần ban nhạc, mà tôi muốn nhắc lại đây cho bạn đọc đỡ quên tên: 1- vocal do Ronnie Van Zant đảm nhiệm, 2&3- guitar đôi do Gary RossingtonAllen Collins gánh, 4- bass do Leon Wilkeson (sau này có thêm Ed King làm chân đóng thế mỗi khi Wilkeson lặn mất tăm, còn khi hắn có mặt thì King chuyển sang đảm nhiệm vai trò guitar thứ ba), 5- trống do Bob Burns và sau này có thêm 6- piano/keyboard được Billy Powell chơi; nhạc của Lynyrd Skynyrd vẫn là thứ khó tiếp cận với các hãng đĩa. Mặc cho sự nỗ lực tận tâm của quản lý Alan Walden, người theo sát ban nhạc từ những ngày đầu khó khăn vất vả đến cả những lúc cháy túi, các ông hãng đĩa đều từ chối ký hợp đồng với lý do “nhạc họ giống của Allman Brothers Band” quá. Mà trong thị trường âm nhạc lúc đó, có vẻ như chỉ cần một band chơi Southern Rock nổi tiếng là đủ. Mỉa mai thay là ông anh ruột của Walden lại chính là người quản lý Allman Brothers Band và có trong tay hãng đĩa Capricorn, nhưng vẫn nhẹ nhàng khước từ cậu em trai để ký hợp đồng thu âm với Lynyrd Skynyrd. Nếu để so nhạc giữa Lynyrd với Allman, người nghe nhạc đã từng có cơ hội xem Lynyrd mở màn cho Allman và làm phép so sánh rõ ràng. Lynyrd chơi Blues, Country với âm thanh Rock mạnh bạo hơn. Ngoại trừ bài “Free Bird” của band, các bài khác đều chỉ cần 3-4 phút là dốc đủ ý tứ, đầy đủ và gọn gàng. Cùng âm hưởng Southern Rock, Allman lại chịu ảnh hưởng Jazz nên chơi những bài jam nhiều hơn và do đó họ lại khoái đi diễn và thu những album live hơn là studio. Lynyrd thừa hiểu điều đó nên họ cũng không màng tới việc cạnh tranh Allman về khoản này. Cả Phil Walden, anh ruột của Alan và là người quản lý cho Allman Brothers kiêm chủ hãng đĩa, cũng có mặt tại buổi đó. Nhưng sự khác biệt đó vẫn chưa đủ thuyết phục Phil dù phản ứng của khán giả tỏ ra rất hứng thú với phần mở màn đó. Có điều là không phải ai cũng như Phil. Các ông trùm hãng đĩa và Phil có thể nghĩ không còn chỗ đứng cho một Southern Rock band khác ngoài Allman Brothers Band. Nhưng thực tế cho thấy trái tim người nghe nhạc vẫn còn ngăn cho Lynyrd Skynyrd và các nghệ sĩ Southern Rock khác.

3. Bất chấp thứ âm nhạc khó tiếp thị của Lynyrd Skynyrd


Bên trong vẻ bề ngoài khó ưa của Van Zant, bản chất của tay thủ lĩnh này lại là người rất coi trọng tình nghĩa anh em. Anh có một sự cảm thông với Gary Rossington vì cậu này từ nhỏ đã thiếu hình bóng người bố, điều mà anh luôn trân trọng trong mối quan hệ “không bằng mặt nhưng lại bằng lòng” với ông bố của mình. Anh sẵn lòng ghi tên credit và chia 1/7 tiền bản quyền với Leon Wilkeson dù cậu này chỉ tham gia ở giai đoạn tập dượt (nhưng là người viết ra phần đàn bass để Ed King thu âm sau này). Bởi vì với vai trò anh cả trong nhóm, Van Zant dần trưởng thành hơn trong trách nhiệm và coi trọng những người đồng hành từ đầu như một gia đình. Mối quan hệ giữa các thành viên của Lynyrd Skynyrd cũng vậy. Trong lúc jam nhạc cùng nhau, nắm đấm bay vèo vèo. Ai đánh sai gam, ăn đấm. Tranh cãi một vấn đề, ăn đấm. Nhưng sau đó mọi người lại vui vẻ jam nhạc cùng nhau. Do đó bản chất lỗ mãng thẳng ruột ngựa mà chân thật của người miền Nam nước Mỹ chỉ những ai tiếp xúc lâu mới thấu hiểu. Âm nhạc của Lynyrd Skynyrd cũng giống vậy. Một lần cả band diễn tại quán bar Funochio. Đúng hôm đó Van Zant nhận tin bà của anh mới qua đời. Đến gặp tay chủ quán, Van Zant và manager Alan Walden xin huỷ buổi diễn nhưng chỉ nhận được câu từ chối cộc lốc “Đằng nào mụ già cũng ngỏm rồi thì bọn mày cứ tiếp tục diễn thôi”. Van Zant kiềm chế hết mức và diễn cùng band cho đến bài cuối cùng “Free Bird”, cũng là lúc anh xả hết cơn tức. Anh xả vào mấy bộ loa, anh xả vào đống ghế phía dưới. Khán giả chạy la ó, còn đám cảnh sát mò tới. Có điều sau lần đó tiếng tăm của Lynyrd nổi như cồn nhờ buổi diễn cực chất lượng đó. Mặc dù bị phá quán, gã chủ vẫn móc hầu bao ra trả tiền cát xê vì đã chứng kiến Van Zant điên cỡ nào, và cả khách đến quán cũng đòi xem Lynyrd Skynyrd diễn lại. Nếu như chỉ cần nghe nhạc trong đĩa đầu của Lynyrd, có thể phần nào tưởng tượng thứ âm nhạc đó cuốn hút ra sao, đặc biệt khi được nghe ở cự ly gần và không gian nhỏ như quán rượu. Với tôi, cái chất nhạc Blues vẫn luôn là thứ khiến tôi thiên vị hơn nhờ lối giải quyết những khúc căng trong bài, dù dễ đoán nhưng không bao giờ đủ thoả mãn.

Với Lynyrd, họ còn có nhiều gia vị thêm vào đó. Đó là phần nhịp điệu chặt chẽ đúng ý Van Zant mong muốn từ ngày đầu, trong đó câu bass mà Leon Wilkeson nghĩ ra có vai trò rất lớn trong ban nhạc. Nó bám theo tiếng trống của Bob Burns như trong bài “Gimme Three Steps” (dù tiếng bass được Ed King thể hiện sau khi học theo Wilkeson một cách mượt mà, và còn thêm những nốt láy và luyến nghệ thuật) và thi thoảng trồi lên cùng tiếng đàn guitar làm ấm không gian bài nhạc. Bộ đôi guitar Gary RossingtonAllen Collins cộng với tay guitar thứ ba Ed King có lẽ là thứ "đặc sản" của Lynyrd Skynyrd. Giữa Rossington và Collins, họ quyết định không phân chia ai lead ai rhythm, mà thay nhau vai trò đó. Tiếng guitar của họ hòa vào nhau như cặp song sinh. King, tay guitar thứ ba (thi thoảng chơi bass nếu Wilkeson cho cả hội leo cây) tập trung vào phần rhythm để làm cầu nối. 3 cây guitar của Lynyrd dường như có vẻ quá dày nhưng thực tế không như vậy. 3 cây guitar giúp cho ban nhạc thực hiện được những ý tưởng câu đàn có vẻ đang chạy song song, nhưng luôn có nốt nhạc ở một cây đàn chực đòi nhảy ra ngoài, giống trong đoạn solo ở bài “Simple Man”. Hơn nữa âm thanh 3 guitar làm một giai điệu ballad ở phần verse đối lập hẳn với phần điệp khúc có màn guitar riff như đấm thẳng vào mặt.

3 cây guitar nghe có vẻ dày đặc nhưng được làm mềm và đối trọng bằng phần piano bluesy cực hay của Billy Powell, một nghệ sĩ bám càng cho đến sau này mới thành thành viên của Lynyrd. “Things Goin’ On” có lẽ là số ít trong đĩa được mỗi thành viên phát huy hết tài năng. Câu riff guitar mở đầu rất hiệu quả với phần harmonic chen vào giữa. Câu bass đục chơi cực hay sau đó làm nhân vật chính nổi lên trên tiếng guitar để phụ hoạ và đối âm với giọng hát của Ronnie Van Zant. Rồi sau đấy là phần interlude piano đầy tưng tửng của Powell đứng ra ánh sáng spotlight, với cách biến tấu hay khó đỡ. Rồi lại đến lượt câu solo guitar đơn giản hiệu quả đến không ngờ.

Giọng hát của Ronnie Van Zant thì đủ chất soul trong đó để thu hút dù anh không cần với những nốt nhạc cao và khó. Các bài của Lynyrd Skynyrd đều được cân chỉnh cho vừa quãng giọng thoải mái nhất của Van Zant. Và ngoại trừ số ít bài, ban nhạc không chú trọng đến hát bè, thứ khá là phổ biến trong âm nhạc bấy giờ, với mục đích cho các thành viên chú tâm vào nhạc cụ của mình và để giọng hát của Van Zant cất lên rõ ràng, mộc mạc nhưng chân thực nhất có thể. Vậy đó, Lynyrd Skynyrd có thể không có thành viên nào siêu hạng cỡ một virtuoso, mỗi người họ đều đủ giỏi để hoà chung thành một ban nhạc có sự gắn kết chặt chẽ. Nhờ thế mà Lynyrd Skynyrd mới sống sót được khi có dịp mở màn cho The Who, cơ hội ngàn năm có một giúp họ lần đầu tiếp cận được số lượng khán giả hàng vạn người, thay vì vài trăm người tại các quán bar trước đây. Điều buồn cười là cuối cùng những anh chàng đến từ miền Nam, nổi tiếng hung hăng giờ đây lại có vẻ trưởng thành điềm đạm hơn so với phong cách đập phá của Pete Townshend và The Who. Về mặt âm nhạc, âm thanh Rock của vùng đất xa xôi đó đủ sức mạnh thuyết phục với chính Townshend và người hâm mộ của The Who.

Và khi thị trường có cơ hội để nghe kỹ âm nhạc của Lynyrd Skynyrd, họ đều bị thuyết phục trước thứ âm nhạc Southern Rock thẳng tuột và đầy cá tính của ban nhạc miền Nam của những kẻ bất khuất.


Nhưng rồi...

4. Chuyến bay định mệnh không dành cho người miền Nam bất khuất


Sau lần biểu diễn thành công ngoài dự kiến ở quán bar Funochio, định mệnh dẫn dắt họ gặp mặt Al Kooper - một nghệ sĩ được nể trọng, từng hợp tác với Bob DylanRolling Stones. Lúc ấy Kooper đang có ý định tìm ban nhạc đại diện cho miền Nam nước Mỹ. Ngồi xem Lynyrd Skynyrd diễn tại Funochio, phải đến đêm thứ ba ông mới thấy ngấm và ấn tượng thứ tổ hợp nhạc Blues kỳ quặc và nhận ra đó là âm nhạc ông đang tìm. Kooper xin lên jam cùng ban nhạc. Van Zant và các thành viên đều biết đến danh tiếng ông và họ vui vẻ đồng ý. Khi Van Zant hô to bài “Mean Woman Blues” giọng C#, Kooper hơi giật mình vì chẳng mấy ai chơi ở giọng đó khi hai tông liền đó, C và D đều dễ đánh hơn rất là nhiều. Phải sau này ông mới hiểu đó là cách Van Zant và ban nhạc “từ chối khéo” những vị khách không mời đòi lên jam cùng, kể cả đó là Al Kooper nổi tiếng đi chăng nữa. Dĩ nhiên Kooper chơi ngon lành và ông sau đó còn ký hợp đồng thu âm với Lynyrd Skynyrd cũng với một cái giá ngon lành hơn thế nữa. Ông trực tiếp sản xuất nhạc cho ba album đầu của ban nhạc và đưa họ lên đỉnh cao của vinh quang. “Free Bird” và “Sweet Home Alabama” trở thành những bản nhạc kinh điển đại diện cho Lynyrd và dòng Southern Rock. Trong bài “Free Bird”, đoạn lời hát của Ronnie Van Zant có đoạn: Lord knows, I can't change Lord help me, I can't change Lord, I can't change Won't you fly high, free bird, yeah Thực tế là từ những ngày còn đang vật lộn trong khó khăn với ban nhạc, Ronnie Van Zant đã thay đổi như cách mà bố anh luôn mong mỏi ở cậu con trai. Ở vai trò thủ lĩnh của ban nhạc, anh trưởng thành hơn, bớt tính hung hăng và sự bất cần. Và như thế đáng nhẽ nỗi lo sợ trước đây của ông bố anh phải biến mất, định mệnh lại không buông tha Van Zant và Lynyrd Skynyrd. Nếu như cái tên khó phát âm như Lynyrd Skynyrd gây cản trở con đường đến thành công nhưng họ vẫn bất chấp để tiếp tục kiên trì theo đuổi. Nếu như thị trường tưởng như chỉ có chỗ tiếp nhận cho một Allman Brothers Band nhưng Lynyrd vẫn bất chấp tìm cách vươn khỏi tầm một ban nhạc địa phương để chứng tỏ âm nhạc Southern Rock của họ khác biệt và gây ấn tượng được với Al Kooper, với Pete Townshend The Who, và cả thị trường âm nhạc. Đáng buồn là thành quả của sự bất chấp đến lì lợm như tính cách Van Zant và ban nhạc cũng bị dập tắt bởi định mệnh vào cái ngày Lynyrd Skynyrd bước chân lên chiếc máy bay Convair lần thứ hai vào ngày 20 tháng 10 năm 1977, mặc dù tay trống Artimus Pyle (người thay thế Bob Burns) đã cảm nhận vấn đề với động cơ của chiếc máy bay trong lần bay trước đó. Định mệnh đã buông tha ban nhạc Aerosmith khi cả Steven TylerJoe Perry đòi thuê đúng chiếc phi cơ đó cho lần tour diễn nước Mỹ cũng vào năm 1977, nhưng ban nhạc từ chối sau khi đội ngũ quản lý ban nhạc nhận thấy chất lượng của máy bay và hai phi công đều không đủ tiêu chuẩn. Phép màu nhiệm đó không đến với Ronnie Van Zant và Lynyrd Skynyrd. Chiếc phi cơ lao xuống khu rừng sau khi mất hết nhiên liệu. Cú va chạm đó cướp đi mạng sống của Van Zant, Steve Gaines (guitar thay cho Ed King), Cassie Gaines (ca sĩ hát bè và chị gái của Steve), trợ lý điều hành ban nhạc và hai tay phi công. Những thành viên còn lại đều bị thương nặng. Vụ tai nạn kinh hoàng đó xảy đến chỉ 3 ngày sau khi album thứ năm, Street Survivor của Lynyrd Skynyrd được phát hành. Sự trùng hợp đáng sợ là bìa album in hình ban nhạc đứng giữa biển lửa, khiến cho hãng đĩa phải nhanh chóng thay bằng tấm hình có nền đen đơn giản. Ngày Ronnie Van Zant ra đi mãi mãi, anh mới ở tuổi 29 còn chưa kịp sang 30, đúng như điều bố anh từng lo lắng. Tôi chợt nghĩ liệu bố của Van Zant có lúc nào đó loé lên những suy nghĩ mong ước một trong những điều trên chưa bao giờ trở thành hiện thực, để cậu con trai của ông quay về với việc học dở dang và có một công việc ổn định, giống như con người miền Nam cần mẫn suốt cả cuộc đời như ông.

Nhưng thực tế chỉ khác chút là, ông cũng có thể tự hào khi nhận mình là “Father of Southern Rock”. Thay vì bức tường nhà treo những tấm bằng tốt nghiệp của Ronnie, ông có thể phủ kín chúng bằng những đĩa vàng mà con trai ông cùng ban nhạc mang lại. Và hơn cả, ông có thể an ủi bản thân rằng, Ronnie Van Zant đã không phải trải qua những giây phút hoảng sợ trên chuyến bay đó. Anh đã ngủ say trên chuyến bay bằng thuốc an thần sau một đêm thức trắng trước đó. Ronnie đã là cánh chim bất khuất tự do bay cao ngay khi anh bước lên chuyến bay định mệnh đó.

If I leave here tomorrow Would you still remember me? For I must be traveling on now 'Cause there's too many places I've got to see

RIP Ronnie Van Zant (20.10.1977) - tai nạn máy bay

RIP Steve Gaines (20.10.1977) - tai nạn máy bay

RIP Cassie Gaines (20.10.1977) - tai nạn máy bay

RIP Allen Collins (23.01.1990) - viêm phổi mạn sau khi liệt giường do tai nạn ô tô năm 1986

RIP Leon Wilkeson (27.07.2001) - bệnh tắc nghẽn phổi và gan mạn tính

RIP Billy Powell (28.01.2009) - đau tim

RIP Bob Burns (03.04.2015) - tai nạn ô tô

RIP Ed King (22.08.2018) - ung thư

Hẹn gặp lại! Kink

1,374 views

Recent Posts

See All
bottom of page