top of page

ZZ Top: âm nhạc và sự gắn kết hơn nửa thế kỷ

Một trong những show diễn đầu tiên của ZZ Top tại Alvin, Texas vào năm 1970. Ngày ấy, cả ban nhạc chưa có được thành công thương mại, nên họ nghĩ lấp đầy được nửa số ghế phía dưới là ngon lành lắm rồi.


ZZ Top lọ mọ chuẩn bị trên sân khấu, cắm mic, chỉnh nhạc cụ phía sau tấm màn. Và rồi, khi tấm màn buông xuống, trước mắt ba người họ là một khán giả duy nhất đứng phía dưới. Tay đó mặt nghệt ra khi nhìn thấy một gã râu ria xồm xoàm ôm cây đàn bass, một gã đeo cặp kính trí thức ôm cây guitar điện và gã còn lại với bộ ria mép ngồi sau giàn trống.

Ngó nghiêng xung quanh, vị khán giả bất đắc dĩ này nhận ra mình đi lạc vào nhầm chỗ và tính bỏ đi thì ba ông ZZ Top gọi với lại.

Khoan từ từ hẵng về. Hãy để bọn này diễn một show cho cậu xem

ZZ Top chơi hẳn 1 tiếng đồng hồ. Còn tay khán giả đứng trơ ở dưới không biết nên làm gì. Sau đó ban nhạc bước xuống mua tặng cậu ta một chai Coca và quay lại đánh thêm chút nữa, gọi là để tỏ lòng cám ơn với người “hâm mộ” duy nhất của show diễn đó, bất kể việc tay này có mong muốn xem tiếp hay không.

Có vẻ là có. Bởi cho đến mãi về sau, vị khán giả bất đắc dĩ này vẫn đến xem các show diễn của ZZ Top và bắt tay với các thành viên của ban nhạc. “Eh mấy bồ vẫn nhớ tôi chứ?”. Dĩ nhiên ba người họ không bao giờ quên mặt vị fan ruột trung thành này, dù là họ chưa bao giờ được biết danh tính của anh ta.


Kể ra để giữ chân được người nghe nhạc là rất khó, nhất là khi họ là kẻ lẻ loi đứng dưới, không được cảm nhận bầu không khí sôi động hừng hực của những khán giả khác đi cùng, một trong những trải nghiệm chính cho những ai thích đi xem show. Để phá tan cái không khí yên tĩnh, không một tiếng hò hét vỗ tay phía dưới, ZZ Top hẳn phải lấp đầy bầu không gian đó bằng thứ âm thanh đủ sôi động, đủ năng lượng để làm nóng nó, và tràn xuống phía dưới bao phủ xung quanh người khán giả duy nhất kia, khiến cậu ta quên đi sự lẻ loi mà hòa mình vào âm nhạc, được tạo ra chỉ bởi 3 con người.

Khác với các ban nhạc được cùng gắn mác “Southern Rock” đến từ Florida với số thành viên 5-6 người như The Allman Brothers Band hay Lynyrd Skynyrd, band ZZ Top đến từ Texas luôn chỉ dừng ở con số 3, bao gồm: Billy Gibbons (hát và guitar), Dusty Hill (hát và bass) và Frank Beard (trống). Ba con người này đã gắn bó với nhau trong suốt hơn 50 năm, một khoảng thời gian dài hơn bất kỳ bộ sậu sáng lập nào của các ban nhạc khác, và chưa bao giờ ZZ Top cảm thấy cần phải tuyển thêm thành viên để làm dầy cho âm nhạc của họ.

Ngoại trừ một số lần ban nhạc thuê các nhạc công session thu âm cùng, nếu ZZ Top muốn có nhạc cụ là kèn saxophone, như ở album Degüello (1979), thì họ tự tập thổi. Khi band muốn thêm tiếng keyboard, Dusty Hill lại là người đảm nhiệm. Vì lẽ đó, âm nhạc ZZ Top chơi thực tế dù nghe có mỏng hơn so với Allman Brothers Band hay Lynyrd Skynyrd - hai ban nhạc có đội ngũ thành viên gần gấp đôi. Nhưng đổi lại, ZZ Top chú trọng tới những khoảng lặng, để đối lập với những khúc cao trào mà họ sẽ làm tốt nhất, chỉ với ba con người.


Đây chính là thứ khiến nhạc của ZZ Top gần gũi với Blues hơn cả vì vẻ đẹp của những khúc thưa nhạc, giúp tôn tiếng đàn guitar tuyệt hay của Billy Gibbons – người được tạp chí Rolling Stone xếp ở vị trí số 32 những guitar giỏi nhất mọi thời đại. Nhưng thứ gia vị mà ZZ Top pha thêm vào nhạc Blues, để tả rõ nhất thì phải nghe bài “Brown Sugar” trong album đầu tay ZZ Top’s First Album (1971). Như Joshua Homme – frontman của ban nhạc Queens of the Stone Age miêu tả, đoạn đầu bài “Đường Nâu” này đậm chất Blues truyền thống. Xem nào, câu lick guitar lúc kêu lúc nghỉ, dập dình phía sau và giọng hát của Gibbons vang lên hát những giai điệu đặc sệt bluesy. Thế rồi bỗng dưng ở khúc 1:43 giây, bài nhạc chuyển hẳn sang thứ nhạc đậm chất “ZZ Top”, có nhịp điệu rộn ràng groovy của Boogie Rock mà vẫn giữ lại các câu đàn lick của nhạc Blues.

Để tạo được âm thanh chất “ZZ Top” đó trong studio với album đầu tay dù chỉ bằng đúng ba thành viên, Robin “Hood” Brians – chủ căn studio đã nghĩ ra cách treo micro khắp căn phòng, cái ở trên amp, cái đằng sau, cái dọc hành lang, cái ở trên trần, cái được chỉnh lệch pha. Rồi sau đó thu âm hai lần tiếng guitar rhythm của Billy Gibbons, trong đó lần thu âm thứ hai, dây đàn được căn chỉnh lệch tông đi chỉ một chút và BOOM… họ có được âm thanh mạnh mẽ từ chỉ ba con người trong studio, làm hài lòng tất cả mọi người, bao gồm cả Bill Ham – quản lý của ban nhạc, bất chấp sự phản đối overdub âm thanh trước đó của Ham.

***

Đại hội nhạc Memphis Blues là lần ZZ Top được đi diễn ở ngoài khu vực quê nhà. Bên sản xuất chương trình có nghe được nhạc của band và họ quá ấn tượng nên đã gọi mời ZZ Top tham gia chơi cùng loạt những nghệ sĩ tài năng của nhạc Blues khác như Muddy Waters, Freddy King, Albert King, v.v.

Chỉ duy nhất một vấn đề là những nghệ sĩ kia đều là những người da màu, còn 3 anh ZZ Top thì… ai cũng biết rồi đấy!


Ngày ấy, với chiến lược tạo ra sự kỳ bí cho ban nhạc của manager Bill Ham, cả Billy Gibbons, Dusty Hill Frank Beard đều không tham gia các cuộc phỏng vấn trên báo hay tivi. Ban nhạc gần như vô hình với những ai chưa từng xem họ biểu diễn hay mua đĩa của họ. Mấy ông tổ chức đại hội Memphis Blues thì đã nghe đĩa của ZZ Top, nhưng họ lại không buồn lật mặt sau của bìa đĩa để nhìn ra mặt 3 ông da trắng chình ình được vẽ bằng màu nước trên đó.


Và thế là khi ZZ Top “bị” phát hiện không phải nhóm nghệ sĩ da màu, ban tổ chức mới tá hỏa đẩy lịch biểu diễn của nhóm xuống cuối của chương trình, với hy vọng là không còn khán giả nào ở lại để nhìn thấy 3 gã da trắng “phá hỏng” hình ảnh nhạc Blues của đại hội. Thế quái nào lần này lúc họ xuất hiện, không một ai bỏ về sớm trước đó cả. Toàn bộ khán giả chật kín. Show diễn của band vượt ngoài mong đợi và thành công đến độ Furry Lewis – nghệ sĩ chơi guitar nhạc Country Blues phải đi lên sân khấu vẫy chiếc khăn và cổ vũ “Được đó! Mấy cậu chơi hay lắm!

Sự ăn ý của cả ba thành viên ZZ Top đã khớp từ buổi jam nhạc trong lần gặp mặt đầu tiên. Khi Billy Gibbons nghe Frank Beard vào trống, ông nhận ra mình đã tìm được đúng người bởi kỹ thuật chơi của Beard có cách đánh chắc khỏe và quyết đoán. Rồi khi Gibbons quay sang bảo Dusty Hill chơi theo tông C major (Đô trưởng), trên nền nhạc biến tấu ngẫu hứng của vòng hòa âm Đô trưởng mà Hill gảy cây đàn bass, Gibbons cứ thế chơi rhythm xen lẫn với các câu lick, trên nhịp trống của Beard trong suốt 3 giờ đồng hồ không nghỉ. Dù không phải là những người bạn nối khố, sự ăn ý đó có lẽ đến từ sở thích nghe cùng kênh âm nhạc Blues trên đài ngày bé. Nghệ sĩ ưa thích của họ là những huyền thoại nhạc Blues như BB King, Muddy Waters, Howlin’ Wolf, và những đàn anh Rock N’ Roll như CreamJimi Hendrix Experience.


Với Billy Gibbons, ông tự tập đàn guitar qua đài và các đĩa nhạc Blues. Các hợp âm ngấm vào đầu ông, nhưng do không được hướng dẫn bài bản về cách bấm, Gibbons hay tìm tòi những tư thế đặt ngón tay sao cho tay trái ít phải di chuyển nhiều nhất mỗi khi thay đổi hợp âm. Thói quen của Gibbons còn là đi tìm mua những cây đàn giá hời, bằng cách vào cửa hàng và giả với lóng ngóng đánh mấy câu đàn thô kệch, gây khó chịu cho người bán, cho đến khi họ đồng ý giảm giá tới con số mà ông đã mặc cả. Khi hoàn thành giao dịch, Gibbons sẽ ôm cây đàn và phô diễn một câu lick hay tàn bạo và hả hê bước ra khói cửa hàng trước nét mặt ngẩn tò te của người bán.

Với Dusty Hill, do ông từng học đàn guitar cả về chiêu thức chơi rhythm lẫn solo, nên cách đánh bass của Hill ngoài giữ nhịp còn mang cả giai điệu, điểm mạnh giúp làm dầy cho nhạc ZZ Top. Vai trò ca sĩ của Hill cùng với Billy Gibbons cũng giúp nhạc của ZZ Top có sự biến đổi về chất giọng thể hiện. Giọng nam cao của ông đối lập với giọng trầm và gằn của Gibbons mang lại sự phong phú trong hoà âm.

Với Frank Beard, đối lập với cái họ “Râu Quai Nón” của ông, ngoài bộ ria mép, ông luôn giữ khuôn mặt sạch sẽ gọn gàng, kể cả khi hai ông còn lại quyết định nuôi bộ râu quai nón rậm rạp, cùng cặp kính râm đen sì và chiếc mũ - một hình ảnh cực đặc trưng của ZZ Top từ cuối những năm 70, điều luôn khiến người hâm mộ gặp bối rối trong việc phân biệt Gibbons và Hill. Mang phong cách chơi nhạc progressive từ trước, Beard không chỉ đánh những nhịp trống to khỏe, ông còn biết chêm vào những đoạn dồn trống ăn ý với câu hát và câu đàn của Billy Gibbons.

Dù ZZ Top được trang bị đầy đủ kỹ thuật và tài năng của ba thành viên cùng sự ăn ý của họ, phải đến album thứ ba Tres Hombres (1973), ZZ Top mới tìm ra âm thanh chuẩn chỉnh và hoàn mỹ, đưa họ lên đỉnh cao sự nghiệp. Trong khi nhạc Blues của Led Zeppelin, The Rolling Stones, hay Eric Clapton là những phiên bản đến từ nước Anh, thì ZZ Top chơi âm nhạc Blues mang âm hưởng Rock đầy groovy, và có chút khô cằn của vùng đất Texas.

Với Tres Hombres, ZZ Top hoàn thiện âm nhạc của họ hơn khi ban nhạc vay mượn những câu lick bluesy đầy ngẫu hứng với âm sắc gằn và thô ráp để chơi trên nền Rock N’ Roll đầy chỉn chu ở âm sắc và nhịp độ qua tiếng bass bập bùng và tiếng trống đều đặn chắc gọn. Âm nhạc của ZZ Top vì thế có thể khuấy động cả bầu không khí qua những âm thanh sôi động nhưng lại ngấm sâu vào lòng người nghe nhạc.

Bài “Waitin’ For The Bus” trong đĩa có một cách mở bài đầy ấn tượng về một âm thanh hoàn toàn khác trước của ZZ Top. Nhịp trống chắc nịch và câu guitar riff rung hai bên tai dẫn dắt trước khi tiếng bass của Dusty Hill vào nhạc đầy đặn và cực ấn tượng bởi giai điệu của nó trước khi hòa cùng phần nhạc bằng những nốt trầm đặc. Khi phần dồn trống đảo phách của Frank Beard xuất hiện, nó gợi ý cho ta về khúc biến đổi liền sau đó của bài nhạc. Và thế là khúc cao trào được đưa đẩy bằng phần solo của kèn harmonica và đàn guitar có âm sắc cực hay của Billy Gibbons.


Bài “Beer Drinkers And Hell Raisers” có phần song ca tuyệt hay của Gibbons và Hill. Sự đối lập về giọng hát của họ như đã nhắc đến ở trên được tận dụng hiệu quả trong bài này. Giọng hát cao và trong của Hill bồi đắp với giọng trầm khàn hơn của Gibbons, quyện vào nhau, được tiếp nối bằng phần solo guitar dài hay không tưởng của Gibbons, chơi trên những khúc dồn trống chuyển nhịp chắc chắn bởi Beard.

Phong cách nhạc các bài trong album này có sự phong phú đa dạng khiến nó nhiều màu hơn hẳn tông xanh lá nhàm chán của bìa album này. Như “Master Of Sparks”, ngoài tiếng các nhạc cụ thường thấy của ZZ Top, âm thanh lung linh ảo diệu nghe tựa như được chơi từ slide guitar, khiến nó tôn hẳn phần guitar solo có âm sắc rè bẩn sau đó. Rồi thì “Hot, Blue And Righteous” mang một tempo chậm rãi và chill hẳn như để người nghe được thở lấy hơi cho phần sau dồn dập, của khúc tăng tốc ăn ý của bộ ba trong “Precious And Grace”, hay âm thanh boogie đầy nhịp điệu nhún nhảy từ “La Grange” - bài hát có ca từ ngợi ca nhà chứa nổi tiếng nhất vùng Texas.


Tổng hợp lại, Tres Hombres trở thành một tuyệt phẩm cho ZZ Top, khiến cho không chỉ nước Mỹ, mà cả thế giới phải há hốc mồm trước những gì mà ZZ Top có thể làm được cho một chất nhạc nặng tính Blues đầy sức sống đến từ vùng đất xa xôi lạ lẫm – Texas. Một thứ nhạc mà cụm từ “Southern Rock” dùng để tả Allman Brothers Band và Lynyrd Skynyrd, cũng không thể thể hiện hết những gì phát ra từ âm nhạc của ZZ Top.

Người ta không hiểu được nhạc của họ - ba kẻ mang bộ dạng những cao bồi miền Viễn Tây, nhưng lại không chơi nhạc đồng quê. Người ta gọi ZZ Top là “that little ol’ band from Texas”. “Little” vì chỉ có 3 người và chưa có được thành công thương mại. “Ol’” vì chiếc mũ và đôi ủng phong cách “cũ kỹ” “già nua” không giống ai. Và “Texas” là vùng đất mà con người ta coi trọng lịch sử và văn hoá địa phương hơn cả đất nước Mỹ rộng lớn, nhưng lại bị những thành phố lớn khác chê bai “quê mùa”, điều khiến cho nữ nghệ sĩ Janis Joplin từng phải giả vờ nhận San Francisco là quê hương của mình.

Mặc cho cái mác “that little ol’ band from Texas” không hề mang một ý nghĩa tốt đẹp gì, quản lý Bill Ham cùng người tư vấn PR nảy ra một chiến lược quảng bá cho ZZ Top bằng những nét đậm chất vùng đất Texas nhất có thể, với một sự tự tin có thừa.


***

Chuyến lưu diễn quy mô cực lớn mang cái tên Worldwide Texas Tour của ZZ Top kéo dài 19 tháng từ giữa năm 1975 đến cuối năm 1976 đã trở thành chuyến lưu diễn điên rồ nhất thập niên 70.


Không còn chuyện chỉ có một khán giả đứng chơi vơi phía dưới. Không còn mấy vụ nhầm lẫn ba anh chơi nhạc là người da màu. Thế mà vẫn còn đầy thứ mà cả ban nhạc và người tham dự đều không thể tưởng tượng có thể đón nhận từ tour diễn này.

Đầu tiên là trâu và bò sừng dài. Tiếp đến là rắn đuôi chuông và nhện độc tarantula. Rồi lợn lòi. Và cả đại bàng đen và kền kền. Những "đặc sản" vùng Texas đó đi cùng ban nhạc trong suốt chuyến lưu diễn, hệt như một gánh xiếc âm nhạc di động.

Kế hoạch là một chú chó sẽ xuất hiện trên sân khấu, hú mở màn và Bill Gibbons sẽ chơi nốt nhạc đầu tiên theo đúng tông hú đó. Nhưng vì không luyện được cho chú chó đó hú như yêu cầu, một cuộn băng sẽ được bật lên và sau đó Gibbons tiếp bằng câu đàn khiến đám kền kền co người đập cánh và con đại bàng đen cũng giang cánh theo. Đám khán giả há hốc mồm nhìn vào chúng trước khi ánh đèn chiếu ngược trở về sân khấu và cả ban nhạc chơi những bài nhạc đầu tiên.

Kế hoạch là vậy. Nhưng cả đám muông thú đó dù có người huấn luyện đi theo cùng không phải lúc nào cũng tuân theo chương trình định sẵn. Có lần con đại bàng đen đập cánh bay trên trời và đáng nhẽ sẽ đậu xuống chiếc mũ trắng của người huấn luyện, nhưng hôm đó đám khán giả ở dưới có quá nhiều người đội mũ cùng màu khiến nó bối rối bay mòng mòng trên đầu khán giả. Show nhạc phải tạm dừng để tay huấn luyện huýt còi gọi con đại bàng về. Rồi lần Frank Beard cùng ban nhạc chơi một bài tiết tấu chậm rãi, ông cảm thấy nóng gáy khi con đại bàng đậu phía sau cứ săm soi chăm chú như kiểu "Ủa, gã này chết chưa ta?”. Beard bèn phải cố khoa chân múa tay một cách sống động nhất có thể trên giàn trống để làm phân tán sự chú ý của nó.


Dù phát sinh những vấn đề không tránh khỏi, bao gồm cả việc không thể bay ra nước ngoài lưu diễn vì các luật cách ly áp dụng cho đám thú hoang, cả chuyến đó vẫn kết thúc thành công rực rỡ cho ZZ Top với hơn 1,2 triệu vé được bán. Chỉ có 3 người, 1 trống, 1 bass và 1 guitar - nhưng họ vẫn luôn tạo những bất ngờ và choáng ngợp, dù dưới đó chỉ có một vị khán giả hay cả hàng chục ngàn người. ZZ Top từ đó có được vị thế vững chắc trong lịch sử nhạc Rock thế giới, hơn chỉ đơn thuần đại diện của dòng nhạc Blues Rock, Boogie Rock, Southern Rock, hay bất kỳ cái tên nào khác được gắn cho họ.


Bởi điều đáng nể là dù chỉ có ba thành viên không đổi sau bao năm tháng, cùng sự gánh vác của ông quản lý Bill Ham có đôi tai tinh tường, âm nhạc của ZZ Top vẫn biến chuyển, vượt khỏi cả những ranh giới về thể loại nhạc mà họ chơi. Tiêu biểu như lần thử nghiệm táo bạo nhưng cực kỳ thành công với âm thanh trau chuốt của đàn synth và trống điện tử trong album Eliminator (1983). Bởi vì, sâu xa trong thứ nhạc mà họ chơi, ZZ Top chưa bao giờ đánh mất gốc gác dòng nhạc Blues theo phong cách những con người đến từ Texas. Và ba người họ cũng chưa bao giờ đánh mất tình bạn lâu bền, và gắn bó với nhau suốt nửa thế kỷ… cho đến ngày Dusty Hill từ giã cõi đời.


RIP Dusty Hill (28.07.2021)



Hẹn gặp lại!


Kink

491 views

Recent Posts

See All
bottom of page