top of page

Electric Light Orchestra: quá tam ba bận

Trong số vô vàn các ban nhạc chịu ảnh hưởng từ nhạc của bộ tứ The Beatles, có một ban nhạc gần như đúng nghĩa đen là được sinh ra từ nhạc của The Beatles. Đó là Electric Light Orchestra (ELO).

Câu chuyện huyền thoại về việc Paul McCartney đã sáng tác bài “Yesterday” như thế nào hẳn đã được biết bao người truyền miệng. Nhưng ngoài giai điệu thuộc hàng ngũ hay nhất thế giới này, sự đột phá ở đây là âm thanh dàn dây gồm 2 cây violin, 1 cây viola và 1 chiếc cello được đưa vào. Từ ý tưởng khác người của nhà sản xuất nhạc đại tài George Martin, ngay khi ca khúc “Yesterday” được hoàn thiện, nó đã đánh dấu một bước ngoặt lớn khi đẩy hai dòng nhạc hiện đại và cổ điển xích lại gần nhau hơn. Từ đó, nó mở ra cánh cửa cho một xu thế mới khi các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dàn dây được thuê để thu âm cùng các ban nhạc Rock với mục đích “làm mềm” tiếng, khiến âm thanh dễ tiếp cận hơn cho người nghe nhạc đại chúng.

Bản thân The Beatles tiếp tục hoàn thiện và khám phá việc sử dụng dàn dây trong nhiều ca khúc, trong đó hai bài “I Am The Walrus” và “Eleanor Rigby” đã trở thành công thức pha chế chính cho nhạc của nhóm ELO. Khi mà bài “Yesterday” mới chỉ sử dụng dàn nhạc làm nền bổ trợ thì hai ca khúc “Walrus” và “Rigby” đã giảm thiểu tiếng guitar và dùng đàn violin, viola và cello làm nhạc cụ chủ đạo từ đầu đến cuối.


Roy Wood và Jeff Lynne của nhóm ELO mới vì thế phát triển ý tưởng đó cho chính ban nhạc mình, nhằm khác biệt hoá họ với những nghệ sĩ cùng thời kỳ thập niên 70. Roy và Jeff tưởng tượng họ là John và Paul của bộ tứ huyền thoại tiếp tục phát triển âm thanh pha trộn của nhạc hiện đại và cổ điển.


Do hơn nửa thành phần công thức là nhạc cổ điển, hai anh Roy và Jeff - vốn dĩ đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ mới bổ sung thêm các loại kèn oboe, clarinet, trumpet, trombone, đàn sitar, v.v. Sau hồi mày mò cả hai tìm ra được âm nhạc cho ELO khởi nguồn từ bài “10538 Overture” trong album Electric Light Orchestra đầu tay. Giống như hình ảnh chiếc bóng đèn trên bìa đĩa chuẩn bị bật sáng với ý tưởng cho ban nhạc, bài mở đầu “10538 Overture” giới thiệu người nghe đến câu riff bằng đàn guitar điện thân quen trước khi vào nhạc bằng câu riff khác thường được chơi bằng cello và từ đó, tiếng guitar chìm xuống làm nền cho tiếng kêu trầm khàn đục của cello.

Gọi là ELO đã phần nào tìm ra hướng đi. Album đầu tay này vẫn còn thiếu sự trau chuốt trong khâu sản xuất vì sự phức tạp trong phần thu âm các tiếng đàn dây như thế này. Đặc điểm của đàn cello (dùng cho âm trầm như bass), viola (âm giải trung) và violin (âm giải cao) là đều có độ rung mạnh, tiếng vĩ chạm vào dây tạo tạp âm khá rõ, và âm sắc biến đổi khác biệt dù trên cùng một chiếc đàn từ nốt thấp lên nốt cao. Do vậy, album đầu của ELO có phần loay hoay khâu thu âm và mixing, dẫn đến một số bài nghe đàn dây chưa có độ ngân vang, tiếng đàn cello không hòa hợp với nhạc và âm thanh tổng thể còn bị rối với nhau, một nhược điểm dễ gặp khi đi theo thể loại này. Dù vậy, nhạc và giai điệu của nhiều bài trong album này như “Look At Me Now”, “Nellie Takes Her Bow”, “Queen Of The Hours”, vẫn cuốn hút nhờ sự “màu sắc” tình tứ của âm nhạc The Beatles.


Chỉ có điều, cả Roy và Jeff đều không lường trước được những khó khăn của việc biểu diễn live trên sân khấu cho thứ âm nhạc phức tạp về quân số và dàn dựng này. Mất thời gian chuẩn bị, chỉnh âm thanh, những khúc lặng thay đổi đội hình chơi nhạc làm loãng không khí, số người trên sân khấu có lúc còn đông hơn khán giả, cộng với sự bất đồng với người quản lý, Roy Wood lại là người ra đi dù ông là kẻ sáng lập đầu tiên cho ELO. Người ở lại Jeff Lynne đành ở lại nhận vị trí thủ quân và kiêm luôn sáng tác hai vai gộp lại.

ELO 2, album thứ hai vẫn chưa có được âm thanh như mong muốn. Cái khái niệm nhạc cổ điển pha với nhạc hiện đại nghe có phần “nghệ thuật” nhưng hiệu quả không đạt được như mong muốn vì các bài đều có độ dài từ 7 phút trở lên. Những câu đàn solo, câu jam dài dòng và thừa thãi, làm người nghe quên mất giai điệu hay của bài vừa diễn ra trước đó.

Đúng là quá tam ba bận, phải đến đĩa thứ ba, On The Third Day, Jeff mới tìm được giọng nói ưng ý cho ELO. Album này chính ra hay bị người nghe nhạc và các nhà phê bình bỏ qua, do nó nằm ở giai đoạn chuyển tiếp của sự nghiệp âm nhạc của ELO ở giai đoạn bước đầu còn đang loay hoay tìm âm thanh, và với giai đoạn sau khi đã nắm vững "quy trình" từ sáng tác, sản xuất, sắp xếp đến thu âm. Cái hay của album On The Third Day này còn là album cuối trước khi ELO chuyển sang sử dụng cả dàn nhạc hoành tráng.


Chỉ với đội hình bốn tay dàn dây gồm 2 violin, 1 viola và 1 cello, chơi cùng các nhạc cụ khác trong ban nhạc, âm thanh dàn dây lúc này vẫn giữ được sự “thô ráp” phần nào của tiếng string. Khác với đĩa trước khi kỹ thuật thu âm chưa tốt nên tiếng violin, viola hay cello còn giống âm thanh nén, không bộc lộ được âm sắc vang khỏe, nay bằng công nghệ cao hơn, Jeff Lynne đã mài dũa làm mềm được tiếng đàn dây khi thu âm. Nhưng cái hay của On The Third Day khi đem đi so với các đĩa sau lại cũng chính là một phần “thô ráp” được giữ lại của tiếng vĩ chạm vào các dây nghe có độ khàn nhất định khi đánh những câu riff, một âm thanh đủ kích thích để thay thế tiếng guitar điện rè. Dàn nhạc hoành tráng sử dụng ở các album sau tự dưng lại làm mềm hẳn, nhòe mất đi âm thanh Rock. Thế nên, nhạc của ELO về sau nghiêng về thiên hướng Pop (hay thậm chí về sau là Disco) lai nhạc cổ điển hơn.


Quay lại với album On The Third Day, điều dễ nhận thấy đầu tiên là các bài trong đĩa có thời lượng ngắn hơn so với đĩa ELO 2,  quanh mức 4 – 5 phút mỗi bài phù hợp cho nhạc đại chúng. Nhờ đó, âm nhạc trong đĩa này dù vẫn theo phong cách Progressive Rock vẫn được chắt gọn và tạo được sự biến đổi trôi chảy giữa các khúc nhạc trong cùng bài.


Bài đầu "Ocean Breakup / King of the Universe" có lối sử dụng nhạc cụ strings gọn gàng mà vẫn hoành tráng nhờ tiếng trống mạnh mẽ của Bev Bevan. 


Trong đĩa này, ảnh hưởng của The Beatles, cụ thể hơn là dấu ấn John Lennon rất rõ ở hai ca khúc “Bluebird Is Dead” và “Oh No Not Susan”. Tiếng piano nhẹ bỗng do Richard Tandy chơi trên giai điệu chậm và phiêu như những tác phẩm solo của John Lennon. Giọng hát của Jeff Lynne thể hiện cũng rất hay với giai điệu tuyệt đẹp, đặc biệt ở phần điệp khúc, nắm bắt được cái không khí sâu lắng như cách John hát. Ở hai bài này, cách sử dụng dàn dây của Jeff rất hiệu quả. Tiếng đàn kéo phủ vào những khoảng lặng và chỉ xuất hiện tràn đầy ở phần điệp khúc, vừa làm nhạc cụ chủ đạo, vừa đóng vai trò tôn giai điệu lời hát lên. Trong bài “Oh No Not Susan”, tiếng strings còn được kéo phần giai điệu kết cho câu nhạc điệp khúc.


Âm thanh guitar điện trong đĩa thì được điểm xuyết hợp lý, và thậm chí được thử nghiệm bằng tiếng guitar solo bật ngược backward khá dị trong “Bluebird Is Dead”.


Bài “New World Rising” sau đó vẫn là giai điệu hay và cuốn theo cách rất Beatles. Sau mỗi điệp khúc là màn vuốt âm từ thấp lên cao bằng đàn synth điện tử cuốn lấy với dàn violin cực bện mà không còn sự xoắn quẩy như trước đây.


Đĩa này vẫn giữ lại phong cách pha trộn nhạc cổ điển qua hai bản instrumental “Daybreaker” và “In The Hall Of The Mountain King” đều hay hơn ELO của hai đĩa trước nhiều. 

Điều đáng khen ngợi còn là track "Ma-Ma-Ma Belle" nhắc lại cho người nghe là ELO là ban nhạc bắt nguồn từ cốt lõi của nhạc Rock. Câu riff guitar điện được khách mời Marc Bolan của T. Rex trình diễn chiếm phần lớn âm thanh của bài hát tạo cảm xúc hứng thú bởi không khí mạnh mẽ mà sau đĩa On The Third Day không còn tìm lại được nữa.


Ca khúc hay nhất của album và cũng là một trong những bài kinh điển của ELO là “Showdown”. Nhịp điệu funky được mix hoàn hảo giữa tiếng cello, violin và các nhạc cụ khác. Không chỉ là tiếng kéo vĩ trên dây lúc ngân nga lúc nhát gừng, Jeff Lynne còn tận dụng âm thanh gảy dây ít độ rung đặc trưng của violin làm điểm nhấn mỗi khúc chuyển tạo một bản hoà tấu đầy đa dạng. Câu solo bằng guitar điện ở giữa càng chứng tỏ bài “Showdown” là một trong những sản phẩm âm nhạc pha trộn bằng công thức hoàn thiện nhất của ELO.


Và thế là với On The Third Day, Jeff Lynne cùng đồng đội ELO đã tạo ra âm thanh đồng nhất cho Electric Light Orchestra.


Có những nhà phê bình và người nghe chê ELO bắt chước The Beatles, rồi cố “tỏ vẻ” với dòng nhạc Rock lai “nhạc cổ điển bác học” hay chỉ đơn thuần là nhạc Pop với phần sản xuất dầy tiếng quá đà, Jeff Lynne (và Roy Wood trước đây) chưa bao giờ chối bỏ tình yêu và ý đồ học hỏi âm nhạc thời kỳ cuối thập niên 60 của bộ tứ huyền thoại này. Về phía các thành viên của The Beatles, họ cũng có những phản ứng tích cực với nhạc của Jeff và ELO, như John Lennon ví họ như “những cậu quý tử của mấy ông bô Beatles” và khen hết lời bài “Showdown”, Ringo Starr mời Jeff sản xuất mấy ca khúc trong đĩa Time Takes Time, Paul McCartney mời Jeff cùng sản xuất 8 bài trong đĩa Flaming Pie rất thành công, còn George Harrison mời Jeff đồng sản xuất cho album Cloud Nine và cùng Jeff sáng tác tất cả các bài cho supergroup Traveling Wilburys bao gồm hai ông và Bob Dylan, Tom Petty, Roy Orbison.  

Vậy nên có ai chê ELO như thế nào đi chăng nữa, họ vẫn là những người tiếp nối xứng đáng cho The Beatles theo cách riêng của họ, lưu lại những dấu ấn quan trọng kéo dài trong thập niên 70, sau khi bộ tứ này tan rã.


Hẹn gặp lại!


Kink

488 views

Recent Posts

See All
bottom of page