top of page

Nước cờ ngoạn mục của Frank Ocean

Vào giữa đêm ngày 18 đến sáng sớm ngày 19 tháng 8 năm 2016, Frank Ocean bất ngờ tung lên đoạn phim live stream dài 140 phút trên kênh Apple Music. Cả phim là cảnh Frank ngồi trong nhà kho loay hoay xây cầu thang trên nền nhạc soundtrack được Apple Music thông báo là album Endless của anh. Bản video stream cho album đó sau đó được rút gọn lại 45 phút.


Ngày 19 tháng 8 năm 2016 vì thế đánh dấu ngày Frank Ocean hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với hãng đĩa Def Jam với “Endless” và trở thành nghệ sĩ độc lập. Không dừng ở đó, Frank vừa trả hết khoản tiền ứng trước của Def Jam cho anh làm album thứ hai, vừa mua lại được các bản thu gốc từ hãng đĩa.


Cú chốt hạ là chỉ một ngày sau đó, ngày 20 tháng 8, Frank lần lượt tung ra video clip bài "Nikes", ra mắt đồng loạt mấy cửa hàng pop-up ở Mỹ và Anh để bày bán tờ tạp chí Boys Don’t Cry và phát hành album tên Blonde, khác hẳn đĩa Endless trước đó chưa đầy hai ngày. Lúc này cả thị trường âm nhạc mới ngớ người ra là album Blonde mới là album chính thức và được phát hành dưới hãng đĩa độc lập của chính Frank lập ra tên là Boys Don’t Cry.


Đĩa Endless không leo nổi lên bảng xếp hạng nhưng Blonde lập tức chễm trệ ở vị trí số 1 với số lượng đĩa bán ra trong tuần đầu gần nhiều nhất năm đó, chỉ sau mỗi DrakeBeyonce. Riêng doanh thu của tuần đầu đĩa Blonde bán ra đã đủ để Frank đút túi 1 triệu USD nhờ phát hành độc lập. Không chỉ có thế, có tin đồn là Frank còn cầm thêm trong tay 20 triệu USD nhờ nước cờ có một không hai của anh.


Một cú sốc lớn với thị trường âm nhạc và một cú tát thẳng mặt mấy ông trùm ở Def Jam.


******

Frank Ocean tên thật là Christopher Edwin Breaux. Anh bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với vai trò viết nhạc cho Brandy, John Legend, Justin Bieber và nhiều nghệ sĩ khác. Đủ cho anh kiếm sống. 


Thế rồi qua giới thiệu của Tricky Stewart, tay viết nhạc kiêm sản xuất, Frank ký hợp đồng thu âm với hãng đĩa lừng danh Def Jam. Với một nghệ sĩ trẻ như Frank Ocean, đây là một cơ hội cực tốt cho anh thử sức với sự nghiệp solo mà anh hằng mơ ước. Anh tham gia Def Jam bằng cả đam mê để thành công.


Cái là, mấy ông trùm của hãng đĩa có vẻ không mặn mà với tài năng của Frank. Họ thấy nhạc của anh quá cũ, như thứ R&B cho mấy ông bà già, không hợp với thị trường mainstream, nhất là khi R&B là dòng nhạc không còn “hot” trên bảng xếp hạng nữa sau sự lấn át của hip hop. Kể ra nhạc của Frank nghe thì chậm rãi thật, nhưng có ai ngờ, thị trường âm nhạc lại đang “đói” một thứ nhạc lạ như của anh.


Frank đâm ra bị bỏ lơ, hỏi ai cũng không có câu trả lời rõ ràng cho kế hoạch đầu tư làm đĩa lúc đó. Anh bèn thầm lặng tung ra mixtape “nostalgia, ULTRA”. Chỉ là một bản mixtape không có bất kỳ hỗ trợ marketing nào của hãng đĩa, chứ chưa nói đến ghi âm, thế nhưng sản phẩm đó gây tiếng vang trong cả giới phê bình và người nghe nhạc. Điều nực cười là hãng đĩa Def Jam cũng không biết chính anh là tác giả của sản phẩm đó vì lúc đó anh mới vừa đổi tên nghệ danh thành Frank Ocean.


Đĩa mixtape “nostalgia, ULTRA” hay xuất sắc. Giọng hát của Frank phải nói là cực ngọt ngào và tình, đầy chất soulful của một nghệ sĩ da màu nhưng lại có chất riêng dễ nhận ở anh. Frank có cách nhả chữ cực khéo và tình cảm. 


Trong bài "We All Try", chỉ mỗi chữ “something” mà Frank hát mỗi lúc một khác, lúc nhẹ mất hút, lúc nhấn chắc gọn. Ở bài "Swim Good", trên nền bass chắc nịch, Frank lúc đầu chỉ hát ở quanh mấy nốt nhạc với tiết tấu hơi nhanh như hip hop, nhưng lúc vào đoạn hook là giai điệu cực hay khi anh cất giọng cao vút “I’m about to drive in the ocean”. Còn bài "American Wedding" sử dụng phần nhạc nền instrumental trong bài Hotel California (mà sau này gây rắc rối cho Frank) nhưng anh lại hát lời và giai điệu khác, gợi nhớ đến cái cách phối lại giai điệu hát trên nền nhạc “vay mượn” khá độc đáo hay có trong nhạc R&B.


Mixtape đó gây tiếng vang đến mức cả Kanye West và Jay Z đều mời Frank tham gia dự án âm nhạc của họ trong đĩa Watch The Throne, mà ai có thể quên được đoạn hook cực ấn tượng trong "No Church In The Wild"?


Nhận ra nhạc của Frank được thị trường đón nhận nhiệt liệt, Def Jam lúc này mới quay ra hỏi han anh và lên kế hoạch cho đĩa đầu tay, Channel Orange. Chả mất thời gian nhiều, Frank viết nhạc cho cả album trong đúng có 2 tuần.


Ngoài giọng hát, tài năng sáng tác nhạc của Frank phải nói là có một không hai. Ở mixtape đầu tay, âm nhạc của Frank còn mang một chút nào đó “truyền thống” với sự sáng tạo đến từ cách mix nhạc với những đoạn sample của Coldplay hay Radiohead. Nhưng đĩa Channel Orange đã thể hiện sự phá cách trong cấu trúc bài hát không truyền thống verse-hook-verse-hook của các bài nhạc thông thường.


Frank yêu thích sự không đối xứng trong nhạc của anh kể cả ở việc tạo beat lệch nhịp và những chuỗi hợp âm lạ tai, giống như Radiohead của nhạc R&B. Trong đĩa này, Frank còn thử nghiệm sử dụng “drop”, trong âm nhạc là việc đổi nhịp điệu hoàn toàn rất gây kích thích như ở bài "Pyramids".


Chưa hết, Frank còn “đánh lạc hướng” người nghe bằng phần nhạc đệm mà người nghe không ngờ giai điệu hát lại đi theo lối khác như trong bài "Pink Matter", tưởng là lệch nhau nhưng vẫn lại hội tụ về hợp âm và nhịp điệu ở cuối khuông nhạc.


Sáng tạo và tài năng là vậy, nhưng ở đĩa Channel Orange, đám trùm của Def Jam vẫn lặng lẽ vi phạm thoả thuận khi nhúng tay hơi nhiều vào sáng tạo nghệ thuật của Frank. 


Chỉ khiến Frank cảm thấy khó chịu hơn.


Nhưng trước mắt, đĩa Channel Orange được khen hết lời và thành công cả về mặt thương mại. Không những thế Frank còn được giải Grammy cho đĩa nhạc này.


Def Jam bắt đầu tính tới chuyện ứng tiền cho Frank để làm album tiếp theo. Hãng đĩa đưa anh 2 triệu USD để thực hiện album, mà sau này gọi là Endless. Mặc dù album Channel Orange trước đó chỉ mất 2 tuần để sáng tác; với dự án tiếp theo này, Frank cứ nhử hội fan và mọi người với những dấu hiệu như anh sắp ra album đến nơi xong mọi thứ lại im lặng. 


Ròng rã 4 năm thất hứa như vậy, mọi người bắt đầu nản. Hãng đĩa Def Jam cũng vậy. Chỉ có điều, tất cả mọi người không biết lúc đó Frank rắp tâm lên một kế hoạch giải cứu cho bản thân và kiếm bẫm tiền như thế nào.


Lấy lý do từ sự lạnh nhạt của Def Jam trong những ngày đầu, và không hài lòng với sự tham gia quá đà không cần thiết sau đó của hãng đĩa, Frank bắt đầu đàm phán lại với đám trùm của Def Jam. Cảm nhận được sự khó chịu giữa hai bên, hãng đĩa cũng đồng ý với một dàn xếp cho cuộc ly dị không thể nào tránh khỏi.


Thông thường, không mấy hãng đĩa ký với các nghệ sĩ một thoả thuận chỉ có hai album cam kết trong hợp đồng (từ những thời đầu của ngành âm nhạc khi việc đi lưu diễn chưa phổ biến, các hãng đĩa thậm chí còn yêu cầu nghệ sĩ của họ phải hoàn thành đến 7 album). Chưa kể, thường thì sẽ có ràng buộc thời gian nhất định sau khi kết thúc hợp đồng, nghệ sĩ không được tung ra sản phẩm âm nhạc nào ngay lập tức để tránh việc cạnh tranh về sales không đáng có với sản phẩm trước đó.


Thế nhưng không biết cụ thể Frank đàm phán với Def Jam thế nào. Chỉ biết là, sau khi anh đuổi tay quản lý và luật sư vô tích sự, anh tự thoả thuận và được hãng đĩa chấp thuận “thả tự do” nếu anh hoàn thành album thứ hai, và được quyền mua lại các bản thu master gốc của mình. Và chắc là Def Jam quên mất khi không ràng buộc với Frank về khoảng thời gian không cạnh tranh sau đó.


Nắm chắc các lỗ hổng trong hợp đồng chia tay với Def Jam rồi, Frank tiếp tục nghiên cứu kỹ quy tắc tính doanh thu của việc bán đĩa trên kênh cửa hàng truyền thống và kênh nghe nhạc online của Apple Music hay Tidal. Anh sau đó tiếp tục có một thoả thuận riêng với Apple Music (hai kênh nghe nhạc online Apple Music và Tidal lúc đó có ưu điểm cạnh tranh là phát hành những sản phẩm âm nhạc độc quyền). Điều Def Jam không để ý lúc đó là khi phát hành nhạc cho một nghệ sĩ có tài như Frank, Apple Music chả khác gì một hãng đĩa cả và doanh thu sẽ không kém gì các ông trùm âm nhạc. Nhất là khi được Apple Music phát hành độc quyền.


Và Frank mưu trí nhìn ra được, và đưa ra thoả thuận với Apple Music dưới dạng một thoả thuận kép: Apple sẽ phát hành album Endless qua dạng video stream độc quyền (như bình thường), và sau đó là album Blonde ở dạng hoàn chỉnh với từng track tách biệt và download được. Và quan trọng hơn, Apple Music cũng được phát hành độc quyền Blonde.


Đổi lại, Apple sẽ đưa cho anh đủ tiền để Frank trả lại 2 triệu USD mà Def Jam đã ứng trước và mua lại các bản thu âm gốc (có tin đồn Apple đưa hẳn một vali 20 triệu USD). Dĩ nhiên tiền thu được từ việc bán "nhạc" cho Frank bây giờ tăng từ 17% (nếu ở lại Def Jam) lên 70% (thông qua Apple Music) của tổng doanh thu. 

Quá hời!


Nhưng cái bựa của Frank chính là một video stream không thể download và các track không tách ra được của album Endless khiến đĩa đó không thể lên bảng xếp hạng được, và vì thế không thể lấn át bất kỳ doanh thu nào của Blonde. Đã thế yếu tố bất ngờ nhấn chìm Endless là quả marketing và PR cực mạnh cho Blonde ngay sau đó.


Vì vậy hãng đĩa Universal, công ty mẹ của Def Jam, ngay sau đó tuyên bố cấm các thể loại phát hành nhạc độc quyền online nữa với các nghệ sĩ của họ (dù vẫn châm chước mức độ nào đó về mặt thời gian để không gây khó dễ cho Tidal của "sếp" Jay Z).


Mặc dù vậy, thành công của Frank trong vụ chơi khăm hãng đĩa Def Jam không tự dưng mà có nếu không nhờ chất lượng nhạc của anh. Endless dù giống một bản soundtrack chậm rãi cho bộ phim ngắn hướng dẫn lắp cầu thang nhưng vẫn có những bài đầy đủ, tiêu biểu như "Slide On Me", "Rushes", "Higgs" cực nhẹ nhàng chỉ với giọng hát ngọt và cao vút của Frank và tiếng guitar.


Blonde thì được đánh giá là đỉnh cao âm nhạc năm đó khi được nhiều tạp chí xếp vị trí số 1 các album hay nhất năm. Dù rằng thú thực âm nhạc của đĩa đó khó nghe với tôi lắm nhưng đến giờ thì nó đã ngấm và xuôi tai hơn nhiều rồi. Có lẽ do sự phá cách còn mạnh bạo hơn Channel Orange và việc sử dụng âm thanh keyboard điện tử. Ngoài ra Frank sử dụng nhiều kiểu giọng khác nhau để kể các câu chuyện của bản thân về thời thơ âu, gia đình, mối quan hệ tình yêu. Như trong bài "Ivy", Frank còn đổi giọng nghe cho trẻ hơn để kể câu chuyện về bản thân ở đúng thời điểm đó.


Giờ đây, Frank lại lùi sau ánh hào quang, nghỉ ngơi và du lịch như là để tự thưởng cho mình sau kế hoạch thần sầu đó mà anh gọi là “nước cờ dài 7 năm” của mình.


Chắc cũng chẳng tự nhiên mà anh lại đi đổi tên nghệ danh thành Frank Ocean khi mới phát hành mixtape “nostalgia, ULTRA”. Làm tôi nghĩ ngay đến gã Danny Ocean trong phim Ocean’s Eleven, đây có lẽ là cú lừa ngoạn mục của Frank Ocean thay đổi hoàn toàn cái nhìn của ngành âm nhạc với sức mạnh của các nghệ sĩ độc lập thông qua trợ giúp của các kênh nhạc online.


Hẹn gặp lại.


Kroon

3,943 views

Recent Posts

See All
bottom of page