top of page

The Beach Boys: Nhạc lướt sóng "bác học"

Khi Brian Wilson suy sụp và bỏ dở hoàn thiện album Smiley Smile (1967), Mike Love là kẻ mừng thầm trong bụng nhất. Mike không thể hiểu nổi định hướng âm nhạc “mới” mà Brian bỗng dưng quay ngoặt thay đổi từ đĩa Pet Sounds (1966) trước đó, khi Brian bỗng dưng bỏ hẳn thể loại Surf Music - “nhạc lướt sóng” vui vẻ của The Beach Boys, rồi cũng không nhờ Mike sáng tác lời như mọi khi. Khi Brian cho cả nhóm nghe phần ý tưởng của Pet Sounds, Mike chỉ thốt lên một câu: “Nhạc này thì chắc có chó nghe”, dẫn tới việc album mới có cái tên dịch ra là “Tiếng thú cưng”. Câu nói kia của Mike đến giờ cũng không rõ thực hư ra sao, nhưng điều chắc chắn là ngoài chó ra, có nhiều người nghe và khen Pet Sounds lắm. Đến The Beatles và đặc biệt John Lennon còn phải gọi điện cho Brian để ca ngợi đây là album vĩ đại nhất mà ông được nghe. Điều đúng thứ hai là ngoài Mike Love ra, tôi cũng ưa nhạc lướt sóng của The Beach Boys hơn vì không hiểu hết ý đồ nhạc của Pet Sounds như thế giới ca tụng.


Tôi nhớ lần page EmoodziK đăng danh sách các album ưa thích của năm 1966, có một số member mới hỏi album Pet Sounds này đâu. Lúc đó tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài việc tôi không hiểu hết ý đồ nhạc mà Brian Wilson làm với Pet. Trong album này có những ca khúc rất hay như “Wouldn’t It Be Nice”, “I’m Waiting For The Day”, “Sloop John B”, “God Only Knows”, “Here Today” nhưng cũng có những phần khó hiểu trong đó, như sự chậm rãi, thiếu sôi động của trống, chỉ để lại tiếng của bộ gõ, cách sử dụng phần lớn hợp âm nghịch tai cùng việc biến đổi tông giọng nhiều tới mức khó có thể xác định giọng thật của bài hát. Đổi tông đổi giọng trong bài thì xuất hiện nhan nhản, nhưng phần tempo chậm rãi giống bài “Don’t Talk (Put Your Head On My Shoulder)”, hoặc đoạn instrumental break cuối bài bằng tiếng bass harmonica kỳ lạ ở “I Know There’s An Answer” là một số ví dụ khó hiểu. Bù lại, có thể thấy rõ sự đột phá rõ nét ở phần production trong album này. Nó đã tạo những ảnh hưởng lớn tới âm nhạc sau này, tới những album hiện đại như OK Computer của Radiohead hoặc rõ nét nhất trong Tranquility Base Hotel & Casino của Arctic Monkeys.

Thứ âm thanh lạ và mới của thời đó trong album Pet này thì có thể dễ dàng nghe ra, ấy mà để hiểu được ý tứ của Brian thì thật không đơn giản, tựa như album Smile sau đó của ban nhạc vậy.

Có một thực tế là cái thiên tài của Brian Wilson đã luôn ẩn náu trong thứ nhạc có cái tên tươi vui mà vô thưởng vô phạt của dòng nhạc Surf Music những ngày đầu. Trong số các thành viên của ban nhạc gồm ba anh em trai Brian, DennisCarl Wilson, ông anh họ Mike Love và cậu bạn Al Jardine, chỉ có đúng Dennis là dân lướt sóng thứ thiệt. Brian thậm chí có một nỗi sợ với biển cả. Rồi để khớp với hình ảnh lướt sóng, hãng đĩa tự đổi tên ban nhạc từ The Pendletones sang The Beach Boys. May mắn đây chỉ là một trong số thứ ít ỏi hãng đĩa có thể áp đặt với ban nhạc. Về âm nhạc và sự sáng tạo, Brian cùng mọi người gần như nắm toàn quyền kiểm soát. Nhờ đó, người nghe mới được thưởng thức một thứ nhạc Surf khác với dòng nhạc Rock gắn với văn hoá lướt sóng của vùng miền Nam Cali.


Cái khác đầu tiên mà Brian mang tới cho thứ nhạc này là phần hát bè đặc trưng của The Beach Boys. Chịu ảnh hưởng bởi cách hoà âm giọng hát của nhóm The Four Freshmen từ bé, ông tự mày mò phân tích các kiểu hoà âm và dạy mọi người trong ban nhạc hát bè. Điểm dễ thấy là kiểu hát falsetto do chính Brian thể hiện. Thêm nữa ông cũng sắp xếp các kiểu hát bè đa dạng cho ban nhạc theo cùng hợp âm (như “Surfer Girl”), hoặc đối thoại (như “Fun, Fun, Fun”), hoặc đối âm (như phần bè cuối bài “Wouldn’t It Be Nice”).

Nhưng cái khác nhất trong âm nhạc The Beach Boys mà do Brian Wilson đảm nhiệm sáng tác chính là ý đồ mà ông gài gắm đằng sau. Cách sáng tác của ông luôn là đi từ gốc tới ngọn, bắt đầu bằng chuỗi hợp âm, sau đó sẽ nghĩ ra giai điệu, cuối cùng là phần lời mà ở khoản này, Mike Love sẽ ra tay góp sức. Thứ nhạc Brian viết cho The Beach Boys ở đầu thập niên 60, từ cái thời còn chưa có sự xâm nhập của nhạc Anh Quốc vào nước Mỹ, chịu ảnh hưởng của Blues, Rock N’ Roll, Doo Wop và Jazz.


Có điều sự bác học nằm nhiều trong cách tạo hợp âm trong bài hát, thứ mà ông chuộng nhất, hoàn toàn dưới những chủ ý của Brian. Các hợp âm nghịch tai và việc đổi tông liên tục thể hiện rõ mồn một ở hai album Pet Sounds và Smiley Smile.

Ví dụ như bài “Wouldn’t It Be Nice” trong đĩa Pet Sounds, trong đoạn intro đầy màu sắc lung linh, Brian đưa ngay hợp âm chuyển tông ở khuông nhạc cuối, ngay trước khi bài hát cất lời, chuyển đột ngột từ A (la trưởng) sang F (fa trưởng), một cách biến đổi không theo bất kỳ quy luật nhạc lý nào, nhưng lại vẫn hợp lý một cách “thần kỳ”. Rồi ở đoạn bridge phía sau, câu bass và câu guitar riff lại được chơi ở 2 hợp âm khác nhau mà lại không chướng tai tẹo nào.


Hoặc như với album Smile, khi nghe ca khúc đỉnh cao “Good Vibrations”, ai ai cũng có thể nhận thấy sự đối lập giữa phần verse ngọt ngào qua câu bass chơi toàn nốt cao (khác xa cách đánh các nốt gốc trầm của hợp âm thời đó) với đoạn hook kéo tụt mọi âm thanh xuống một cách kỳ diệu tạo bởi tiếng đàn electro-theramin. Nhưng không phải ai cũng nhận ra ngoài việc đổi giọng từ đoạn verse sang điệp khúc, âm thanh như bị hút xuống ở chính điệp khúc lại được tạo bởi chuỗi hợp âm tăng dần (Gb - Ab - Bb), và nếu không có phần hát bé đối lập lên cao dần ở phía sau thì khó mà nhận ra sự tương phản này. Thêm nữa, nghe dân chuyên nghiệp đồn rằng, sự lạ lùng còn tiếp diễn ở phần bridge phía sau, gọi là bridge mà không tạo cầu nối thường thấy giữa điệp khúc trước và sau đó. Và rồi ở đoạn điệp khúc lần 3, Brian xoay 180 độ chuỗi hợp âm theo trình tự ngược chiều với trước 2 phần điệp khúc trước đó, bắt đầu bằng Bb và kết thúc ở Gb, tựa như đoạn băng tua ngược.


Cái thiên tài của Brian Wilson nếu hiện rõ mồn một qua hai album kể trên thì những ảnh hưởng của các hợp âm nghịch tai và việc đổi tông đến mượt mà trong những album trước mới lại là cái siêu đẳng của ông. Như vận động viên cưỡi trên những ngọn sóng dâng cao, Brian luôn có những cách đẩy bài hát lên tông giọng mới, cao hơn, giống như trong phần bridge của bài nhạc rất ngọt ngào “The Surfer Moon” trong đĩa Surfer Girl (1963):

Brings the tide in

Takes it all away

Helps us ride in

Brings us waves each day, I say


Trong bài tản mạn EmoodziK từng viết về các “cây cầu”, Kroon có nói đến việc thay đổi tông ở câu bridge tựa như việc đi lên những cây cầu vươn cao để ngắm khung cảnh phía dưới qua góc nhìn mới, thì các bài hát của The Beach Boys cũng như vậy. Nó tựa như việc những ngọn sóng trồi lên, nâng bài hát lên các tầm cao mới, và như đoạn bridge ngắn ở trên, nó vẫn đủ để Brian tạo những cú nhảy từ con sóng này sang con sóng khác trước khi quay lại mặt biển êm đềm qua giọng chính của bài ở phần verse cuối.

Nghệ hơn, trong bài “I Get Around” trong album All Summer Long (1964), Brian kẹp ngay hợp âm G ngay giữa đoạn verse đang ở giọng A (la trưởng) và rồi nhắc lại hợp âm G ở cuối trước đoạn điệp khúc. Lý do? Vì G (sol trưởng) là giọng của phần điệp khúc nên ông cài cắm vậy để người nghe có một sự quen thuộc nhất định về việc chuyển đổi này.

Còn mượt nhất trong cách chuyển tông phải kể đến ví dụ của “Don’t Worry, Baby” tuyệt hay trong album Shut Down Volume 2 (1964).

I don't know why, but I keep thinking

Something's bound to go wrong

—> “But she looks in my eyes” —>

And makes me realize”—> “[Điệp Khúc] And she says (Don't worry baby)


Chuỗi hợp âm chuyển đổi mà Brian dùng ở mỗi câu hát trên tại cuối đoạn verse trước khi kết thúc để sang một chương mới của điệp khúc đầy khéo léo và kỹ thuật.


Và mọi ý đồ viết nhạc này được ông đưa vào hoàn toàn có chủ ý và thuần thục. Sự biến đổi phức tạp vậy mà Brian vẫn làm ra được giai điệu hay, nên người ta mới không ngoa khi truyền tai nhau câu chuyện về một Brian Wilson thiên tài.


Đám sành sỏi thì cho rằng Brian chính là ban nhạc The Beach Boys. Ông tự sáng tác, sắp xếp phần bè, nhạc cụ và còn tham gia sản xuất. Chỉ duy nhất có phần lời còn có sự hỗ trợ của Mike Love. Những bài hát của The Beach Boys mà Brian mang tới cho ban nhạc đều là đứa con tinh thần của ông. Vì thế kể cả Mike Love, Carl Wilson, Dennis Wilson và Al Jardine chỉ như những người chuyển tải nhạc của Brian tới khán giả. Kỹ thuật đánh nhạc cụ trong band cũng chỉ có Carl còn được khen ngợi nhờ những câu đàn guitar solo hay và mang đúng năng lượng của dòng nhạc Surf Music, và các câu bass giai điệu được Brian thể hiện khác lối trình bày của các bài nhạc khác trên radio, để đến bản thân Paul McCartney cũng phải hết lời khen ngợi.

Brian Wilson & Mike Love

Vì thế, ắt hẳn ông anh họ Mike cũng có phần chạnh lòng vì cái bóng quá lớn của Brian. Quay lại với Mike, ông luôn có một câu hỏi đau đáu trong lòng là tại sao mọi người nhìn ông như một nhân vật phản diện trong “bộ phim” của Beach Boys. Ngoài việc Mike không vừa lòng với định hướng âm nhạc nghệ thuật của Brian với album Pet Sounds và Smiley Smile, bỏ lại phía sau thứ nhạc lướt sóng phù hợp thương mại của ban nhạc hơn, điều ông anh họ này ấm ức còn là chuyện bị cướp công sáng tác những đoạn lời, dù đơn giản, nhưng theo ông là cực quan trọng cho nhạc của Beach Boys thời kỳ đầu, đặc biệt trong giai đoạn ông Murray - bố của anh em nhà Wilson làm quản lý. Mike sáng tác gần hết lời bài “California Girls”, “Surfin’ USA”. Ông là người viết ra câu “Round, round, round, get around, I get around” và chỉnh lại lời của Brian trong bài “I Get Around”. Nhưng tên ông không được ghi trên credit của các bản hit đó.

Với fan của Brian, như lời Mike nói, những ai đã coi Brian là chúa thì Mike chỉ như kẻ tạo phản. Có lẽ cái Mike quên mất là nếu không có ông, thì Beach Boys sẽ vẫn tồn tại và khả năng lớn vẫn thành một huyền thoại. Cái ông quên mất là cả chục năm sau, ông mới là người ôm hận kiện tụng lại Brian và còn là người giành quyền duy nhất sử dụng tên ban nhạc để lưu diễn, chứ không phải Brian hay Al Jardine (hai cậu em nhà Wilson, Dennis - người lướt sóng duy nhất trong band đã ra đi vì chết đuối vào năm 1983 và Carl thì mất vì căn bệnh ung thư vào năm 1998). Và điều quan trọng nhất mà Mike Love quên mất là thứ nhạc Surf Music vui vẻ của Beach Boys trường tồn cho đến giờ với những fan trung thành để ông có thể vẫn bán vé tour diễn đều đặn là nhờ thứ âm nhạc bác học mà Brian Wilson gây dựng.

Cứ thử nghe album Smile mà Brian Wilson đã hoàn thiện lại vào năm 2004, gần 40 năm sau bản gốc, là sẽ ngẫm sâu hơn các ý tứ nhạc thiên tài mà ông muốn gửi gắm trong đó để trở thành “bản hoà âm cho Chúa trời”. Và với tôi cũng vậy. Dầu rằng tôi có thể không cảm nhận được toàn bộ album Pet Sounds một cách đầy đủ, nhưng khi nghe bản Smile làm lại một cách hoàn chỉnh, tôi lại bị mê hoặc bởi chính thứ âm thanh có nét buồn đầy lôi cuốn, của một con người từng phải chịu sức ép đến từ chính người bố đẻ, từ việc bị điếc một bên tai do ông bố bạo hành, từ sự căng thẳng giữa mong muốn duy trì thành công với nhen nhóm làm thứ nhạc vì đam mê dù đi ngược với thị trường, từ những mâu thuẫn với chính thành viên Mike Love kéo dài cho đến tận những ngày của hiện tại.

Trong phiên bản mới này chắc chỉ có mỗi ca khúc “Good Vibrations” thì vẫn thua bản gốc về mặt cảm xúc. Chắc vì âm nhạc của Beach Boys dù mang phần lớn cá tính của Brian Wilson, nó vẫn cần có sự đóng góp của chất giọng hay từ Mike Love, phần bè của những thành viên còn lại, và những bản instrumental không cầu kỳ mà đầy hiệu quả cho thể loại nhạc Surf Music vui vẻ mà vẫn “bác học”.


Hẹn gặp lại!


Kink

796 views

Recent Posts

See All
bottom of page