top of page

Lò tôi luyện một huyền thoại James Brown

Khi bà mẹ hạ sinh, đứa bé nằm im không cử động. Dường như không còn một sức sống nào còn sót lại trong cơ thể nó. Trong khi ông bố bật khóc vì chứng kiến cảnh đó, bà bác mới bế đứa bé lên và vỗ mạnh vào lưng nhưng đứa bé không có một phản ứng nào. Bà mới truyền hơi thở vào miệng nó cho tới khi người nó ấm dần lên. Nó khóc òa, hét to hơn bất kỳ đứa trẻ sơ sinh nào được chào đời trên trái đất này.


Đứa bé đó được đặt tên là James Joseph Brown Jr. và sau này trở thành một huyền thoại âm nhạc mà người ta biết tới với nghệ danh James Brown, cùng một loạt các nickname mà người đời đặt cho ông như “The Hardest Working Man in Show Business”, “Mr. Dynamite”, “Godfather of Soul” hay “Soul Brother No. 1”.


Từ khi sinh ra, tuổi thơ của James Brown là sự tột cùng của nghèo khó, sự thiếu vắng gần như hoàn toàn tình thương của bố mẹ. Do đó, tiếng hét của đứa bé ngày đó sau này đã trở thành kiểu hát đặc trưng của một nghệ sĩ, luôn bị đặt vào các hoàn cảnh để phải trở thành một kẻ thất bại nhưng vẫn trỗi dậy để hóa mình thành một vĩ nhân.


Nhà Thổ


Sinh ra trong gia đình nghèo khó, James Brown ban đầu thiếu tình thương của mẹ ngày còn nhỏ khi bà bỏ hai bố con đi vì không chịu nổi bạo lực gia đình mà bố ông luôn trút lên đầu mẹ, bao gồm cả chuyện dí súng dọa giết nếu bà dám kéo Brown đi trốn cùng. Đây cũng là những ngày tháng đen tối biến Brown sau này trở thành một người chồng vũ phu.


Sống trong căn nhà tồi tàn với người bố, thứ âm nhạc mà Brown được nghe chủ yếu là các bài hát nhạc Blues mà bố ông vẫn hay hát cho ông nghe. Nhưng thứ nhạc Blues đó chưa bao giờ chạm tới cảm xúc của người nghệ sĩ huyền thoại tương lai này. Thứ gắn bó với Brown nhiều hơn lại là chiếc kèn harmonica ông bố cho Brown để ông tập thổi từ năm lên 5 tuổi.


Có điều cuộc đời của Brown rẽ một bước ngoặt tiếp theo khi bố ông rời bỏ ông, gửi Brown tới Georgia để sống với người cô tại Georgia. Và nơi đây mới là quãng thời gian chính của Brown sống tuổi thơ của mình, tại khu nhà thổ mà người cô đang quản lý.


Với những đứa trẻ khác, có lẽ chúng sẽ nuôi sự hằn học từ việc thiếu tình thương của bố mẹ từ nhỏ và chứng kiến cảnh những gã đàn ông ghé qua đây để có cuộc vui với những cô gái “bán hoa”. Những thứ xấu xa nhất của tệ nạn tình dục, bạo lực và rượu chè ở một nơi không thể thiếu giáo dục hơn cho một đứa trẻ.


James Brown không phải là đứa trẻ như vậy. Brown cùng một ông anh hơn tuổi được giao nhiệm vụ kéo khách vào nhà thổ cho bà cô. Để gây chú ý với những người này, Brown dần dà tập những điệu nhảy clogging gõ gót và mũi giày xuống mặt sàn để tạo nhịp điệu và thể hiện chúng ở ngoài đường mà những nhóm quân đội thường đi qua, khiến họ thích thú và sau đó Brown lôi kéo họ vào “dùng bữa” tại với các cô đào. Cũng vì công việc như vậy, Brown dần phát triển một trực giác trong phong cách biểu diễn của ông. Đó là ông biết khi nào “khán giả” của mình bắt đầu cảm thấy buồn chán hoặc mất chú ý, là khi ông sẽ tạo ra những thay đổi trong lối diễn để không khí không bao giờ được trùng xuống.


Trực giác này của James Brown đã giúp ích cho ông sau này khi ông cùng những thành viên trong ban nhạc The Famous Flames lần đầu tiên xuất hiện trong một show nhạc của Little Richard vào năm 1955. Ngày đó Brown đề nghị Richard để ban nhạc ông được tham gia biểu diễn cùng. Richard không đồng ý nhưng cho phép ông và The Famous Flames lên sân khấu diễn một vài bài trong thời gian nghỉ giữa giờ của mình.


Chộp lấy cơ hội, Brown cùng cả nhóm bước lên sân khấu trước sự hoài nghi của đám khán giả phía dưới. Họ bỏ tiền để xem buổi diễn của Little Richard chứ không phải nghe một đám vô danh lên phá show. Ban nhạc của Brown bắt đầu trước những tiếng la ó phản đối “Bọn tao muốn xem Little Richard” và kết thúc trong sự hò reo. Bên cạnh khả năng chơi nhạc đầy năng lượng của cả band, lối diễn của James Brown bên cây mic khiến người xem im bặt bởi sức hút quá lớn phía trên sân khấu. Khuôn mặt biểu cảm, giọng hát cao khàn cùng những điệu nhảy mà Brown đã từng tập dượt để thu hút những người lính hành quân qua khu nhà thổ của bà cô. Và không chỉ đám khán giả phía dưới, ngay chính Little Richard cũng bị mê hoặc và quyết định giới thiệu James Brown cùng ban nhạc tới người quản lý của mình.


Nhà Thờ


James Brown làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ đánh giày, rửa xe, đến rửa bát chén, nhưng chúng không chiếm mất thời gian ông dành cho âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn. Từ đâu đó trong đầu của một đứa trẻ đã nhận ra một điều, âm nhạc và trình diễn là một tổ hợp của rất nhiều yếu tố có thể tạo nên khác biệt khỏi những quan niệm biểu diễn truyền thống.


Một trong những nơi Brown thường ghé qua là nhà thờ địa phương của người da màu, nơi ông chứng kiến những vị truyền giáo tạo dựng lòng tin và truyền những năng lượng vô hình tới những con chiên ra sao. Lối nửa nói nửa hát, lặp đi lặp lại một câu theo cách "hát đối đáp" theo nhiều giọng điệu khác nhau, vừa khắc sâu vào trí não người nghe, vừa gây rung động tới trái tim họ. Đã có những người thậm chí phải khụy xuống như thể linh hồn họ đang được nhấc bổng khỏi thân xác họ, để rồi người phó tế trong nhà thờ sẽ đắp một cái chăn phủ lên người họ để sưởi ấm giữ lại linh hồn đó.


Từ đó James Brown tự tạo ra một lối trình diễn rất riêng cho mình lấy cảm hứng từ chính những buổi tham gia trong nhà thờ.


Đầu tiên là lối hát pha với tiếng thét gây chú ý người nghe nhưng lại vẫn đúng tông giọng bài hát. Cách thể hiện giai điệu của Brown luôn đặt nặng vào âm sắc của giọng, và đặc biệt nhịp điệu của nó. Bài hát đó có thể không cần biến đổi nhiều về hợp âm, nhưng hai thứ âm sắc để mang lại cảm xúc và nhịp điệu để khuấy động bầu không gian âm nhạc là những yếu tố chính trong âm nhạc của Brown.


Trong bài hát nổi tiếng đầu tiêng mà James Brown sáng tác cùng Johnny Terry, một thành viên trong The Famous Flames – “Please, Please, Please” là một ví dụ kinh điển của cách trình diễn này. Vào năm 1956, trong khi ban nhạc thu âm ca khúc trong studio, ở ngoài, tay chủ hãng ghi âm King Records, Syd Nathan phản đối việc phát hành ca khúc vì nó quá đỗi “tầm thường”. Một ca khúc phong cách nhạc R&B nhưng lại không có sự biến đổi nhiều giữa verse và điệp khúc. Thứ tay sếp Nathan nghe được và than phiền với producer Ralph Bass là một tên nhãi da màu đang chỉ đọc những lời cầu khẩn “Please, please, please, please me (You don't have to go) / Baby please, baby please, please me (You don't have to go) / Baby please, baby please don't go (You don't have to go)”. Thứ mà gã sếp ngày đó không nghe được là “Please, Please, Please” không phải chỉ là một bài hát đơn thuần. Với giai điệu được tối giản, điểm nhấn của bài nhạc là phần nhịp điệu và vocal ngẫu hứng đặc trưng của James Brown.

Phong cách diễn đặc trưng khác của Brown chính là thứ tiếp theo mà Brown học được từ những ngày bước vào nhà thờ. Trong các buổi diễn của ông, ở các phút cuối cùng của show diễn, Brown bỗng dưng quỳ gục xuống, rồi một trợ lý sẽ bước ra trùm chiếc khăn quàng lên người ông và đưa ông để bước ra sân khấu. Nhưng không. Brown sẽ bỗng tung chiếc khăn ra và đứng choàng dậy hát tiếp màn encore trước sự phấn khích tột cùng của khán giá, giống hệt như những con chiên ngoan đạo bị cuốn vào trước lời giảng của những vị truyền giáo.


Nhà Trường


Tài năng âm nhạc của James Brown còn được trau dồi và phát triển trong thời gian ông còn đi học tại trường. Ngoài chiếc kèn harmonica được người bố để lại mà Brown tự tập, ông còn được học thêm piano và keyboard tại nhà một người bạn, cũng như cả những nhạc cụ guitar và trống từ những người ông quen khác ngày ấy. Chính âm nhạc của nghệ sĩ nhạc Jazz và R&B Louis Jordan đã truyền cảm hứng cho Brown phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc một cách toàn diện sau này. Sau khi giành giải nhất cuộc thi hát vào năm 11 tuổi, giáo viên và hiệu trường trường cấp hai của Brown lại càng khuyến khích ông theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, củng cố thêm niềm tin cho ông.


Một điều kỳ lạ là James Brown chưa bao giờ tự nhìn bản thân mình như một ca sĩ đơn thuần, mà hơn cả, ông luôn hướng tới vai trò thủ lĩnh của một ban nhạc cũng như một nhạc sĩ cải biên sắp xếp cho bài nhạc. Mặc dầu Brown không hề biết đọc bản nhạc, nhưng với khả năng chơi và hiểu nhiều nhạc cụ, ông có khả năng truyền tải ý đồ âm nhạc cho các nhạc công.


Một trong những phong cách lãnh đạo có phần hà khắc mà James Brown áp dụng với ban nhạc của ông là đưa ra các mức phạt cho bất kỳ ai chơi sai một nốt nhạc, lệch một nhịp, nhảy sai một bước, hay thậm chí không có khả năng biến ứng solo khi ông ra hiệu. Sự cầu toàn của Brown với The Famous Flames là mọi người đều phải nhuần nhuyễn các bài để chơi xuôi ngược hay vào giữa bất kỳ khúc nhạc nào mà không bị vấp. Những khoản phạt này áp dụng trong các buổi ghi âm lẫn trên sân khấu. Chỉ cần Brown nhìn một người và đưa bàn tay ra dấu cùng với những ngón tay xòe ra, là người đó đủ hiểu sẽ phải cống tiền phạt sau buổi diễn đó. Đối với khán giả ở dưới, những động tác đó của Brown giống như một điệu nhảy, nhưng với người nhạc công, họ biết là họ đã mất toi 5 Đô La cho sai sót của mình. Dĩ nhiên những khoản phạt này rồi cũng được dùng để cả ban nhạc xả vào những buổi tiệc tùng sau những show diễn căng thẳng.

Những cử chỉ dấu hiệu được Brown đặt ra nội bộ mà không ai khác ngoài ông và ban nhạc phải thuộc làu. Đó có thể là những cú xoay người mà nếu Brown không xoay đủ một vòng tròn thì nhạc công gần đó phải hiểu ngay để bước tới gần. Đó có thể là một kiểu hét qua micro ra dấu cho mọi người hiểu để thay đổi sang hợp âm mới. Với kiểu nhạc của James Brown nặng về nhịp điệu và đôi lúc chỉ chơi trên nền 1 hoặc 2 hợp âm, những dấu hiệu này của ông rất quan trọng để bầu không gian âm nhạc trên sân khấu được chuyển đổi khi cần, thứ cũng là trực giác của Brown đưa ra nhằm điều khiển cảm xúc khán giả ở dưới. Brown thậm chí có thể hét lên những con số như cách cầu thủ quarterback gọi chiến thuật cho cả đội bóng bầu dục kiểu Mỹ trước mỗi lần tiến quân. Ví dụ nếu số 39 được phát ra thì ban nhạc phải đổi ngay sang bài “Please, Please, Please”; số 16 là dấu hiệu chuyển ngay sang một bài khác; hay nếu ông nói “42” thì ban nhạc phải hiểu mà chơi lại một đoạn verse và sau đó kết thúc.


Nhờ vậy, các buổi trình diễn của James Brown và ban nhạc không có show nào giống nhau. Chúng hoàn toàn mang đầy ngẫu hứng theo đúng định hướng tầm nhìn của thủ lĩnh Brown.


Không dừng ở vậy, tài năng cải biên sắp xếp nhạc của ông còn được người đời ca tụng như nghệ sĩ phát minh ra dòng nhạc Funk. Vào giữa những năm 60, khi sức hút của James Brown có dấu hiệu thuyên giảm, ông bất chợt nảy ra một quyết định táo bạo khi tạo ra thứ nhịp mang tên “On the One”. Thay vì kiểu nhấn mạnh vào nhịp số 2 và số 4 trong một khuông nhạc như ở nhạc Soul và Pop, Brown yêu cầu tay trống nhấn ngay vào nhịp 1 đầu tiên, với ba nhịp tiếp theo chơi nhẹ, tạo khoảng trống cho tất cả các nhạc cụ còn lại, bao gồm cả chính vocal của Brown có thể chơi ngẫu hứng, đảo phách, biến tấu đan xen và chỉ cần “gặp” nhau khi cùng nhấn vào nhịp đầu mỗi khuông. Ông yêu cầu tất cả nhạc công coi nhạc cụ của mình như một bộ trống, khi mà tông giọng bài chỉ là yếu tố phụ, làm nền cho thứ nhịp điệu mới vô cùng groovy. Một kiểu nhạc phiêu như vậy đã trở thành thứ cốt lõi phát triển dòng nhạc Funk sau này, nhờ thành công của các bản hit đột phá của Brown cùng The Famous Flames, từ bài “Out Of Sight” phát hành năm 1964, đến “Papa’s Got A Brand New Bag” và “I Got You (I Feel Good)” phát hành năm 1965.


Nhà Tù


Thật ra tất cả những di sản âm nhạc mà James Brown để lại đã có thể không bao giờ tồn tại nếu cái ngày ông bị bắt với cái án bốn năm tù giam vì ăn trộm vài bộ quần áo dập tắt mọi ước mơ của chàng trai 16 tuổi. Nhưng ngược lại, Brown vẫn theo đuổi đam mê. Ở trong trại giam, ông gặp được Johnny Terry, người sau này đã cùng tham gia ban nhạc The Famous Flames, và là người cùng Brown sáng tác ca khúc “Please, Please, Please” nổi tiếng. Brown cùng Terry lập ra ban nhạc ngay trong trại và còn tự chế các nhạc cụ làm từ những vật dụng đơn giản như chiếc lược và những tờ giấy, một “cây đàn bass” bằng cái bồn tắm, một bộ trống bằng những chiếc thùng, và bản thân Brown thì chơi “cây đàn mandolin” tạo ra từ một chiếc hộp gỗ. Vì thế Brown nổi tiếng trong trại với cái tên “Music Box”.

James Brown & Bobby Byrd

Nếu như trại giam không những không ngăn cản được ông quay lại với âm nhạc, nó còn giúp Brown gặp được cộng sự quan trọng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Bobby Byrd. Khi Byrd và nhóm nhạc của mình đến trại giam nơi Brown đang bị giam giữ để thực hiện một show diễn, Brown thực sự ấn tượng trước giọng hát của Byrd. Về phía Byrd, nghe danh của kẻ “Music Box” đã tò mò tìm tới nói chuyện với Brown khi cả hai thi đấu trong một trận bóng chày giao hữu. Brown khen ngợi lối hát có độ trễ của Bobby Byrd khiến cho bài hát có một cảm giác phiêu hơn, còn Byrd thì cũng được dịp nghe Brown thể hiện giọng hát dầy đầy chất soul. Với chất giọng hòa hợp, cả hai người họ ngay lập tức có sự đồng điệu khi thử hát song ca. Lúc huýt sáo, lúc hát scat, cả hai người tạo một lối hát đôi ăn ý mà Brown và Byrd sau này nâng lên tầm cao hơn khi dùng vocal thay cho bộ kèn hơi, thứ nhạc cụ mà ban nhạc Famous Flames muốn có nhưng không đủ tiền để trang bị trong thời gian đầu. Sự ăn ý giữa hai chàng trai trong một buổi gặp mặt định mệnh ngắn ngủi ngày đó cũng đủ khiến Byrd ra sức thuyết phục gia đình bảo trợ cho James Brown được tại ngoại sớm với một công việc và một nơi ở ngay tại chính căn nhà của họ.


Vai trò của Bobby Byrd với Brown, ngoài việc giúp đỡ cưu mang, và rủ ông tham gia ban nhạc The Gospel Starlighters (sau này đổi tên thành Famous Flames), còn là kiểm soát chất lượng nhạc cho Brown. Mặc cho những lục đục của Flames xảy ra sau khi khi hãng đĩa lén lút trả mức lương cao hơn cho Brown, đồng thời đổi tên họ thành James Brown & The Famous Flames như một cú tát vào mặt của những người còn lại, Byrd và Johnny Terry (bạn tù của Brown – người cũng tham gia ban nhạc Flames) vẫn quay trở lại trước lời cầu khẩn của Brown. Với nhiệm vụ như người chỉnh sửa các bài nhạc, Bobby Byrd sẽ lấy những bản demo và điều chỉnh sắp xếp chúng theo phong cách phù hợp với nét riêng của Brown, từ lời ca cho đến kiểu nhạc.


Chính thế việc từng bị bắt vào trại giam dường như lại mở một cánh cửa rộng lớn hơn trong con đường sự nghiệp của James Brown nhờ mối cơ duyên với Bobby Byrd. Người ngoài có thể thấy việc xích mích của The Famous Flames là lỗi của Brown nhưng những ai chứng kiến quá trình ông tập dượt, và biểu diễn cùng band, cái bản năng làm lãnh đạo đã ăn quá sâu bên trong máu của Brown từ những ngày thơ ấu nay được dịp thể hiện trước ánh đèn sân khấu. Rồi sức hút khó cưỡng từ cách trình diễn không giống bất kỳ ai cũng đẩy Brown lên phía trước một cách tự nhiên, nơi mọi con mắt của khán giả đều tập trung hướng tới ông.


Quãng thời gian trong trại giam cũng dạy cho James Brown học cách không bỏ cuộc và đương đầu trước mọi khó khăn cản trở. Khi ông ký hợp đồng thu âm với hãng đĩa, đã có nhiều lần những quyết định của Brown vấp phải sự phản đối của chủ hãng – Syd Nathan. Đó là khi Nathan định cấm phát hành “Please, Please, Please” vì gã không hiểu được thứ âm nhạc nặng tính nhịp điệu của Brown. Nhưng thành công ngoài sức tưởng tượng đã chứng tỏ trực giác của Brown là đúng đắn.


Rồi khi ông muốn phát hành nhạc phẩm không lời chỉ với các nhạc cụ mà ông và band chơi thì cũng bị Nathan gạt phắt. Khiến cho Brown lại lẳng lặng phát hành bài “(Do The) Mashed Potatoes” (1960) mà ông chơi piano – một bản theme instrumental cho điệu nhảy mang tên “Mashed Potato” cực nổi tiếng của ông. Để tránh mang tội phá hợp đồng, track nhạc được phát hành qua hãng ghi âm khác dưới cái tên Nat Kendrick and The Swans (Nat Kendrick là tay trống trong ban nhạc của Brown ngày đó) và tên tác giả bản instrumental là “Dessie Rozier” - một bí danh khác của Brown, đồng thời một tay DJ sẽ nói át vào giữa bài mỗi khi giọng của Brown cất lên đọc tên bài nhạc đó. Chỉ khi bài nhạc này lọt top 10 bảng xếp hạng R&B thì Nathan mới thừa nhận sai lầm của mình và đồng ý cho ông phát hành nhạc instrumental dưới tên “James Brown presents HIS BAND”.


Rồi khi James Brown muốn thu âm buổi diễn để phát hành một album live, Nathan cũng lại phản đối kịch liệt vì ai đời lại bỏ tiền ra mua đĩa để nghe lại những bài mà fan có thể nghe từ bản thu studio với chất lượng tốt hơn hẳn. Nhưng Brown vẫn lẳng lặng tự bỏ tiền túi đặt địa điểm và set up toàn bộ hệ thống thu âm để rồi album Live At The Apollo (1963) đã trở thành một trong những album live thành công nhất lịch sử. Đĩa nhạc này gần như là nguyên nhân khiến cho Billboard phải tạo ra một bảng xếp hạng mới dành riêng cho thể loại nhạc R&B. Rồi cũng vì album này mà các DJ phải bật toàn bộ đĩa trên sóng radio, với những đoạn quảng cáo chỉ được bật ở những thời điểm họ phải đổi sau khi đĩa chạy hết một mặt, còn không thì tuyệt đối cả album được chơi không bị ngắt quãng, dù chỉ một giây. Chất lượng âm thanh thu âm thì được đảm bảo và Brown còn tinh tế đến độ ông sẽ tiết chế giọng hát của mình ở những lúc hét hay hát với âm lượng lớn, khiến cho chất lượng thu âm tiếng vocal hoàn toàn sạch, không một âm nhiễu hay tiếng rè giống như những bản thu không chính quy của khán giả ở các show diễn khác của Brown.


James Brown là vậy. Ông không bao giờ chấp nhận làm kẻ thua cuộc từ khi được sinh ra ở cõi đời này. Có lẽ hơi ấm từ hơi thở của bà cô đã truyền một sự sống và cái hồn cho Brown lúc ông vừa mới lọt lòng quá đỗi lớn lao nên ông mới có được sức mạnh như vậy. Ông không cần phải bán linh hồn để được người đời sau này mệnh danh là “Godfather of Soul”. Thứ năng lượng ẩn trong Brown hẳn thực sự đủ lớn để ông mới có thể thực hiện vô vàn các show diễn, nhiều đến mức gần như ngày nào trong năm Brown cũng phải bước lên trước ánh đèn và diễn hết mình phục vụ cho những người yêu nhạc của ông, để rồi người ta mới phải đặt cho ông những biệt danh như “The Hardest Working Man in Show Business” và “Mr. Dynamite”.


If you ain’t got enough soul, let me know. I’ll loan you some! Huh! I got enough soul to burn


RIP James Brown (3.5.1933 – 25.12.2006)



Hẹn gặp lại!

Kroon

616 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page