top of page

Fiona Apple: Điều gì làm nên một album hoàn hảo?

Khi Fiona Apple phát hành album Fetch The Bolt Cutters (2020), ngay lập tức hàng loạt các báo và tạp chí như The New York Times, Pitchfork, Slant, The Guardian, The Telegraph đã dành tặng những điểm số tối đa cho nhạc phẩm này. Nếu so với các album có điểm trung bình cao nhất ở Metacritic thì album Fetch đứng tận vị trí số 2 với điểm số 98 (chỉ sau mỗi album nhạc Jazz của nghệ sĩ kèn Wadada Leo Smith). Như vậy rõ ràng là đối với giới phê bình, Fetch The Bolt Cutters chính là một tuyệt tác đương đại, một nhạc phẩm hoàn hảo.


Vậy còn với người yêu nhạc thì sao? Một điều hết sức thú vị là điểm số 8.1 dành cho album Fetch lại thấp nhất so với các album khác của Fiona Apple. Ngoại trừ album đầu tay Tidal (1996) không có mặt trên Metacritic, các album còn lại, bao gồm When The Pawn… (1999), Extraordinary Machine (2005), The Idler Wheel… (2012); dù được critic đánh giá trung bình lần lượt là 79, 84 và 89 thì chúng đều được user cho số điểm quanh mức 8.7 và 8.8, cao hơn đáng kể so với album Fetch. Nhìn kỹ hơn nữa sẽ thấy số người tham gia chấm điểm cho Fetch lên tới gần 1400 người, so với con số chỉ vài trăm ở các album kia của Fiona.

 

Vậy liệu đây có phải là một hiệu ứng ngược với người nghe nhạc chịu tác động bởi những lời khen hết mức cùng số điểm cao ngất ngưởng từ giới phê bình; hay phải chăng album Fetch The Bolt Cutters cũng không phải là một nhạc phẩm hoàn hảo như người ta nói?

 

Trên trang Facebook của EmoodziK, chúng tôi có đưa Fetch The Bolt Cutters vào danh sách các album ưa thích của năm 2020 với lời đề như sau: “Phải nghe đến lần thứ tư, tôi mới ngấm được cái album này. Nó hay kỳ quái như nhạc thường thấy của Fiona. Chỉ tội để chấm đĩa này 10 điểm như nhiều báo chí nước ngoài thì có lẽ…”. Cái dấu “…” có thể điền vào những cụm từ như “hơi cao chăng” hoặc “tôi cần thêm thời gian để hiểu”.

 

Thực ra khi nghe bộ discography của Fiona Apple, không chỉ mỗi album Fetch gây nhiều thách thức mà nhìn chung âm nhạc của cô ngay từ những ngày đầu đã phá vỡ các rào cản truyền thống.

 

Vào lúc Fiona xuất hiện trên thị trường cùng album đầu tiên Tidal, nữ nghệ sĩ trẻ chưa đầy 19 tuổi đã gây bất ngờ khi không chỉ mang tới thứ âm nhạc trưởng thành trước tuổi, mà nó còn khác hẳn những gì người ta nghe lúc bấy giờ. Đó là nhạc Britpop của Oasis, Blur, SuedePulp; là nhạc Hip Hop của Tupac, Nas, OutKast, The FugeesSnoop Dogg; là nhạc Soul / R&B của Toni Braxton, MaxwellBabyface; là Alternative Metal của Tool, Marilyn Manson; và còn là Rap Metal của Rage Against The Machine, v.v.

 

Sự tương đồng gần sát nhất với Fiona Apple có chăng thì là những nữ nghệ sĩ solo đầy cá tính ngày đó như Alanis Morisette, Tori AmosSheryl Crow. Riêng với Fiona, cá tính trong âm nhạc của cô đã lộ rõ những nét riêng biệt ngay từ album Tidal để những người hâm mộ có thể dễ dàng nhận ra mỗi khi nghe nhạc của Fiona.

 

Đầu tiên nét dễ nhận nhất là các bài nhạc có hai sắc thái, một là khi tối giản sẽ chỉ đọng lại đa phần nhạc cụ bộ gõ và một chút tiếng piano tạo cảm xúc mơ hồ về hòa âm, nhưng sắc thái thứ hai sẽ giải tỏa cảm xúc đó ngay khi các nhạc cụ khác xuất hiện, trong đó tiếng đàn piano của Fiona lúc này đây sẽ được chơi đầy đặn vô cùng cuốn hút. Với phong cách nhạc Art Pop, thực ra dễ thấy sự ảnh hưởng lớn của cô từ nhạc Jazz qua các hợp âm mở rộng và vòng hòa âm lạ tai. Cách lựa chọn những nốt trong các hợp âm cũng được Fiona để ý nhằm mang âm sắc độc đáo nhất cho các bài cô chơi, thứ khiến cho mỗi lần tiếng piano vang lên, nó như dịch chuyển bài nhạc sang một thế giới kỳ ảo.

 

Đó là nhờ khi Fiona Apple học đàn piano cổ điển từ nhỏ, cô đã bắt đầu tập sáng tác nhạc từ năm 8 tuổi theo phong cách Jazz mà cô chịu ảnh hưởng từ Billie HolidayElla Fitzgerald. Sự độc đáo ở cách chơi đàn mà Fiona tự phát triển cho riêng mình còn từ việc cô tự học chơi các bài qua bản nhạc mà cô chưa từng nghe bao giờ, và sau đó sẽ ra cửa hàng để mua album nhạc đó về nghe xem lối chơi của mình có đúng tinh thần nhạc của bản gốc không hay cô đã vô tình phá tanh bành chúng.

 

Nét dễ nhận nữa trong nhạc của Fiona Apple là lối thể hiện các bài theo phong cách Rock và Rap. Vầng, cái này nghe có vẻ kỳ quặc và có thể chỉ là cảm nhận riêng của tôi. Nếu để ý giọng hát của cô, nó mang rất nhiều sắc thái theo từng khúc nhạc và lời hát. Khi Fiona hát mượt mà, khi thì gằn giọng. Nhưng độc đáo nhất là cách cô nhấn giọng khi hát, bổ trợ bằng chính những phím đàn piano được nhấn phá đầy chất Rock. Tiếp nữa, giai điệu của bài không đơn thuần là những nốt trầm nốt bổng, mà còn gây ấn tượng với người nghe ở nhịp điệu và âm vần câu từ, thứ khiến cho những khúc nhạc mà Fiona hát hơi nhanh và không lên xuống cao độ nhiều mang nét nhạc Rap trong đó.

 

Đây dù là khía cạnh độc đáo ở âm nhạc của Fiona, nó lại là thứ gây khó khăn cho tôi khi cảm nhận một bài của cô. Thế nên đâm ra, ngay khi tiếng đàn piano của cô cùng các nhạc cụ khác cất tiếng, dù đó là những hợp âm nghịch tai, bài nhạc đó bỗng dưng được làm mềm hơn, và như chất xúc tác, tôi bỗng “cảm” được nó.

 

Trong các tác phẩm của Fiona Apple, cụ thể với hai album gần đây, The Idler Wheel… và Fetch The Bolt Cutters, âm thanh tối giản, đôi lúc chỉ còn trơ tiếng bộ gõ và tiếng đàn piano chơi loạt các hợp âm nghịch tai ở một số đoạn nhạc đã làm tôi phải mất thời gian để “ngấm” được nhạc của cô, đặc biệt với album Fetch.


Vào thời điểm mới nghe đĩa Fetch The Bolt Cutters, dù đã quen tai với album Idler trước đó, đã có lúc tôi phải bỏ dở vì không “hiểu” nổi tại sao người ta lại ca ngợi tung hô album này đến vậy. Bài “I Want You To Love Me” mở đầu album có những khúc nhạc khá dị khi cô ngân từ “you” dài gần 8 giây trước khi hoàn thành câu “you love me”, trong khi phần rải ngón trên piano không hề đưa một hợp âm giải tỏa vào phần nền, khiến cho đoạn ngân giọng đó có một sức căng hơi khó chịu bên tai. Trong “Shameika”, dù đoạn piano chơi câu riff cực hay có phần “hắc ám” ở đầu, thì nó lại nối liền tới khúc nhạc sau thay đổi cả về tông giọng lẫn nhịp điệu. Đấy là chưa nói đến câu “Shameika said I had potential” cũng không có một hợp âm làm mềm. Cố tiếp đến track thứ 3, mang cùng tên album “Fetch The Bolt Cutters”, giọng hát của Fiona như đọc lời trên nền nhạc tối giản của tiếng bộ gõ đã khiến tôi dừng việc nghe tiếp album này.

 

Đấy là cho 3 lần nghe lần đầu tiên của tôi. Và dĩ nhiên tới thời điểm đó, đối với tôi, album Fetch The Bolt Cutters rõ ràng còn xa mới tới mức hoàn mỹ như một tuyệt tác mà các nhà phê bình cũng như nhiều người yêu nhạc khác khen ngợi.

 

Trộm nghĩ, rõ ràng những album trước của cô đều xuất sắc và hợp tai tôi, dù cách làm nhạc cũng phá cách như vậy. Và nếu có ai dí súng vào đầu tôi bắt phải đưa ra số điểm cho mỗi album thì tôi sẽ làm theo cách như sau. Đó là đếm số track nghe “hợp tai” (với mức độ hay có thể từ “ổn đấy” cho tới “tuyệt vời”) chia cho tổng số track ở album đó.


Với Tidal (1996), số bài “hợp tai” của tôi là 8/10 (tương đương số điểm 8.0), dù là nửa sau của đĩa đa phần nghe không sướng như nửa đầu. Trong Tidal, tôi đặc biệt ấn tượng với những khúc vào nhạc vô cùng phiêu của “Sleep To Dream” và “Shadowboxer”; âm thanh đầy đặn nhưng tối tăm trong “Criminal”; nhịp điệu chậm rãi cùng giọng hát nhẹ như hơi thở của Fiona trong “Slow Like Honey” và “Carrion”.

 

Với When The Pawn… (1999), mà tên đầy đủ dài tới 444 ký tự, cụ thể là “When The Pawn Hits The Conflicts He Thinks Like A King What He Knows Throws The Blows When He Goes To The Fight And He’ll Win The Whole Thing ’Fore He Enters The Ring There’s No Body To Batter When Your Mind Is Your Might So When You Go Solo, You Hold Your Own Hand And Remember That Depth IsThe Greatest Of Heights And If You Know Where You Stand, Then You Know Where To Land And If You Fall It Won’t Matter, Cuz You’ll Know That You’re Right.”, số bài “hợp tai” của tôi là 10/10 (tương đương số điểm 10.0), trong đó đa phần các bài đều hay xuất sắc. Trong When The Pawn…, tôi ấn tượng nhất với câu riff vào nhạc cực hay của “On The Bound”, khúc chuyển tông giọng mềm mượt của “To Your Love”, sự đối lập về âm thanh lắng đọng với cao trào trên nền bộ gõ ở “Limp”, nhịp điệu funky cùng vòng hòa âm tuyệt đẹp trong “Paper Bag”.


Với Extraordinary Machine (2005), số bài “hợp tai” của tôi là 9/12 (tương đương số điểm 7.5). Trong đĩa này, tôi ấn tượng với lối biến đổi giọng cùng lối hát như một vở nhạc kịch trong ca khúc cùng tên album, câu piano riff nghe rất ngầu trong “Get Him Back” và “Better Version Of Me”, tiếng piano cố tình bị chỉnh dây lệch tune ở “O’ Sailor”, âm thanh hơi vang trong bộ gõ tựa như lối làm nhạc của Tom Waits trong “Window”.


Với The Idler Wheel… (2012), mà tên đầy đủ cũng vô cùng dài, cụ thể là “The Idler Wheel Is Wiser Than the Driver of the Screw and Whipping Cords Will Serve You More Than Ropes Will Ever Do”, dù phần nhạc ban đầu khó để hiểu nhưng khi nghe và ngấm kỹ thì có tới 9/10 bài ưa thích của tôi (tương đương số điểm 9.0). Trong The Idler Wheel…, tôi ấn tượng trước lối hát yodel mang màu sắc bộ lạc mà Fiona đưa vào bài “Every Single Night”, giai điệu hay độc đáo của “Valentine” trên nền contrabass, bộ gõ âm vang như hát phụ họa cho Fiona trong “Jonathan”, khúc outro dồn dập điên loạn của “Left Alone”, phần bè vocal nhiều lớp đối ẩm với nhau trong “Hot Knife” lạ tai dù nhạc nền đa phần chỉ là tiếng trống gõ xa xăm ở phía sau.


Cách chấm điểm này của tôi chỉ mang tính tượng trưng vì nó có hạn chế khi chỉ dừng ở mức độ cảm nhận về phần nhạc, chứ chưa đi sâu về phần lời. Đối với các bài review đánh giá một nhạc phẩm xuất sắc của giới phê bình, họ không chỉ ca ngợi chất lượng nhạc qua khâu sáng tác giai điệu và kỹ thuật sản xuất, mà ca từ cùng ý nghĩa lời hát chiếm tỷ trọng quan trọng không kém cạnh gì. Đó chính xác là những yếu tố được nêu trong những bài đánh giá về album Fetch The Bolt Cutters của Fiona Apple, khi mà lối sáng tác lời của cô thực sự vẫn luôn là điểm mạnh trong các album từ trước tới giờ và nay còn xuất sắc hơn cả trong đĩa Fetch.

 

Lối sáng tác của Fiona Apple thực sự độc đáo. Thay vì phổ nhạc cho một bản lời được viết sẵn hay sáng tác lời dựa trên nền nhạc, Fiona tìm cảm hứng bắt nguồn từ các âm vần trong những cặp câu được ghép với nhau cho đến khi chúng thực sự mang đến các lớp lang ý nghĩa sâu xa. Cô không ngồi chép ra giấy mà đi lại trong căn phòng vừa lẩm nhẩm chúng theo cùng nhịp bước chân, nhịp chuyển động của cơ thể cho tới khi hình thành các đoạn lời hoàn chỉnh về ca từ. Sau đó cô mới ngồi xuống cây đàn piano để phổ nhạc theo phần lời đã được sáng tác đầy đủ về ý nghĩa của ca từ lẫn nhịp điệu của chúng, từ đó giai điệu tự động lên xuống biến đổi theo tiếng đàn. Nhờ cách tiếp cận trong sáng tác này, các bài của Fiona Apple đã toàn diện về mọi mặt ngay khi được hình thành.

 

Bảo sao ngay từ album đầu tiên Tidal, người nghe đã phải ngỡ ngàng khi biết rằng những ca từ trong đó đều được viết bởi một cô gái chỉ mới 18 tuổi khi nội dung của chúng được bộc bạch quá đỗi chân thực qua những bài hát về tình yêu, nỗi đau và nghị lực của bản thân. 

 

Trong bài “Sleep To Dream”, phần điệp khúc cô hát:

I got my feet on the ground and I don't go to sleep to dream

You got your head in the clouds and you're not at all what you seem

 

Hai câu trên không chỉ mang những âm vần mà chúng còn tạo nên những hình ảnh tương phản giữa hai nhân vật cô gái và người bạn trai trong bài, “I got my feet on the ground” với “You got your head in the clouds”, hay “I don’t go to sleep to dream” với “you’re not at all what you seem”, để nói lên một tình yêu không cân bằng giữa một kẻ đầy mơ mộng và một người vô cùng thực tế.


Rồi như ở bài “Sullen Girl”, trong verse 2 cô hát: “Is that why they call me a sullen girl, sullen girl / They don't know I used to sail the deep and tranquil sea / But he washed me 'shore / And he took my pearl / And left an empty shell of me”. Fiona dùng những hình ảnh tượng hình của đại dương tĩnh lặng đã bị khuấy động bởi một nhân vật thứ ba xuất hiện trong cuộc đời cô gái. Hắn bỏ lại cô trơ lại duy nhất một “vỏ bọc trống rỗng” (“empty shell”). Phần lời này không chỉ đơn thuần kể về một nhân vật trong bài hát, mà nó chính là những lời bộc bạch của Fiona - một cô gái mà người ta chỉ nhìn thấy một vẻ ngoài u sầu nhưng không biết rằng cô có một quá khứ ám ảnh khi ở tuổi 12, Fiona đã từng bị một kẻ lạ mặt xâm hại tình dục.


Đây chính là lý do những gì Fiona viết ra cũng như cái nhìn của cô về thế giới luôn chứa đựng cảm xúc có phần tăm tối.


Quay lại với album Fetch The Bolt Cutters (2020), trong một lần tình cờ bật lại đĩa nhạc này, tôi đã quyết định nghe hết toàn bộ album để thử xem sau 3 track đầu chưa hợp tai trước đó thì các bài sau liệu sẽ như thế nào. Thật bất ngờ là gần như toàn bộ các bài kể từ track thứ 4 cho tới cuối đĩa đều ở cấp độ “hay” cho tới mức “tuyệt vời”. Tôi ấn tượng với tiếng đàn piano rải ngón ở verse 2 và khúc instrumental break cá tính trong “Under The Table”; đoạn đổi nhịp điệu time signature ở “Relay”, giọng hát vút lên gắt gỏng của Fiona trong “Rack Of His”, cách cô gằn giọng ở “Heavy Balloon”, v.v.


Điều ngạc nhiên là từ lần nghe lại đó cho tới bây giờ, tôi nhận thấy mình bắt đầu quen và cảm nhận tốt hơn 3 bài đầu tiên. Vì lúc này tôi đã hiểu hơn về lối sáng tác lời cùng nhịp điệu trước, sau đó mới tới nhạc điệu của Fiona.


Đây nhé, bài “I Want You To Love Me” mở đầu bằng tiếng bộ gõ dường như mô tả lại những nhịp chân và chuyển động của cô trong căn nhà khi sáng tác nó. Nhịp điệu đó dẫn dắt cho cả chính câu đàn piano vào nhạc sau đó và giai điệu đoạn verse. Cũng bởi Fiona sáng tác lời cùng nhịp điệu trước tiên, nên tôi nhận ra rằng cô cố tình kéo dài chữ “you” trong câu “you to love me” bởi một phần cô muốn tạo sự tương phản về mặt nhịp điệu, một phần để nhấn mạnh ý nghĩa trong một bản tình ca dành cho người đàn ông mà cô chưa gặp ở thời điểm đó, rằng anh ta phải yêu con người cô sau phần lời đẹp như thơ của verse 2. Giọng hát của Fiona thậm chí còn thể hiện cho thấy cô cố tình không thu âm một bản vocal hoàn mỹ khi đâu đó giọng cô hơi run khi ngân các nốt, và ngắt đột ngột ở một số từ. Cách hát này càng tôn lên ý nghĩa của phần verse hát về một con người mang tâm trí tự do, thả mình trôi theo cùng thiên nhiên vạn vật.


Rồi như track thứ hai, “Shameika”, những phần lời vô cùng sinh động miêu tả về cô bé Fiona đầy cá tính thời cấp 2: “I used to walk down the streets / On my way to school / Grinding my teeth to a rhythm invisible / I used my feet to crush dead leaves like they had fallen from trees / Just for me, just to be crash cymbals” để người nghe hiểu về một Fiona khó làm bạn với những nữ sinh khác trong trường và tại sao một cô học sinh cá biệt chuyên bắt nạt kẻ khác – mang tên Shameika lại khuyên nhủ Fiona sống đúng với bản thân mình bởi “Shameika said I had potential”. Chính vì lời hát này, tôi đã hiểu sao Fiona cố tình không dùng các hợp âm dễ nghe để làm mềm những ca từ này.


Fetch the fucking bolt cutters and get yourself out of the situation that you’re in” – là thông điệp “tự giải phóng bản thân” mà Fiona muốn chuyển tải trong album Fetch The Bolt Cutters và đặc biệt trong đúng track thứ 3 mang cùng tên album được cô sáng tác cuối cùng. Thông điệp đó được thể hiện rõ bằng tinh thần xuyên suốt trong album này, khi người nghe chưa từng bao giờ được thấy một Fiona thoải mái và tự do đến vậy. Điều đó thể hiện từ phong cách nhạc được viết đầy phóng khoáng, không theo khuôn mẫu hay giống với những gì nghe được từ các nhạc phẩm khác; cho tới lối thu âm mà Fiona tham gia đồng sản xuất ngay tại studio trong căn nhà của cô. Phần nhạc phối tô đậm các âm thanh của bộ gõ tạo bởi cả những vật dụng ngay trong căn nhà. Giọng hát của cô phiêu, đầy chất bất cần, ngược hẳn với những gì ta hình dung về sự hoàn mỹ.


Bởi vậy, album Fetch The Bolt Cutters này giống như được Fiona Apple làm ra để tỏ thái độ với giới truyền thông, với những sự vụ gây tranh cãi mà báo chí từng thêu dệt về cô trước đây, và vì thế album này như “một ngón tay thối” mà Fiona giơ lên với những kẻ không hiểu và chấp nhận con người cô. Hơn cả, mỉa mai thay những yếu tố thiếu hoàn hảo hay hoàn mỹ trong album, từ lối hát cho tới tiếng chó sủa trong căn nhà đều được cô giữ lại, cuối cùng lại làm nên một nhạc phẩm mà giới phê bình cộp cái mác tuyệt tác cho một nhạc phẩm mang số điểm hoàn hảo.


Còn với cá nhân tôi, nếu tiếp tục phải chấm điểm dựa trên tỷ lệ các bài “hợp tai” trong tổng số track thì Fetch The Bolt Cutters sẽ đạt 8.5. Nếu đem so với các album khác thì như các bạn thấy, về điểm số, đĩa When The Pawn… vẫn là nhạc phẩm ưa thích nhất của cô đối với tôi khi nó đạt một con số hoàn hảo. Chỉ là chuyện chấm điểm rồi đem cân đo giữa các album cuối cùng cũng có thực sự quan trọng không khi một điểm số cao cũng đủ để đánh giá một nhạc phẩm xuất sắc và thu hút người yêu nhạc khác tìm nghe. Nhưng một điểm 10 hoàn hảo thì rất dễ tạo kỳ vọng cao và kéo theo nhiều người khác nữa tìm đến để phán xét, gây ra những hiệu ứng ngược.


Đối với tôi, bộ discography của Fiona Apple đều đa phần là các nhạc phẩm xuất sắc, nhưng rồi cũng chỉ có một vài đĩa tôi tìm nghe lại nhiều hơn dù có thể nó không đạt được điểm 10 tròn trĩnh. Đó là vì những album đó là nơi tôi tìm được sự gắn kết cảm xúc nhiều hơn.


Hẹn gặp lại!


Kroon

798 views

Recent Posts

See All
bottom of page