top of page

Gary Moore: Kẻ mãi không gặp thời

Updated: Apr 7

Gary Moore có lẽ chọn nhầm thời điểm để sinh ra – thời của anh hơi trễ so với thời mà những vị anh hùng guitar ở nước Anh xưng hùng xưng bá và đánh chiếm cả nước Mỹ với những Eric Clapton, Jeff Beck, hay Jimmy Page; nhưng lại hơi bị sớm so với những anh hùng guitar cái thế của thời đại mà âm nhạc thuần guitar lên ngôi sau này như Joe Satriani, Steve Vai, hay Yngwie Malmsteen. Những người thích anh thì cho rằng Gary là chiếc cầu nối hai thế hệ; đám ganh ghét thì nhận định là anh này chỉ là kẻ nằm lọt khe giữa hai thời.


Gary Moore bắt đầu cầm lấy cây đàn từ sau khi nghe Eric Clapton chơi cùng với Blues Breakers vào tháng 7 năm 1966. Vốn lúc ấy mới chỉ 14 tuổi, Gary Moore nghe nát cả chiếc đĩa than của Blues Breakers để cố học theo từng ngón đàn của Clapton, và với Gary, tuổi thơ của anh đã mãi mãi dừng lại ở năm đó. Cũng giống như một tay guitar Blues lão luyện khác từ Belfast, Bắc Ireland là Rory Gallagher, Blues có lẽ đã theo Gary Moore suốt cả sự nghiệp tới mức ở thời bắt đầu, tham gia band nào thì Gary cũng chỉ có hỏi là ban nhạc có chơi Blues không. Thế nhưng qua rất nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, khán giả có lẽ phải tới tận năm 1990 mới có dịp nghe Gary Moore chơi Blues chính hiệu trong album có lẽ cũng là nổi tiếng nhất của anh, Still Got The Blues (1990). Gary Moore đã mất hai chục năm để quay lại chính nơi anh đã bắt đầu với cây guitar của mình, nhưng điều gì đã xô đẩy anh đi xa và lâu đến thế?


Nghĩ mới thấy Gary Moore có lẽ là một trường hợp đầy thú vị của âm nhạc. Anh vừa có thể chơi guitar tóe lửa, lại còn có thể hát. Anh không những chơi một thứ Blues tuyệt hảo mà còn chinh chiến với cây đàn trong thể loại Heavy Metal không thua một shredder nào. Những nghệ sĩ virtuoso thường được bao vây bởi những kẻ virtuoso khác, và dù đã từng cộng tác với vô khối các nghệ sĩ tài năng nhưng với bản tánh cầu toàn và gia trưởng, Gary không bao giờ giữ được một bộ khung cố định để chơi nhạc cùng mình. Anh cũng không thể thành công ở Mỹ cho tới khi ra Still Got the Blues lừng danh kia. Âm nhạc của Gary Moore vì thế luôn có vẻ không hợp thời ngay lúc đó và thường chỉ được trân trọng mãi sau này. Thế nên nếu như bạn định tìm một sự tán dương cho bản Still Got The Blues thì rất tiếc đây không phải post dành cho bạn. Bởi vì sau đây tôi xin được bàn về 5 cái mốc trồi sụt của Gary, những cái mốc chỉ để thấy âm nhạc của anh nó mới tréo ngoe với thị hiếu thế giới thế nào.


Hồi 1. Lên cùng Thin Lizzy tập 1


Sẽ không thể nhắc tới sự nghiệp lẫy lừng của Gary Moore mà không nhắc tới Thin Lizzy, bệ phóng đưa tài nghệ guitar của anh ra với thế giới. Khổ cái là Gary Moore vốn là cậu bé Blues, và chưa bao giờ thích kiểu nhạc “đường phố” của Lizzy.


Khi mới bắt đầu sự nghiệp, set list của Gary Moore thường xuyên gồm những bài kinh điển như “Beck’s Boogie” (Jeff Beck), “Hey Joe”, “Red House”(Jimi Hendrix); “Hideaway”, “Crossroads” (Eric Clapton); cho tới những “You Keep Me Hanging On” của Vanilla Fudge. Mỗi khi những nghệ sĩ lớn như Jeff Beck hay Jimi Hendrix ra một nhạc phẩm mới, Gary Moore sẽ lập tức học ngay. Rory Gallagher và Gary Moore sẽ mãi là những kẻ hiếm hoi chơi Blues sừng sỏ đến từ Belfast.


Ban nhạc đáng kể đầu tiên mà Gary Moore tham gia là Skid Row (dĩ nhiên không phải là ban Skid Row của Mỹ thời cuối thập niên 80s mà ai cũng biết). Gary Moore tham gia band này với một sự miễn cưỡng nhất định, bởi họ không có chơi nhạc Blues như Gary mong mỏi. Nhưng bù lại, quãng thời gian chơi cho Skid Row giúp Gary Moore chơi thân với ca sĩ của họ là Phil Lynott, người không lâu sau đó bị sa thải, và có dịp được đi lưu diễn ở Mỹ đánh mở màn cho Allman Brothers Band, ban nhạc Southern Rock trứ danh với những màn guitar đôi sớm được Gary Moore khắc cốt ghi tâm để rồi sau này tái hiện chúng cùng với Thin Lizzy. Nhưng trước mắt, Gary Moore bỏ Skid Row năm 1971 để quay về chơi nhạc solo như hồi trước dưới cái tên Gary Moore Band, và làm nức lòng khán giả mỗi đêm với những màn trình diễn Blues hảo hạng.


Nhắc tới Thin Lizzy, được lập ra bởi Phil Lynott, lúc này đã trở thành một thế lực ở nước Anh với thứ nhạc Rock chơi nhanh và cuốn, mà theo ý tưởng của Phil là phải thật đường phố. Với sự góp mặt của tay guitar cự phách Eric Bell, Thin Lizzy đã sớm đưa những âm hưởng của dân ca Celtic vào nhạc của họ.


Vốn sẵn thân tình của Phil, Gary Moore thường xuyên được mời tới xem Thin Lizzy biểu diễn và đôi lúc còn được mời vào đánh thế mỗi khi tay guitar Eric Bell hắt hơi sổ mũi. Nhưng nếu hỏi Gary Moore có thích nhạc của Thin Lizzy không thì chắc câu trả lời của anh vẫn luôn là "Không".


Thế rồi chuyện gì phải đến đã đến, khi Eric Bell bỏ Thin Lizzy giữa tour diễn quanh Ireland, Gary Moore là người được chọn. Không ngạc nhiên khi trình độ chơi guitar thượng thừa của Gary Moore đã nâng tầm Lizzy, và với sự có mặt của bậc virtuoso như Gary Moore, Thin Lizzy đã làm được điều mà tất cả các Rock band khác cần tới: một ca sĩ đầy cá tính đi cùng với một tay guitar thượng thừa. Cùng với cách ăn vận của Gary với áo dài đen, giày đen, cùng mái tóc quăn và cây guitar sẵn sàng vung vẩy bất cứ lúc nào, Gary đem tới một hình ảnh bổ trợ hoàn hảo như một tên cướp biển thứ thiệt cho một ban nhạc được định hình với phong cách “đường phố” như Thin Lizzy.


Dấu ấn đáng nhớ nhất trong giai đoạn này của Gary Moore hẳn là ca khúc “Still In Love With You”, ca khúc được Gary và Phil kết hợp từ 2 ý tưởng riêng rẽ của 2 người nhưng có cùng chuỗi hợp âm. Đoạn solo đầy tâm trạng của Gary Moore đáng nhớ tới mức sau này khi anh không còn ở trong band, hai tay guitar Scott Gorham và Brian Robertson thấy không thể làm hơn được và đã giữ y nguyên khi biểu diễn.


Nhưng tất cả sự ăn rơ với Phil Lynott và những ca khúc tuyệt vời cũng không thể giữ chân Gary Moore, bởi anh cảm thấy âm nhạc của Thin Lizzy có quá nhiều hạn chế. Gary Moore bỏ Thin Lizzy năm 1974.


Hồi 2. Xuống cùng Colosseum II


Gary Moore từng tâm sự nhạc của Thin Lizzy nghe không đủ phức tạp khi thiếu đi phần âm thanh ở tầng trung. Cũng bởi vì thứ âm thanh đặc trưng của Lizzy, phần rhythm thường phải chơi bám theo tiếng bass và trống và bất cứ thứ gì hơi phiêu từ guitar đều khiến Gary thấy không hợp lý. Điều này dẫn tới việc anh phải chơi đơn giản lại và thường hoặc là bám theo phần bass để chơi riff hoặc bay trên tầng cao với các câu lick guitar đôi và khiến cho tầng trung của bài hát trở nên trống vắng chỉ có mỗi giọng hát của Phil. Điều này không phải là không có cách khắc phục vì rõ ràng sau Thin Lizzy một thập kỷ, các ban nhạc NWOBHM đã làm cực tốt trong việc tạo ra thứ âm nhạc dày mà guitar đôi vẫn réo rắt, nhưng trước mắt thì việc chơi nhạc trong Lizzy là hơi “nhạt” cho Gary Moore, nên là anh đi.


Dĩ nhiên với kinh nghiệm thương đau từ lần rời bỏ Skid Row trước đó và với những thành công không đáng kể từ Gary Moore Band, lần này Gary Moore đã có một kế hoạch chu đáo cho cuộc sống không Lizzy và thỏa mãn đam mê chơi nhạc khó mang tên Colosseum II, ban nhạc chơi Jazz Fusion cùng tay trống Jon Hiseman.


Và album Colosseum II có lẽ là nơi lần đầu tiên khán giả được chứng kiến toàn bộ tài năng của Gary Moore, dù rằng về mặt thương mại, album này thể hiện một bộ mặt trái ngược.


Cách chơi của Gary Moore gây chú ý ngay từ track đầu tiên “Dark Side Of The Moog” với sự lắt léo nhưng phối hợp đầy nhạy cảm với phần piano, khiến khối người liên tưởng tới cách mà bậc virtuoso như John McLaughlin chơi cùng ban nhạc của Chic Corea. Và bản instrumental ấn tượng nhất với tôi hẳn là “Gary’s Lament”, nơi Gary có thể giãi bày rất nhiều ý tưởng với cây guitar của mình, những ảnh hưởng từ Eric Clapton và Peter Green, và chia phần đổi ẩm với tất cả các thành viên còn lại trong ban nhạc, những nhạc công cự phách mà tới bây giờ Gary mới có dịp chơi cùng.


Nhưng rồi dự án Colosseum II cũng nhanh chóng kết thúc vào năm 1976 sau khi Jon Hiseman và Gary Moore bắt đầu có vấn đề với tay bass Neil Murray vì cho rằng anh này chơi quá “thừa thãi nốt” và dẫm vào chân nhau. Tay keyboard Don Airey sau đó cũng bỏ sang chơi cho Rainbow. Những hục hặc dẫn tới việc tan rã band thì đã rõ, nhưng có lẽ lý do to đùng mà không ai muốn nhắc tới là sự thất vọng khi không bán được đĩa, mặc dù có trong tay một đội hình trong mơ với toàn hảo thủ. Cũng phải thôi, họ không có một single nào có thể thành hit, và xem ra ý tưởng ban đầu của Gary và Jon Hiseman để tạo ra một ban nhạc kết hợp sự hoành tráng và giàu kỹ thuật như kiểu của Mahavishnu Orchestra với sức mạnh từ ca sĩ chói vói như Robert Plant xem ra cũng hề sáng sủa.


Và điều này dường như đã trở thành một mô típ quen thuộc của Gary Moore: tham gia một ban nhạc ăn khách nhưng không đủ “khó”, bỏ cuộc và làm theo cách của anh, để rồi cuối cùng thành công không đủ bù công sức, và lại quay lại con đường “ăn khách”. Thế nên không mấy ngạc nhiên khi ngay sau sự nhạt nhòa của Colosseum II, Gary Moore nhận lời trở lại Thin Lizzy.


Hồi 3. Lại lên cùng Thin Lizzy tập 2


Năm 1976 là một năm đáng nhớ với Thin Lizzy khi sau nhiều năm ròng rã, họ cuối cùng cũng đã lọt được vào thị trường Mỹ với album Jailbreak và single “The Boys Are Back In Town”, bay cao dưới cặp đôi chơi guitar Brian “Robo” Robertson và Scott Gorham. Khán giả thì có dịp tâng bốc Thin Lizzy và thủ lĩnh Phil Lynott lên tận mây xanh như là ban nhạc Rock vĩ đại nhất của Ireland, những người đặt Ireland lên bản đồ âm nhạc thế giới.


Gary Moore thì vẫn cố duy trì cả hai tham vọng: trình diễn âm nhạc như một nghệ sĩ thực thụ và tạo ra những màn trình diễn để đời như một ngôi sao nhạc Rock. Sự nghiệp của Gary Moore cứ như thế nhảy qua nhảy lại giữa hai cái lằn ranh đó, mà Gary Moore vẫn tin là tài  năng của anh có thể làm được cả hai mới khiếp.


Khi nhận lời trở lại Thin Lizzy, Gary Moore cũng đồng thời chuẩn bị để thu album solo với cái tên Back On The Street. Vốn dự đinh làm một album solo theo kiểu Jazz-Rock cho “khó”, nhưng rồi vì không muốn tạo thêm ra một phiên bản khác của Colosseum II, Gary lại gọi ông bạn Phil Lynott tới để làm nhạc cùng cho dễ ăn khách. Gary may mắn được gặp một tay trống Jazz còn rất trẻ lúc ấy là Simon Phillips để thu nhạc cùng.


Rồi thế là một ngày, Gary chơi cho Phil nghe một đoạn nhạc sau trở thành “Parisienne Walkways” và khiến Phil nghĩ ngay tới nước Pháp và viết lời ngay tại chỗ. Từ một bản instrumental, nó đã trở thành bài hát được bắt đầu với “I remember Paris in ’49,” – và thú vị ở chỗ cha của Phil tên là Parris và anh sinh ra vào năm 1949. Đủ thấy Phil tài viết lách thế nào.


Cùng lúc đó, album Black Rose: A Rock Legend của Lizzy thì đáng nhớ không chỉ bởi những bản nhạc đã đi vào độ chín trong sáng tác của Phil Lynott như “Do Anything You Want To” hay “Waiting for an Alibi”, mà còn cả bản trường ca 7 phút "Róisín Dubh (Black Rose): A Rock Legend" có đầy đủ sự bi tráng và cao trào – thứ mà sau này thường thấy trong thể loại Power Metal.


Với sức mạnh của Black Rose, cả đám lại lên đường cố chinh phục nước Mỹ thêm một lần nữa, và lần này chỉ có chính bọn họ mới có thể tự phá thành công của mình. Phil Lynott và Scott Gorham bắt đầu chơi heroin từ đây, và thậm chí Phil còn không thể trình diễn trên sân khấu cho ngay ngắn nữa khi lúc thì quên lời, và lúc thì thậm chí còn hát vào lộn chỗ Gary Moore đang solo guitar. Dĩ nhiên điều này là không thể chấp nhận được với kẻ cầu toàn như Gary. Và khi Thin Lizzy tới Green Festival tại sân vận động Oakland Stadium trước 50.000 khán giả, sát cánh cùng với những JourneyUFO, hay Nazareth, Phil lại đánh mất mình khi quên lời và còn đá văng cả mic. Như thế là quá đủ với Gary Moore và anh tạm biệt Thin Lizzy ngay giữa show diễn.


Mỉa mai thay khi ở quê nhà của họ, Black Rose leo tới vị trí số 2 trên bảng xếp hạng. Single “Do Anything You Want To” lọt vào top 20; “Waiting For An Alibi” và single “Parisienne Walkways’ từ album của Gary Moore và đều vào top 10. Sứ mệnh sống tốt cho cả 2 của Gary Moore xem ra đã không được trọn vẹn. Tôi lại nhớ một vị tiền bối đã từng phán rằng “thứ làm cho anh trở nên đặc biệt, cũng sẽ là thứ khiến anh trở nên cô đơn”.


Hồi 4. Solo tập 1 - ra ngõ gặp Ozzy


Từ một thần đồng guitar ở cuối thập niên 60s, sự nghiệp solo của Gary Moore ở đầu thập niên 80s xem ra cũng không đến nỗi sau album solo ra hồn đầu tiên. Không phải vô cớ mà Gary Moore luôn quy tụ được những bậc virtuoso chơi cạnh mình, như tay bass/ca sĩ Glen Hughes trong dự án G-Force, hay tay trống Ian Paice trong dự án Corridors Of Powers sau đó. Nhưng đến đây hẳn ai cũng thấy một vấn đề to đùng: không có ai có thể ở lại cùng với Gary Moore quá lâu (trừ ông bạn Phil Lynott giờ đã dặt dẹo lắm rồi).


Việc trải mình qua quá nhiều ban nhạc và chơi quá nhiều thể loại cuối cũng đã làm hại Gary Moore bởi vì các ban nhạc định hình ở thời điểm cuối thập niên 70s đầu 80s đều có dấu ấn của riêng họ - những yếu tố được thử thách qua thời gian và có thể đè bẹp những thế mạnh của Gary Moore: như những màn trình diễn guitar của Van Halen luôn ăn khách, những band AOR như Journey hay Styx thì ăn đứt về phần ballad; còn thì những ông lớn như Kiss hay Aerosmith đều thừa khả năng đem tới những màn trình diễn bùng nổ. Ấy là chưa kể thị trường Mỹ vẫn chưa chấp nhận Gary Moore, khi mà cơ hội hiếm hoi duy nhất của anh với Thin Lizzy đã tự bốc hơi. Phía sau lưng anh, những ban nhạc mới với cái tên NWOBHM như Saxon, Iron Maiden, Judas Priest hay Def Leppard, những kẻ bị ảnh hưởng bởi chính Thin Lizzy, đều đã sẵn sàng hơn chính Gary Moore để vươn tầm ra thế giới.


Điểm sáng le lói duy nhất với Gary Moore lúc này là việc tài năng chơi guitar siêu hạng của anh vẫn không ai có thể từ chối. Và bằng chứng là Sharon Aarden, con gái của ông bầu Don Aarden lừng danh đã ký hợp đồng làm quản lý cho Gary Moore và ban nhạc solo của anh. Nhân tiện thì lúc này chị ấy cũng vừa ký với Ozzy Osbourne, gã vô dụng và nghiện riệu vừa bị đá ra khỏi Black Sabbath và thậm chí còn chả thiết làm gì tiếp.


Gary Moore thậm chí còn tới thử việc làm tay guitar chính cho Ozzy Osbourne, nhưng khi cả band đã jam xong xuôi rồi, Ozzy vẫn ngồi ngây ra và hỏi “giờ tao phải làm gì?”.


Lần này, Gary quyết tâm tập trung làm nhạc solo cho mình với mục tiêu giữ lại phần nặng trong Back On The Streets và dự án G-Force dang dở với Glenn Hughes. Đội hình chơi nhạc của Gary Moore có cả tay trống cự phách Tommy Aldridge, ca sĩ Kenny Driscoll; tay bass Andy Pyle; và tay keyboard Don Airey từ thời chơi cùng trong Colosseum II.


Nhưng đội hình này cũng chỉ kịp thu với nhau một album live Rockin' Every Night - Live in Japan (1983). Dường như có một thế lực siêu nhiên nào đó đã khiến cho Don Airey chạy sang thu album mới cùng band của Ozzy Osbourne, và không lâu sau đó tay trống Tommy Aldridge cũng được sắp xếp sang band của Ozzy nốt. Mọi sự đã rõ ràng khi Sharon Aarden muốn tập trung vào một quân bài chủ chốt để quảng bá, và người đó không phải Gary Moore. Ba album liên tiếp của anh trong giai đoạn này là Dirty Fingers (1983), Victims of the Future (1984), và Run for Cover (1985) đều không thành công về thương mại dù chơi nặng và được phát hành giữa thời thịnh của Heavy Metal, khi các ban nhạc danh tiếng đều thi nhau nằm top. Họa hoằn lắm thì có “Out In The Fields” là nổi nhất và lọt vào top 5, cũng lại là một ca khúc mà Gary viết cùng Phil Lynott.


Trong lúc đó, không gì có thể cứu vãn được tình trạng nghiện ngập tồi tệ của Phil. Đầu năm 1986, Phil Lynott mãi mãi ra đi sau khi cơ thể không thể chịu nổi thêm chất kích thích và riệu nữa. Ngặt một nỗi, Gary Moore đã không thể về dự đám tang vì không thể tìm được chuyến bay về Belfast ngày đầu năm mới.


Hồi 5. Solo tập 2 - tự xử và tự hưởng


Gary Moore bước vào phòng thu cho album tiếp theo của mình vào nửa sau của năm 1986 không có gì trong tay và người bạn thân thì đã ra đi mà không kịp nhìn lần cuối. Sự nghiệp âm nhạc của anh có lẽ đến đây chỉ dừng ở mức lèng tèng, trong khi tài năng chơi guitar của anh, dù được tất cả các đồng nghiệp kính nể, thì cũng không thể giúp bán được nhiều đĩa hơn. Bị quản lý Sharon Aarden (giờ chị đã là Sharon Osbourne) bỏ rơi, những nghệ sĩ tiếng tăm trước đây hăm hở thu nhạc cùng Gary Moore giờ cũng không còn mặn mà chơi với anh vì cái tính cầu toàn và cả việc ép họ phải chơi live như trong đĩa.


Nhưng đây có lẽ cũng là lúc Gary Moore tỏa sáng nhất với album tiếp theo Wild Frontier (1987). Không còn lăn tăn về việc phải tìm một ca sĩ xứng tầm, Gary nay đã tự tin với vai trò làm ca sĩ của mình và học được cách tiết chế phần guitar mỗi khi anh phải hát. Không còn mất công với các tay trống cá tính, Gary Moore nay đã có thể tự lập trình phần trống trên drum machine. Bob Daisley, lúc này đang rảnh rang giữa 2 album của Ozzy Osbourne, phụ trách phần bass. Album này như để xả hết những ấm ức trong lòng Gary Moore về những trắc trở trong sự nghiệp, và cũng là một sản một sản phẩm tâm huyết mà anh muốn dành tặng cho Phil Lynott.


Kết quả là một album hay và thống nhất từ đầu tới cuối, với track mở màn mang âm hưởng dân ca Celtic “Over The Hills and Far Away” dành cho Phil, những ca khúc rock nặng với phần guitar được tiết chế vừa phải như “Wild Frontier” hay “Take a Little Time”, và dĩ nhiên không thể không nhắc tới bản instrumental đầy cảm xúc mang tên “The Loner” (viết về Jeff Beck), vốn được làm lại từ một ý tưởng của tay trống Cozy Powell và keyboard Max Middleton khi họ cùng trong band của Beck.


Cảm xúc của album có lẽ lên tới cao trào với ca khúc khá riêng tư “Stranger In The Darkness”, ca khúc lên án việc sử dụng mai thúy – và dĩ nhiên ai cũng biết ai là cảm hứng cho ca khúc này.


Nhà sản xuất Peter Collins cũng giúp đỡ Gary Moore rất nhiều trong cách hát. Khi phát hiện ra những nốt hoặc quãng mà Collins thấy hợp lý trong cách hát của Gary, và cũng bởi Gary Moore không phải ca sĩ bẩm sinh, Collins sẽ khoanh vùng những quãng đó và đòi hỏi Gary Moore buộc phải viết nhạc ở những hợp âm và giọng nhất định để đảm bảo có những âm sắc lọt tai đó.


Và cuối cùng là “Johnny Boy”, một ca khúc ấn tượng khác cũng để tưởng nhớ tới Phil Lynott được chơi cùng với các nhạc cụ truyền thống của Ireland.


Thế là sau bao nhiêu năm loay hoay, cuối cùng Gary Moore cũng đã tìm được dấu ấn và phong cách cho riêng mình, mặc dù nhiều phần anh vẫn phải nương theo thị trường mà không được thể hiện hết mình khả năng chơi guitar – đam mê lớn nhất của anh.


Gary Moore thậm chí còn đi xa hơn với công thức này bằng việc ra album After The War (1989) như là phần hai của Wild Frontier vậy. Lần này thậm chí anh còn tự tin làm hẳn một track mang tên “Led Clones” để kháy những ban nhạc cố gắng bắt chước công thức của Robert Plant và Jimmy Page, với giọng hát bai bải của Ozzy trên nền riff nghe tựa tựa như “Kashmir”. Chỉ mỗi tội, After The War, với một đội hình đầy đủ hơn và trống “thật” chơi bởi Cozy Powell cự phách, đã lại trở nên hục hặc ngay sau đó vì Cozy không thể nhịn khi Gary suốt ngày chỉ cho Cozy Powell phải chơi như thế nào. Mới lên chút lại xuống ngay!


Sau tất cả những thăng trầm ở trên, bỗng một ngày cuối năm 1989, Bob Daisley, tay bass và cũng là người bạn trung thành của Gary, đã gợi ý cho Gary chơi một album nhạc Blues và kệ mịa tất cả. Và những gì sau đó đã đi vào lịch sử âm nhạc: tay guitar lớn lên với thứ nhạc Blues “da trắng” tinh túy nhất nay quay trở lại chơi Blues và lẳng lặng chinh phục toàn bộ cả thế giới này, khi mọi người hãy còn đang loay hoay với sự suy tàn của Glam Metal và chưa biết làm gì với sự trỗi dậy của Grunge ở đầu thập niên 90s.


Album theo cách mà Gary Moore không ngờ tới nhất và tưởng như đi ngược lại thị hiếu, Still Got The Blues, hóa ra cuối cùng lại ăn khách nhất.


Hẹn gặp lại!


R.I.P Phil Lynott 04 tháng 01 năm 1986.

R.I.P Gary Moore 06 tháng 02 năm 2011.


Kcid

903 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page