top of page

Jessie Ware: bao nhiêu câu nhạc giai điệu là đủ?

Jessie Ware đã suýt từ bỏ sự nghiệp âm nhạc của mình sau album Glasshouse. Cô không ngờ bước chuyển hướng để tìm tới thứ nhạc trữ tình, dễ nghe và chân thành của một người mẹ và một người vợ lại sai lầm đến thế. Người ta bảo cô không tìm được “chất giọng” của mình và đang muốn trở thành một Adele thứ hai khi gạt bỏ kiểu nhạc Pop pha Soul và âm thanh điện tử trong hai album đầu tiên, thứ nhạc đã mang lại thành công cho Ware.


Nói thế thật không công bằng cho cô khi album Glasshouse thực sự là một sản phẩm âm nhạc chất lượng nhờ chất giọng ngọt và soulful của Jessie Ware mà tôi đã từng viết một bài riêng về đĩa nhạc này. Cái dở duy nhất chỉ là khi Ware quay lại với âm thanh trước đây, cùng nhịp điệu Disco Pop lai Soul đầy tinh tế bằng album What’s Your Pleasure? và gần nhất là That! Feels Good! thì mới thấy tài năng của cô được thoả sức thể hiện hết được qua những bài nhạc mang nhiều giai điệu quyến rũ mê hoặc.



Điều khá thú vị khi nhìn lại sự nghiệp của Jessie Ware qua 5 album là, với Glasshouse (2017) đứng giữa, bộ đôi Devotion (2013) và Tough Love (2014) đối trọng với What’s Your Pleasure? (2020) và That! Feels Good! (2023) như hai nửa vừa tương đồng mà cũng lại mang sự khác biệt về chủ đề.


Sự tương đồng ở đây là chúng đều mang âm sắc soulful cùng thứ nhạc điện tử như nói ở trên, cùng những giai điệu gợi tình. Nhưng cái khác là ở hai album đầu có một sự bí ẩn bởi màu sắc nhạc giản lược, khác xa sự đầy đặn và ngày một phóng khoáng hơn ở hai album gần nhất. Tôi nghĩ đó là lý do mà không chỉ những cái tên được đặt cho các album thể hiện điều đó, mà còn tông màu đen trắng của Devotion và Tough Love, tương phản với màu sắc rõ nét dù vẫn theo tông trầm của What’s Your Pleasure? và That! Feels Good!.


Nhưng điều gây tò mò nhất cho tôi phải là lối sáng tác nhạc có thứ giai điệu cực cuốn nhưng lại có độ tinh tế của Jessie Ware và những người cộng tác cùng cô, dù họ làm điều đó trên những nền nhạc của chuỗi hợp âm lặp, mà có lúc số lượng hợp âm chỉ vỏn vẹn 2 hoặc 3.


Giản lược


Trong hai album đầu, khi phần nhạc được sản xuất chỉ với trống và một số tiếng nhạc cụ vừa đủ, thực sự khó để sáng tác câu nhạc có giai điệu khi chính số lượng hợp âm cũng thưa thớt như vậy.



Bài “Wildest Moments” trong đĩa Devotion hay là vậy nhưng mỗi đoạn nhạc chỉ đảo quanh 2 hợp âm D và G trong phần verse và điệp khúc. Cách Jessie Ware sáng tác câu hát ngay từ đầu đã hướng sự chú ý đôi tai tới nốt bậc 3 của hợp âm D là nốt F#, do nó cách G, nốt gốc của hợp âm G, chỉ nửa cung nên giai điệu luôn có độ hút. Nốt F# này cũng được nhấn liên tục trong câu điệp khúc. Câu nhạc tình tứ còn ở cách cô đưa đoạn pre-chorus ở giữa làm mềm hơn do xuất hiện thêm hợp âm A trong khoảnh khắc để thay thế vị trí hợp âm D nhằm tạo sự khác biệt, nhưng rồi nốt F# cũng lại xuất hiện để kéo đôi tai người nghe đến hợp âm G sau đó. Và như vậy Ware chỉ việc thay đổi số lượng và nhịp điệu các nốt nhạc, khi thì thưa thớt hơn và tiết tấu chậm lại, nhưng khi thì nhiều và dồn dập hơn, tạo sự biến đổi trong một bài hát vốn dĩ đã được giản lược và tinh gọn.



Trong một bài như “Running”, chỉ với tiếng trống đập đều theo nhịp điệu 4-on-the-floor của Disco ở phần verse rồi đổi nhịp trong các đoạn sau, làm nền cho một vài tiếng synth, Ware viết ra 3 khúc nhạc giai điệu khác nhau trong câu verse, pre-chorus và chorus trên 1 vòng lặp 3 hợp âm. Có điều là bài hát thực tế về tổng thể có tới 5 câu giai điệu trên 1 vòng lặp, trong đó 2 câu được thêm là câu riff trên đàn synth “hát” song song cùng Ware khúc đầu, và câu đàn guitar điện luyến láy các nốt cao sau mỗi câu điệp khúc. Chính vì câu đàn guitar đó là điểm sáng trong bài nên phần giai điệu được Ware chủ đích thể hiện vừa phải để tôn được câu đàn nghe rất bắt tai kia lên.


Đấy là một số bài còn có giai điệu rõ ràng. Nhìn chung, đĩa Devotion vẫn có nhiều bản có phần nhạc khó nghe hơn nhưng được bù đắp bằng cách phối khí tinh tế như trong bài “Still Love Me”, hoặc không có thay đổi về giai điệu mấy như “No To Love”, nhưng vẫn hấp dẫn nhờ giọng hát cao có chất riêng của Jessie Ware.

Đĩa Tough Love cũng vậy, nó tồn tại hai nửa, trong đó một nửa ít màu sắc hơn và một nửa có giai điệu rõ ràng hơn. Rồi cũng nhờ âm sắc kỳ ảo của phần nhạc được những producer đại tài hợp tác cùng cô, như Kid Harpoon (người làm nhạc chuyên cho Harry Styles) hay James Ford (người từng làm cho Arctic Monkeys, Kylie MinogueFlorence & The Machine); và nhờ lối hát ngọt nhẹ có độ đằm thắm của Jessie Ware nên kể cả những bài ít giai điệu thì cũng có sức hút riêng của nó.


Những bản dễ nghe hơn trong Tough Love như “Sweetest Song” mang sự lắng đọng trưởng thành, chỉ với 2 phần giai điệu chính (phần verse với 3 hợp âm và phần chorus mở rộng thêm một hợp âm) ca khúc vẫn có sự “ngọt ngào”, lôi cuốn bởi lối viết giai điệu của Jessie Ware và cộng sự. Giống như lời hát “The melody repeats / Now I am lost”, cả bài hát là sự chơi vơi không được giải toả khi không kết ở tông chính. Hoặc như bài “Want Your Feeling” có 4 câu hát giai điệu (verse, pre-chorus, chorus, bridge) trên vòng lặp của 4 hợp âm, nhưng cũng lại có sự đối ẩm của câu giai điệu thứ 5 rất hay xuất hiện ngay từ đầu tạo bởi nhạc cụ. Chính bởi cách làm nhạc trên vòng lặp hợp âm như vậy, nếu vượt qua được cản trở của hạn chế đó bằng nhiều giai điệu bắt tai thì ở cuối rất dễ để lồng các câu giai điệu đó đan chéo cùng nhau vô cùng hay, như cách bài “Want Your Feeling” được mix.



Trong album Tough Love này, phức tạp nhất có lẽ là track cuối cùng, “Midnight Caller” khi số hợp âm nhiều hơn và cũng không chạy theo tuần tự một vòng lặp, vì đó dễ dàng nghe thấy bài nhạc này sẽ mang nhiều màu sắc nhất cả đĩa, và vì thế nó sẽ dễ liên tưởng tới thứ âm nhạc đa sắc “gợi tình” hơn của cô ở giai đoạn sau này.


Đa sắc


Bài “Spotlight” trong album What’s Your Pleasure? là một sáng tác phức tạp và đỉnh cao. Bàn tay tài tình của James Ford trong ca khúc này là âm hưởng nhạc điện tử từ thời kỳ đầu của Jessie Ware nhưng nay có phần hợp âm biến đổi đa dạng hơn hẳn, đúng như bìa đĩa chuyển sắc của Jessie Ware từ thời kỳ này. Bài hát mở đầu bằng giai điệu ngọt mơ màng, lên xuống đầy soulful qua chuỗi hợp âm đa dạng tới mức có cả những hợp âm mượn và mở rộng trước khi vào nhạc bằng câu synth bass chỉ chơi độc một hợp âm Bm nhưng nghe cũng gợi tình như câu hát lơ lửng ở tầm trung của Ware. Để rồi giải toả bằng phần chorus đa dạng hơn hẳn. Những câu hát ngân nga, tiếng đàn synth, phần hát bè cao được chêm vào về sau chỉ càng tăng sự quyến rũ cho ca khúc. Cái giỏi của phần viết giai điệu của Jessie Ware vẫn là cách cô chọn những nốt nằm ngoài bộ 3 nốt chính của hợp âm trong một khuông nhạc để nó luôn tạo độ hút cho đôi tai, giống như nốt E ngân dài trong hai khuông nhạc mà hợp âm của nó là G và F#.



Nhưng nếu không có phong cách sáng tác nhiều giai điệu trên một vòng lặp hợp âm thì không phải là nhạc của Jessie Ware. Bài hát cùng tên album, “What’s Your Pleasure” liền sau chỉ có 2 hợp âm Am và Em nhưng có 4 câu giai điệu, trong đoạn verse, pre-chorus, chorus và câu “ooh ooh ooh…” của đoạn post-chorus, chưa kể tới câu giai điệu thứ 5 là câu riff của đàn synth chơi các nốt giảm dần theo độ cao nghe cuốn vô cùng. Hay hơn câu riff đó là giai điệu của đoạn verse, khi một lần nữa, Ware nhấn vào F#, nốt nhạc không nằm trong 3 nốt chính của hai hợp âm Am và Em, nên nó luôn có một sức kéo vô hình về giai điệu. Nhưng hay hơn cả chính ở đoạn pre-chorus mà Ware dùng hai nốt nhạc liền nhau, nốt B (của hợp âm Em) để kéo lên nốt C (của hợp âm Am), cách nhau chỉ 1/2 cung nên quãng nhạc đó nghe rất tình, trước khi cuốn giai điệu xuống dải trầm hơn, dừng ở nốt E, bởi nốt nhạc này là nốt nhạc chung duy nhất của cả hai hợp âm, nên nó đóng vai trò giải toả độ căng ở cuối mỗi khuông nhạc trong phần pre-chorus.


Cách làm nhạc tương tự được thấy trong các bài như “Ooh La La” hoặc “Soul Control”. Thế nhưng thứ làm Jessie Ware khác xa những nghệ sĩ nhạc Pop mang âm hưởng Disco khác là sự biến tấu khi thỉnh thoảng xuất hiện hợp âm lạ tai. Như trong bài “In Your Eyes, đoạn pre-chorus được làm phức tạp hơn bằng các hợp âm mượn nối giữa hai phần giai điệu của verse và chorus chạy trên nền nhạc chỉ dùng đúng 2 hợp âm. Chả mấy khi nhạc Pop lại có cả hợp âm A và Ab, rồi sau đó G và Gb đứng cạnh nhau; tạo nên một thứ màu sắc huyền ảo đúng như chính câu bass cực hay mà James Ford sản xuất ở bài này. Điều tương tự có thể nói cho bài “The Kill” đượm buồn, dù tiếng trống Disco cũng không che được sắc tối của những hợp âm mở rộng như maj7 và 7sus2 xen kẽ.


Vậy nên người nghe không bất ngờ trước sự thay đổi của Jessie Ware khi được thưởng thức album That! Feels Good! sau đó của cô. Nhưng thứ người ta không ngờ được là trình sản xuất nhạc và viết nhạc được đưa lên tầm cao mới, tự do và phóng khoáng hơn, nhờ có thêm sự giúp sức của producer Stuart Price, người đã làm nên bao phép màu cho những Madonna hay Dua Lipa nhờ những phần chorus được sáng tác vô cùng cao trào.


Âm thanh funky trong đĩa nhạc này tạo cảm hứng cho Jessie Ware ngay ở track đầu tiên cùng tên album, “That! Feels Good!”, thể nghiệm kiểu hát bè rì rầm cực cuốn trên một hai nốt nhạc lấy cảm hứng từ cách Janet Jackson hát trong bài “Rhythm Nation” nổi tiếng của cô.



Rồi cũng nhờ cách làm nhạc album này phóng khoáng hơn mà lối hát của Ware được cởi mở và với lên những nốt cao chúng ta ít từng được nghe. Với ca khúc “Free Yourself” trên nền 3 hợp âm chủ đạo, đã có sẵn 1 câu giai điệu cực hay từ phần piano riff, Ware và cộng sự vẫn viết ra đoạn nhạc trong câu điệp khúc bay cao chưa từng thấy trong nhạc của cô. Nó khiến cho đoạn verse hát ở tông trầm được tương phản và làm ấm lại đôi tai trước khi giai điệu lại bùng nổ ở đoạn chorus. Sự tinh tế trong nhạc của Ware còn là cách cô đổi giai điệu của verse 2 đơn giản hơn so với verse 1, để hướng sự đón chờ của đoạn pre-chorus lần 2 phức tạp hơn lần 1 ở phần hợp âm.


Đây cũng là album đầu tiên theo hướng nhạc điện tử Disco của Ware mà đoạn chorus là điểm nhấn của bài hát, khác với cách Ware hay viết những giai điệu ngọt tình nhưng ở dải trầm làm chủ đạo trong phần verse hoặc pre-chorus ở những album trước.


Chính thế nên trong ca khúc “Pearls” vốn dĩ đã có quá nhiều câu giai điệu hay, từ đoạn “la la la…” mở đầu cho tới câu verse và pre-chorus, thì chorus vẫn sáng chói ở những nốt lảnh lót của Jessie Ware, kiểu hát tự tin chưa từng thấy của cô. Và dù cũng chỉ có vài hợp âm lặp đi lặp lại, nhưng chúng lại là những hợp âm 7, 7sus4 nên phần nhạc đâm ra cũng phức tạp không kém qua phần production cực chất, khó tưởng tượng có thể làm hay và bay cao hơn được.



Qua khâu production tay nghề bậc thầy của James Ford và Stuart Price, người yêu nhạc mới có những bản nhạc Soul đẹp màu sắc Motown tôn cho câu hát chậm rãi dịu dàng nhẹ như hơi thở trong “Hello Love”, âm thanh ảnh hưởng của nhạc French House làm nền cho giai điệu ở dải cao có phần đỏng đảnh trong kiểu hát của Ware trong “Freak Me Now”, nhạc Funk và R&B với câu hát giai điệu đưa đẩy mê mệt ngay sau đoạn lời đọc rap chịu ảnh hưởng của đàn chị Madonna trong “Shake My Bottle”. Và một lần nữa là Jessie Ware sáng tác ra những câu giai điệu khác hẳn nhau về phong cách nhạc như vậy trên nhiều bài dù chúng chạy trên một vòng hợp âm cố định.


Bởi vậy, khi nghe album That! Feels Good! này của cô mới thấy tất cả những tài năng tiềm ẩn, từ cách cảm nhạc tinh tế hơn thứ nhạc Disco Pop thông thường, cho đến giọng hát rất hay mang nhiều nét riêng và giai điệu luôn có độ hút lạ thường, nay được thoả sức phô bày đầy tự tin trên phần nhạc được sản xuất ở một tầm khác xa nhiều nhạc phẩm phổ cập khác trên bảng xếp hạng. Có cảm giác như ở đĩa nhạc này, nó là hội tụ của Jessie Ware không chỉ của thời kỳ đầu còn nhiều rụt rè trong Devotion và Tough Love, mà còn cả sự chân thực và ngọt ngào trưởng thành trong Glasshouse. Dường như sau mỗi bài hát ở That! Feels Good!, khi thu âm xong Ware hẳn phải thốt lên một câu: “That feels good!” vậy.


Chính thế nên tôi nghĩ album này mới là sự khởi đầu mới cho sự nghiệp của Jessie Ware, đúng như tinh thần của ca khúc hay nhất album, “Begin Again”, dài 5 phút rưỡi mà không một giây nhàm chán bởi loạt các câu giai điệu nhạc hay tê người đan xen với nhau. Bài hát này có nhiều hợp âm nhưng được lặp gần như y nguyên theo cùng trình tự trong phần verse, pre-chorus và chorus, nhưng câu giai điệu nào cũng hay theo một nét riêng.


Đó là phần verse với các quãng nhạc cực tình khi cô hát: “There's a new moon on the rise…” và hơi lạc lên giọng giả thanh khi hát “turn the tide” đầy đê mê. Đó là phần pre-chorus có giai điệu kéo các nốt xuống thấp theo trình tự song song với câu đàn piano đằng sau khi Ware hát: “Why do my realities take over all my dreams?”. Đó là phần chorus nửa đầu cực tươi sáng dù vẫn là những chuỗi hợp âm đó khi cô hát: “I work all night (I work all night)”, nhưng rồi lại vút cao hơn nữa ở nửa sau với câu: “Is this my life?”. Đó là đoạn chuyển giai điệu bỗng dưng như ngưng đọng lại ở verse thứ 2, khác với giai điệu trước đó khi cô hát: “Have you been looking”. Đó là đoạn bridge với các phần bè trong câu hát: “Can we begin again”. Đó là rất nhiều lớp vocal với các câu giai điệu được lồng lên nhau trong phần điệp khúc cuối, để rồi đoạn instrumental break sau đó với dàn nhạc kèn hơi cất lên còn chơi một giai điệu phức tạp hơn, cao trào đỉnh điểm và hay đến mức chúng như truyền một dòng điện chạy dọc sống lưng vậy.


Tất cả những câu nhạc giai điệu khác nhau này đều lướt trên cùng một vòng hợp âm không đổi từ đầu tới cuối. Và giống như đoạn lời cuối cùng của phần điệp khúc, dù chúng ở thể câu hỏi nhưng lại chính là những lời khẳng định cực kỳ tự tin của Jessie Ware về một sự nghiệp âm nhạc đáng nể của cô.


Can I start again? (Can we begin again?)

Can we start again? (Can we begin again?)



Hẹn gặp lại!


Kroon

304 views

Recent Posts

See All
bottom of page