top of page

Các phong cách làm nhạc của Harry Styles

Vào năm 2017, giới yêu nhạc tập trung vào buổi Q&A với nghệ sĩ Father John Misty khi anh quay trở lại với mạng xã hội, cụ thể là Twitter, sau một thời gian lặn mất tăm khỏi báo đài và công chúng. Các fan hỏi nhiều lắm, nhưng trong đó có một câu hỏi tưởng chừng không liên quan, là thành viên ưa thích của Misty trong nhóm boyband One Direction là ai; tất cả mọi người đã nhận được câu trả lời vô cùng bất ngờ từ Misty: “Album mới của Harry nghe HAY VÃI ***”.


Và thế là sau đó các con mắt bắt đầu đổ dồn để đón chờ album solo đầu tay của Harry Styles. Mọi người đều đã biết Zayn Malik, một thành viên khác của One Direction, ra nhạc phẩm solo với phong cách Alternative R&B trước đó ra sao. Liệu Styles có đi cùng theo hướng đó không, hay anh sẽ quay về phong cách nhạc boyband của 1D? Lời nhận xét của Father John Misty dường như gợi ý tới một hướng đi khác, nhưng rồi người nghe vẫn phải bất ngờ một lần nữa khi lần đầu được nghe single đầu tiên “Sign Of The Times”.

***

“Sign Of The Times” à? Hẳn là “Sign O’ The Times” của Prince cơ đấy! Khoan, đây không phải là một bản cover! … Hmm nghe hay đấy! Rất hay là đằng khác!!! Và thế là cho đến giờ “Sign Of The Times” đã trở thành ca khúc mà tôi ưa thích nhất của Harry Styles.


Nói thế nghe cho ghê gớm thôi, chứ tôi cũng nghe nhạc của Styles cũng chỉ được vài tháng quay trở lại đây. Đó là vào tháng 8 năm 2022 khi EmoodziK post bài về việc tạp chí Rolling Stone đưa hình của anh lên bìa tạp chí và gọi anh là “The New King Of Pop” gây bức xúc với các fan của Michael Jackson, và có vẻ như là một lời tuyên bố có phần vội vã giống như khi chính tạp chí này từng gọi Justin Timberlake là “New King Of Pop” vào năm 2003. Ở post này, đã có rất nhiều bạn vào ca ngợi Harry Styles. Người bảo nhạc anh làm xứng đáng danh hiệu này, người bảo nhạc anh làm vượt xa Timberlake. Chính thế tôi đã phải tò mò tìm nghe các album của Styles.

Tôi lần đầu nghe đến cái tên Harry Styles khi mọi người xôn xao về việc anh sẽ đóng trong bộ phim Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan. Hóa ra đó là một thành viên của boyband One Direction. Về phần nhạc, tôi thậm chí còn nghe Zayn Malik trước cả khi nghe nhạc của Styles vì mỗi lần tôi bật MV của Shawn Mendes và Dua Lipa trên Youtube để cho con ăn thì sau đó Youtube lại gợi ý cái tên Malik cùng những bản single phô diễn chất giọng cao vút và âm vực rộng của anh này. Chỉ vậy thôi, còn lại tôi mù tịt về nhạc của One Direction lẫn Harry Styles.

Thế rồi trong mấy tháng ngồi nghe ba album solo của Styles, tôi rút ra kết luận: Nhạc của Styles hay và có phong cách thực sự! Những gì anh làm được khi tách ra solo về mặt chất lượng nhạc lẫn thành công thương mại, đặc biệt với single quá đỗi thành công của 2022 là “As It Was” quả thật đáng nể.


Thành tích đó gợi tôi nhớ tới chính Justin TimberlakeRobbie Williams, những người cũng đều từng là thành viên của một nhóm boyband nổi tiếng và đều vượt ra khỏi cái bóng vô cùng lớn tạo bởi một bộ sậu hùng hậu để tìm đến những đỉnh cao mới không tưởng sau khi tách ra solo. Điểm chung của cả ba người này là âm nhạc họ hướng tới đều chệch xa khỏi phong cách nhạc thời họ còn cầm mic hát trong boyband. Điều hiển nhiên là nếu mỗi người trong số họ quay về với kiểu nhạc của Take That, ‘N Sync hay One Direction thì họ sẽ dễ dàng lôi kéo được lượng fan lớn sẵn có. Nhưng họ đủ khôn ngoan để biết đấy chỉ là phương án ngắn hạn. Để vượt qua cái mác thành viên một thời của nhóm boyband, cách tốt nhất là tìm phong cách cho riêng mình, rất rủi ro, nhưng nếu thành công thì đó mới trở thành sự nghiệp âm nhạc riêng của một Robbie Williams, một Justin Timberlake và một Harry Styles.

Phong cách làm nhạc của Styles đầu tiên phải kể tới là cách làm “mới” các dòng nhạc “cũ”.

Robbie Williams đã làm mới mình bằng phong cách nhạc Pop Rock, Electronic và cả Swing. Justin Timberlake thì theo đuổi R&B cùng Dance Pop với những âm thanh tươi mới. Thế Styles thì sao?

Bài “Sign Of The Times” của Harry Styles được bắt đầu bằng tiếng đàn piano đều đều chậm rãi, tựa như bài “Angels”, ca khúc mang lại thành công cho Robbie Williams. Giọng hát tuyệt hay của Styles cất lên. Đây là bài mà đa phần chỉ dùng đúng ba hợp âm, nhưng anh biết cách làm nó thú vị hơn nhiều nhờ kiểu hát luyến nốt nhạc ở mỗi đầu khuông nhạc của phần verse. Những nốt nhạc luyến xuống dưới mà khi đọc bản nhạc sẽ thấy Styles đưa chúng về nốt nhạc gốc của hợp âm trong khuông nhạc đó, mang tới cảm giác hẫng ban đầu rồi chạm về điểm cân bằng, đẹp vô cùng. Đến điệp khúc, cách hát giả thanh falsetto của Styles lại nâng cảm xúc người nghe lên tầm cao mới một cách nhẹ bẫng. Thế rồi đoạn vào nhạc của cả trống lẫn tiếng guitar điện réo rắt cùng giàn nhạc ngân vang ở 1 phút 18 giây khiến ca khúc sáng bừng lên. Lúc đó thì tôi hiểu vì sao một bài dài tới gần 6 phút, một thời lượng quá nhiều so với “tiêu chuẩn hit” lại mang tới thành công cho Styles. Bởi nó chẳng giống gì với một thành viên nổi tiếng từ một “lò luyện” boyband và quan trọng hơn cả, nó chạm tới cảm xúc cho những ai yêu âm nhạc.


Không chỉ bài “Sign”, album đầu tay Harry Styles (2017) đó còn có những track hấp dẫn như “Meet Me In The Hallway” có câu bass ảo diệu và câu đàn guitar thùng chơi nhấn nhá đầy kỹ thuật, giai điệu bluesy của “Carolina”, ballad mộc mạc nhưng ngọt ngào như “Sweet Creature”, mạnh mẽ phong cách rock cùng tiếng cowbell của “Only Angel”, v.v. Rồi kể từ đĩa đó, Fine Line (2019) và Harry’s House (2022) cũng chứa đựng nhiều nét nhạc đẹp và duyên dáng để tôi nhận ra rằng Harry Styles không hề đơn giản như cái mác One Direction.


Có người nói, khi nghe nhạc của Styles, anh vay mượn các chất liệu nhạc từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả trong cùng một bài. Ví dụ như bài “Sign Of The Times”, ta cảm nhận được David Bowie, Queen và chính Prince ở trong đó, bởi như chính album đầu tiên và Fine Line, âm hưởng Rock thập niên 70 luôn phảng phất trong đó với xen lẫn màu sắc Psychedlic, thứ mê hoặc đôi tai người nghe. Thế rồi với Harry’s House, thể loại Pop và R&B có chút funky của thập niên 80 được làm chủ đạo qua tiếng đàn synth. Ví dụ trong single nổi đình đám “As It Was”, câu đàn synth chơi nhanh và tiếng sáng như nhạc của A-ha.

Nói thế không có nghĩa Styles chỉ đi góp nhặt chất liệu nhạc của người khác. Giống như Elvis Costello từng nói: “Nhạc Rock & Roll là vậy. Bạn nhặt các mẩu từ các tác phẩm lôi cuốn để ghép thành một món đồ chơi mới cho riêng mình”. Và đó là cách Styles làm. Khi nghe nhạc của anh, ta có thể cảm nhận đâu đó sự thân quen, hồi tưởng về quá khứ, mà lại vẫn hấp dẫn qua giọng hát hay mê hồn của Styles. Và hơn cả, sao có thể chê được nhạc của Styles khi những nét nhạc đẹp đều được lấy cảm hứng từ những thời kỳ đỉnh cao của âm nhạc.

Phong cách làm nhạc thứ hai của Styles là chọn đối tác hợp cạ trong sáng tác và sản xuất.

Với Justin Timberlake, anh đã khôn ngoan khi tìm tới Pharrell WilliamsTimbaland. Còn Robbie Williams thì có được Guy Chambers để làm nhạc cùng, người khiến cho Williams đã có lần bước phải những bước hụt trong âm nhạc khi vắng bóng anh. Thế nên tôi rất tò mò khi nghe nhạc Harry Styles là liệu anh có đối tác viết nhạc ăn ý cùng không.

Tyler Johnson & Tom Hull

Hóa ra đúng là Styles có cạ là bộ đôi Tom Hull (người còn được biết với nghệ danh Kid Harpoon) và Tyler Johnson. Ở thời kỳ khi những bài hit trên bảng xếp hạng được viết bởi cả tá tác giả, việc Styles chỉ hợp tác cùng số lượng có hạn các nhạc sĩ sáng tác giúp âm nhạc của anh được đồng nhất, ổn định về mặt chất lượng, chưa kể tới phong cách riêng của Styles được đảm bảo nhờ sự ăn ý giữa Hull và Johnson với Styles. Ở album đầu, số người tham gia phối hợp còn kha khá, trong đó có Hull và Johnson. Nhưng rồi từ album thứ hai đến album Harry’s House gần đây nhất, đa phần chỉ có cái tên của hai anh kia đứng cùng với Harry Styles.

Cả ba người họ chia sẻ một điểm chung khi viết nhạc. Không phải là làm sao viết nên một bản hit, mà là làm sao sáng tác được thứ nhạc mà chính họ muốn nghe. Điều đó giúp sự hứng khởi và cảm hứng sáng tác luôn dồi dào giữa bộ ba này.

Trong phòng thu âm, Harry Styles, Tom Hull và Tyler Johnson làm việc giống như một ban nhạc gồm ba thành viên. Hull có một đống nhạc cụ chỗ anh ngồi, bao gồm guitar và bộ trống, Johnson thì có đàn keyboard và chiếc laptop bên cạnh, còn Styles có chiếc đàn piano hoặc keyboard kèm theo giấy bút để viết lời. Bất kỳ ý tưởng nhạc nào của một người sẽ được hai kẻ kia đưa ý ra ý kiến để hoặc là phát triển tiếp thành nhạc mang nét của Styles, hoặc tìm cách chỉnh sửa, hoặc vứt bỏ ngay lập tức. Với các nghệ sĩ nhạc Pop với đội ngũ đông đảo tham gia, nếu một ý nhạc cần được chỉnh sửa thêm thắt thì đứa con tinh thần đó sẽ bị “cướp” khỏi tay kẻ đưa ra ý tưởng ban đầu để gửi gắm sang những người khác. Nhưng với bộ ba này, mọi thứ được giữ riêng giữa họ, hoặc thi thoảng có thêm sự giúp sức của một nhân tố thứ tư. Nhờ đó, các nhạc phẩm cuối cùng trong một album của Harry Styles luôn đồng nhất và hợp thành một thể hoàn chỉnh, kể cả sự sáng tạo đó đến từ những ý tưởng kỳ lạ nhất. Ví dụ như ca khúc “Watermelon Sugar” trong album Fine Line được sáng tác bởi bộ ba này cùng với Mitch Rowland. Những nốt nhạc giai điệu ở phần điệp khúc trong bài nghe như thể được ghép lại một cách ngẫu hứng, bởi chúng có vẻ như chệch hướng khỏi phần nhạc đệm, thế mà về tổng thể, nó lại mang nét funky đầy thú vị, và phù hợp với chính album Fine Line đó.


Nói vậy không có nghĩa là vai trò của Styles trong viết nhạc phụ thuộc hết vào tài năng của những người còn lại. Styles có thể chơi một đoạn nhạc mang nét jazzy đầy thú vị trên đàn piano, sau đó Hull và Johnson sẽ từ đó hỗ trợ phát triển tiếp làm sao bài hát mang phong cách Styles nhất, và quan trọng là bài hát đó phải đủ thuyết phục với cả ba người họ, thay vì toan tính khả năng nó sẽ trở thành một bản hit. Ví dụ với bài “Sign Of The Times” trong đĩa nhạc đầu tiên, ý nhạc đến từ những hợp âm mà Styles chơi trên cây đàn piano khi anh đang ở Jamaica. Hoặc với “As It Was” trong album Harry’s House, khi Styles chơi các hợp âm trên đàn keyboard và hát một đoạn giai điệu, Johnson thấy bắt tai và ngay sau đó xắn tay áo vào để viết ra chuỗi hợp âm nhiều màu sắc hơn, trong khi Styles quay ra hoàn thiện đoạn verse, còn Hull viết thêm đoạn post-chorus; trước khi cả ba cùng hoàn thành bài hát với phần bridge mấy ngày sau đó. Cũng trong bài “As It Was”, phần cuối bài có âm thanh của đàn chuông ống (tubular bells) vang lên sáng bừng chính là ý tưởng của Harry Styles, không chỉ dừng ở nhạc cụ, mà còn ở chính giai điệu mà anh sáng tác để chơi đối ẩm với câu nhạc chính.


Nhờ sự ăn ý trong sáng tác của bộ ba này, có nhiều bài của Harry Styles không có những đoạn nhạc cao trào, và có lúc không quá phức tạp về chuỗi hợp âm, thế mà lại đọng và ngấm rất sâu với người nghe.

Bởi vì phong cách làm nhạc dựa trên nhạc cụ sống chính là yếu tố thứ ba khiến âm nhạc của Styles vô cùng có hồn.

Ta có thể nghe được đủ các nhạc cụ từ guitar, piano, đến bass và trống trong các bản thu âm lẫn show diễn của Robbie Williams. Kể cả kiểu nhạc nghe chừng làm từ các âm thanh điện tử, nhưng trên sân khấu, một đội ngũ nhạc công hùng hậu và tài năng chơi cho Justin Timberlake lại thổi cái hồn vào những bản version live mới mẻ, không chỉ từ tiếng nhạc cụ thật, mà còn qua các phần độc tấu hoặc biến đổi ngẫu hứng của các nhạc công. Nhạc của Harry Styles cũng vậy!

Âm nhạc của Styles không đến từ một tá kẻ tham gia viết nhạc hoặc lập trình trên đàn điện tử, mà nhờ yếu tố cảm hứng đến từ chính việc jam nhạc như một ban nhạc thực thụ của anh cùng với Tom Hull, Tyler Johnson và một số nhạc công khác. Lúc sáng tác nhạc, Hull và Johnson có thể dùng tạm các đoạn nhạc được program sẵn, những chỉ khi có người chơi đàn guitar, người ngồi bên giàn trống, người lướt tay trên các phím đàn piano hoặc synthesizer, thì khi ấy không gian âm nhạc ba chiều bao trùm căn phòng mới khiến Styles thực sự hứng khởi.


Ý đồ làm nhạc của Tom Hull dành cho Harry Styles là mong giống như khi người ta nghe những bản nhạc Pop như "Thriller" của Michael Jackson, ngoài giai điệu và giọng hát của Vua nhạc Pop, người nghe có thể phải ồ lên trước tiếng trống của Jeff Porcaro. Do đó đúng là khi nghe nhạc của Styles, tôi cũng khám phá ra những đoạn nhạc chơi đầy ấn tượng, ví dụ như trong đĩa Fine Line có phần solo guitar điện có âm sắc lạ tai ở bài “She”, hoặc phải nhủ thầm bass trong bài “Sunflower, Vol. 6” nghe hay nhỉ, rồi như ở đĩa Harry’s House, tiếng guitar thùng chơi những tiếng harmonic trong bài “Matilda”, hoặc guitar điện chơi rhythm có tiếng clean rất funky trong “Cinema” đều để lại ấn tượng sâu sắc.


Có thể thấy mấy năm trở lại đây, nhạc cụ sống, đặc biệt cây đàn guitar dần xuất hiện nhiều hơn trong các bài trên bảng xếp hạng, nhờ vào những ca khúc như của Steve Lacy, Olivia Rodrigo. Nhưng với Styles, anh đã đưa cả guitar thùng lẫn guitar điện vào âm nhạc của mình từ đĩa nhạc đầu tay, bất chấp đại diện của hãng đĩa từng ngăn cản bởi nhạc có tiếng guitar rất khó hút khách, trong khi xu thế dùng đàn điện tử mới hợp thời.

Chuyện đó giải thích tại sao ngay từ đĩa nhạc đầu tiên, kể cả với những track ballad chơi bởi đàn guitar thùng mộc mạc thì nhạc của Styles vẫn có hồn và chiều sâu hơn nhiều những bản hit rập khuôn và vô cảm. Vì thế Styles có thể dễ dàng chuyển tải được nó khi anh có thể ôm cây đàn thùng để vừa đánh vừa hát trên các sân khấu cùng một ban nhạc của riêng mình, những người hiểu và chơi ăn ý với nhau và với chính ca sĩ – người cầm trịch của cả show diễn.


Và thế là Harry Styles cứ tự tin thoải mái thả trôi mình theo âm nhạc mà anh đã cùng những đối tác, những người bạn sáng tác mà không chịu bất kỳ sức ép về thương mại nào cả. Sự bột phát, sự tự do trong sáng tạo luôn được khích lệ, vì chừng nào Styles cùng mọi người cảm nhận được sự hứng thú khi nghe lại những bài nhạc đó, thì là lúc họ biết họ đã đi đúng hướng, ít nhất là về mặt chất lượng. Còn thành công về thương mại sẽ tự khắc đến sau.

Hẹn gặp lại!

Kroon

1,726 views

Recent Posts

See All

Kommentare


bottom of page