top of page

Hoài niệm tương lai của Dua Lipa

Cách đây không lâu, tôi mới viết bài về Billie Eilish cái là cô bé được ngay giải Grammy Album của Năm, Ghi Âm của Năm và Bài Hát của Năm. Để xem lần này tôi sẽ thử viết về Dua Lipa xem em có được vận may như vậy năm 2020 không. Nói chứ, tôi khá tự tin em chắc cũng ít nhất được đề cử giải Grammy Album Của Năm.

Ấy, xin đừng cho là tôi quá bận tâm đến việc đúng sai trong giải Grammy. Tôi muốn lôi cái mác ấy ra đây, bởi tôi nghĩ đĩa mới Future Nostalgia của Dua Lipa là một sản phẩm nhạc Pop chất lượng. Mới hôm trước thôi, tôi và bố tôi đi trên đường khi đang bật đĩa Future Nostalgia. Hơi bất ngờ, vì bố tôi lập tức khen nhạc hay quá. Nghĩ thầm trong đầu “Bố mà xem video clip thì có khi còn thích nữa”, tôi kịp ngừng lại vì giật mình sao người già như bố tôi lại thích nhạc trẻ được? Bình thường ông không mấy khi nghe được nhạc của tôi.  Hoá ra đó là do đĩa này có hơi hướng của âm thanh thập niên xưa thời 80-90, giống mấy nghệ sĩ nhạc Pop Disco trẻ bấy giờ. Quan trọng hơn, dường như nhạc Pop vốn đã dễ nghe, các bài hát của đĩa Future Nostalgia còn có một yếu tố gây cuốn hút cực mạnh ở mỗi bài.

Dua Lipa là ca sĩ người Anh gốc Albania. Cái tên của cô vì thế gây khó khăn cho người nghe nhạc ở Mỹ ở cách phát âm (/ˈduːə ˈliːpə/). Còn với tôi, nó gây khó khăn ở chỗ đánh vần mà đến giờ tôi vẫn thỉnh thoảng gõ nhầm thành Lua Dipa. Em sở hữu ngoại hình chuẩn để làm người mẫu, nên em cũng thừa sức làm ca sĩ nhạc Pop. Chỉ khác là, Dua Lipa có định hướng âm nhạc cực tốt. Nhiều người nói sau khi thành công với album đầu tay cùng tên, Dua Lipa có thể mời hàng tá nhà sản xuất / sáng tác nổi tiếng, hát chung với mấy nghệ sĩ hút fan như Ed Sheeran. Nhưng ở đĩa thứ hai này, tất cả các bài không có khách mời nào cả. Không có một bản ballad mà hoàn toàn cả đĩa là một tập hợp các giai điệu rộn ràng. Dua Lipa ghi âm gần 60 bài, trong đó có cả các nhà sản xuất thành danh như Max MartinPharrell Williams nhưng đều không được chọn vào danh sách cuối cùng. Có vẻ như sự chắt lọc này mang lại một đĩa nhạc Pop hợp đại chúng mà không bị màu sắc thương mại hoá.

Tiêu chí đó nhanh chóng được Dua Lipa khẳng định cực "khệnh" ngay ở câu hát đầu tiên trong bài cùng tên album: You want a timeless song I wanna change the game Like modern architecture John Lautner coming your way

John Lautner vốn là kiến trúc sư bắt đầu sự nghiệp từ thập niên 30 của thế kỷ trước, nhưng sản phẩm thiết kế của ông vẫn tạo ảnh hưởng cho đến giờ vì ý tưởng táo bạo vượt thời gian. Dua Lipa rõ ràng muốn làm điều tương tự với đĩa nhạc này - một câu phát biểu rất liều lĩnh và cần thời gian để đánh giá lại. Tuy nhiên âm thanh trong bài đầu tiên này đã thể hiện ý tưởng táo bạo khi mở màn bằng tiếng robot như nhạc của Daft Punk hay bài "PYT" thời thập niên 80 của Michael Jackson, nhịp điệu ảnh hưởng của nhạc Disco và điện tử, tiếng synth ở khúc bridge mang hơi hướng của nhạc Prince. Ngoài ra, cái gây cuốn hút của bài "Future Nostalgia" còn chính là tiếng robot mang hơi hướng “tương lai” làm tiếng hát nền ở điệp khúc.

Sau đó là một series các bài rất hay mà mỗi bài đều có sự hấp dẫn rất riêng, y như một bữa tiệc về mặt âm thanh vậy.

Bài “Don’t Start Now” có nhịp trống đặc trưng của nhạc Disco, tiếng bass mượt chảy rộn ràng thể hiện cảm xúc tươi vui của cô gái vượt qua sau nỗi buồn của tình cũ, và đặc biệt âm thanh của cowbell gõ cạch cạch cạch ở giữa khúc điệp khúc thay cho câu fill của trống, như để “xua đuổi” mấy cậu bạn trai cũ của Dua Lipa.

Bài “Cool”, sự đối lập của phần verse khi chỉ có câu bass giật cục tự dưng làm phần điệp khúc sau đó nổi bật tiếng snare mạnh cùng với tiếng synth êm tai, như để làm mọi thứ “cool” trở lại. 

Bài “Physical”, câu intro không thể hay hơn khi ở tông trầm là tiếng synth bass đánh giai điệu và ở tông cao là tiếng synth giả tiếng sáo của Nhật, trước khi hai âm thanh được “gắn kết” lại khi vào nhạc, giống như hai nhân vật nam nữ chính trong bài vậy. 

Bài “Levitating”, âm thanh hơi méo tiếng của đàn điện tử bấm hợp âm đều đặn 4 nhịp nghe như âm thanh ngoài không gian, tạo cảm giác “bay bổng”. 

Bài “Hallucinate”, hiệu ứng mix tiếng hát của Dua ở đoạn bridge chậm lại trước khi bùng nổ ở điệp khúc tạo cảm giác “ảo diệu” vô cùng.  Bài “Love Again”, cái cảm giác nghe tiếng strings réo rắt ở đầu và âm thanh mono như phát từ chiếc đài cổ lỗ sĩ trước khi âm thanh hiện đại của bài hát được vào nhạc là khiến người nghe bỗng dưng muốn được “yêu lại” sự hoài niệm của ngày xưa vậy.

Còn bài “Break My Heart”, âm thanh của đàn bass ở khúc đầu bị làm mờ đi cảm giác như tiếng “trái tim” đập từng nhịp thổn thức hồi hộp.

Có thể tôi đã làm hơi quá để các bạn thấy sự cuốn hút của mỗi bài nằm ở những âm thanh tạo cảm xúc hay tượng hình mà liên quan đến chính tên và nội dung của bài. Nhưng đúng thực là có quá nhiều âm thanh hay trong đĩa nhạc này của Dua Lipa. Ngoài series những bài xuất sắc kể trên, các bài còn lại đều hay và giai điệu đều catchy. Ngoài ra, điểm xuất sắc cho album này dĩ nhiên nằm ở phần giọng hát của cô gái của chúng ta, phần lời táo bạo, và khâu production rất kỹ. Nói về giọng hát, Dua Lipa không "siêu đẳng" như một diva, nhưng thật hay là giọng em ca trầm nghe sexy, giống như đang thủ thỉ vào tai vậy. Ngoài ra, dù giọng em không phải quá cao nhưng vẫn khoẻ nên khi lên cao nghe từng nốt vẫn chắc và không bị chói tai.

Về phần lời nhạc, nếu như Dua Lipa không ngượng ngùng khi nói về “timeless song” và tự nhận mình là “female alpha” trong bài “Future Nostalgia”, thì mọi người đều có thể đoán được nội dung các bài sau đó sẽ có cá tính thế nào. Ví dụ như bài “Good In Bed”, Dua Lipa tả về một mối quan hệ nam nữ kiểu “chó mèo” không lành mạnh cho lắm nhưng lại đầy nhiệt huyết khi gần gũi. I know it's really Bad, bad, bad, bad, bad Messing with my Head, head, head, head, head We drive each other Mad, mad, mad, mad, mad But baby that's what makes us good in bed Ple-e-e-e-ease Come take it out on Me, me, me, me, me I know it's really Bad, bad, bad, bad But baby that's what makes us good in bed

Cách cô gái hát đoạn này nghe khá giống nhạc Lilly Allen, láo lếu một cách đáng yêu. Bài cuối cùng “Boys Will Be Boys” động đến chủ đề khá là gai góc, nỗi lo lắng của những cô gái trước việc bị trêu chọc hoặc thậm chí quấy rối của đám con trai nếu phải tự đi về nhà khi trời tối: It's second nature to walk home Before the sun goes down And put your keys between your knuckles When there's boys around Isn't it funny how we laugh it off to hide our fear When there's nothing funny here Sick intuition that they taught us So we won't freak out

Và như Dua Lipa kết luận, “Boys will be, boys will be boys / But girls will be women”, đàn ông con trai rồi cũng giống nhau, chỉ có con gái rồi sẽ trưởng thành. Cái này tôi thấy... cũng đúng với cá nhân tôi. 

Cuối cùng, về khâu sản xuất nhạc, sự kết nối giữa âm nhạc xưa trong nhịp điệu disco, âm thanh điện tử và tiếng bass funky cực hay là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Và biết đâu, mấy chục năm sau, nó là sự giao thoa của thời điểm hiện tại và tương lai lúc bấy giờ. Lúc đấy có khi Dua đã tạo được “timeless song” - những bài hát vượt thời gian thật. Thế mới thấy cái tên album Future Nostalgia cũng thật ý nghĩa: “Hoài niệm tương lai”. Mà biết đâu đấy, có khi chính sự hoài niệm của "tương lai" đã đem những người lớn tuổi như bố tôi trở lại với âm nhạc disco thời trước.


Chẳng phải có người đã từng nói “nếu như bạn càng nhìn được xa về quá khứ, khả năng bạn nhìn được tương lai sẽ càng xa hơn” ư?


Hẹn gặp lại! Kroon

1,642 views

Recent Posts

See All
bottom of page