top of page

Jethro Tull: nhảm nhí nhưng có lý

Jethro Tull là ban nhạc có sự nghiệp lẫy lừng với khoảng 60 triệu album được bán ra suốt chiều dài sự nghiệp của band từ cuối thập niên 60s. Nhưng ngạc nhiên cái là mãi đến năm 1988, họ mới được đề cử cho giải Grammy đầu tiên. Mà lại còn được đề cử ở hạng mục “heavy music” mới ghê chứ. Một sự troll không hề nhẹ?? Khi đối thủ của Tull là Metallica với And Justice For All, và Jane’s Addiction với Nothing’s Shocking. Rất có lý.


Bởi rõ ràng, tài nghệ của Jethro Tull đáng nhẽ phải được đề cử từ thời ra album Aqualung (1971), album có lẽ là quái chiêu nhất trong thời kỳ hỗn mang của progressive rock. Không chỉ thế, một năm sau đó, Jethro Tull còn ra tiếp album concept tuyệt hay là Thick As A Brick (1972) đậm đặc chất progressive.


Nhưng hóa ra Jethro Tull ra Thick As A Brick để dành tặng riêng cho đám phê bình trước đấy "trót" ghi nhận và tung hô Aqualung như là một album concept tuyệt vời. Tuyệt vời thì đúng, nhưng concept thì không. Được, Ian Anderson quyết tung ra một album concept nhảm nhí để cho bọn nó biết thế nào là concept. Đúng, đó phải là một “mother of concept”.


Có thể là sau đấy đám phê bình cảm thấy cú troll này không hề nhẹ, nên đã “giận lẫy” Jethro Tull suốt hơn một thập kỷ sau đó.


Có gì đâu, bởi vì gã làm toàn bộ album từ ý tưởng bài thơ của một cậu bé chỉ mới 12 tuổi tên là Gerald Bostock ở tỉnh St. Cleve để tạo ra Thick As A Brick. Ian Anderson bắt được bài thơ của cậu trên một tờ báo làng: cậu bé Gerald Bostock viết một bài thơ tuyệt vời và dành được rất nhiều sự tán thưởng của khán giả trong cuộc thi thơ, và giải vô địch thơ đã đến rất gần với cậu trong cuộc thi năm đó.


Trừ việc, ban giám khảo vào phút chót đăng đàn tuyên bố là Gerald có vấn đề về tâm thần, dựa trên những ý tứ “không phù hợp” trong bài thơ nọ. Và giải thưởng bị rút lại vào phút chót.


Sự việc lập tức thu hút dư luận và được đăng dồn dập trên trang nhất các tờ báo ở Anh. Như để dẫn chứng cho sự “bất bình thường” của Gerald Bostock tội nghiệp, tờ báo không ngần ngại đăng trọn cả bài thơ của cậu.


Ian Anderson vô tình vớ được tờ báo nọ và loay hoay tìm cách phát triển bài thơ. Hóa ra việc báo chí gán cho cậu bé có suy nghĩ "già dặn trước tuổi" là tâm thần cũng chả khác gì việc họ và đám phê bình gọi album Aqualung "phá cách" là album concept cả.


Ít nhất là giữa Anderson và Bostock có sự tương đồng ở nhận thức của mấy kẻ vỗ ngực là “cơ quan có chức năng” với cái trò đánh tráo khái niệm quen thuộc của cánh báo chí.


Đã vậy, Anderson sẽ thêm thắt chút xíu vào bài thơ này, cho nó “người lớn” một chút, rồi đem phổ nhạc để nó trở thành một album concept hoàn chỉnh, rồi xem đám phê bình sẽ gọi nó là gì. Album nhảm mà đòi làm concept, hay là một album mang concept nhảm?


Một dạng troll y như kiểu đi thi Ai Là Triệu Phú mà bắt chọn: chữ cái nào đứng đầu bảng alphabet (đáp án A: B, đáp án B: A).


Cả album Thick As A Brick được phát hành trong một track chia ra làm hai mặt của LP, mỗi mặt khoảng hơn hai chục phút. Nhưng để tiện cho khán giả, về sau Ian Anderson đã đặt tên cho 8 hồi trong bài trong bản Remastered. Tôi cũng sẽ gọi tới tên các hồi này để tiện theo dõi. (Bạn có thể kéo thẳng qua đoạn sau để nghe hai track hơn 20 phút)


***

Đảo chút qua bài thơ của Gerald Bostock, cậu bé già dặn vì phải sớm gánh gia đình vì có người bố đi lính. Bài thơ tràn ngập những ý tưởng mơ hồ của cậu về những thứ rất “đời không như là mơ” được mô tả dưới góc độ của một đứa trẻ.


Đầu tiên là việc cậu cảm nhận được sự tương đồng giữa lý tưởng chiến tranh của những người lính như cha cậu, với viêc hàng ngày cậu chơi trò xây lâu đài cát. Ngay trong hồi 2, The Poet and the Painter.

And the youngest of the family

Is moving with authority

Building castles by the sea

He dares the tardy tide

To wash them all aside, oh


Rồi sau đấy là những gì đó không ổn từ trong ý tưởng chính nghĩa đằng sau những cuốn truyện tranh của trẻ con. Tại sao nếu Superman tốt như vậy, người ta không bầu anh làm tổng thống? Cả các nhân vật anh hùng như Robin, hay Biggles? Những thắc mắc rất có lý của trẻ nhỏ mà tôi nghĩ, ai hồi nhỏ cũng từng có. (Trong hồi 4, You Curl Your Toes in Fun/ Childhood Heroes/ Stabs Instrumental, sau được nhắc lại ở Hồi 8)

So, come on ye childhood heroes!

Won't you rise up from the pages

Of your comic-books, your super crooks

And show us all the way

Well! Make your will and testament

Won't you join your local government?

We'll have Superman for president

Let Robin save the day

So! Where the hell was Biggles

When you needed him last Saturday?

And where were all the sportsmen

Who always pulled you though?


Và tệ hơn cả, khi nhìn thấy bố cậu là người lính trở về từ chiến tranh, không ai có thể giải thích được sự khủng hoảng của ông khi không thể hòa nhập với cuộc sống, trong khi trong bụng ông thì đầy những lý tưởng cao cả về thế giới. Những kẻ quyền chức gọi các cựu chiến binh như họ là “kém cỏi”, “không chịu suy nghĩ”, và “cố chấp”. Chính họ, những người vừa nổ lực để bảo vệ cái ý tưởng chính nghĩa được vẽ ra bởi chính đám quyền chức kia. Một lần nữa, hình ảnh của những lâu đài cát lại thoắt ẩn thoắt hiện. Đó là ở Hồi 6, Legends and Believe in the Day.

The fading hero has returned

To the night, to the night

And fully pregnant with the day

Wise men endorse the poet's sight

Do you believe in the day?

Do you believe in the day?


Và Gerald chọn cách viết ra toàn bộ suy nghĩ của cậu thành bài thơ. Cũng giống như cách cha cậu chọn vung gươm ra chiến trường. Đâu đó có thể thấy, Gerald phân vân giữa việc sau này trở thành nhà thơ hay chiến sĩ.

And the poet lifts his pen

While the soldier sheaths his sword


Rồi đoạn sau:

And the poet sheaths his pen

While the soldier lifts his sword


Bài thơ của Gerald Bostock bị "bêu" trên báo làng

Thật là khó xác định rạch ròi cái gianh giới giữa bài thơ gốc của Gerald Bostock và phần ý tứ của Ian Anderson, dù tôi khá tin rằng đó hầu như là lời lẽ của Ian Anderson ở hồi số 1, như để mồi vào phần câu chuyện của Gerald Bostock. Bởi vì những lời lẽ mà anh gửi gắm cho người đọc, là những kẻ núp dưới cái danh phê bình hay giám khảo:

I may make you feel but I can’t make you think

And your wise men don't know how it feels

To be thick as a brick


Tôi bật cười vì nó giống như cách chúng ta hay hỏi nhau theo kiểu: vậy ngu như nó thì làm sao mà biết nó ngu được?


***

Mang theo ý tưởng của Gerald Bostock vào phòng thu, Ian Anderson chợt phát hiện ra thu âm Thick As A Brick hóa ra không đơn giản, cho dù anh thực sự bị thôi thúc bởi ý tưởng tạo ra “mother of concept”. Vừa ra Aqualung trước đó 1 năm, nên trừ Anderson thủ sẵn bài thơ trong tay, mấy anh kia của Tull đều bất ngờ khi bắt tay vào Thick As A Brick vì cả band chưa có nhiều ý tưởng âm nhạc.


Album ghi âm trong tổng cộng có hai tuần, và ngày nào Anderson cũng dậy thật sớm đến phòng thu trước mọi người để viết nhạc cho phần thu ngày hôm đó, thường là một đoạn nhạc khoảng 3 đến 4 phút mỗi ngày. Jethro Tull thực sự vừa thu vừa sáng tác, và dù lúc đầu các hồi được thu riêng rẽ, họ quyết định tạo thành một track liền cho tăng phần “concept” bằng cách thu thêm những đoạn interlude để nối thành một suite hoàn chỉnh.


Và để tăng thêm tính xác thực, bìa album Thick As A Brick chính là tờ báo nọ mà Anderson vớ được. Trang báo có đủ cả quảng cáo, công thức nấu ăn, giới thiệu trương trình , chơi ô chữ, nay được in lại và gập đẹp đẽ thành hình vuông vừa khổ cái bìa LP (đĩa CD nhỏ quá nên nhìn không đẹp bằng).


Và khán giả có thể thưởng thức Thick As A Brick như một album nhạc mang theo một concept trọn vẹn. Còn đám báo chí phê bình, những kẻ vừa trước đó không lâu ăn theo phong trào hard rock, nay tôn vinh progressive rock lên làm cứu cánh của âm nhạc thập niên 70s (và không lâu sau đó quay sang ca tụng punk rock), có thể đón nhận Thick As A Brick như một album mang concept nhảm nhí, hoặc một ý tưởng ngu ngốc từ một thằng bé vô danh nhưng bày đặt làm concept.


Với tôi, một kẻ không nói tiếng Anh như là ngôn ngữ mẹ đẻ, chẳng quá quan trọng về ngôn từ và đây quả là một album tuyệt hay với hơn 45 phút âm nhạc chơi trọn vẹn trong một suite. Và tôi có lẽ cũng bỏ lỡ hết tất cả những sự trào phúng trong lời lẽ mà cặp đôi Ian Anderson và Gerald Bostock tạo ra trong concept của họ, nhất là với những ý tưởng trào phúng nhại lại âm nhạc của Yes hay ELP, những band progressive đình đám đầu thập niên 70s, dựa trên kiểu tấu hài của The Monty Python, một show truyền hình hài nhảm rất ấn tượng ở Anh thời đó. Nhưng có hề gì, vì theo như Ian Anderson, khi họ diễn Thick As A Brick như là một vở nhạc kịch ở Mỹ, người Mỹ cũng toàn cười sai chỗ.


Nói chứ, tôi chỉ ước được nhìn thấy phản ứng của báo chí Anh Quốc lúc đó. Vì hóa ra, cậu bé Gerald Bostock cũng chỉ là một nhân vật hư cấu của Ian Anderson. Nói cách khác, Anderson chính là Bostock.


Tất nhiên thì phản ứng của báo chí khi Jethro Tull thắng giải Grammy năm 1988 có lẽ rõ ràng hơn nhiều, hoặc ít nhất thì có người ghi lại được. Jethro Tull năm đó thậm chí không đi dự giải Grammy vì ông bầu nói là “không có cửa đấu với Metallica đâu”. Thì đó, theo như cánh báo chí thì nhạc mà có thổi flute mà heavy cái nỗi gì.


Chưa kể, ở thời điểm Jethro Tull ra Crest Of A Knave, Ian Anderson vừa trải qua phẫu thuật mổ cổ họng (vâng, lại thêm một ca sĩ tài năng nữa bị cái cuống họng hành hạ). Và kết quả là giọng của anh bị thay đổi hoàn toàn từ album này. Nôm na thì anh hát nghe như Dire Straits vậy.


Ấy thế mà Crest Of A Knave dành Grammy cho Best Heavy Music ngay trước mũi …And Justice For All với bài One kinh điển. Và ngày hôm sau, Jethro Tull và hãng đĩa chỉ gật gù giải thích gọn lỏn rằng, thì “sáo cũng là loại nhạc cụ kim loại, nặng" ("flute is a heavy, metal instrument”).


Năm 1992, khi Metallica cuối cùng cũng giành Grammy cho hạng mục này cho The Black Album, Lars Urlich đã phát biểu “… và tôi phải cám ơn cả Jethro Tull nữa, vì họ không ra đĩa trong năm nay”.


Hẹn gặp lại.


P/S: Tôi nghĩ “Thick As A Brick” nghĩa là "ngu mà lì". Thật.


Kcid

523 views

Recent Posts

See All
bottom of page