“Keane là một ban nhạc giống Coldplay nhưng kém cool hơn” Nếu các bạn còn nhớ bài viết của chúng tôi về Coldplay cách đây cũng đã lâu rồi, từ “cool” không đi kèm với Coldplay. Vậy nên câu nhận xét trên có vẻ không được tử tế cho lắm. Nhạc của Keane cũng thuộc dạng khó tả. Nó không khó nghe. Ngược lại, nó hợp tai với nhiều đối tượng người nghe không chịu nổi sự ồn ào của nhạc Rock, như cụ già và phụ nữ. Lý do bởi vì Keane có một đội hình kỳ cục, đặc biệt chỉ có âm thanh chủ đạo của trống, piano/keyboard và hát. Không có âm thanh guitar, thế mà họ đặt mục tiêu chơi nhạc Rock đấy. Ban đầu Keane được thành lập dưới cái tên Lotus Eaters. Như bao ban nhạc Rock truyền thống khác, họ có một đứa đánh trống, một đứa đánh bass và một đứa đánh guitar.
Trong hội, Tim Rice-Oaxley chơi bass là chính dù anh có học piano và keyboard từ bé. Một lần nghe Tim đánh keyboard biểu diễn, Chris Martin ra rủ tham gia nhóm Coldplay mà Chris cũng mới lập. Tim từ chối và sau đó dĩ nhiên Chris cũng đảm nhiệm luôn vai trò keyboard đó. Đó là “sai lầm” lần đầu của Tim. Nếu anh nhận lời Chris thì anh cũng đã sớm nổi tiếng, giàu nhanh và đỡ vất vả hơn rồi. Khi Tom Chaplin gia nhập nhóm với vai trò hát kiêm guitar thùng thì cả hội đổi tên thành Keane, tên của bà giữ trẻ mà cả Tom và Tim đều biết từ bé. Cái nguồn gốc của tên ban nhạc nghe đã không có độ ngầu rồi. “Sai lầm” thứ hai của nhóm do thiếu suy nghĩ thấu đáo, dẫn đến sau này họ vẫn bị cánh báo chí trêu chọc. Thế rồi, thằng đánh guitar điện trong nhóm bỏ đi vì thấy nản do mãi không có được hợp đồng thu âm. Vì cả hội vốn đều là bạn thân từ trước, những đứa còn lại đều không muốn tìm người thay thế cho vị trí đó. Khổ nỗi thằng bỏ đi lại chơi guitar lead. Chả hiểu nghĩ gì, Tom Chaplin lúc đó đang ở vai trò guitar rhythm thấy thế cũng bỏ luôn guitar để tập trung hát, Tim Rice-Oaxley quay ra đánh keyboard/piano và Richard Hughes thì vẫn chơi trống.
Vậy là không có ai đánh bass và uýnh guitar điện. Mà nếu không có guitar và bass thì làm sao tạo được một âm thanh mạnh mẽ tràn đầy. Có lẽ nhạc điện tử sẽ hợp lý hơn. Nghĩ vậy, Keane mới thu âm theo phong cách nhạc điện tử và kết quả nghe khá giống Pet Shop Boys. Nhưng rồi Keane lại nhận thấy nếu chơi theo cách đó, họ không giống một ban nhạc chơi nhạc cụ. “Sai lầm” thứ ba ở đây là cái gì các ông cũng muốn, bỏ guitar cho khác biệt nhưng vẫn phải đầy năng lượng trong âm thanh.
Vậy làm sao chế tạo được âm thanh khoẻ và dày trong khi tiếng piano gọn và sạch quá? Không có độ rè bẩn của guitar điện. Cuối cùng Tim tìm ra một con piano cổ lỗ sĩ có âm thanh dầy và khoẻ tiếng để chơi cực hợp. Khi thu âm đĩa đầu tiên Hopes And Fears, để có được âm bass, Tim sử dụng cây đàn bass hoặc dùng tiếng giả bass từ đàn keyboard kết hợp những nốt trầm đặc của piano. Như ở đoạn đầu bài “Bend And Break”, Tim gõ mạnh các nốt trầm trên piano tạo tiếng cực gằn để làm dày phần bass hơn. Để bù khoảng trống của cây guitar điện. Tim sẽ chơi những câu đàn giống như mấy câu lick ở guitar. Và quan trọng hơn là nhờ chiếc đàn đã gắn qua bộ phơ rè, âm thanh sạch sẽ của piano hay keyboard được “làm bẩn” để đẩy sức mạnh cho nhạc của Keane. Vì mỏng về lực lượng mà vẫn muốn thể hiện uy lực, Keane và đặc biệt Tim phải thu nhiều track piano xen lẫn tiếng synth là vì thế.
Dù vậy nét nhạc của Keane vẫn nhẹ nhàng mang phong cách Pop Rock, gần giống nhạc Coldplay. Hạn chế ở phần nhạc cụ, nhóm Keane phải mất công sáng tác các bài hát có giai điệu thật hay, để người nghe có thể dễ “bắt” được cảm xúc ngay lập tức, bất kể nhạc cụ gì chơi ở phía sau. Để làm được như vậy phải nói là rất mất sức. Vậy nhưng Tim vẫn sáng tác được các bản hit với giai điệu cực kỳ cuốn hút dù cho nhạc đệm và tiếng trống không cầu kỳ. Thêm đó, giọng ca của Tom Chaplin thì lên xuống ngọt lịm mà không cần lên gân hay gào rú như nhạc Rock, hợp với thứ giai điệu nhẹ nhàng của Keane.
Kết quả là ngay đĩa đầu Hopes And Fears (2004) đã đứng đầu bảng xếp hạng của Anh, bán chạy thứ nhì tại UK năm đó và cuối cùng đoạt giải Album Anh Quốc Hay Nhất Năm ở giải Brit Award. Đĩa thứ hai, Under The Iron Sea (2006) còn thành công ở cả Anh và Mỹ. Perfect Symmetry (2008) – đĩa thứ ba cũng vậy. Đến đĩa này, tay ca sĩ Tom cũng bắt đầu lôi đàn guitar vào sử dụng sau khi nhóm tuyển thêm đồng chí Jesse Quin vào đánh bass.
Tóm lại là nhờ đội hình kỳ quặc và âm thanh Rock thiếu vắng tiếng guitar, Keane tự dưng lại thành công rực rỡ.
Tính ra ở ba đĩa đầu Hopes And Fears, Under The Iron Sea và Perfect Symmetry đều có những ca khúc giai điệu bắt tai cực kỳ. Ai mà quên được “Somewhere Only We Know” với phần gõ hợp âm ầm ầm ở phần intro rồi vào nhạc nhẹ nhàng; câu intro đặc trưng của “Everybody’s Changing”; cú chuyển hợp âm rất hay ở điệp khúc “This Is The Last Time”; tiếng keyboard điện tử như đàn guitar ở “Is It Any Wonder?”; giai điệu đậm buồn ở “Nothing In My Way”; tiếng piano như lệch tông ma quái ở đầu bài “Bad Dream”; hay lối hát khác xa hai album đầu có phần buồn thảm của Tom gần giống như James Walsh của nhóm Starsailor trong bài “Perfect Symmetry”. Vậy nhưng hạn chế của Keane vẫn là để cho ra được nhiều bài giai điệu đẹp trong một đĩa là cực khó. Các bài yếu hơn sẽ cần sự đa dạng ở màu sắc nhạc cụ để có phần nhạc lôi cuốn bù lại. Vì thế sự vắng mặt của cây guitar vẫn là một thiếu sót kể cả có biến đổi âm thanh đàn keyboard đi như thế nào. Nhạc của Keane do thế sẽ hợp nghe theo list tổng hợp của những bài hay nhất hơn là theo từng album. Dẫu vậy, vẫn phải công nhận một điều là sự liều lĩnh vượt qua các “sai lầm” của Keane rất là đáng khen, khi mà họ đã thành công tạo ra các bản nhạc hit mà không chỉ các ông bà già, chị em phụ nữ yêu thích mà còn cánh đàn ông như tôi thấy khoái.
Chỉ tội, vẫn còn một “sai lầm” cuối cùng, đó là dù công sáng tác các bài hát gần như hoàn toàn do Tim Rice-Oaxley đảm nhiệm, anh vẫn ghi công các đồng đội trong tất cả các bài của Keane. Không những việc nặn óc sáng tác đã ngốn bao nhiêu sức lực, Tim còn phải chịu trách nhiệm cho phần âm thanh chủ đạo từ các loại track keyboard, synth và piano. Anh thật là người tài năng, chăm chỉ mà lại tốt bụng đến dại dột.
Hẹn gặp lại!
Kink
Ok bác. Cám ơn đã comment
Keane thì phải nghe thêm các ca khúc B - sides nữa mới cảm nhận được hết độ hay của họ