Ngày 7/9 năm ngoái, tôi đọc được tin Mac Miller đột ngột qua đời vì sốc thuốc. Bình thường những tin về các nghệ sĩ, kể cả nhạc sĩ hay diễn viên, chết vì chơi chất kích thích quá liều xảy ra khá thường xuyên, nên tôi cũng không hay bận tâm nhiều.
Thế nhưng lúc đó, cảm giác tôi thấy buồn lắm, dù ở thời điểm đó tôi vẫn chưa nghe Mac Miller nhiều. Dù rằng đĩa Swimming phát hành hồi đầu tháng 8 năm 2018 (1 tháng trước khi cậu chết) khiến tôi thực sự bị thuyết phục, một album khác mà tôi nghe là Watching Movies With The Sound Off (2013) lại không gây nhiều chú ý vì chất giọng buồn tẻ của Mac. Swimming là đĩa mà tôi có thể nghe từ đầu đến cuối mà không dứt ra được, và dù chưa kịp hiểu ngay về phần lời, đĩa đó mang một cảm xúc gì đó man mác buồn.
Từ đó tôi quay ra follow Mac Miller trên facebook và dự định nghe lại các album trước của cậu. Cái cảm giác mới quen nên chưa biết rõ về một người nhưng có cảm tình dù chỉ là qua âm nhạc của họ cũng đã đủ khiến cho tôi thấy rợn người khi nghe cái tin Mac được phát hiện đã ngưng thở tại nhà, chỉ hơn một tháng sau đó. Cậu ta còn quá trẻ khi ra đi ở tuổi mới 26.
Nhiều người cho rằng, đó là cái chết được báo trước và hoàn toàn có thể tránh khỏi, nhất là việc lạm dụng chất kích thích của các nghệ sĩ dường như đã quá phổ biến đến mức mọi người nhìn nó như một tệ nạn. Tệ nạn hay không? Sử dụng thuốc có cần không? Cái này tôi xin miễn bàn luận ở đây.
Quay lại câu chuyện của Mac Miller, một nghệ sĩ rap khởi nghiệp gần như chỉ có giới underground biết đến, đã giành được danh vọng từ ngay sau đĩa đầu tay Blue Slide Park phát hành năm 2011. Lần lượt những album và mixtape sau đó đều thành công mặc dù không có trong tay một single nổi bật nào trên các bảng xếp hạng. Nếu tính từ thời điểm phát hành album đầu tay, Mac chỉ có vỏn vẹn 7 năm sự nghiệp ngắn ngủi để chứng tỏ bản thân, vậy mà với 5 album chính thức, cậu dường như trưởng thành với tốc độ thần kỳ.
Sau khi nghe trọn vẹn cả 5 đĩa rồi, tôi thấy mình kết nhất âm nhạc trong The Divine Feminine khi Mac chuyển đổi giữa những câu rap sang hát một cách mượt mà, cảm giác như đôi lúc ranh giới giữa cách flow trong câu rap của cậu và giai điệu hát trong bài trở như biến mất. Mac đã bộc phát được hết tài năng âm nhạc của chính bản thân trong đĩa này, và với nền tảng kiến thức nhạc vững chắc và khả năng hát, chơi piano, trống và guitar, cậu kiêm luôn vai sản xuất nhạc và viết nhạc cho một số nhạc cụ và đoạn nhạc. Ở đĩa cuối cùng, Mac tiếp tục mang theo âm hưởng soul và jazz từ Divine Feminine sang Swimming khiến cho người nghe có được cảm giác trôi nổi nhẹ nhàng trên một mặt biển yên bình chứ không phải ở trên những cơn sóng lớn. Tưởng chừng như ở thời điểm này, dường như Mac đã vượt qua được những sóng gió trong cuộc đời, từ những thăng trầm trong sự nghiệp, trầm cảm từ áp lực trong công việc tới sự đổ vỡ trong mối tình hai năm với nữ ca sĩ Ariana Grande.
“And I was drowning, but now I'm swimming Through stressful waters to relief”
(Come Back To Earth)
“Tell them they can take that bullshit elsewhere (Yeah)
Self care, I'm treatin' me right, yeah Hell yeah, we gonna be alright”
(Self Care)
Giờ đây anh đã tìm lại được "đất liền", học được việc tự chăm sóc bản thân và nắm quyền kiểm soát với cuộc sống và công việc của mình hơn. Vậy tại sao tôi vẫn cảm thấy thoang thoảng đâu đó nỗi buồn của Mac trong Swimming? Thực ra tôi thấy rất lăn tăn về những dòng suy nghĩ và trạng thái tâm lý đó, kể cả khi album Swimming được phát hành trong sự đón nhận nồng nhiệt của người nghe và đánh giá cao của giới phê bình. Ở bề nổi, tưởng chừng Mac đã thay đổi và tìm lại được chính mình từ sau album Swimming, nhưng thực ra cậu vẫn luôn phụ thuộc vào chất kích thích như từ những ngày đầu tìm đến nó trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Khởi nguồn cho việc nghiện ngập của Mac là từ khi cậu mới có được thành công ban đầu của đĩa Blue Slide Park (2011). Lúc đó một số nhà phê bình âm nhạc như Pitchfork có những đánh giá cực đoan chẳng hạn như cho là fan hip hop da trắng hâm mộ nhạc của Mac Miller chỉ vì cậu trông giống họ hơn là vì âm nhạc, rồi thậm chí cho cậu điểm 1 sao thấp nhất có thể. Điều này vô hình trung gây cho cậu chứng trầm cảm, sau phải tìm đến những thứ thuốc ảo giác. Dù sau đấy Mac có dứt được cái món ảo giác đó và quay lại với sản phẩm âm nhạc chất lượng trong Watching Movies With The Sound Off, cậu vẫn không thoát được thói quen sử dụng chất kích thích để tìm sự cân bằng trong cuộc sống.
Như bao nghệ sĩ nghiện ngập khác, Mac hoàn toàn nhận thức được hậu quả tiềm tàng từ thói quen xấu của mình. Trong mixtape Faces, cậu dự đoán “a drug habit like Philip Hoffman will probably put me in a coffin”. Rồi trong “Brand Name” ở đĩa GO:OD AM, cậu đấu tranh để không phải vào hội chết yểu ở tuổi 27 bao gồm Kurt Cobain, Amy Winehouse, Jimi Hendrix hay Janis Joplin: “To everyone who sell me drugs / Don't mix it with that bullshit / I'm hoping not to join the 27 Club / Just want the coke dealer house with the velvet rug.” Mỉa mai thay, cậu “đạt” được ước nguyện đó khi ra đi ở tuổi 26.
Như đã nói ở trên, có thể nhiều người cho đó là cái chết được báo trước và hoàn toàn có thể tránh khỏi, nhưng mọi việc có lẽ không đơn giản như vậy. Tôi từng đọc những nghiên cứu nói rằng mọi người hay nhầm lẫn thói quen nghiện ngập đến từ sự mất tỉnh táo. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân lại đến từ cảm giác thiếu sự “gắn kết với con người”, là cảm giác hiểu và được hiểu trong cộng đồng và xã hội. Đối với bạn bè và người thân, Mac Miller là một chàng trai tốt bụng, ngọt ngào và chân thành. Cậu giúp đỡ và hợp tác với các nghệ sĩ trẻ khác từ lúc họ còn chưa nổi danh như Anderson Paak, SZA, Earl Sweatshirt, Schoolboy Q hay Vince Staples. Thế nhưng có những người chỉ biết đến cậu qua các sản phẩm âm nhạc, và đó là một câu chuyện khác.
Thế nên điều mà Mac luôn thấy nhức nhối là khi cậu phải thể hiện cảm xúc thật và chính con người thật của chính mình. Xong khi cậu thừa nhận sự phụ thuộc với chất kích thích trong các bài rap, cậu lại bị phán xét như một con nghiện của xã hội, mà không có ai nhìn thấy hình ảnh cậu cần sự gắn kết với mọi người. Mọi sự đấu tranh tư tưởng cho một hình ảnh mà Mac muốn mọi người nghĩ tới, dường như luôn trở thành lệch lạc qua cách suy diễn của họ.
“I know I probably need to do better
Fuck whoever
Keep my shit together
You never told me being rich was so lonely
Nobody know me, oh well
Hard to complain from this five star hotel”(“Small Worlds” trong đĩa Swimming)
Có lẽ vì vậy, kể cả khi Mac đã cố gượng dậy trong Swimming, khi cậu ngỡ như mình đã sẵn sàng cho một trang mới trong sự nghiệp, thì sức mạnh của Mac vẫn không đủ lớn để “gắn kết” lại với người nghe, giới phê bình và truyền thông. Hay trong trường hợp này, Mac đáng lẽ chỉ nên lựa chọn “sống” vì những người thực sự hiểu cậu, đó là gia đình, bạn bè và những người hâm mộ. Sức ép quá lớn lên bản thân sớm hay muộn cũng khiến cậu lạc lối, vừa đánh mất luôn sự gắn kết với con người và xã hội bao gồm cả những kẻ tự cho mình cái quyền đánh giá cậu. Mac còn quá trẻ để chịu đựng áp lực đó, thế nên cái kết tưởng như có thể tránh khỏi, thì cuối cùng vẫn tìm được đến với cậu.
Để tưởng nhớ và tôn vinh tới Mac Miller, những nghệ sĩ như Anderson Paak, Earl Sweatshirt, SZA, Chance The Rapper cùng biểu diễn trong chương trình Mac Miller: A Celebration Of Life. Có lẽ lúc này đây là lần cuối linh hồn của Mac được “gắn kết” với gia đình, bạn bè và người hâm mộ - những người thân thương và hiểu anh nhất.
Hai tháng sau cái chết của Mac, nỗi buồn lại chợt đến với tôi khi nghe bài Cheers của Anderson Paak trong đĩa Oxnard khi Paak nhớ về người bạn thân của mình:
“Wishin' I could take your problems
Trade 'em for a little more time wit'chu Carry you out the bottom, the weight of the world, I got it Sprouted wit'chu on my shoulder, the greatest honor to know ya I'd gotta be honest wit'cha, I hate you ain't in the picture”
Hôm nay khi nhìn lại bìa đĩa Swimming, tôi bỗng thấy lạnh người khi hình ảnh Mac Miller ngồi bệt xuống với đôi mắt nhắm lại trông giống như cậu ở trong một chiếc quan tài dựng đứng. Có lẽ đâu đó Mac cảm nhận được cái chết được báo trước chăng?
Tôi hy vọng không phải là vậy!
RIP Easy Mac.
Kunt
Comentarios