"Tên gì cơ? M và ký hiệu chữ "Phi" à? Hay Mô? Hay Mơ? Hay Mủ?"
"Là Mooh"
"Tên thế search thế quái nào ra được. Khó đọc khó nhớ vãi”
"Khác desk gì tên EmoodziK. Ông cứ nghe đi. Spotify có đấy"
"Hơn 1 tỉ stream. Đệt!!!"
Tôi nhớ lần gần đây đi công tác “ở bển”, radio trên chiếc xe chở tôi mở show toàn bộ show diễn live của một cô ca sĩ hát thứ nhạc nghe na ná như Sia trong suốt hành trình. Ấy vậy mà giọng đó không phải Sia, dù nhạc thì khá là gần gũi về mặt tâm trạng. Và khi tay DJ trên kênh radio nhắc đến cái tên “Mooh”, tôi lập tức phải google ngay xem đó là ai. Cũng khá mất công đẻ tìm trên google sau rất nhiều lần thử. Đó là MØ, ca sĩ xinh đẹp người Đan Mạch với cái tên cúng cơm Karen Marie Ørsted. Và hai thứ làm tôi ấn tượng trên cái nền nhạc diễn live thu không quá hoàn hảo đó: phần nhạc nền chơi bởi tiếng trống jazz trên nền synthesizer, và giọng hát leo lẻo cuốn hút ghê người. Pop mà không Pop. Cô em này còn chửi bậy lúc nói chuyện chả thua gì mấy gã ở trong pub mà tôi gặp sau đó.
Trong tiếng Đan Mạch, “mø” cùng nghĩa với “maiden” hay “virgin”, dĩ nhiên là theo nghĩa ngây thơ vô tội. Và thực ra khi đọc ra, đúng là chả ra tiếng bò kêu “moo” cũng chả phải là “moe”. Google nói là, nó vần với chữ tiếng Pháp “bleu”. Sao cũng được. Mà tại sao đứa con gái này nó phải đặt tên phức tạp thế khi khán giả thậm chí còn không rõ phải gọi tên là gì, trong khi nó hát toàn nhạc tiếng Anh. Giống như cảm nhận của Kroon lần đầu tôi gợi ý nó nghe nhạc của em này, nó nói ngay “một sự sai lầm về quảng bá truyền thông”, dù nó thừa nhận rất thích ẻm.
Nhưng em gái thật cá tính các ông ạ. Và nếu nó thành công, thì nó cũng giỏi thật. Bởi khoảng cách giữa nó và sự điên rồ quả nhiên mong manh.
Vì buồn cười cái là em Mø này lớn lên với nhạc của Spice Girls, và mãi đến năm 14 tuổi mới được được thằng anh giới thiệu cho nghe Hardcore Punk. Chả liên quan gì, nhưng ẻm bập luôn vào Hardcore Punk và đến 17 tuổi, ẻm đã lập một electro-punk band (thực ra là cặp duo) tên là MOR với đứa bạn Josefine Struckmann, và cho ra những nhạc phẩm như “Fisse I Dit Fjæs” nôm na là “Pussy in Your Face”. Phải nói là học rất nhanh. Nhưng khi MOR tan rã năm 2011, MØ quay về với cái gốc gác Poppy của mình, chỉ giữ lại phần thô thiển của Punk, và sáng tác nhạc trên đàn Piano và tìm cách làm nhạc với producer Ronni Vindahl. "Tại cháu thích nghe âm nhạc phải gào như thú ấy” MØ mô tả vậy. tất nhiên tôi đã chắt lọc bớt những từ ngữ không phù hợp thuần phong mỹ tục của ẻm rồi. Vâng, em nó chửi bậy ghê lắm.
Rồi sau đó, con đường từ punk về pop của MØ cũng không phải là thuận lợi. Năm 2014, MØ biểu diễn cùng Iggy Azalea bài “Beg For It”, bài hát có lẽ MØ được khán giả biết đến nhiều nhất lúc đó nhờ cái tên Iggy Azalea trên Saturday Night Live. Kết quả là MØ làm mọi người nhớ ngay đến mối lương duyên của Lana Del Rey và SNL, khi MØ nhìn đơ trên sân khấu và hát thì khớp liên tục. Nhưng hay cái, em gái cá tính lập tức ghìm lại ngay sau đó: “Đôi khi cháu cũng phải làm kẻ xấu tí” (Sometimes it sucks to be an anti-hero, ẻm Tweet vậy). Được!!!
Và chừng nào khán giả cũng không quá khó tính (don’t be a d*ck - lời của ẻm), thì ẻm sẽ phục thù. “Lean on”, hợp tác cùng nhà sản xuất Major Lazer và DJ Snake, ra mắt không lâu sau đó và trở thành track được stream NHIỀU NHẤT MỌI THỜI ĐẠI trên Spotify vào năm 2015 (nhân tiện, 2015 Spotify hãy còn ế lắm, mọi thời đại ư?). Hơn một tỉ stream.
Kể cả với số lượng hơn 1 tỉ stream cho “Lean on” ở thời điểm này, đó thực sự là một con số đáng nể. Có lẽ số lượng nghệ sĩ có số stream hơn 1 tỉ đến thời điểm này cũng chỉ đếm bằng ngón tay thôi. Album tiếp theo của ẻm, Forever Land (2018), quả nhiên không gây thất vọng.
Với những track như “Way down”, “Blur”, “Nostalgia”, hay “If it’s over” hòa cùng Charlie XCX, đấy là quá đủ để ghi danh tên tuổi với nhạc Pop. Một chút như Sia, một chút như Charlie XCX, một chút Katy Perry, nhưng cũng chẳng phải mấy bà chị đó. MØ giữ một phần cho riêng mình, có lẽ ở tiếng trống ám ảnh khi diễn live nọ, và giọng hát lảnh lót mà ngay cả những người diễn cùng MØ, như Charli XCX, hay Izzy Azalea, cũng phải thừa nhận là độc đáo. Cộng với những track rất xuất sắc thường xuyên được trình diễn live như “Lean on”, “Kamikaze”, hay “Final song” (đều không nằm trong 2 album đã ra), MØ có lượng hit khá nhiều để đem lên sân khấu.
Nhạc của em thì dù là electro-pop và dùng toàn những chiêu quen thuộc, nhưng nó vẫn lạ, có lẽ là từ giọng của em. Hoàn toàn không có tiếng bass dầy đặc gây mệt như nhạc electro. Và là một thứ nhạc Pop chửi bậy tùm lum. Chưa kể, luôn có tiếng trống thật, không phải trống điện tử, trong phần trình diễn đó. Có lẽ từ cái gốc punk, nhưng quả thật hiệu quả từ tiếng trống thật đánh trên nền synthesizer khiến cho nhạc của em có nét rất riêng.
Thế nên không ngạc nhiên (hay có tí chút?) là trong show diễn live phát trên radio mà tôi nghe được dạo nọ, em hoàn toàn làm chủ sân khấu, lẫn dẫn dắt khán giả. Có lẽ đó là một chuyến đi nghe nhạc live trên radio giàu cảm xúc nhất mà tôi từng có. Một buổi diễn live mà tôi như tưởng tượng như em đang nói chuyện ngay trước mặt, với thứ âm thanh chỉ dành cho hội trường không quá lớn với một dàn synthesizer và một bộ trống. Còn lại toàn là giọng của em. Tôi chỉ biết ngả người ra nghe thứ nhạc nửa quen đó, được lấp đầy bởi giọng hát lảnh lót mà lâu lâu làm cho mình bật ra suy nghĩ “sao nó phải hát mất công thế nhỉ. Diễn live thôi mà”. Cả tiếng trống nữa, mang trống thật chơi với dàn synthesizer, thế mà cũng nghĩ ra được.
Những người đến từ Bắc Âu, dù rằng họ chơi nhạc gì, luôn biết cách làm cho thế giới phải nghe nhạc của họ bởi thứ âm nhạc giàu giai điệu, và khả năng nắm giữ sân khấu từ nghệ thuật trình diễn của họ. Vô hình trung, cái tên MØ còn làm cho thế giới phải ghi nhận cái chữ Ø thay vì bỏ qua nó như là một từ khó để tìm kiếm. Biết đâu một ngày không xa, Ø sẽ có mặt trong bảng chữ cái tiếng Anh. Ít nhất là trong đầu óc của những kẻ mộng mơ như tôi. Và việc bám trụ với cái tên Đan Mạch khó gõ khó tìm kiếm, tự nhiên lại là cách đi vào lòng khán giả trung thành vững chắc nhất?
Chả nói đâu xa, với những kẻ ít mơ mộng như người Mỹ, họ hiểu cách gọi tên và nhạc của MØ hơn ai hết.
Không tin ư, BØRNS (đọc như “borns”), ca sĩ nhạc Pop với cái tên cha sinh mẹ đẻ là Michigander Garrett Borns, dĩ nhiên là người Mỹ. Công thức ư? Viết thêm dấu sẹc vào chữ “o” trong tên anh. Và thậm chí, BØRNS viết chữ “Ø” loạn cào cào không phân biệt đó là số hay chữ. Một trong những hit của cậu tên là “1Ø,000 Emerald Pools”. À rồi còn pop band The Dø (đọc như kiểu “dough” trong chữ Donut) gồm những ngoại binh từ Pháp và Phần Lan đang gây bão trên các bảng xếp hạng. Chơi ký tự lạ có khi sẽ thành trào lưu thì sao?
Tôi sẽ không nhiều lời nữa mà các bạn tự chiêm nghiệm phần nhạc và lời của MØ, chỉ muốn để ở đây vài câu hardcore hay hay mà em cho vào nhạc Pop. Như trong bài “Don’t leave”:
But I'm not just a fuck-up, I'm the fuck-up you need
I don't hear nobody when you focus on me
Perfectly imperfect, yeah, I hope that you see
Tell me you see
'Cause I know that you've been thinking 'bout it
Vẫn không bằng cái sự ám ảnh nghe bài “Mercy” này trong đêm:
You got the look in your eyes
I know I fucked up one too many times
When I was on my selfish shit
I thought no matter what I did you'd stay with me
But never in a million years imagined you would really walk away from me
I need mercy, I'm begging you please
You know I can't sleep without you (ooh)
So tell me it's all a bad dream
'Cause I just can't be without you (ooh)
I'm imperfect (ooh)
I was blind, baby, please I need
Mercy, I'm down on my knees
You know I can't sleep without you (ooh)
Nhân tiện, nếu bạn dùng máy Mac thì có thể giữ phím “+” và phím “o” để ra chữ “ø”. Bọn tôi thì sẽ thử bàn xem có nên đổi tên sang ÊmøødziK cho nó ra trào lưu mới không. Đàng nào cũng khó đọc.
Hẹn gặp lại.
Kink
Em này có cái tên ko search nổi luôn. Dại lắm :)))
Bài đầu tiên nghe của em này (sau khi google thì là chị này) là Glass thấy trên vimeo xong cũng tìm nghe vài bài rồi mí năm sau thấy chị ấy nổi (update chậm do ko nghe nhạc của mazolazer gì đó) mới nhớ ra có phải em bé ngày xưa đây ko hehe