Một tối mùa đông lạnh lẽo. Bên trong một căn nhà lẻ loi tại vùng hẻo lánh có một đôi vợ chồng và mấy đứa con của họ. Ngoài kia chỉ là tiếng gió rít của mùa đông tràn về. Bỗng dưng có tiếng gõ cửa.
Ngạc nhiên và thận trọng, người chồng đi ra mở cửa. Ngoài trời là một gã đàn ông lạ mặt. Và trong khi người chồng chưa kịp nói câu nào, thì gã đã run lên từng cơn cầu xin:
“Ngài làm ơn cứu giúp tôi. Cho tôi chỉ xin tá túc lại đêm này thôi. Tôi bị lạnh đến thấu xương rồi. Tôi đã đi cả một đoạn đường rất dài mới gặp được nhà ông.” - Gã khách không mời đó nói với giọng cầu khẩn.
“Một chuyện kinh khủng vừa xảy đến với gia đình tôi. Tôi xin thề là những gì tôi kể đều là sự thật”. Trước cái nhìn hoài nghi và lưỡng lự của người chủ nhà, gã ta run run kể.
“Mười năm trước, tôi có gặp người con gái sau này là vợ tôi. Cô ấy tên Joy và xinh đẹp vô cùng với đôi mắt xanh ngọc. Không lâu sau đó chúng tôi tổ chức đám cưới và thời gian đó sớm trở thành giai đoạn đẹp nhất trong đời tôi.
Thế rồi một sáng nọ, tôi tỉnh dậy và thấy vợ tôi khóc từng cơn vật vã. Cô ấy cứ khóc như vậy nhiều ngày liền mà không rõ lý do. Cô ấy ngày một trở nên buồn bã và trầm cảm hơn. Đôi mắt xanh đó giờ trở nên vô hồn, không còn giống người con gái tên Joy tôi quen trước đây.
Dường như có một linh hồn khác đã nhập vào người cô ấy khiến cho khuôn mặt đó chỉ toát lên sự u sầu và đen tối
“Farewell happy fields,
Where joy forever dwells,
Hail, horrors, hail!”
Liệu đó là điềm báo cho việc chẳng lành sắp xảy đến hay không tôi không biết nữa? Cái tôi chỉ thấy được là ánh mắt điên loạn đấy luôn chỉ nhăm nhe nhòm con dao trong bếp.
Thế rồi sau đó vợ tôi cũng sinh ra ba đứa con tên Hilda, Hattie và Holly. Chúng giống hệt mẹ chúng với đôi mắt xanh ngọc và đáng sợ là chúng cũng im lặng như cô ấy. Cả nhà tôi đều không có một tiếng cười kể cả sau khi ba đứa trẻ được sinh ra.
Tôi vốn là một bác sĩ nên thường phải đến nhà bệnh nhân khám. Thế rồi một tối tôi ghé qua thăm một người bạn ốm thì có kẻ lạ mặt đã đến nhà tôi.
Hắn trói vợ tôi bằng cuộn băng dính điện và bịt miệng vợ tôi. Rồi sau đó hắn dùng chính con dao trong bếp đó đâm vợ tôi liên tiếp nhiều phát và nhét xác cô ấy vào chiếc túi ngủ. Mấy đứa con gái của tôi cũng bị hắn sát hại dã man như vậy.
Chỉ khi đến đêm tôi về đến nhà thì mọi chuyện đã quá muộn. Tôi báo cảnh sát nhưng họ không bắt được kẻ giết người đó. Hắn ta đã thực hiện nhiều vụ rồi và luôn để lại một câu trong thơ của John Milton viết bằng máu lên trên tường. Ở nhà tôi hắn viết dòng chữ “his red right hand” mà tôi được biết nó trong bài Paradise Lost.
Hoảng sợ và ám ảnh với thảm kịch này mà tôi không thể ở lại căn nhà đó. Tôi đã đi được một quãng đường dài rồi và giờ thì tôi cũng kiệt sức rồi. Tôi thấy ông cũng là người chồng người bố của gia đình, xin ông hiểu và làm ơn cho tôi tá túc lại đêm nay được không?”
***
Kết thúc câu chuyện người nghe không biết diễn biến tiếp theo thế nào. Thế nhưng có vẻ như câu chuyện đáng thương và thuyết phục đó sẽ khiến người chủ nhà đó cho gã lạ mặt kia vào nhà. Chỉ có một điều là trong câu chuyện gã đó kể cũng trích một câu thơ của John Milton:
“Farewell happy fields,
Where joy forever dwells,
Hail, horrors, hail!”
Liệu gã lạ mặt kia có phải nguyên nhân khiến cho cô vợ và gia đình hắn luôn chìm trong u ám và sợ hãi hay không? Và điều gì sẽ xảy đến với gia đình sẽ cho hắn trú lại qua đêm đó?
Đây là sản phẩm âm nhạc của đầu óc điên loạn của Nick Cave và băng Bad Seeds. Không những thế, cả nhóm còn sản sinh ra cả một album với cái tên Murder Ballads với nội dung chỉ về giết người. Bạo lực, máu me, hạ nhục, thảm sát trên nền nhạc ballad. Tính ra cả đĩa có đến 75 nạn nhân bao gồm tất, từ phụ nữ tới trẻ con, mà trong đó 4 người ở trong bài "Song Of Joy" ở trên.
Trong album Murder Ballads đấy, nổi nhất chắc là bài "Where The Wild Roses Grow" mà Nick Cave song ca với Kylie Minogue. Đây là một màn hợp tác ngẫu nhiên bất ngờ (trừ việc là cả Kylie và Nick đều là người Úc). Không như chất nhạc pop mà Kylie thường hay hát, bản tình ca giết người này lại không ngờ lại hợp với cô hơn cả. Nhất là khi giọng ấm áp của Kylie hoà hợp với chất giọng nam trung đặc trưng của Nick.
Tin tốt là số lượng nạn nhân trong bài này chỉ có một. Nhưng Nick để cho Kylie hát với góc nhìn của chính nạn nhân bị gã người tình đập ngay hòn đá vào đầu và thả xác trôi bên suối vào đúng buổi hẹn hò lần thứ ba. Đối lập là nhạc nền tình cảm da diết của đàn violin hơn cả một bản ballad thông thường mới khiến người nghe sởn gai ốc.
Cái quái thai trong nhạc của Nick Cave là ông sẵn sàng gây tò mò cho người nghe khi tung ra single đó để rồi ai đó mua album đấy về mà phải thốt lên rằng “sao các bài khác trong đĩa đều dị và còn kinh hơn vậy?”. Dị còn ở chỗ Nick cho ngay một tràng tiếng hét ma quái ở bài "The Curse Of Millhaven" ngay sau bài "Wild Roses" đó khiến người nghe giật bắn mình. Riêng bài này số người chết là nhiều nhất, lên đến 23 người.
Giết người và hành hạ chán chê rồi, bài "Henry Lee" tuyệt hay đổi lại với vai ác là phụ nữ. Trong bài, Nick song ca với PJ Harvey hợp đến mức mà sau đó hai người kịp có mối quan hệ tình cảm sâu đậm tàu nhanh chóng vánh. Ở bài này Henry Lee do Nick nhập vai lại là nạn nhân. May thay ngoài đời Nick không bị PJ xiên bằng con dao rồi ném xác xuống giếng như bài hát.
Thực ra trong nhạc của Nick Cave, chủ đề bạo lực và sát nhân làm chủ đạo, được hơi hướng từ những album đầu tay của ông với Bad Seeds sau khi nhóm Birthday Party tan rã.
Thế nhưng xuyên suốt 16 đĩa (tính từ thời Bad Seeds và chưa gồm hai album dự án ngoài Grinderman chất garage rock cực hay) trong vòng 35 năm sự nghiệp, đáng nể là ông luôn không ngừng thay đổi âm nhạc của cả hội. Ông đã thử sức với đủ các sắc thái - ồn ào, yên lặng, giận dữ, nhẹ nhàng, tà dâm, mềm mại, đen tối, và nhiều nữa. Để làm được điều này, qua mỗi thời kỳ, mỗi album, Nick không ngần ngại sáng tác những bài phong cách post-punk, blues rock, garage, gothic cho đến folk và những bản pop giai điệu ngọt ngào. Nick còn có hỗ trợ đắc lực từ bộ sậu tài năng The Bad Seeds chơi nhạc cụ trong band. Lúc thì là các loại đàn acoustic, lúc thì chủ đạo từ đàn organ và guitar điện, lúc thì qua tiếng bass mạnh bạo và tiếng trống dồn dập, và có lúc chỉ gần như là solo của Nick với cây đàn piano. Tuy nhiên điểm chung của tất cả các bài đều là lối kể chuyện lôi cuốn, bất kể về đề tài gì đi chăng nữa.
Bí quyết làm mới cho âm nhạc của Nick là ông sẵn sàng tìm cảm hứng từ mọi lúc mọi nơi. Ông tuyệt đối không để những tính toán hay do dự ảnh hưởng đến tính sáng tạo. Chừng nào mà đoạn nhạc ông sáng tác ra mà gây cảm giác khó chịu, chính là lúc ông biết mình đang đi đúng hướng. Chính vì thế cả band Bad Seeds cũng chỉ khoái những bản sáng tác nháp của Nick càng ít hoàn thiện càng tốt để mỗi người có cơ hội khám phá những âm thanh mới.
Với tôi, Nick Cave và băng Bad Seeds là một trong số ít nghệ sĩ mà tôi tìm được tình cảm với hầu hết các album, đặc biệt là Tender Prey (1988), Let Love In (1994), The Boatman’s Call (1997), Abattoir Blues / The Lyre Of Orpheus (2004) và dĩ nhiên Murder Ballads (1996). Chúng đều có sự cuốn hút và hấp dẫn đến lạ thường. Đến cái tuổi ngoài 50 mà ông vẫn sáng tác ra những album như Dig, Lazarus, Dig!!! (2008) nghe tươi mới như bao ban nhạc rock trẻ khác.
Giờ đây, ngồi lại sau cái ngày Nick và Bad Seeds hoàn thiện album cuối gần đây nhất - Skeleton Tree (2016), ông đã khác rất nhiều. Trầm ngâm và nhiều suy nghĩ. Ông không thay đổi vì buồn chán với phong cách nhạc từng theo đuổi, mà do một thảm kịch xảy đến với gia đình ông trong lúc thu âm cho Skeleton Tree. Người con trai mới 15 tuổi của Nick trượt chân ngã xuống vực ngay tại nơi gia đình ông sinh sống. Vợ ông khóc khi cầm bức tranh vẽ của cậu con trai hồi nhỏ có hình ảnh cái vực đó. Bà là người mê tín và luôn dằn vặt tại sao hai vợ chồng lại đóng khung đen thay vì màu trắng cho bức tranh đó.
Cái cảm giác đau đớn tột cùng không thể hàn gắn của người cha người mẹ vẫn phải đặt qua một bên để Nick và vợ tiếp tục sống vì người con trai còn lại. Nick vẫn tiếp tục lao đầu vào công việc để quên đi nỗi đau. Âm nhạc của Skeleton Tree vì vậy khác xa nhất với các tác phẩm âm nhạc trước đây. Không còn âm thanh rộn ràng, ồn ào hay những bản ballad mà thay vào là sự chậm rãi trầm lắng chủ yếu của nhạc điện tử trên nền piano và lời nhạc bao trùm là sự mất mát và cái chết.
“You fell from the sky Crash landed in a field Near the river Adur Flowers spring from the ground Lambs burst from the wombs of their mothers In a hole beneath the bridge You convalesced, you fashioned masks of twigs and clay You cried beneath the dripping trees Ghost song lodged in the throat of a mermaid ...... With my voice I am calling you”
(Bài Jesus Alone)
Vậy là đến một ngày, có ai ngờ một gã ngông cuồng máu lạnh như Nick lại bị chính éo le cuộc đời quật ngã. Chỉ mong ông vẫn vực lại và vẫn tìm được cảm hứng với để tiếp tục làm công việc sáng tạo trong âm nhạc, diễn xuất, viết sách và viết kịch bản phim như ông vẫn thường làm.
Hẹn gặp lại.
Kink