top of page

Queensrÿche: ban nhạc của riêng Geoff Tate?

Nikki tỉnh dậy trên giường bệnh viện, đầu óc lãng đãng trong nền nhạc mông lung, và gã dần nhớ ra mọi thứ (I remember now). Từ quá khứ nghiện ngập cho đến khi đứng trong hàng ngũ của tổ chức Anarchy X, gồm những kẻ nổi loạn mà đứng đầu là gã có biệt danh là Dr. X, mưu đồ một cuộc cách mạng trước tình hình chính trị be bét thời tổng thống Reagan, bỗng chốc hiện về (Revolution Calling).


Dr. X, ngoài quyền năng dụ khị các thanh niên ngáo đá và biến chúng thành những kẻ sát nhân không gớm tay, còn có khả năng thôi miên siêu hạng: mỗi khi gã thì thầm chữ “mindcrime” là các anh em lập tức trở thành những con robot đi thực hiện nhiệm vụ sát thủ (Operation: mindcrime).


Trong một lần làm nhiệm vụ, Nikki quen với Mary (Spreading The Disease), cô gái vốn xuất thân gái điếm sau trở thành… bà sơ (!!!) Lẽ tất dĩ ngẫu là Nikki bắt đầu nhìn ra cửa sáng và bắt đầu bơ tổ chức đi. Chuyện này dĩ nhiên không qua được mắt Dr. X, và gã gọi Nikki lên kêu đi xử Mary (The Mission). Nikki đến nhà thờ của Mary và giết chết… cha cố (thay vì Mary) Đương nhiên ai cũng hiểu là Nikki đã yêu bà sơ (Suite Sister Mary).


Theo đúng kịch bản phim hành động, Nikki giờ chỉ còn cách quay lại xử Dr. X, nhưng không đơn giản. Đương nhiên sẽ có cuộc đấu khẩu với ông trùm, mà phần thua chắc chắn là Nikki vì gã lúc nào chả phụ thuộc chất gây nghiện của Dr. X (The Needle Lies – bài này cãi nhau mà nhạc hứng vãi) Đoạn, Nikki bỏ đi, và còn ai để tìm nữa đâu ngoài Mary, mỗi tội khi tìm đến thì Mary chết mịa lúc nào mất rồi (Electric Requiem) Sau mới hay rằng Dr. X ép Mary tự chết, bằng cách… dọa là sẽ giết Nikki  (có thể bằng cách không cho ma túy free nữa!!!)


Nikki phát điên (Breaking the silence), chạy ra đường và rơi ngay vào tay cảnh sát với tội danh giết Mary, chưa kể những vụ trước đây gã làm sát thủ (I don’t believe in love) Nikki sau đó thế nào lại bị đưa vào bệnh viên tâm thần, và đoạn cuối lúc gã hồi tưởng lại lúc đời còn tươi với Mary (Waiting for my 22), cũng là lúc câu chuyện quay lại với điểm ban đầu.


Phần này của câu chuyện kết lại khi Nikki nhìn vào trong gương và đã không còn có thể nhận ra chính gã (Eyes of a stranger). Việc xử Dr. X cho có hậu, vì vậy xin để lại phần sau (phát hành sau tận 18 năm).

Wilton, Jackson, Tate, Rockenfield, và Degarmo

***

Có lẽ câu chuyện này đã trở nên quá quen thuộc với các fan của Queensrÿche, vì album concept Operation: Mindcrime có lẽ đã trở thành thứ đặc sản của không chỉ Queensrÿche mà còn của cả ngành Progressive Metal thế giới.


Và nếu như bạn chưa có dịp nghe album này, thì cũng đừng vì vốn kiến thức phim hành động siêu hạng của mình làm bạn bớt hứng thú trước vở nhạc kịch kiểu progressive metal tuyệt hay này, vì nó rất xứng đáng có mặt trong bộ sưu tập của bất cứ Headbanger nào.


Trước tiên, nhạc của Queensrÿche (với chữ ÿ có đôi sừng) nghe rất lọt tai, vì họ là một ban nhạc kiểu Mỹ điển hình, và nổi lên ở trong thời Glam Rock đang thịnh. Mặc dù Queensrÿche tự nhận họ thất bại trong việc theo đuổi hình ảnh một Glam band, vẻ bề ngoài rất ngầu, lối chơi mãnh liệt, và giọng hát cao vút của Geoff Tate vẫn ghi dấu ấn trong người nghe về một Metal Band cực “chất” dù không có vẻ ngoài quá “ưa nhìn”. Chưa hết đâu, âm thanh của họ được chau chuốt trên tầm của Glam Rock nhiều, và lời lẽ trong các bài hát thì đều mang theo các câu chuyện rất đời. Chả nói đâu xa, câu chuyện của Operation: Mindcrime nếu chỉ xem lyric mà không quan tâm phần nhạc, nó rất giống kiểu thơ đường phố rất được ưa chuộng thời đó, khi nói ra những thứ nhức nhối trong xã hội mà TV lẫn các chính trị gia lảng tránh. Nên nhớ giai đoạn cuối thập niên 80s cũng là thời phát triển của nhạc Hip hop với những nghệ sĩ tiên phong nói chuyện “đường phố” và đi vào lòng người nghe bất chấp việc không có kênh radio nào phát nhạc của họ, và TV liên tục đưa tin về họ như những kẻ “nói xấu chế độ”. Mọi người có thể tranh luận âm nhạc của Heavy Metal là phải theo kiểu Blues, kiểu cổ điển, chứ mấy khi theo kiểu đường phố. Riêng tôi nghĩ, âm nhạc đường phố, lúc nào cũng sẽ có thể thành công ở Mỹ, nơi mà phố xá vốn là nguồn đề tài và cảm hứng vô tận nhưng rất đời, rất gần gũi. 


Hay cái là, từ những lời lẽ đời thường như thế, Geoff Tate có thể hát thành giai điệu cực hay, với đủ các loại kỹ thuật mà thời đó chỉ có thể tìm thấy ở nhạc kịch truyền thống: nhấn nhá, kịch tính, nhấp rồi nhả giọng, đối thoại trên nền nhạc thay đổi, hát giọng sến, hát giọng gân, v.v.. Mọi người có thể đả kích Geoff Tate là một gã tồi trong band Queensrÿche, khi trở nên ích kỷ và tự cao tự đại chả coi ai ra gì từ sau bộ ba album thành công Mindcrime (1988), Empire (1990),Promise Land (1994), kéo theo mâu thuẫn nội bộ rồi chia rẽ dẫn đến âm nhạc trở nên chán dần sau đó; nhưng có lẽ không thể phủ nhận khả năng hát đa dạng của anh và nó cực hợp với kiểu nhạc kịch thế này. Ấy là chưa kể đến cách viết lời giàu hình ảnh và rất thơ, chẳng hạn như trong bài “The mission” cách anh mô tả các nạn nhân như là mấy cây nến, mỗi cái một kiểu nhưng đều có kết cục như nhau cả; hay trong như đoạn tả the needle keeps calling me back to bloody my hands forever trong bài “The needle lies”.


Và đừng quên là, cùng trong thời gian đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Iron Maiden cũng cho ra một album concept rất hay khác là Seventh Son of Seventh Son, với triết lý giúp họ tiến gần đến lối chơi progressive mà Steve Harris hằng theo đuổi. Nhưng dù hai album này đều xứng đáng nằm trong top 10 các Metal concept album, Seventh Son vẫn không có kiểu đặc sắc như Operation Mindcrime ở ý đồ xuyên suốt của câu chuyện, cũng như cách tiếp cận rất “đường phố” của nó.


Geoff Tate thậm chí còn đẩy vở nhạc kịch do anh và tay guitar Chris DeGarmo lên một tầm cao mới, khi không chỉ kể chuyện dưới vai người đứng ngoài: anh còn trực tiếp đóng vai chính Nikki (hát giọng sến), và chơi luôn cả giọng của Dr. X (hát giọng ông trùm ồm ồm).


Ở cái thời mà việc thực hiện Concept album hãy còn là một thứ khá là mới mẻ và liều lĩnh với các hãng đĩa, chưa kể đến việc khó có thể kết hợp nhiều nghệ sĩ để thu âm nhiều vai như các vở nhạc kịch sau này (như cách mà Tobias Sammet làm với Avantasia), tôi cho là cách làm sáng tạo của Geoff Tate rất đáng chú ý, và người nghe hoàn toàn không hề nhầm lẫn giữa các vai, khi anh rất khéo léo đan xen các ngôi thứ dùng trong các đoạn thoại (và cả hát sến chảy nước). Tất nhiên, không thể không nhắc tới gam màu khá nét từ vai Mary do Pamela Moore góp giọng.


Sau này lúc có điều kiện rồi, lúc làm Operation: Mindcrime phần 2, Queensrÿche mời thêm cả Ronnie James Dio đóng vai Dr. X, và nữ rocker Pamela Moore lúc này đóng vai… bóng ma của Mary, đi xúi Nikki xử bằng được Dr. X. Nikki sau khi xử xong Dr. X thì cũng tự bòm mình luôn, rồi hồn ma của Nikki bay lên và gặp lại Mary ở cõi hư vô. Hết chuyện.


Nhưng rồi phần 2 cũng vẫn hầu như là màn độc diễn của Geoff Tate, vì lúc ấy Chris DeGarmo bị sa thải rồi, chỉ còn mỗi Tate cặm cụi góp bút trong hầu hết các bài. Ngạc nhiên cái là, các tay còn lại cũng không góp sức nhiều, chỉ chơi nhạc và đi lưu diễn (có chỗ còn đồn là vài phần guitar được thu bởi engineer trong phòng thu, còn track trống của “I am America” thậm chí còn được làm bằng midi). Có lẽ rạn nứt của nhóm lúc này đã bắt đầu trở nên sâu rộng, gốc rễ có lẽ từ việc Geoff Tate biến Queensrÿche thành ban nhạc của riêng anh khi để vợ anh làm quản lý cho ban nhạc từ 2005, còn con gái anh thì điều hành fan club. Nhưng có lẽ hôm nay ta không đào sâu thêm vào mâu thuẫn tốn giấy mực này.


Cái tôi muốn nói ở đây, ấy là việc làm concept album và tả xung hữu đột hát nguyên cả câu chuyện có lẽ là đặc sản của Geoff Tate, là kiểu mà anh có thể thể hiện hết tài năng lẫn sự cao ngạo của mình. Không dừng lại ở một ca sĩ Metal hát được đến 4 quãng tám, Tate đã chứng tỏ cho mọi người thấy sự khôn ngoan của anh trong âm nhạc, thậm chí ngay từ bước đầu khi tham gia The Mob, nhóm được thành lập bởi tay guitar Michael Wilton, Chris DeGarmo, tay bass Eddie Jackson, và tay trống Scott Rockenfield. Tate lúc đầu cũng chảnh, không chịu tham gia The Mob vì band chỉ hát cover nhạc Heavy Metal, cũng như bắt chước theo kiểu của NWOBHM, chỉ cho đến khi nhóm quyết chơi nhạc của riêng họ với EP Queensryche và ca khúc đình đám “Queen of the reich”, Tate mới tham gia cuộc chơi và mở tung cái túi chứa đầy trí khôn của mình. Tầm nhìn của Tate được gửi gắm thậm chí ngay từ trong lời lẽ của bài “Queen of the Reich”, trong đó chữ Reich trong tiếng Đức đã có nghĩa là một đế chế (Geoff Tate là người Mỹ gốc Đức), và chữ Queensrÿche là cách đọc chệch đi của Queen of the Reich, để tránh hiểu lầm có sự liên quan đến Đức Quốc Xã (vốn tự gọi là đế chế Third Reich).


Thế nên để đọc đúng chữ "rÿche" trong tên band, phải để ít nước miếng trong họng để kéo thêm chữ "kh" dài ra một chút (không phải "ch"): rai-khhhhhhhh.


Dù các anh trong Queensrÿche trước giờ vẫn nhịn nhau như nhịn cơm sống, sự kết hợp âm nhạc giữa tài năng hát và sáng tác của Tate với khả năng chơi nhạc sáng tạo của các cây còn lại vẫn là thứ xứng đáng để họ hy sinh, và nó đều được thể hiện ở Operation: mindcrime với lối chơi guitar đôi và trống mạnh mẽ không khác gì NWOBHM là mấy. Điểm khác biệt, có lẽ là ở kiểu chơi như nhạc kịch, với sự thay đổi tiết tấu liêu tục tùy theo kịch tích của câu chuyện, hay cảm xúc của các nhân vật, mà rất tự nhiên nó trở thành progressive. Không những thế, cách chơi với những hợp âm đôi lúc rất cũ kiểu Blues, đôi lúc rất ngầu kiểu Black Sabbath, và đôi lúc rất ma quái kiểu Industrial, đã tạo ra màu sắc rất rõ nét cho cốt truyện, thậm chí nó đủ tốt cho những người không phải giỏi tiếng Anh như tôi, có thể nhận ra diễn tiến của câu chuyện đang đến hồi gay cấn nào.


Chỉ tiếc là sau này quan hệ của các thành viên trong Queensrÿche không còn mặn mà, khi lần lượt Chris DeGarmo ra đi, rồi đến Geoff Tate, đỉnh điểm là vụ lùm xùm kiện cáo sau khi Tate bị sa thải. (đấy, đã bảo không nhắc đến lùm xùm mà xem ra vụ cãi nhau này còn vui hơn cả kịch bản của Mindcrime) Túm lại, năm 2012 Queensrÿche sa thải vợ và con gái Tate, Tate trả đũa Wilton và Rockenfield bằng nắm đấm ngay trên sân khấu, rồi thì đường ai nấy đi. Tòa xử: các anh em được giữ cái tên Queensryche, còn Tate được sở hữu Operation: Mindcrime và Mindcrime II. Thế mới có chuyện tếu chưa từng thấy khi ở thời hiện tại có hai band Queensrÿche vẫn liên tục ra đĩa: một là do Tate dẫn dắt dưới cái tên Operation: mindcrime, một do các thành viên còn lại kết hợp với ca sĩ mới cũng rất hay là Todd La Torre.


Nhưng điều đó cũng cho thấy, sản phẩm trí tuệ mang tên Operation: Mindcrime quan trọng với Geoff Tate đến nhường nào. Và dù cái mặt anh không được nhiều người ưa, với cả mỏ dẩu và cằm chẻ (giọng hát nói chung không ăn nhập khuôn mặt), với tôi giọng hát của anh và mấy câu guitar của cặp DeGarmo/Wilton là đủ khi nghe nhạc của Queensryche.


Hẹn gặp lại


Kcid

233 views

Recent Posts

See All
bottom of page