KHUYẾN CÁO ĐỘC GIẢ: hãy đọc bài này cùng nhạc của Radiohead, chẳng hạn như "Where I end and You begin" (Hail to the Thief)
Tôi nhớ hồi trẻ con nếu có nghe nhạc nước ngoài của mấy band như Oasis, Blur, hay Suede, thì cũng là để khám phá thứ nhạc alternative rock của dân Anh nó phát triển ra mạnh mẽ như thế nào. Nói chung đều là thuộc loại khó nghe hồi đó.
Còn Radiohead là một thể loại thậm chí không dám nghĩ tới. Đó là vì chính thứ nhạc khó diễn tả của ban nhạc này: nó là alternative rock đầy tính thể nghiệm, rồi sau còn có cả thứ âm thanh điện tử nhét thêm vào.
Tôi nhớ hồi đó ấn tượng nhất bài "Creep", đặc biệt là tiếng riff “tạch tạch” “tạch tạch” “tạch” khàn đục giận dữ của phần guitar trước khi vào phần điệp khúc không lẫn đi đâu được. Thế thôi, còn đâu không biết gì về Radiohead.
Sau đó tôi mới có chuyến xa nhà vài năm và nhờ anh bạn mix cho một đĩa với yêu cầu của tôi là nhạc phải buồn thối ruột. Thế là trong đống đó lòi ra hai bài "Street Spirit" và "Exit Music (For A Film)". Bài "Street Spirit" thì dễ nghe hơn vì giai điệu guitar nền quá hay và buồn lắm! Thế nhưng bài "Exit Music" thì chắc phải dành cho hội trầm kẻm. Nó quá chậm và đều đều, để rồi đoạn cuối là dồn lên tất cả những thứ âm thanh buồn bã nhất. Và đó là lúc tôi hiểu nhạc Radiohead nó hay thế nào. Giọng hát của Thom Yorke luôn đều đều sầu thảm và có lúc lên cao bằng giọng gió, đến mức hơi lạc đi.
Những bài đỉnh nhất của Radiohead đều có tiết tấu chậm với phần production rất kỹ khi sử dụng nhiều âm thanh kỳ lạ, kể cả sử dụng các phần mềm làm nhạc trên máy tính. Yếu tố thể nghiệm trong nhạc Radiohead, do vậy, là cực rõ. Các thành viên trong band đều tham gia phần phối âm theo cách ít truyền thống nhất miễn sao phù hợp với bài hát họ muốn thể hiện: đó có thể là âm thanh của đàn cello thật, hay có khi lại là tiếng do máy tính phát ra. Mỗi thành viên đều có thể đánh nhiều nhạc cụ kể cả truyền thống lẫn sử dụng thiết bị sampling.
Nhưng hơn tất cả là khả năng dẫn dắt bộ óc của người nghe bằng âm nhạc.
Tôi sẽ thử dùng cách sau để mô tả khả năng dẫn dắt của Radiohead. Giả dụ, giai điệu của Thom Yorke dự định hát như vầy (đường màu đỏ):- giai điệu của Thom Yorke thường không có quá nhiều phần lên xuống ở khoảng rộng.
Cái hay nhất của nhạc Radiohead là vòng hợp âm (Chord progressing) của các anh rất đặc biệt. Thường mỗi hợp âm (chord) trong bài của Radiohead đều được “thửa” cho đúng câu giai điệu đó, không bài nào giống bài nào và càng không giống các dòng nhạc pop khác. Cách “thiết kế” của Radiohead thường khiến cho hai hợp âm liên tiếp có rất ít sự tương đồng mỗi khi chuyển giao, và như thế tạo ra cảm giác dường như giai điệu của bài hát phải chạy lọt qua những cái khe hẹp đó (biểu diễn bẳng các hộp màu sáng). Nếu chỉ nghe vòng hợp âm của Radiohead chơi không có lời hát, sẽ thấy nó hơi bị "ngang" tai. Và như thế khi có giai điệu của Thom Yorke vào, tự nhiên một cách thụ động, người nghe sẽ bị hút theo giai điệu của anh.
Điều này không BAO GIỜ thấy ở nhạc Pop, hay những thể loại nhạc 4-Gam (kiểu C, G, Am, F chẳng hạn) khác, khi mà các điểm tương đồng giữa các hợp âm là rất trù phú. Giai điệu của nhạc Pop vì vậy, sẽ có nhiều “không gian” để bay bổng hơn (ví dụ như đường màu cam và màu xanh đậm rất thoải mái đánh võng, chứ không cần lách khe hẹp). Nhưng ngược lại, cũng vì thế, mọi người thường nghe bài này có nhạc na ná bài kia, do chúng đều hát trên cùng một chord progressions.
Chưa hết, sau khi dựng ra vòng hợp âm cơ bản cho bài hát, thường là với rhythm guitar hoặc piano, các anh Radiohead sẽ tiếp tục được làm đầy bằng trống, bass, nhạc cụ điện tử, phần programming, và các âm thanh thể nghiệm khác. Không gian âm nhạc xung quanh tiếng hát của Thom Yorke, vì vậy, sẽ càng trở nên chật chội và như bóp nghẹt lấy giọng của Thom.
Ah, đến lúc này các bạn có thể thấy giai điệu của bài hát nó phải đi qua một con đường hẹp và lắt léo thế nào, chưa kể màu sắc âm nhạc bản thân nó đã xám từ đầu. Nghe nhạc của Radiohead, vì vậy, giống như bạn được đưa vào một con đường rất tối, và bạn đi hoàn toàn dựa theo những dấu hiệu hai bên tường và các vật cản va bôm bốp vào đầu bạn. Bạn cứ thế men theo mà đi, càng đi càng thấy nó sâu thăm thẳm và không biết dẫn đến đâu, cho đến khi bạn tìm được tới một căn phòng trống tối om.
Thực ra, không phải bạn tìm ra căn phòng đó, mà là vì Radiohead MUỐN BẠN Ở TRONG ĐÓ.
Thế rồi sẽ có một sự giận dữ nổ ra, thường là từ tiếng đàn distortion của anh Jonny Greenwood. Tưởng tượng nếu Radiohead dùng âm thanh của họ đặt lên tường vài bức tranh, bạn sẽ giật hết chúng xuống; nếu Radiohead đặt vào trong phòng một cái bàn đầy ly cốc, bạn sẽ gạt phăng xuống đất; nếu Radiohead đặt vào phòng một chiếc ghế với một cây đèn ánh sáng đỏ hiu hắt, bạn chỉ còn biết ngồi xuống ôm đầu; và nếu Radiohead đặt vào đó một cánh cửa mở ra một khoảng không mưa như trút nước, bạn sẽ vẫn mặc nguyên quần áo như vậy bước ra để ướt sũng.
Ha, và rồi sẽ có một tiếng đàn acoustic rải văng vẳng đâu đó, khiến bạn không thể không ngẩng lên. Không gian sẽ lắng lại.
Các bài của Radiohead đều thê thảm, u sầu ở các mức độ khác nhau. Tương tự như bạn đi ăn bát mỳ cay mấy cấp độ, thì nghe nhạc Radiohead chỉ như chọn cấp độ buồn nào mà thôi. Thế nên mấy thằng emo như mấy anh em tôi trong hội blog này đều tìm được góc của mình trong âm nhạc của Radiohead. Cơ mà hay hơn cả trong thứ nhạc đó, chính là tiếng đàn acoustic kia, xuất hiện lúc này hay lúc kia, gợi mở ra một thứ gì đó siêu hình nhưng thật dung dị: hy vọng.
Trước đây tôi nghĩ nhạc Radiohead chắc hợp với ai đó mới chạm xuống đáy của mọi nỗi khổ đau; rồi sau tôi lại đoán nhạc này hợp cho những người bị tổn thương cảm xúc.
Nhưng sau khi lách qua những khúc cua của riêng mình, tôi bây giờ lại thấy nhạc Radiohead là dành cho kẻ nội tâm. Đó là những người tìm cách sống chung, thay vì đè chặt cái phần yếu đuối trong con người họ, khi họ không ít lần chỉ là kẻ đứng ngoài những cuộc chơi; vì đối với họ chỉ cần ngồi một mình nghe một bài hát thật hay phù hợp tâm trạng thì cũng đã là ổn lắm rồi. Nhạc của Radiohead mặc dù mang màu tối như thế, nó lại không bao giờ đem đến cảm giác kết thúc.
Tôi thì lại viết bài này khi nghe đi nghe lại bài "Jigsaw Falling Into Place".
Hẹn gặp lại khi đầu óc tôi trở lại.
Kink
visualization rất hay và dễ hiểu ạ!!
Mắ, ad viết hay quá đm, t cungx thích nhất bài jigsaw falling into place và nude vừa baajt max volume mặc mỗi cái sịp nhảy múa khắp nhà rồi nằm đờ ra giữa nhà khóc
Uyệt
tuyệt