top of page

Sia: emo thì không ai diễn thay được

Updated: Feb 12, 2019

“Sao nhạc của Sia nghe buồn nhỉ?” vợ tôi tự nhiên hỏi bâng quơ. Chả là dạo này nhà tôi hay có party, và để đơn giản nhất phù hợp nhiều gu, tôi hay mở Sia non-stop.


“Mà liệu anh có biết tại sao không?” tôi còn chưa kịp nói gì thì đã bị quăng cái móc ngang họng thế có bực không.


“Dĩ nhiên là anh biết!” – dĩ nhiên là tôi không biết – “nhưng không thấy tôi đang làm gì đây à (*). Chờ rửa xong đống bát này rồi nói cho mà nghe”.


Tôi có học được một chiêu rất hay từ Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký từ thời hay xem phim bộ: câu giờ. Và đây là đống bát rửa phải 10 phút nữa mới xong, nhạc Sia thì đang bật, và giờ lục lọi trong cái đầu óc toàn “kim loại nặng” này xem mình biết gì về Sia để chém. Đây rồi:


SIA LÀ NGHỆ SĨ THẾ NÀO

Tôi chỉ biết Sia đã từng có một sự nghiệp làng nhàng suốt cả thập kỷ trước với 5 albums nghe khá nhạt nhòa, mặc dù được đặt cho những cái tên khá là kêu. Thậm chí, đến đĩa thứ 5, Sia còn đặt cho nó cái tên “Reborn” với hy vọng là sự nghiệp của cô sẽ khá khẩm hơn. Thử nhìn 5 album dưới đây và nói cho tôi biết bạn nhận ra album nào.

5 album đầu của Sia

Mãi đến năm 2014, cô mới có album thực sự đột phá với “1000 forms of fear” và từ đó là liên tiếp các album đều hay với “This is acting” và “Everyday is Xmas”.

3 album rất thành công gần đây

Vậy thì từ giữa 2010 đến 2014, Sia đã làm gì để tạo ra cuộc lội ngược dòng?


Thú vị cái, là nó bắt đầu từ chính “We are reborn”, vì khi đó sự nghiệp của Sia bắt đầu khởi sắc, chính sự nổi tiếng và cái chết của bạn trai đã làm cô sụp đổ. Sia không thể đón nhận được tất cả những chuyện này, và sau thời gian chìm đắm vào chất gây nghiện và rượu, đã có lúc cô đã tính chuyện tự vẫn vào năm 2010, và may thay có một người bạn gọi điện đúng lúc và khuyên cô nên sống.


Người bạn đó khuyên Sia đâu cần phải thò mặt ra để đón nhận sự nổi tiếng nữa, mà có thể rút vào hậu trường và chuyên tâm viết nhạc. Những ca khúc cô viết hoặc cộng tác viết như cho Beyonce (Pretty hurt), Rihanna (Diamond), Britney Spears (perfume), Jessie J (flashlight) – đều có điểm chung là màu sắc trầm buồn của Sia, dù được trình diễn bởi những người khác.


Và có lẽ nhờ thế, Sia thấy được khuây khỏa hơn và dần tránh xa rượu với chất kích thích, để bắt đầu cuộc sống mới. Lần này tâm sự của cô vẫn được mọi người lắng nghe, nhưng cô không cần phải chường mặt ra nữa. Thế nên muốn viết gì thì viết thôi, tội gì (Spoiler alert: đến lúc sẵn sàng thì cô sẽ trở lại hát).


BỘ TÓC GIẢ GIÚP ẨN DANH

Có lẽ cái Sia không ngờ tới là sự thèm thuồng được trở lại để đi hát của chính cô. Và bỗng dưng Sia phát minh ra bộ tóc giả trứ danh. Nó dường như giúp cô như được che chở khỏi thứ cô sợ nhất: sự nổi tiếng.

“This is acting” cũng là một trường hợp thú vị của Sia. “Cheap thrill” thì vốn định viết cho Rhihanna, “Alive” thì viết cùng Adele và tính dành cho Adele, còn “Move your body” thì tính dành cho Shakira, 2 trong số đó bị các em kia từ chối không cho vào album, và rồi cả 3 đều trở thành single “hót” quảng bá cho album này. Nói nôm na, Sia định viết nhạc theo cách của 3 em trẻ, giờ cô diễn thay cho 3 em luôn, và vai diễn quá ư là thành công. Vậy khi nào là lúc bạn không muốn là mình mà chỉ muốn là người khác? (Spoiler alert: Lúc tuyệt vọng đúng không?)


Còn nữa, giọng của Sia cũng làm cho người nghe cảm thấy cô “từng trải”. Mà đúng thật, Sia đâu có trẻ nữa, lại từng kinh qua thời gian dùng chất gây nghiện. Nhưng có lẽ hiệu ứng không ngờ từ việc núp dưới bộ tóc giả “ẩn danh” hát nhạc của các em, đã khiến cho khán giả tò mò nhiều hơn về cái sự từng trải ấy. Nhất là khi nhạc của Sia lại được sản xuất với beat theo kiểu dance Pop thời thượng mà đa số các em trẻ đẹp hay hát.

Sia biểu diễn dưới bộ tóc giả, và thường ở một góc không có spotlight


Chưa hết, bộ tóc giả còn giúp Sia không bị gắn với hình ảnh của bất cứ ai, và vô hình trung nó giúp cô ”cắt đứt” với quá khứ đáng quên. Ở chiều hướng tích cực, khi không bị gắn với hình ảnh cụ thể nào, Sia có quyền tự do thử nghiệm trong âm nhạc mà không cần quá quan tâm đến việc sản phẩm được đón nhận thế nào. Điển hình là album thứ 3 “Christmas” có màu sắc và kiểu nhạc khác hoàn toàn so với 2 album trước đó. (Spoiler alert: đâu như giờ Sia lập ra supergroup LSD và còn hát nhạc theo kiểu khác nữa)


TEMPO TRONG NHẠC CỦA SIA

Ngoài “bộ tóc giả” cô thường đội, Sia còn có một “bộ tóc giả” vô hình trong âm nhạc của cô nữa. Ấy là nhạc của Sia thường được viết và hát ở tempo loanh quanh và dưới 90 nhịp/phút, nhưng lại được đè lên lúc này lúc khác bởi phần beat ở tempo nhanh gấp đôi. Và nếu gạt bỏ phần beat ra, thì lời hát của Sia chậm và sâu lắng lắm (Spoiler alert: nhạc có nhịp càng chậm hơn nhịp tim thì nghe càng buồn).

Sưu tầm từ google: liên hệ giữa tempo và tâm trạng

Thế nên trong “1000 forms” lẫn “Acting”, chiêu này được thấy rõ trong hầu hết các hits của cô từ “chandelier”, “big girl cry”, “elastic heart”, “cheap thrills”, ”unstoppable”, v.v...

Bài được viết chậm nhưng nhạc lại upbeat


Tận dụng triệt để điều này, khi Sia cho ra album thể nghiệm “Christmas”, mặc dù kiểu nhạc đã khác nhưng nó vẫn mang theo đặc trưng lớn nhất: nhịp độ chậm. Sự kết hợp quá thông minh cho kiểu nhạc nghe vào đêm giáng sinh.


NHẠC CỦA SIA GÂY ÁM ẢNH

Đầu tiên là việc lặp lại các câu hát, thay cho việc dùng echo theo tiếng hát truyền thống (chẳng hạn như “1 2 3 1 2 3 drink” trong chandelier hay “had a voice had a voice but I could not talk” trong Bird set free, tôi có thể kể ra vô số) và quả nhiên, kiểu hát này gây ám ảnh thật. Nó giúp “thông điệp” trong bài hát của Sia được đưa đến tai người nghe rất rõ ràng, trong khi rất nhiều lần trong khi hát những chỗ khác, Sia thậm chí không cần phát âm tròn vành rõ chữ.


Và giống như khi bạn nghe một ai đấy nói không tròn vành rõ chữ qua điện thoại chẳng hạn, bạn nghĩ cô ấy đang thế nào? (Spoiler alert: Thổn thức!)


Sau đó là cách Sia hát nhưng tạo ra những âm tiết “lạ” không phải lời hát, kiểu như “doh doh dah dah”. Trò này tôi thấy rất thú vị, không khác gì việc châm thêm các câu tuti trong cách chơi nhạc thông thường. Để ý nhé, trong khi với nhạc Pop, tiếng tuti “sâu lắng” thường hay là tiếng kèn hay tiếng guitar điện réo rắt, kiểu "tuti" của Sia trong nhạc của cô thật sự ấn tượng và ám ảnh.

Câu hát đem theo nhiều điều ám ảnh lặp lại

***

Đoạn sau thì khỏi nói cũng biết nhé. Tôi từ tốn cất chiếc bát cuối cùng lên kệ, tua lại từ bài “Bird set free”, và từ tốn giải thích cho vợ tôi nghe trước một đôi mắt tròn (*) như bóng bầu dục (không hiểu nó đang ngạc nhiên vì khả năng chém của mình, hay vì nghe cũng có lý thật). Nhưng quả nhiên từ đó thì vợ tôi không bao giờ hỏi ngang lúc tôi đang thả hồn rửa bát nữa (*).Tôi tin là không có nhiều người có thể “lội ngược dòng” trong sự nghiệp được như Sia. Nhưng là một trong số hàng triệu người phải rửa bát mỗi ngày, tôi có quyền hy vọng về sự đổi đời (Kroonie đừng nghĩ mua được máy rửa bát là đổi đời nhá)


Thế nên các ông ạ, hãy coi trọng những giây phút rửa bát, nếu như ngày hôm nay ông vẫn phải làm chuyện đó. Và đừng quên trong 36 tuyệt kỹ trước vợ, câu giờ là hơn. 



Hẹn gặp lại!

(*) ghi chép lại theo trí nhớ, có thể không chính xác


Kcid

711 views

Recent Posts

See All
bottom of page