Hôm nay nói chuyện anh Slash. Anh này thì ai cũng biết là giỏi rồi, mà nhỏ lớn lúc nào ảnh cũng muốn làm ra thứ nhạc phải tàn phá thế giới (nói chứ hồi nhỏ mãi đến 14 tuổi ảnh mới tập đàn để chinh phục thế giới, trước toàn chơi xe BMX nó mới đủ phê). Slash luôn nhắc đến “Appetite for destruction” như là anh đã thay đổi lịch sử âm nhạc thế giới vậy.
Hồi Guns N roses tan rã, hai ông bạn Slash và Axl với sứ mệnh thổi bay thế giới sau đấy…giận nhau. Slash đến tâm sự với ông anh Ozzy “We were like brothers with the world in our hands. Someday you look back and you wonder why. You let it all slip away, yeah” (Crucify the dead - 2010). Còn anh Axl, cũng chả vừa, vặc lại “I'm sorry for you, not sorry for me, you don't know who in the hell to or not to believe” (Sorry - 2008).
Mà thôi, cứ nói chuyện Slash trước đã. Tham vọng tàn phá thế giới của anh sau GNR, nói chứ, cũng không đi đến đâu, từ Slash snakepit cho đến Velvet revolver (nhưng nhạc của 2 band này vẫn hay đáo để). Chưa có band nào thực sự cho Slash cái cảm giác như anh từng tạo ra “Khoái trá trước sự Tàn phá”.
Vẫn nung nấu quyết tâm, đầu 2010 Slash bèn đi audition, hòng kiềm ca sĩ nào đủ gân. Album Slash 2010 là vậy, anh chơi cho gần hai chục ông bà ca sĩ trong CD, tính cả cô Fergie (Fergie!). Trong đám đó, Myles Kennedy có vẻ là được anh kết nhất (rất thiên vị, riêng Myles được hát 2 bài và sau đấy thu luôn đĩa Apocalyptic Love 2012). Cơ mà sức tàn phá thế giới của Slash chỉ đạt đến chín muồi vào năm 2014.
Không cần giấu giếm ý định, đĩa và title track có tựa đề là “World On Fire”. Ngay track đầu tiên, Slash và Myles đã cuốn phăng mọi thứ đi với thứ âm thanh giận giữ và uptempo. Déjà vu ư? Tôi lờ mờ nhận ra tinh thần của “Nightrain”: khi xưa anh hét lên “ready to crash and burn” còn khi nay thì anh “burn it to the ground and trip the wire”.
Track 2 “Shadow life” làm tôi nhớ đến “Mr. Brownstone”. Dường như Slash để cho Myles muốn hát gì thì hát, miễn là để anh tự do ở phía sau cùng với tay trống Brent Fitz với những cú chặt chém qua lại giữa câu riff với crash cymbal, y như cách anh chơi với Steven Adlers trong Mr. Brownstone ngày nào. Rồi thì, như để làm đầy thêm cái sự sung sướng, track 5 “30 years to life” mang tôi về với “Paradise city”.
Nhưng cái này mới hay nè. Track 8 “Too far gone” là cái thứ gì vậy? Tưởng tượng nhé, Slash vẫn còn hận Axl lắm, đến gặp Myles một ngày và đặt hàng “anh vẫn không ưa thằng đó, chú xem thế nào viết một bài chửi chết mịa nó đi nhưng đừng chửi thẳng. Phải làm như phim kiếm hiệp ấy, vào cái là phải hát về ở một nơi xa xôi nào đó”. Và thế là Myles bắt đầu bằng “A kingdom lost, a ransom paid”. Và lúc sau thì "you too far gone" ! Thật liên quan.
Quay ngược lại thời gian của album Appetite, với tôi luôn có một sự hào hứng không nhỏ ở phần kết của “Rocket Queen” khi Slash và Steven Adler đổi mạch nhạc trong khúc kết bài để Rose cất lời “I see you standing…” theo một tiết tấu khác. Rocket Queen có một đoạn kết phải nói là nằm trong top 5 các loại đoạn kết của tôi, tuyệt vời cho chính bài đó, và cho cả album Appetite. Chưa kể, đoạn cuối của Rocket Queen là đoạn tôi thường tua đi tua lại và tưởng tượng nếu Slash có thể solo dài hơn một chút.
Với “Shadow life”, cái cảm giác đó quay về y hệt ngay khi Slash dằn bài hát xuống khi kết đoạn chorus thứ hai ở 2:40. Và rồi “Bam”, tiếng trống như gạt phăng cái sự kìm hãm ngắn ngủi của câu riff để mặc cho không khí như nổ tung với mạch solo khiến các cơ bắp trên người không thể yên vị thêm chút nào nữa.
Nếu như ngày trước “Rocket Queen” khiến tôi head bang một cách rất bản năng, thì ngày nay cái đầu tôi cũng không thể cưỡng được trước “Too Far gone”. Có phải headbang là đặc quyền của Rock fan khi nghe nhạc? Hay là do họ, những nghệ sĩ tài năng kia với sức tàn phá bằng âm nhạc đã lừa ép những cử động nơi đầu và cổ người nghe một cách vô ý thức? Cho dù có là gì đi nữa, tôi luôn cảm giác mình là người hào phóng nhất trên đời, khi luôn cho phép mình đắm chìm trong những giây phút âm nhạc truyền cảm như vậy, hết lần này đến lần khác.
Mà các bạn để ý bìa đĩa Slash 2014 không? Hay đáo để. Hôm nào nói chuyện bìa đĩa sau nhá.
Kai
Comments