Slayer là một ban nhạc kỳ khôi đối với tôi. Các câu riff thì tuyệt hay, nhưng thường thì tôi không hiểu họ đang hát gì. Họ đại diện cho một nhánh khá là khó nghe, lại còn nhận vào mình những ác cảm về phát xít và phản tôn giáo, nhưng đồ merchandise của họ thì lại được bán nhan nhản trong siêu thị. Tất cả các fan của Slayer dường như đều máu chiến, nhưng khi gặp nhau trên đường, thường là hội nhìn dữ dằn đó không có gì để nói với nhau, cũng không gây hấn, chỉ hét lên “SLAYERRR!”.
Tôi sẽ nhường phần tranh luận xem giữa Jeff Hanneman và Kerry King ai giỏi hơn, hay Dave Lombardo đứng vị trí nào giữa các tay trống vĩ đại ở những diễn đàn khác. Trong phần này, cá nhân tôi nhìn nhận Slayer là một tập thể bổ trợ cho nhau tuyệt vời, và đặc biệt là có cùng chí hướng trong việc tạo ra sản phẩm độc nhất dán nhãn của họ. Bộ ba Jeff Hanneman, Kerry King, và Tom Araya có lẽ giống với "hội đồng quản trị" của Thrash Metal hơn cả.
Nhưng tự nhiên nhảy xổ ra mà nói là ban nhạc tạo ra sản phẩm của họ nghiêm túc như doanh nghiệp chắc sẽ mất hay, vì chất lượng nghệ thuật và khả năng thay đổi cách thế giới chơi nhạc của Slayer thì vẫn luôn chình ình ở đó. Tôi đành trộm nghĩ, những thứ sau đây có vẻ là những sự trùng hợp “vô tình” một cách rất bài bản. Và thứ họ đem đến cho khán giả, có lẽ còn vượt qua cả thứ âm nhạc mà trái đất từng được nghe. Đó là những tuyệt tác.
I. Thay đổi thói quen người nghe
Điều quan trọng nhất mà âm nhạc của Slayer đem đến, có lẽ là sự thay đổi thói quen nghe nhạc lâu nay. Trước album Reign In Blood (1986), Thrash Metal đã nhen nhóm và dần khẳng định vị thế của mình. Nhưng quả thực cú đánh chí mạng với bộ não người nghe, có lẽ phải chờ đến những câu riff nặng trịch từ album Blood, được tạo ra với sự trợ giúp đắc lực của kỹ sư âm thanh Andy Wallace và tài năng sản xuất của Rick Rubin, người đứng dưới hãng đĩa chuyên làm nhạc hip hop là Def Jam (!!)
Chả sao, những câu riff ám ảnh của Jeff Hanneman và sự đối ẩm hoàn hảo từ Kerry King tạo ra thực sự đã làm cho những người lần đầu được nghe nó phải quay phắt lại với kiểu “nhạc gì đã vậy?!”. Thực sự những câu riff của “Angel Of Death”, “Necrophobic”, và nhất là “Reign In Blood” quá ấn tượng và rạch trời rơi xuống ở thời gian đó, kết hợp hoàn hào với phần trống của Dave Lombardo. Tôi cho rằng thực ra không mấy người hiểu Slayer hát gì ngay từ lần đầu, nhạc của họ cứ thế trôi ào cái qua (album gì mà có cỡ nửa tiếng). Nhưng không ai có thể cưỡng lại việc phải nghe lại xem hội này hát gì, và lật đật đi tìm lyrics.
Để rồi sau vài lần ngấm câu riff và tiếng chân bass đôi kia, tất cả đều lầm rầm tụng kinh những câu chữ theo giọng của Tom Araya, và rồi vẫn không thể chịu được, phải nghe thêm vài lần nữa, để rồi thất kinh gật gù phát hiện ra ý nghĩa sâu hoắm của những lời hát. Các anh Slayer có đăng đàn bình lựng tung hứng gì về khả năng viết lời ý nghĩa, thì tôi vẫn cho rằng câu riff của Hannemann và King vẫn là thứ đặc sản mời gọi nhất.
Không những thế, Hanneman và King thường tung ra đủ loại riff trong chỉ một bài. Lý do là vì cả hai đều… chóng chán. Hai gã đều không hiểu nổi sao các band có thể đánh đi đánh lại một câu riff đến cả chục lần, vậy nên thay vì làm ngắn bài hát lại, hai tay này thách nhau nghĩ ra càng nhiều riff trong bài càng tốt. King thậm chí còn huỵch toẹt là nghe Tom Araya hát lúc nào chả đều đều, phải có gì cho bọn tao nghịch chứ.
Jeff Hanneman thì thú vị ở chỗ, gã rất ít nói và kín đáo không như hai tay King và Araya tán phét tung trời kia. Thậm chí, Jeff sau buổi diễn còn luôn chờ đến khi mọi người về hết mới chui ra và leo lên xe bus cuối cùng để đỡ phải gặp ai. Và theo như lời của Tom Araya thì “nếu Jeff không khoái mày thì nó sẽ coi như không quen mày”.
Sau những lần lưu diễn, Jeff Hanneman chỉ loanh quanh ở nhà với vợ, nghiên cứu về chiến tranh, và viết nhạc. Đúng ra là gã ghét lưu diễn. Ghét sân bay. Ghét tour bus. Nhưng Jeff có một sự ham thích kỳ lạ về chiến tranh, có lẽ từ cảm hứng từ ông bố, vốn là một cự chiến binh từ Thế chiến 2 (dù là người Đức nhưng ở phe đồng minh), thường mang về cho gã những thứ đồ mang dấu tích chiến tranh làm đồ sưu tập. Tất cả những nơi Slayer đi diễn, trong khi những tay kia thì party, Jeff Hannemann lại đi kiếm bảo tàng, nhất là bảo tàng chiến tranh. Và mỗi khi có ý tưởng gì, Jeff thường viết ra rất nhanh, và giành rất nhiều thời gian để phát triển bài. Jeff thậm chí còn thủ sẵn drum machine ở nhà để làm luôn phần trống, để khi bài hát được đem ra phát triển ở phòng thu, gần như không khí và mạch bài đã hoàn tất. Hãy hỏi Dave Lombardo xem gã nể Jeff ở khâu chuẩn bị thế nào.
Có lẽ chính vì sống hướng nội như vậy, nên Jeff Hanneman hầu như không bị ảnh hưởng bởi những thứ bên ngoài. Jeff chỉ làm những thứ của Jeff. Nếu như Tom Araya và Kerry King giống như những gã đi Sale thượng hạng, thì Jeff Hannemann là người chỉ huy lặng lẽ của dây chuyền sản xuất. Không cần quan tâm đối ngoại, không cần phải chiều lòng ai. Jeff Hannemann có lẽ là người mang tính cách và dòng máu đại diện cho hình ảnh mà Slayer cố xây dựng. “Fuck the world”. Tao chả quan tâm.
Lần duy nhất Slayer có vẻ chiều lòng người nghe, có lẽ là lần ra Diabolus In Musica (1998), album mà Jeff Hanneman thử nghiệm kiểu chơi mang nhiều màu sắc Nu Metal đang đại chúng lúc đó.
Sự phản đối của các fan trung thành chỉ khẳng định một điều: Slayer trót làm thay đổi thế giới mất rồi, nên thế giới chỉ cần nhạc của Slayer đơn giản là Slayer, chứ không phải thứ khác.
II. Bám lấy giá trị cốt lõi
Nói cách khác, khi đã có thứ gì trở thành đặc sản, hoặc cliché, thì đừng ngần ngại mà dùng đi dùng lại. Với Slayer, đó là tiếng riff gây sửng sốt khiến cái cần cổ không thể cưỡng lại được, và trước hết là hình ảnh mang đầy tai tiếng của band được duy trì suốt hơn 3 thập kỷ.
Đầu tiên, Reign in Blood bị từ chối phát hành bởi Columbia, vì sợ cổ xúy cho phát xít, điển hình nhất là từ track kinh điển “Angel of Death” kể về câu chuyện của Josef Mengele, kẻ đạo diễn của những vụ thảm sát hàng loạt ở thế chiến thứ 2. Việc của Slayer là viết nhạc và chơi nhạc, chứ không phải đi giải thích cho những chuyện đó. Album sau được phát hành bởi Geffen, và đó cũng là album thay đổi lịch sử Thrash Metal và đưa Slayer vào ngôi đền vĩnh hằng của âm nhạc.
Rồi thì những bài mang tên như "The Antichrist" (đĩa Show No Mercy), hình ảnh chúa Jesus đãm máu treo trên cây thành giá trên bìa đĩa Repentless, nhiều lắm. Satanic và phản Chúa luôn là hình ảnh mà công chúng đón nhận từ âm nhạc và toát ra từ hình thức của mọi sản phẩm gắn mác Slayer. Chẳng phải các cụ đã dạy là: "càng gây tranh cãi càng dễ bán" ư?
Đĩa Season In the Abyss thì rặt về cổ súy cho ma quỷ và nghệ thuật hắc ám, và video clip của bài hát cùng tên còn được quay và phát ngay trước thềm chiến tranh Vùng Vịnh năm 90. Và nhất là God Hates Us All, album của Slayer ra năm 2001, phát hành đúng ngày 11 tháng 9 năm 2001 (!) tròn 5 năm sau đó, album Christ Illusion tiếp tục theo bước chủ đề của God Hates Us All, và không ngại trình bày bài hát tên là "Jihad", bất chấp nhiều lời can gián nên viết lại lời lẽ tế nhị hơn. Vâng, bài hát từ góc nhìn của một tay khủng bố chứ không phải từ phía những nạn nhân, và mang theo cả lời lẽ của Mohammed Atta, một trong những thủ lĩnh của nhiệm vụ cảm tử.
Với trường hợp của “Jihad”, Jeff Hanneman không ngại việc Slayer sẽ đón nhận gạch đá, nhưng chả phải trước đó, chính họ đã biến “Angel of Death” trở thành ca khúc "lề phải" được nhìn nhận đúng đắn như một tư liệu lịch sử, không hơn? Các nhà báo ạ, chẳng qua là từ phía Slayer, thì anh em sẽ kể câu chuyện từ phía của kẻ xấu chứ không phải nạn nhân.
Còn với bài “Disciple”, Tom Araya chỉ cười khà khà: “Mày nghĩ là tao nghĩ chúa căm hận chúng ta à? Tao còn chả biết ông ấy là ai. Tao chỉ biết là, câu đấy hát lên nghe thật đã: God hates us all, và tất cả người nghe nhạc của Slayer đều phát cuồng”.
Rồi thì ai cũng biết Jeff Hanneman là một gã nghiên cứu lịch sử chiến tranh với sở thích sưu tầm huân chương và đồ Nazi mà bố của gã mang về từ thế chiến II. Nhưng trong mắt đông người, đấy là hành động cuồng Phát xít (!!)
Kệ thôi, Slayer liên tục dùng đi dùng lại cliché như: ủng hộ satan, phản chúa, ủng hộ phát xít khủng bố trong suốt sự nghiệp của họ. Mấy gã này đang rõ là rắp tâm bán hàng bằng gây shock. Đồ Merchandise “bad ass” của Slayer được bán rất chạy trong cả các siêu thị. Ai cũng có thể sở hữu một món đồ có dán thương hiệu “kẻ xấu” Slayer. Nó thông dụng đến mức khi mọi người mặc T-shirt Slayer gặp nhau đều hét lên giữa đường: “SLAAAAYYYYEERRR”. Đơn giản dễ hiểu, và cũng không ai cần hỏi lại xem đó là gì?
Danh hài Jim Breuer thậm chí đã mô tả các fan của Slayer như một đội quân gặp nhau chỉ biết gầm gừ "Slayer" và dịch chuyển ùn ùn giống như những zombie thời Apocalypse chỉ đi loanh quanh lầm bầm “Brain! Brain!”.
Quả thực, các fan nhạc Rock khi đã khoác lên mình chiếc áo Slayer, cảm giác như họ được nhập vai vào một thế giới trò chơi, trong đó ngôn ngữ thì không khác các Zombie hay Xì trum là mấy. Không quan trọng, họ đem theo một sứ mệnh, và sẵn sàng nổi lên dưới danh nghĩa một cuộc Thánh chiến để quét sạch những u tối hồ nghi của những người còn chưa ngộ ra Slayer. Tất nhiên chỉ trong suy nghĩ, vì các fan của Slayer đúng như là chơi game thôi, họ chả động đến ai cả.
Rồi còn những người gán cho Slayer là lũ phân biệt chủng tộc kiểu phát xít, vâng, chắc họ quên mất là Tom Araya là người Chile, còn Dave Lombardo thì là người Cuba.
Sự thừa nhận khách quan nhất có lẽ là hai giải Grammy mà Slayer đạt được, với "Eyes of the Insane" (2007) và "Final Six" (2008). Ồ, đều được chắp bút bởi Jeff Hannemann.
III. Nghiêm túc trong công việc
Có một sự thật trần trụi: trong gần 40 năm hoạt động, Slayer chỉ có duy nhất một thứ mà họ quan tâm: Slayer. Không có chỗ cho bạn bè. Tất cả đều là công việc. Các thành viên của Slayer thì đều không phải bạn bè thân thiêt gì cho cam. Trường hợp khả dĩ nhất có lẽ là mối quan hệ đầy hiểu ý giữa Hanneman và King phát triển từ hồi mới tập chơi guitar với nhau cho đến khi cùng nhau làm nhạc lẫn là bạn rượu sau show. Dave Lombardo thậm chí chỉ xuất hiện khi bắt đầu tập, thu âm, hoặc đi diễn. Đồng đội thì đúng. Bạn bè thân thì không.
Điều đặc biệt nữa là dù mấy tay này uống cũng ác (Jeff Hannemann chết vì suy gan sau nhiều năm nghiện rượu và mắc nhiều chứng bệnh khác), nhưng tuyệt nhiên không đụng đến Mai Thúy. Nói đến độ sạch sẽ và fitness chắc Slayer ở thái cực ngược hoàn toàn với hội glam Rock. Trừ lần Jeff Hannemann bị nhện độc cắn sưng tay và cái chết do thiếu sức đề kháng sau đó của gã.
Mà cũng không hẳn. Mấy gã cũng có lần chơi thuốc tập thể khi lái xe về từ phòng tập (Spoiler alert: khi đã nổi tiếng rồi, tự nhiên có thằng mang thuốc đến cho) nhưng sau khi bập được một hơi, Tom Ayara lập tức quát tất cả bọn quăng hết ra ngoài trước khi quá muộn. Rất lạnh lùng, và tỉnh táo. Giống như Darrel Dimebag, những thành viên của Slayer đều ý thức được rằng tài năng của họ là thứ đáng quý nhất họ phải bảo vệ. Và những thứ dễ đạt được như Mai thúy khi họ đã nổi tiếng - như Ayara sáng trí ra lúc đó - hoàn toàn không giúp cho việc đó.
Nhưng chiếc mề đay chứng nhận sức mạnh hào nhoáng đó vẫn luôn có mặt sau của nó: không ai là không thể thay thế. Kể cả người đó là tay trống siêu đẳng như Dave Lombardo (Dave chia sẻ là anh không chịu nổi nữa khi đóng góp sau bao năm, anh vẫn nhận lương khoảng 65 – 70 ngàn Mỹ kim/năm cho việc đi lưu diễn, tương đương khoảng 700 – 900 một show). Kể cả đó là sự ra đi của Jeff Hanneman sau trọng bệnh (“Jeff bây giờ là thức ăn cho giòi rồi” – King nói – “và Slayer thì sẽ vẫn phải tiếp tục”). Lạnh lùng đến tàn nhẫn, nhưng trên hết họ đều là những đồng đội bảo vệ cho chiếc mề đay, và khi mỗi người đều thừa nhận họ không có vấn đề gì khi không phải là bạn thân của nhau, tôi thấy cảm kích khi mỗi người đều tự mình và giúp nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tất nhiên King không thể không nhớ những lần ngồi viết nhạc của Jeff, hay những lần tập cùng nhau từ hai thằng mới biết chơi đàn trở thành cặp đôi guitar chơi nhanh, kỹ thuật, và chặt chẽ hàng đầu giới Metal; nhưng không có nghĩa điều đó làm suy suyển mục đích của Slayer. Không có chỗ cho sự bi lụy với những người tiếp tục dẫn dắt Slayer là King và Araya. Sau khi Jeff Hanneman chết, Slayer vẫn tiếp tục ra Repentless (2015) với những thành viên mới trên giàn trống và guitar nhưng chất nhạc thì không thể suy suyển. Kerry King đã nói rằng nếu gã có lập ra band khác, gã vẫn chơi thứ nhạc đó thôi, vì gã thực ra chả biết làm gì khác.
Người phương Tây rất hay khi biến âm nhạc trở thành một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Mọi thứ đều bài bản, có hệ thống, có “quy trình”; những thứ mà ở xứ sở chúng ta còn xa mới có thể quản lý được, chứ chưa nói đến chuyện nghĩ ra. Và trong một ngành công nghiệp đúng nghĩa như vậy, các nghệ sĩ và ê kíp của họ, ra cũng giống như những cộng sự trong kinh doanh và sản xuất.
Để lấy một minh chứng thị phạm về cách vận hành quy lát của ngành công nghiệp âm nhạc, có lẽ những biểu tượng và thế giới mà Slayer tạo ra là một thứ điển hình hơn cả.
R.I.P Jeff Hanneman.
Kcid
Comments