top of page

Stevie Ray Vaughan và cuộc đối thoại cha con với Albert King

Updated: Oct 24, 2019


Có một nghệ sĩ mà có lẽ không ai có thể bỏ qua mỗi khi nói chuyện về người da trắng mà chơi guitar Blues: Stevie Ray Vaughan (SRV). Mặc dù lịch sử âm nhạc đã ghi nhận quá nhiều tay guitar blues người da trắng từ hồi những năm 1950s như Dave Van Ronk, Spider John Koerner, hay Eric Von Schmidt; và sau này đến các tay guitar electric blues như Eric Clapton từ nước Anh, John Hammond từ New York, Bloomfield từ Chicago, Danny Kalb với Blues Project, Steve Cropper từ Mem Phis, SRV có lẽ là luôn là người nổi bật hơn cả. Gã dường như là người bị "nhập" bởi cái thứ âm thanh, hợp âm, và cảm xúc của nhac Blues hơn tất cả. 


Có một điều dễ nhận thấy mọi người đều chơi cả những thứ khác bên cạnh Blues: Eric thì chơi cả Pop/Rock, Bloomfield làm việc cùng Dylan và chỉ tận dụng các câu hát kiểu Blues, hay John Hammond có lúc quay ngang sang chơi R&B. Nhạc Rock thì luôn là thế giới hấp dẫn chèo kéo nguyên một thế hệ guitar bị ảnh hưởng sâu đậm từ Blues như Keith Richard, Tommy Iommi hay Jimmy Page.


Nhưng với Vaughan, mỗi khi nghe anh, ta đều thấy đó là Blues "nguyên chất hảo hạng" mà không lẫn bất cứ thứ gì khác. Thần tượng hai vị "King" luôn phải đứng phía sau cái bóng quá lớn của B.B. - Freddy King và Albert King - SRV giống như cậu con trai quan sát cha say mê và thường xuyên đến nỗi, ngay khi cậu cầm guitar cậu đã rất tự nhiên biết đặt tay ngay vào đâu trên cần đàn để tạo ra cái thứ âm nhạc đặc trưng đó.


Nói là con theo dõi cha cho oai thôi, chứ phải chờ đến lúc trời run rủi, vào một ngày mùa đông năm 1983, "cha" Albert King và "con trai" Stevie mới thực sự "gặp" nhau trên một chương trình truyền hình ở Hamilton, Canada. Xét về tuổi tác, thì họ đúng là cha và con thật, vì lúc đó King đã 60, còn Vaughan 29. Xét về thành tựu, King đã toan nghỉ ngơi, chỉ đi lưu diễn và chỉ thu 2 album suốt thập niên 1980s; còn Stevie thì đang nổi như cồn sau album đầu tay Texas Flood. Albert King như một chứng nhân lịch sử của nhạc Blues, đến từ thế hệ còn sót lại khi người da đen hãy còn cực khổ lắm - ông không biết đọc và biết viết (như tâm sự trong "Born under a bad sign"). Còn Stevie, lúc ấy đã sớm được thế giới đặt lên vai sứ mệnh giữ gìn Blues trước sự tràn ngập Heavy Metal và Hard Rock. 

Born Under a Bad Sign - ca khúc tự sự có ảnh hưởng bậc nhất của Albert King


Đối với Stevie, Blues đã nhập vào tâm hồn từ khi anh còn là một cậu bé ngước nhìn poster lưu diễn của Albert King trên góc đường ở Austin, Texas. Stevie thậm chí còn nhắc Albert King lần đầu gặp nhau ở Coliseum Club khi Stevie mới 18 tuổi, vì ở chiều ngược lại, Albert chỉ nhớ được lần ông gặp Stevie tận 2 năm sau đó, khi ông chủ của Coliseum Club xin Albert cho Stevie được ngồi sau cánh gà dự khán. Lý do là vì "thằng bé đó chơi Blues khét lẹt ở Austin rồi".


Albert King nhớ chuyện đó như in, bởi vì còn hơn cả đề nghị được ngồi sau cánh gà, Albert còn gọi "thằng nhóc" chơi thử tao xem, và rồi Stevie chỉ chờ có thế, mở tung cái chai nước phép chứa đầy Blues lick của nó vẩy tung khắp sân khấu - kết quả là Stevie thậm chí được chơi cùng band với Albert King suốt đêm đó.


Và rất nhiều năm trôi qua cho đến cái đêm ghi hình In Sessions ở Hamilton năm 1983 đó. Kỳ lạ là hai người đàn ông cực nổi tiếng trong giới nhạc Blues đó rất hiếm khi gặp được nhau. Albert King thậm chí còn không biết ai sẽ jam với ông ở studio hôm đó, mặc dù quản lý của ông đảm bảo"ông biết cậu này". Đấy, Albert vẫn nhận ra "thằng nhóc gầy gò" đến từ Austin đó ngay từ cái nhìn đầu tiên, chứ không phải vì đó là SRV ngôi sao đang lên của Blues Rock đang hoành hành các bảng xếp hạng năm 1983 với đĩa Texas Flood vừa ra trước đó mấy tháng (xem thêm đoạn đối thoại trong track "who is Stevie?")


Có lẽ vì thế tôi rất thích đĩa nhạc này bởi vì nó rất chân thật và mộc mạc, khi các câu nói được bật ra một cách rất tự nhiên từ một cuộc nói chuyện của hai người đàn ông đại diện cho hai thế hệ (Albert còn cười cười "tao cứ suốt ngày phải chỉnh lại dây E vì nó phô nhanh quá"). Tất nhiên người "cha" vẫn luôn cầm trịch, nhưng nó vẫn là một cuộc tâm tình hơn là một cuộc dạy bảo: rất nhiều lần Albert King như nhìn "anh con trai" chơi và bật ra nhận xét hay cả những tiếng kêu đầy thích thú ngay trong khi đang jam. Đó hoàn toàn là sự tôn trọng pha lẫn lòng hòa hảo của một người đi trước.


Và không hề giống SRV thường thấy kiểu chơi giận giữ, ngang tàn, trong suốt lần đối ẩm với Albert, Stevie bỗng chơi lùi lại và tủm tỉm cười mỗi khi Albert "gọi" châm câu đàn, rồi đôi lúc thêm những câu nhấn nhá bổ trợ cho câu solo của Albert. Stevie cũng sẵn sàng chơi trong cả chương trình hầu hết các bài của Albert để ông hát là chính (chỉ có 2 bài là từ Texas Flood), vì với một người không biết đọc như Albert, tầm tuổi đó đã bắt đầu khó để ông tập bài mới.


Albert King, ở chiều ngược lại, không ngại ngùng thể hiện giọng hát và khả năng lĩnh xướng hiếm có của ông. Ngay trên truyền hình trực tiếp, mà Albert vẫn không có chút áp lực nào, vừa hát, vừa phiêu guitar, lâu lâu châm vài câu khen như "I heard you doin' my shit on there" hay "I'm gonna go up there and do some of yours". Ông tỏ rõ sự tôn trọng với người truyền nhân trẻ tuổi, sẵn sàng chơi rhythm để anh solo vài đoạn thậm chí còn dài hơn ông (Albert King bình sinh không phải người được khoái chơi rhythm) và nếu tinh ý, sẽ thấy cả những câu lick ông đưa vào để tôn câu đàn của Stevie lên. 


Nếu mọi người thường hay nghĩ về các cuộc jam guitar như những cuộc đấu phô diễn kỹ thuật, thì có lẽ sẽ có thêm một cái nhìn khác về đối ẩm blues guitar sau khi xem In Sessions. Bởi vì hai người đàn ông hoàn toàn không hề tung tuyệt chiêu để phô diễn hay thách thức nhau, mà giống như dựa hoàn toàn vào cảm nhận, để biết khi nào đưa ra phần nền xứng đáng cho người kia tung tuyệt chiêu.


Đến gần cuối show, Albert King, sau suốt quãng thời gian lãnh đạo, bèn quay qua hỏi SRV "có gì groovy của mày cho tao xem nào". Stevie đề nghị chơi "Pride And Joy", cũng là bài duy nhất anh hát trong chương trình, và rồi suốt cuộc jam bài đó, có thể thấy rõ sự thích thú kêu lên thành tiếng của Albert với "kiểu của Stevie", hay vài lần ông với mic định hát theo mà bị vướng. Rồi ở đâu đó trong cuộc trình diễn, Albert nói "I'm about ready to turn it over to you""I've gotta sit back and watch you", đúng kiểu người cha nhận thây con mình đủ trưởng thành và có thể trao cho ngọn lửa ông ra sức giữ gìn lâu nay. 

Pride and Joy - một trong những ca khúc tự hào nhất của SRV


Một khúc nhạc jam thường thiệt thòi hơn bài hát trong album vì nó chỉ giữ lại cái khoảnh khắc của người biểu diễn ngay lúc đó, và đến đêm mai, trước những khán giả khác, nó có thể đã biến thành hình thái khác, dầu cho nó vẫn được biểu diễn bởi nghệ sĩ đó, thậm chí được chơi đến cả trăm ngàn lần. Thế nên việc ghi lại được cái cuộc đối ẩm của "Cha và con" này trong cáingày lạnh giá tháng 12 năm đó, nó mới thật đặc biệt làm sao, vì sau đêm đó Stevie và Albert đều đi theo những ngả khác nhau và thậm chí rất hiếm khi gặp được nhau (Stevie sau không may kết thúc cuộc đời còn trước cả Albert). Sự đặc biệt trong màn trình diễn có thể thấy ngay từ khi nốt nhạc đầu được cất lên: dường như khán giả quan trọng nhất trong cuộc chơi của mỗi cây guitar kia chính là vị khách đang ngồi trước mắt họ. 

Và chúng ta, những người xem và nghe, mới cảm thấy thật may mắn sau vì kênh truyền hình ở Hamilton đã lưu lại một cách xuất sắc những khoảnh khắc trầm hùng đó, giữa hai người đàn ông hình như không phải đang chơi Blues cho khán giả xem truyền hình, mà cho chính người kia. Thế nên dù sau này chương trình "In Sessions" còn có một vài số về Blues hay, nhưng đều không thể bằng episode này (BB King với Larry Carlton, hay Don Everly với Johnny Winter).


Hẹn gặp lại!


Kcid

656 views

Recent Posts

See All
bottom of page