top of page

Steve Morse: 5 lần là cây guitar toàn năng nhất thế giới

Updated: Jun 30, 2020

Nhắc đến Steve Morse, mọi người hẳn sẽ bật ngay ra hai chữ Deep Purple. Nhưng với những người mê DP, hẳn đa số chúng ta đều tự hỏi Steve phải có số có má thế nào trước khi được chọn để thay thế một tượng đãi cỡ như Ritchie Blackmore, điều mà trước đó đã có vài người (kể cả Joe Satriani) đến thử và đều không thành công. Không những thế, khi nghe đĩa Purpendicular (1996) của DP, người nghe mới chợt ngẩn ra trước một mùi vị khác lạ mà suốt hơn 20 năm DP không thể có được, bởi sự bao trùm từ cái bóng quá lớn của Ritchie Blackmore.

Steve Morse và cây signature số 1 của Music Man

Không ai có thể phủ nhận Ritchie Blackmore đã vài lần trở lại và gánh team đưa DP ra khỏi những lần khó khăn như thế nào, nhưng cách chơi nhạc quá ư phụ thuộc vào Ritchie đâm ra làm hại chính gã khổng lồ Deep Purple, khi cuối cùng kết quả cũng chỉ là những album lúc hay lúc dở trồi  sụt theo ý tưởng thức thời của Ritchie, và những sự vay mượn ngày càng nhiều từ âm nhạc với màu sắc cổ truyền của Rainbow mà các fan của DP có lẽ nhiều lần phải chạy đi tìm lại những album thời đầu để hổn hển nhớ lại cái "màu" của DP.


Thế nên điều mà luồng gió mới mang tên Steve Morse đem đến cho Iain Paice và các đồng đội, có lẽ không chỉ là một khởi đầu mới, mà còn là sự không ràng buộc trong sáng tạo âm nhạc, điều mà quãng thời gian trước đó có vẻ như hãy còn hơi khiên cưỡng và thỏa hiệp với nhau.


Vậy là có hai câu hỏi bỗng đâu rớt xuống: âm nhạc của Steve Morse vốn là như nào trước đó, và Steve Morse đã giúp DP thoát khỏi sự ám quẻ của Ritchie Blackmore ra sao.


1. Dixie Dregs


Câu hỏi thứ nhất chính ra dễ trả lời hơn câu sau. Steve Morse vốn xuất thân chơi guitar trong jazz fusion band Dixie Dregs nổi lên từ cuối thập niên 70s. Tuyệt hay với sự góp mặt của phần dây và phần violin độc đáo.

"I’ll just pick" - niềm vui chơi nhạc không thể giấu diếm


Ngoài ra, trong thập niên 80s, Steve Morse đã từng 5 năm liên tiếp  được tạp chí Guitar World bầu chọn là tay guitar toàn diện nhất thế giới (sau phải năn nỉ xin rút ra khỏi danh sách để người khác còn có cơ hội), vinh dự mà chỉ có Steve Howe (nhóm Yes) và Eric Johnson nhận được với số lần tương tự.


Steve Morse cũng nằm trong số không nhiều các tay guitar thuận tay trái nhưng lại chơi đàn tay phải. Không biết có phải vì vậy mà ngón tay bấm của Steve mạnh mẽ và linh hoạt hơn người bình thường?

2. Steve Morse Band


Nếu như Dixie Dregs mang đến một thứ nhạc đậm chất jazz fusion khiến việc góp mặt của violin hay keyboard bên cạnh guitar trở nên khá dễ hiểu, thì dự án sau đó của Steve Morse, mang tên Steve Morse band, điều ngạc nhiên là cách thể hiện guitar của anh hoàn toàn … khác thường.


Bởi vì theo thông lệ, đáng nhẽ Steve Morse Band sẽ được hiểu là ban nhạc solo của một tay guitar solo, phần âm thanh của guitar và những màn phô diễn kỹ thuật đương nhiên sẽ là phần chủ đạo. Nhưng không, vẫn với sự đa dạng về màu sắc như thời Dixie Dregs, chỉ khác là hơi hướng âm nhạc nặng về phía nhạc Rock hơn, âm nhạc của Steve Morse band vẫn đầy rẫy phần keyboard, phần synth, violin và tất cả những âm hưởng độc đáo khác.


Có thể lấy ví dụ ngay từ đĩa High Tension Wires (1989), đó là một thứ âm nhạc tuyệt đẹp mà không hề gắn với bất kỳ thể loại nào. Những “Ghostwind”, “The Road Home”, hay “Country Colours” đem đến những mảng màu rực rỡ ở những nơi không ngờ tới. Tui cũng tin rằng đĩa nhạc này, của một tay guitar chơi rock nặng, xứng đáng đến với tai nghe của nhiều người, kể cả không phải fan nhạc rock.

"Country colors" trong High Tension Wires, thật nhiều màu sắc


Không những thế, Steve Morse còn khai quật ra tay bass Dave LaRue (sau anh này cũng tham gia Dixie Dregs), người sau chơi cùng các bậc anh hào progressive khác như Mike Portnoy, Derek Sherinian, John Petrucci, hay cả Joe Satriani.

Và cũng trong thời gian này, Steve Morse dần hoàn thiện cây guitar signature của mình, vốn được độ từ một cây body Telecaster neck Stratocaster (vẫn giữ nguyên một chiếc pickup đơn đặt nghiêng) nhưng gắn thêm 2 chiếc pick up kép, nâng tổng số pickup trên cây đàn lên đến 4 chiếc. Cây guitar này hiện giờ vẫn đang là một bí ẩn vì không ai rõ nó còn ở cùng với Steve Morse không.

Cây Telecaster (cần Strats) độ của Steve Morse thời đầu

Giống như vậy, cây Music man signature của Steve cũng có 4 cái pickup theo thứ tự bố trí là humbucking-single-single-humbucking. Theo lời của tác giả S.M. thì bởi vốn lười mà lại muốn có cả tiếng Strats lẫn tiếng humbucking trên một cây đàn (mà phải vừa tiếng bridge vừa tiếng neck) thì chỉ có cách làm như vậy (và nhiều pickup quá nên đành phải xài cần đàn ngắn kiểu Strats). Cái là, giờ dể kết hợp giữa các pickup với nhau, cây đàn của Steve Morse phải cần đến 2 cái núm toggle để chọn tổ hợp. Đó, sự lười của ông lại làm cho anh em nào lỡ đi mua đàn của ông chắc suốt ngày gãi đầu gãi tai vì gạt lộn pickup.


Chưa kể, núm vặn volume trên cây đàn của Steve Morse cũng là một đặc sản, vì ngón tay Steve Morse lúc nào cũng khều khều móc móc. Nói chung nghe Steve Morse đánh thì đã thiệt, mà nhìn anh oánh một bài mà hai tay lúc nào cũng hoạt động coi mệt lắm.

"Brave New World" - phần phối hợp tuyệt đẹp giữa guitar, bass, và trống


Âu cũng bởi Steve Morse quan niệm rằng không nên đặt những ý tưởng về âm thanh phát ra từ cây đàn của mình quá nhiều vào tay hội âm thanh. Tốt hơn hết là đổi tiếng, đổi màu, chỉnh âm cứ một tay anh tự xử trong suốt lúc chơi. Với Steve Morse, các sắc thái, sức mạnh, cũng như sự biến chuyển của tiếng đàn trong suốt bài hát tốt nhất nên được "biểu diễn" luôn bởi người chơi.

"Highland wedding" - ai có thể cưỡng lại việc ngân nga theo giai điệu này?


3. Kansas


Không nhiều người để ý, và cũng có vẻ không được mấy anh Kansas ghi nhận lắm, nhưng khoảng thời gian ngắn Steve Morse tham gia Kansas cũng để lại vài track rất đáng nghe trong hai album Power (1986) và In the Spirit of Things (1988). Có thể thấy sự đóng góp của Steve Morse cho Kansas là gần như ngay lập tức, có lẽ bởi vì anh cũng đã quen chơi cùng ban nhạc có keyboard và violin từ thời Dixie Dregs.


Phải cái là Steve Morse vào Kansas để tram vào vị trí của ông kẹ Kerry Livgren, mà lại còn vào thay sau khi hục hặc cãi nhau, nên coi bộ “kẻ đóng thế” như Steve hẳn sẽ không thể được lòng các fan, và phần đóng góp của Steve Morse vì thế thường hay ít được để ý trong sự nghiệp đồ sồ của Kansas.

"Musicatto" - bản song tấu giữa guitar & violin tuyệt vời


4. Flying Colors


Có một điều khá ngộ, là các anh tài thể loại nhạc progressive metal, dù cho nghe phức tạp và rắc rối là vậy, nhưng đều quen nhau. Có lẽ tại số người chơi progressive metal hóa ra không nhiều.


Flying Colors cũng là một dự án âm nhạc kết hợp kiểu như vậy, giữa Steve Morse, Neal Morse, Dave Larue và tay trống Mike Portnoy. Điểm đến của họ là pha trộn giữa thứ âm nhạc cầu kỳ của prog rock với những âm thanh đại chúng, những bài hát ngắn thôi, nhưng vui. Cũng vì vậy, mảnh ghép cuổi cùng, ca sĩ Casey McPherson, dù ngạc nhiên, nhưng thực sự đã giúp đem đến mục tiêu đại chúng đó.


Flying Colors viết nhạc thì đúng theo mô đen thời giãn cách xã hội: lâu lâu gặp nhau ở phòng thu của Neal Morse, sáng tác cùng nhau qua Skype, và thu nhạc thành từng phần riêng rẽ. Nhưng với tui, có thể thấy sự ảnh hưởng của Steve Morse trong bộ khung này khá rõ, khi Mike Portnoy bỗng chơi hiền hòa nhưng đầy màu sắc, và phần nhạc thì, hoàn toàn không cần xài đến sự biến hóa theo kiểu progressive (đổi phách đổi nhịp nọ kia) để câu khách, mà biến hóa ở ngay chính màu sắc nhạc, như chính cách gọi tên của họ.


Việc Mike Portnoy mang ca sĩ MacPherson vào band, một người không quá tiếng tăm trong giới nhạc Rock, bỗng trở thành cơn gió lạ cho phần nhạc của Flying Colors mà nói công bằng, những âm nhạc của các dự án prog rock khác của các anh không thể nào có được. Có lẽ những khán giả như tui, dù rất hâm mộ prog rock, cũng đôi lúc cần những thứ âm nhạc “đánh nhanh, thắng nhanh” hơn. Như nhạc của Son of Apollo đó phải không Mike Portnoy?

Sẽ là một tội ác nếu nhạc của Flying Colors không đến được với đại chúng


5. Và chính Deep Purple


Deep Purple từ thời của Steve Morse (Mk VII), các câu riff thì vẫn độc chiêu lắm, nhưng sự thay đổi rõ rang nằm ở cỗ máy DP nay hoạt động thật nhịp nhàng, chứ không phải như một cỗ xe è cổ ra để kéo theo tiếng guitar của vị thủ lãnh nữa. Deep Purple bỗng chơi một thứ nhạc thanh thoát đến không ngờ. Và không quá khó để đoán ra, chính lối chơi hòa nhịp cùng các cây khác từ thời của Dixie Dregs, thứ đã trở thành "tính cách chơi nhạc" của Steve, đã khiến cho vai trò của những tay "tổ" như Ian Paice, Jon Lord bỗng trở nên vụt sáng trở lại.

Steve Morse và cây signature số 2 của Music Man

Dễ nhận thấy nhất, có lẽ là mỗi khi Jon Lord chơi, tiêng đàn của Steve Morse luôn dịu lại, và đôi lúc lùi hẳn lại cho phần của Jon. Thật chứ nhiều lúc tôi không hiểu sao, tiếng đàn của Steve Morse hầu như không nghe thấy, mà tay anh nhìn vẫn… bận bịu liên hồi, mệt mắt lắm.


Bởi vì triết lý chơi nhạc rất khác biệt của Steve Morse là để hòa nhịp và bổ trợ lẫn nhau chứ không cần thiết phải trở nên nổi trội. Chẳng hạn như khi ca sĩ hát, anh thậm chí còn vặn tone xuống mỗi lần quẹt qua một hợp âm để cho cái hợp âm nó trở nên văng vẳng - người nghe có thể cảm nhận được cú chạm của miếng gảy trên dây đàn, nhưng tiếng đàn thì không còn kịp đọng lại ở đó - trước khi kéo núm tone trở lên chờ nhát chạm dây tiếp theo.


Hay như thói quen "bất thành văn" của Steve Morse mỗi khi một đồng đội solo, anh sẽ tự động chuyển qua pickup đơn tiếng mảnh hơn, và khẽ nhíu âm lượng xuống còn mức '7' hoặc '6', thậm chí chơi bịt dây để tiếng đàn bớt ngân nga ảnh hưởng đến phần của đồng đội. Có lẽ thật sự phải đến khi nhìn Steve Morse chơi cho một con khủng long như Deep Purple, mọi người mới có được sự đánh giá đúng về tính không ích kỷ và hòa nhịp có lẽ chỉ có người lead guitar như Steve Morse có được.

"The Mechanic" - một thời kỳ mới bắt đầu cho DP chính bằng tiếng đàn tuyệt đẹp của Steve Morse


Đến đây thì, hình như câu hỏi thứ hai trên kia đã tự được trả lời rồi hẩy.


Hẹn gặp lại.


Kai

424 views

Recent Posts

See All
bottom of page