top of page

Stevie Wonder: khi người nghệ sĩ mù làm nhạc

Tháng 2 năm 1976, khi Paul Simon lên nhận giải Grammy Album Của Năm cho đĩa Still Crazy After All These Years, ông đã phát biểu như sau:


Chài, tôi rất vui vì chiến thắng giải thưởng này. Tôi muốn cám ơn Phil Ramone, người đã cùng với tôi sản xuất album này, Phoebe Snow, người đã góp giọng và Art Garfunkel, người đã song ca với tôi trong bài “My Little Town”. Và trên tất cả, tôi phải cám ơn Stevie Wonder vì ông đã không tung ra album nào trong năm ngoái cả”.


Đúng là như vậy. Năm 1975 là năm duy nhất trong cả một thập kỷ mà Stevie Wonder không phát hành một album nào cả. Mới chỉ hai năm tại lễ trao giải Grammy trước đó, giải Album Của Năm đều về tay ông (trong đó album Innverisions đánh dấu lần đầu tiên một nghệ sĩ da màu giành giải cao quý nhất này), và một năm ngay sau lần Paul Simon lên bục nhận thưởng, Wonder lập cú hattrick khi lại ẵm tiếp cái giải này.

Tôi đã từng viết bài về album Innervisions của Stevie Wonder vào những ngày đầu trang blog EmoodziK mới được lập ra, nhưng chừng đó có vẻ còn quá ít để tôn vinh sự thiên tài của ông. Bởi vì Wonder là nghệ sĩ đã định nghĩa cho cái người ta gọi là “Giai đoạn sáng tạo vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc hiện đại” (tạm dịch từ cụm từ “Greatest creative run in the history of popular music”). Trong giai đoạn 5 năm, từ 1972 đến 1976, Stevie Wonder phát hành ra năm album đều thuộc hàng kiệt tác, bao gồm Music Of My Mind (1972), Talking Book (1972), Innvervisions (1973), Fulfillingness’ First Finale (1974), và Songs In The Key Of Life (1976).

Với tôi, giai đoạn này có thể kéo dài tới album tuyệt đỉnh khác là Hotter Than July (1980), chỉ bởi vì nó bị "ngắt quãng" bởi đĩa nhạc kém hay hơn là Stevie Wonder's Journey Through "The Secret Life Of Plants" phát hành năm 1979.


Hơn nữa, trong các nhạc phẩm kể trên, Wonder còn sáng tác toàn bộ tất cả các bài (bao gồm một số ít bài được đồng tham gia bởi các cá nhân khác), sắp xếp và sản xuất – cũng như đồng sản xuất các album đó. Rồi ông còn tự chơi và thu âm các nhạc cụ như keyboard, piano, harmonica, trống, bộ gõ, bass điện tử, clavinet, harpsichord, v.v.

Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nhớ là Stevie Wonder đã tự làm những điều kỳ diệu trên bất chấp một thực tế: ông là một người bị mù.


Ông đã từng nói “… tôi chưa bao giờ nghĩ việc đôi mắt mù lòa của mình lại là một nhược điểm”. Có lẽ nào câu nói này của ông lại có ý đúng? Nếu ta lật ngược lại vấn đề, thì người đã mất hết thị lực như Stevie Wonder liệu có lẽ nào lại “nhìn” được những thứ mà người có đôi mắt sáng cũng không nhận ra?

Sáng tác nhạc

Bạn thử ngồi bên cây đàn piano hoặc keyboard, đặt tay lên các phím, nhắm mắt lại và đánh thử một đoạn nhạc mà bạn đã từng tập. Bạn có nhận thấy việc chơi một đoạn nhạc quen thuộc cũng không quá khó khi ta nhắm mắt không, đặc biêt là đoạn nhạc đó sẽ càng dễ chơi nếu nó có những phím đen được đánh xen kẽ? Đó là vì những phím đen trên đàn piano / keyboard có mấy tác dụng chính như sau: (1) bổ sung những nốt thăng giáng chênh nửa cung xen giữa các nốt nhạc chính trong âm nhạc; (2) vị trí 2 phím đen giữa các nốt C D E và 3 phím đen giữa các nốt F G A B giúp định vị các nốt nhạc một cách dễ dàng; (3) khác với phím trắng đặt cạnh nhau, các phím đen nổi lên trên và có khoảng cách giữa chúng khiến cho việc đánh trên những phím đen sẽ khó bị trượt nốt hơn nhiều, và giống như bộ chữ nổi, các phím đàn màu đen này càng thuận tiện cho những người khiếm thị.

Mặc dù vậy, các nhạc sĩ thường có xu thế chơi trên các dải âm có nhiều phím trắng hơn phím đen vì bản nhạc và hoá biểu của nó sẽ được giản lược và dễ đọc để chơi lại hơn. Ví dụ như nhiều bài hit của Elton John được sáng tác ở giọng C hay G, là những gam không có nốt thăng giáng nào (giọng C) hoặc chỉ một nốt F# (giọng G).


Nhưng Stevie Wonder thì ngược lại. Rất nhiều bài của Wonder được viết ở giọng Eb minor, Gb, B, Db, G# minor, đều là những gam mà các nốt trên đó đa phần là các phím đen trên đàn piano. Ví dụ như giọng Eb minor (bài “Supersition”, “Higher Ground”, “I Wish”) hay Gb (bài “Living for the City”) chơi trên âm giai ngũ cung thì các nốt trong đó đều là phím đen trên cây đàn. Và như vậy bản nhạc của Stevie Wonder nếu được soạn ra sẽ có rất nhiều hoá biểu giáng (hoặc thăng), thứ sẽ là thử thách cho các nhạc công chơi cùng ông.


Đây có lẽ là thứ tạo sự khác biệt lớn trong âm nhạc của Stevie Wonder với nhạc của các nghệ sĩ khác. Ngoài chuyện các hợp âm có nhiều nốt thăng giáng (tương đương nhiều phím đen trên đàn piano/keyboard) mang màu sắc riêng thường thấy trong nhạc của người da màu, các phím đen này còn mang các màu sắc ấm của nhạc Soul / Gospel và mới mẻ hơn những bài nhạc chơi trên các hợp âm phổ cập có nhiều phím trắng.

Tất cả cũng vì việc không có đôi mắt sáng của Stevie Wonder vô hình trung xoá đi những “giới hạn” trong sáng tác, vừa thuận tiện cho ông chạy những ngón tay trên các phím đàn, vừa đưa âm nhạc của ông tới những âm thanh khác biệt cho đôi tai người nghe nhạc. Đôi mắt mù loà có lẽ cũng giúp những ngón tay của ông vươn tới những tổ hợp nốt mới mẻ, bởi vì âm nhạc đến với Wonder qua đôi tai và rung động cảm xúc, chứ không bị bó buộc bởi các thói quen tiềm thức ở những thế bấm quen thuộc trên phím đàn bị “điều khiển” bởi đôi mắt sáng.

Stevie Wonder chia sẻ rằng, giống như một người mắt sáng có thể tưởng tượng ra bức tranh trước khi vẽ lên giấy, ông có thể “thấy” được âm nhạc trong đầu và “nhìn” ra được những hợp âm ông muốn chơi. Thế nên cùng với căn bản từ sự biến tấu trong nhạc Jazz, vòng hoà âm mà Wonder đưa vào các bài lại còn phức tạp hơn nữa. Ông nắm trong mình một vốn liếng các loại hợp âm vô cùng phong phú, tinh tế nhưng cũng đầy thách thức. Ông sử dụng các hợp âm mở rộng, các hợp âm chứa các nốt căng biến đổi, nôm na mấy cái như add9, maj7, maj9, các nốt bậc 5 hoặc 9 thăng hoặc giáng. Tóm lại chúng không bị bó buộc theo một khuôn mẫu nào cả.

Vấn đề là đa phần những hợp âm này nghe nghịch tai khi đứng một mình. Nhưng điều kỳ diệu là dưới bàn tay của Wonder, khi được ghép trong một chuỗi hợp âm, bài hát bỗng nhiên nghe mượt đến độ người nghe không nhận ra sự phức tạp của chúng.

Để kể ra ví dụ thì hầu như bài nào của ông cũng có những vòng hoà âm kỳ lạ này, nhưng ở một tầm phức tạp chắc phải nhắc đến bài “Sir Duke” trong album Songs In The Key Of Life. Một bài không chỉ dừng ở những khúc đổi tông, mà trong mỗi khúc, Wonder còn dùng nhiều hợp âm có vẻ “đá” nhau. Như ở khúc đầu, G#m chuyển bụp sang G khi nốt gốc cách nhau có nửa cung. Rồi khúc sau một loạt hợp âm E9-Eb9-D9-Db9, D9-D#9-E9 nhích lên nhích xuống không rõ ràng về tông giọng chút nào mà phải nghe mới thấy kiểu biến đổi đó kỳ lạ ra sao. Hay như bài “Living For The City” trong album Innervisions, phần bridge với đoạn lời “da da da dah” có chuỗi hợp âm như thể Wonder nhặt ngẫu nhiên trong cái hộp đựng các hợp âm rồi ghép vào vậy. Chúng hoàn toàn đi trái với những quy chuẩn làm nhạc, nhưng qua đôi tay của ông, mọi thứ đều hoà hợp.


Thực tế là trong nhiều trường hợp, những hợp âm đó được Wonder chủ ý chọn theo trình tự mà nốt bass đi liền nhau theo từng bậc nửa cung một, như việc chúng ta đi lên hay đi xuống cầu thang vậy, nếu có nhắm mắt thì dù tay vịn có uốn lượn lên xuống ra sao nhưng bàn chân sẽ không bao giờ bị hụt nếu bước những bước ngắn.

Sáng tác lời

Tương tự như khi viết nhạc, Stevie Wonder luôn có khái niệm về chủ đề cho phần lời đối với mỗi bài hát trong lúc ông sáng tác nhạc. Những câu như “I’ll be loving you always” chẳng hạn có thể là một cảm xúc để Wonder sẽ sáng tác ca từ theo đó sau khi hoàn tất phần nhạc.

Chỉ là đối với một người bị mù từ nhỏ như Wonder, thế giới quan của ông liệu sẽ như thế nào để ông viết ca từ về chúng? Ngoài những vật thể có thể chạm để cảm nhận hình dạng và vật liệu của chúng, những thứ như màu sắc hay chuyển động của vạn vật, cũng như những vật thể vượt ngoài tầm với của ông, thì những khung hình mà Wonder tự tưởng tượng vẽ lên trong đầu hẳn sẽ có nhiều hạn chế chăng?

Ngược lại, chính vì sự hạn chế về mặt nhận thức quan qua đôi mắt mù lòa, cách viết lời của Wonder lại là tổng thể của những trí tưởng tượng về một vũ trụ vươt xa khỏi các chiều không gian và thời gian. Cùng với kỹ thuật viết và phối nhạc điêu luyện, những ca từ ngắn gọn được ông biến thành những bài hát hoàn chỉnh mang ý nghĩa rộng lớn.

Stevie Wonder đã từng nói “Chỉ vì một người có đôi mắt mù lòa không có nghĩa người đó lại mất đi tầm nhìn”. Và đúng như những gì ông chia sẻ, ca từ của Wonder vẽ những bức tranh đầy sinh động và mới lạ về màu sắc và những chuyển động của thời gian và không gian khác xa những bài của các nghệ sĩ khác.

Như trong bài “Saturn” ở album Songs In The Key Of Life, có đoạn lời như sau: “Rainbow moonbeams / and orange snow / On Saturn / People live to be two hundred and five / Going back to Saturn where the people smile / Don’t need cars, ’cause we’ve learned to fly / On Saturn / Just to live to us is our natural high

Những ánh trăng tạo dải cầu vồng”, “tuyết rơi màu cam”, “trở về Sao Thổ nơi mọi người nở nụ cười hạnh phúc”, v.v. là những hình ảnh giàu trí tưởng tượng và không bị giới hạn bởi những nhận thức như những người mắt sáng quan sát thế giới mỗi ngày.

Hay như những nhận thức về thời gian của Wonder cũng mở mang cho chúng ta những cảm xúc mới về tình yêu con người qua đoạn lời bài “You Are The Sunshine Of My Life” trong album Talking Book: “I feel like this is the beginning, though I’ve loved you for a million years”.


Hoặc một thế giới hòa bình mà Wonder tưởng tượng như một vùng đất đầy ắp sữa và mật ong, những thứ ngọt ngào nhất thế giới trong bài “Visions” ở album Innervisions: “People hand in hand / Have I lived to see the milk and honey land? / Where hate's a dream and love forever stands / Or is this a vision in my mind?”.

Những ca từ này của Stevie Wonder khiến chúng ta tự hỏi, thế giới quan của những người mắt sáng như chúng ta liệu có rộng lớn được như của Wonder, bởi dường như lời hát của ông còn vẽ lên nhiều bức tranh mới mẻ hơn những gì chúng ta thường thấy. Chúng có thể bay bổng, khác lạ, nhưng lại vẫn gắn kết được với người nghe nhờ vào cái cảm xúc chân thật mà chúng ta đều cảm nhận được khi nghe nhạc của ông.

Chơi nhạc cụ và sản xuất nhạc

Tên thật là Stevland Hardaway Judkins, Wonder đã phải nằm trong lồng kính từ khi mới đẻ ra vì bị sinh non. Không may là lượng oxy bơm vào lồng quá nhiều đã ảnh hưởng đến mạch máu phía sau mắt khiến ông bị mù. Nhưng điều đó không ngăn trở một thiên tài âm nhạc phát huy tài năng của mình. Với giọng hát ngọt ngào cao vút cùng kỹ thuật chơi nhạc điêu luyện, ông đã ký hợp đồng ghi âm với Motown khi mới 12 tuổi. Suốt thời gian đó, Wonder luôn chăm chỉ tập luyện đàn và tham gia các khóa dạy nhạc Jazz cùng kỹ năng sáng tác. Do đó vào sinh nhật lần thứ 21, khi mà ông giành lại quyền tự chủ trong sáng tạo từ hãng đĩa, thì cũng là lúc Stevie Wonder bắt đầu thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp với những nhạc phẩm để đời.

Từ tuổi lên 8, Stevie Wonder đã chơi cực giỏi các nhạc cụ như harmonica, piano / keyboard và trống. Tiếng kèn harmonica của ông mượt mà và thánh thót như giọng hát của Wonder, mà sau này mỗi khi ông đưa nhạc cụ này vào phần solo trong những màn hợp tác với Babyface trong bài “How Come, How Long” hay 98 Degrees trong bài “True To Your Heart”, chúng đều là những điểm sáng của bài.



Khả năng đánh trống thần sầu đã từng đưa Wonder lên vị trí sau giàn trống để jam cùng Jimi Hendrix vào năm 1967 cho kênh BBC. Ở tuổi 17, ông đã thừa tự tin để “đấu” cùng ngón đàn của Hendrix. Thiên hạ đồn là những cú nã trên tom-tom hay cymbal của Wonder đủ sức đối chọi với âm thanh wah-wah của Hendrix ở thời kỳ đỉnh cao của Guitar God. Cách đánh trống của Wonder là vậy, lực đánh cực khỏe, như lần ông thể hiện phần solo tại TV Record studio ở Brazil năm 1971.

Còn về kỹ thuật chơi piano và keyboard thì miễn bàn. Nhất là khi thứ nhạc cụ này là phương tiện giúp Wonder mang đến cho chúng ta những nhạc phẩm mà ông tham gia (cùng với hỗ trợ của Robert MargouleffMalcolm Cecil, hay thậm chí tự thân một mình) sắp xếp và sản xuất để thể hiện ý đồ nhạc độc đáo của mình.


Vào thời kỳ vàng của giai đoạn phát hành chuỗi những album được xếp vào hàng kiệt tác, Stevie Wonder bắt đầu khai sáng những âm thanh mới lạ qua những cây đàn điện tử synthesizer. Những câu nhạc trên mỗi nhạc cụ (dù là nhạc cụ sống hay lấy âm thanh từ đàn synth) đều nảy ra trong đầu Wonder. Ông sẽ thường đánh thử chúng và hướng dẫn lại trước những con mắt chữ A mồm chữ O của những người nhạc công có đôi mắt sáng. Họ bị choáng ngợp trước sức sáng tạo, những vòng hòa âm mới lạ, những cách chơi đột phá và những lối phối âm độc đáo của một con người duy nhất – Stevie Wonder. Nhiều lần không thể đợi được những nhạc công đấy mò tới studio sau những cuộc gọi đột ngột của Wonder vào giữa đêm, ông đã tự mình chơi nhạc cụ đó và thu âm luôn. Vì thế có rất nhiều track nhạc cụ đều do một mình Wonder thực hiện, và những nhạc công như người đánh trống không mấy khi có dịp để thể hiện, trừ khi họ theo kịp được lịch làm việc của ông hoặc cầu xin ông cho cơ hội thử sức.

Trong phòng thu, các nhạc cụ được sắp xếp thành một vòng tròn để Wonder có thể dễ dàng xoay chuyển xung quanh thử nghiệm trong lúc làm nhạc. Khi thu âm, ông có thể vừa chơi đàn piano vừa hát, không cần bật click track để giữ nhịp.

Âm nhạc và hòa âm luôn hiện lên trong đầu Stevie Wonder, nên những người khác thường khó theo kịp suy nghĩ và sự sáng tạo của thiên tài này. Nhiều lúc các bài nhạc của Wonder không rõ ràng về hợp âm đang chơi, mà sẽ phải ngẫm qua tiếng bass và tìm những nốt bậc 3 hay bậc 5 mà mỗi nhạc cụ khác nhau đánh trong từng khuông nhạc. Những nhạc cụ đó chơi những giai điệu đối ẩm nhau, tạo nên những bản hòa âm mang nét riêng của Wonder.

Cái tinh tế của ông trong việc sản xuất những hòa âm của album nhạc nằm ở sự cân bằng hoàn hảo giữa những khúc nhạc phức tạp và đơn giản. Wonder không bao giờ nhồi nhét quá nhiều những thứ cao siêu bởi như bản chất con người ông, cảm xúc phải đọng lại cho người nghe đúng như ý tứ mà ông muốn gửi gắm. Do đó ta có thể tìm thấy những nhịp điệu ở nhịp 4/4 đều đặn trong phần verse nhưng lại biến tấu theo nhịp 3/4 và 2/4 trong đoạn điệp khúc của bài “Living For The City”; phần giai điệu lặp đều đặn ở khúc đầu trước khi chuyển sang tông giọng biến đổi liên tục sau đó ở bài “Golden Lady” trong album Innervisions; phần một hợp âm không đổi trong cả đoạn verse bỗng dưng làm cho phần biến đổi hòa âm ở điệp khúc trong bài “Superstition” ở album Talking Book trở nên nổi bật; hoặc cách sắp xếp bài nhạc đơn giản hơn để cân bằng cho phần lời và hòa âm phức tạp của bài "Lately" trong album Hotter Than July.


Hơn nữa, Wonder còn có biệt tài “nhìn” ra được âm sắc mới có thể tạo ra từ mỗi nhạc cụ khi ông chơi thử chúng. Vì thế ông luôn đẩy xa những giới hạn trong không gian âm nhạc. Nhờ Wonder, những nhạc cụ điện tử lạnh lùng như đàn synth lại trở nên ấm áp và rất con người. Nhờ Wonder mà tiếng “bẩn bựa” của đàn clavinet thổi thêm sức sống cho thể loại nhạc Funk được chơi theo cách rất “Wonder”.

***

Như tạp chí Chicago Tribune từng nhận xét về âm nhạc của album Talking Book của Stevie: “Người đàn ông mà màu sắc ông ta cảm nhận được chỉ là những dải âm thanh đã mở mang cho đôi mắt sáng của tất cả chúng ta”. Thật vậy, chỉ nghe nhạc của Wonder, người ta mới như được khám phá ra những tầm nhìn mới qua âm nhạc và lời ca khác xa những nghệ sĩ không mắc phải căn bệnh mù lòa như ông.

Bởi lẽ như tôi nói ở trên, Wonder sinh ra với một thế giới quan khác nên ông có thể “nhìn” xa hơn được những giới hạn và khuôn mẫu mà những đôi mắt sáng “áp đặt” ra. Chính thế nên như cái lần người trong hãng đĩa nhắc ông rằng ông đã tuyển tới hai nhạc công da trắng, vào thời điểm sự phân biệt chủng tộc đang rất khắc nghiệt, thì Wonder mới gọi một trong hai anh nhạc công da trắng đến và hỏi “Anh kia, cung hoàng đạo của anh là gì?”. Anh này do không hiểu ý đã trả lời Wonder rằng “Tôi là người Ý”.

Chỉ đợi có thế, Stevie Wonder quay ra với mọi người và bảo “Này các anh, cậu này là người Ý nhé, không phải là người da trắng. Cậu ấy sẽ chơi trong band với chúng ta”.


Hẹn gặp lại!

Kroon

933 views

Recent Posts

See All
bottom of page