Vào cái thời kỳ đầu thập niên 90, người Anh bỗng cảm thấy tức tối vì thứ nhạc grunge tăm tối của Mỹ chiếm lĩnh thị trường âm nhạc, và đẩy nhạc của người Anh khỏi bản đồ thế giới trong thời gian ngắn - khi vừa trước đó còn đang thịnh với indie rock và shoegaze (thứ nhạc có mấy ông đánh đàn guitar cứ cúi gằm mặt xuống nhìn chân để chăm chăm đổi effect). Thế nên báo chí Anh (chứ không phải ngành công nghiệp âm nhạc) mới làm cuộc cách mạng tìm vị anh hùng cứu thế: Britpop!
Thế nhưng trong nhóm được tôn là “big 4” của Britpop - bao gồm Oasis (click đi), Blur, Suede, và Pulp - Suede có lẽ là hội ít được nhắc đến nhất. Hai ông đầu tiên thì quá nổi đình nổi đám rồi, nhưng với Suede, liệu việc báo chí chì chiết họ là tệ nhất trong số những người giỏi có hàm ý là họ không đủ hay hay không?
Có một điều là, ít ai để ý Suede mới là một trong những ban nhạc tiên phong của Britpop. Chính thành công rực rỡ của họ đã mở rộng cánh cửa cho những cái tên như Blur và Oasis được cơ hội thể hiện sau này.
Lúc đó là thời điểm đầu năm 1992. Khi ấy Blur phát hành single "Popscene" tiên phong của họ, nhưng chính Suede và đĩa đơn "The Drowners" lại được chọn làm “đại sứ âm nhạc” của Britpop lúc đó. Tôi nghĩ do thứ nhạc mang tính thử nghiệm của Damon Albarn với Blur lúc đó chưa đủ "đô" để đẩy lùi nhạc grunge.
The Drowners của Suede thì khác: nó mang âm hưởng thức thời và tính định hướng với Britpop rõ ràng hơn. Đó là phần guitar sáng, dày tiếng ở dải treble và đỡ đục hơn so với kiểu của Grunge, được chơi tài tình bởi Bernard Butler, tay guitar có tài nhất hội Suede lúc đó. Chưa hết, tiếng guitar điện còn sử dụng hiệu ứng nhoè tiếng cộng với tiếng đàn bass phá tiếng khó phân biệt với các nhạc cụ khác càng làm cho phần dây nghe khó nắm bắt và phức tạp. Đây cũng chính là những đặc trưng trong nhạc Britpop sau này. Và để tạo sự cân bằng cần thiết, các band Britpop hay có thêm tiếng guitar acoustic ở trên, để làm rõ nốt cho các dải hợp âm được chơi trong bài.
Bên cạnh đó, còn một đặc trưng dễ nhận trong nhạc Suede chính là chất giọng mai mái của Brett Anderson. Nếu như dễ nhận thấy trong nhạc Britpop nói chung kiểu gì cũng có chất giọng đặc sệt Anh Quốc ồm ồm, thì Suede còn có thêm cái đặc trưng trong giọng hát của Brett.
Quay lại câu chuyện tìm người giải cứu "nhạc Anh" bằng Britpop. Lúc đó Britpop được coi như là chiêu trò PR của báo chí nhằm gây dựng lại niềm tự hào nước Anh khi tôn vinh Suede như ban nhạc mới nổi giỏi nhất Anh Quốc dù chưa tung ra album đầu tay (tôi nghĩ sức ép lên mấy anh như Brett và Bernard phải lớn đến chừng nào) Được cái, nhạc của các anh trong album đầu tay cùng tên Suede (1993) là một sản phẩm vô cùng chất lượng.
Tua nhanh qua Suede '93, với tôi hai đĩa sau của họ: Dog Man Star (1994) và Coming Up (1996) mới là hai đĩa thuộc hàng kinh điển, tiêu biểu cho ban nhạc ở thời kỳ biến động nhất của họ.
Không hiểu có phải do sức ép của truyền thông không, mà ngay khi mới gặt hái thành công chưa được bao lâu ở album đầu tay, mâu thuẫn giữa Benard và Brett đã bắt đầu căng. Và trong khi đĩa Dog Man Star còn chưa hoàn thành, cả hội đã quyết định chia tay với Bernard - tay guitar và sáng tác chính của nhóm!!! Giữa bao lùm xùm, Dog Man Star không đạt được kỳ vọng về mặt thương mại, nhưng vẫn được đánh giá rất cao về chất lượng. Chắc do căng thẳng của Bernard với ban nhạc mà âm thanh của album này có phần đen tối hơn, tiêu biểu phải kể đến bài "We Are The Pigs" nghe đen tối nhưng lại hào hùng theo cách rất Suede, hay nói đúng hơn là rất “Bernard”. Tất nhiên dù ra đi, Bernard vẫn còn nguyên credit trong thu âm, và anh không quên để lại dấu ấn quá đậm trong câu intro của bài "We Are The Pigs" hay đoạn solo trong "Hollywood Life" (chất như bài "Moving" ở album đầu tay).
Mặc kệ khoảng trống Bernard bỏ lại vô cùng lớn, bọn còn lại trong Suede vẫn bình tĩnh lắm. Sau mấy lần tìm tòi thì cũng tuyển được anh Richard Oakes lúc đó mới 17 tuổi. Chắc do tài năng và là fan của Suede hồi đó, Richard bắt nhịp với nhóm rất nhanh. Kết quả là đĩa Coming Up ra sau đó hay không kém. Có lẽ nhờ sức trẻ của Richard, âm sắc đĩa này tươi sáng hơn, ngược hẳn lại với Dog Man Star. Có quá nhiều bài ấn tượng nên với một đĩa chỉ có 10 track, có đến 5 bài được làm single, trong đó "Beautiful Ones" có thể được coi như bài đại diện cho Suede khi sự biến đổi tông giữa verse (kiểu catchy) và điệp khúc rất mượt, với lối hát giả thanh mai mái cực hay của Brett. Những bài còn lại trong đĩa như "Starcrazy" hay "The Chemistry Between Us", theo tôi, cũng đều có tố chất để làm đĩa đơn. Còn tài năng của Richard - tay guitar mới - thì sao ư? Xin mời nghe "Beautiful Ones" với câu guitar intro cực hay và tiêu biểu cho nhạc Suede. Album Coming Up vì vậy là sản phẩm thành công cả về chất lượng và thương mại.
Vậy nhưng tại sao Suede vẫn là những kẻ mờ nhạt so với Blur và Oasis dù họ mới là những người tiên phong? Tại thị trường Bắc Mỹ, Suede bị quên lãng sau một vài show không thành công, một phần vì mấy chuyện phức tạp xảy ra với tay guitar cũ Bernard Butler trong lúc đi tour và một phần vì thiếu sự hỗ trợ của kênh MTV tại Mỹ lúc đó. Đặc biệt vớ vẩn là khi sang Mỹ họ còn có một tên gọi khác là The London Suede do cái tên “Suede” đã bị đăng ký trước đó ở Mỹ. Thế nhưng vấn đề là, ngay cả Oasis và Blur đều không có được danh vọng ở Mỹ thì hà cớ gì mà báo chí "dìm hàng" Suede đến thế?
Cái này có lẽ là do Brett Anderson và đồng đội đều là những kẻ thích tránh xa khỏi đám báo chí công kích để mua tin. Khi mà Blur cho ra Parklife và Oasis cho ra Definitely Maybe đều thành công vang dội trong năm 1994, nước Anh hả hê vì dòng nhạc grunge đã bị đẩy lùi (đặc biệt sau cái chết của Kurt Cobain). Báo chí Anh lúc đó không còn nhiệm vụ tìm anh hùng cứu thế nữa, và bắt đầu quay ra “thầy dùi” sự đối đầu giữa Blur và Oasis đặc biệt khi Damon Albarn và Noel Gallagher bắt đầu ngứa mắt nhau, thậm chí tôn vinh cái màn mâu thuẫn lên thành "The Battle of Britpop". Suede chỉ im lặng đứng ngoài cuộc chơi này mặc dù đúng ra Brett phải cay cú với Damon Albarn của Blur lắm, khi chính cô người yêu cũ của anh cũng là cựu tay bass của Suede, Justine Frischm, chạy theo Damon, chưa kể sau đấy cô còn rủ thêm tay trống Justin Welch bỏ Suede lập ra band Elastica.
Thế nên tôi mới thấy cái meme mà hội trên mạng đặt tên mỗi nhân vật trong ảnh theo mấy ban nhạc Britpop đúng thế nào. Trong đó Oasis và Blur như hai cậu choai bụi và đầu gấu còn Suede như cậu bé hiền lành nhút nhát.
Vì vậy khi nói kỹ về nhạc của hội Big 4 Britpop này, mới thấy nó khác nhau thế nào dù đều chung một thể loại vào cùng một thời kỳ. Nếu như cả Suede và Oasis cùng chọn cách sản xuất các album nhạc đồng nhất theo một phong cách nhạc của họ (ngược lại với phong cách biến đổi thử nghiệm của Blur và kiểu "Pulp" của Pulp mà bọn tôi sẽ phân tích vào một thời điểm khác), thì theo tôi, Suede giữ được sự đồng nhất trong chất lượng nhạc hơn cả Oasis dù họ kém nổi tiếng hơn.
Album Head Music (1999) có dấu hiệu đi xuống nhưng hơn nửa đĩa vẫn rất hay. Kể cả sau sự thoái trào của Britpop vào cuối thập niên 90, và Suede tan rã sau thất bại với A New Morning (2002), thì họ vẫn có thể quay lại làm nhạc của chính họ rất thành công vô cùng với Bloodsports (2013).
Và hình như khi nhận ra nhạc của mình không được mainstream đón nhận nữa, các anh trong Suede bỗng dưng như được gỡ bỏ được gánh nặng của trào lưu âm nhạc mà họ từng vướng phải với Britpop. Từ Bloodsports cho đến đĩa The Blue Hour (2018) - một album vô cùng ưa thích của tôi -, giới phê bình đều đánh giá cao.
Nhìn chung thì nhạc của Suede dù bắt nguồn cho trào lưu Britpop nhưng vẫn luôn có nét riêng. Thuộc nhánh của Alternative nhưng có vẻ ảnh hưởng của glam rock trong nhạc của Suede làm nhạc của họ “tình” và nhẹ nhàng hơn các band kia (nhạc đập vào mặt). Âm thanh mềm mại và giọng hát đặc trưng của Brett có lẽ vì vậy được ví như cậu bé nhút nhát trong hình meme kia cũng rất hợp lý.
Nhưng cũng nhiều khi, đó là một cậu bé nội tâm và sâu sắc.
Hẹn gặp lại!
Kink
Comments