Sau khi nhận được cuộc điện thoại từ Oliver, Elio thẫn thờ dập máy. Bước tới trước cái lò sưởi, cậu ngồi thụp xuống, nhìn trân trân vào ánh lửa bập bùng. Giọt nước mắt của cậu cứ thế tuôn.
“I have loved you for the last time
Is it a video? Is it a video?
I have touched you for the last time
Is it a video? Is it a video?”
Bài “Vision of Gideon” của Sufjan Stevens cất lên, buồn và hay mơ màng, trước khi kết thúc bộ phim Call Me By Your Name. Đây có lẽ là một trong số ít cảnh cuối của một bộ phim được diễn tả đơn giản nhưng mà gây xúc động mạnh đến như vậy.
Cả hai bài hát mà Stevens sáng tác cho bộ phim bao gồm “Mystery Of Love” và “Vision of Gideon” hòa hợp vô cùng. Chúng lãng mạn như câu chuyện nhẹ nhàng mà Call Me By Your Name kể về mối tình ngắn ngủi giữa cậu thanh niên Elio và Oliver, anh sinh viên kiêm trợ lý cho bố của Oliver vào một mùa hè năm 1983 ở phía Bắc nước Ý. Những tiếng nhạc mộc của cây đàn guitar, mandolin, piano vang lên lung linh cùng giọng hát nhẹ như hơi thở của Stevens. Tiết tấu giai điệu lặp cùng cấu trúc bài không cầu kỳ.
Nhưng nếu như đằng sau câu chuyện tình thơ mộng của bộ phim là những cảm xúc chân thực của nhân vật trải qua mối tình đầu và sự cảm thông đầy tinh tế của người cha qua đoạn hội thoại vô cùng xúc động, thì ẩn sâu trong những lớp nhạc của Sufjan Stevens là những ý tứ nhạc đột phá cùng lời thơ đẹp vô cùng, điều mà nếu nghe nhiều nhạc phẩm của anh thì mới thấy Stevens không phải một nghệ sĩ đơn giản như anh vờ tạo dựng bên ngoài.
Để nghe nhạc của Sufjan Stevens và đặt anh chàng này vào trong cái hộp dán mác nhạc Folk cũng chỉ là để thuận tiện trong việc so sánh với những nghệ sĩ khác cùng thời. Đúng thật là trong bộ discography của anh, có nhiều bài nhạc nhẹ nhàng dễ gợi người ta liên tưởng một anh chàng thư sinh mơ màng ôm đàn hát. Có điều với số lượng 10 album solo được phát hành, cộng với 4 album hợp tác với những nghệ sĩ khác, “ôm đàn hát” không phải là hình ảnh duy nhất về Stevens. Thực tế là anh luôn tự tay liều lĩnh thể nghiệm nhiều kiểu nhạc và sự phá cách trong âm nhạc luôn nằm trong tính cách của chàng trai này, kể cả từ những nhạc phẩm tưởng chừng như bình dị nhất, được thể hiện qua những dấu hiệu sau đây.
Dấu hiệu 1 – Hợp âm:
Đối với những bài hát và album mộc mạc chất Folk, thật không dễ dàng để nhìn ra sự phá cách trong việc làm nhạc của Sufjan Stevens. Tiết tấu nhạc chậm rãi đều đặn thực ra chỉ là vỏ bọc cho thứ mà Stevens gài gắm phía bên trong: hợp âm.
Ca khúc “Seven Swans” trong album cùng tên chỉ độc tiếng đàn banjo và giọng hát của Stevens. Đến cả lúc hát những nốt cao bằng giọng giả thanh, Stevens cũng không buồn lên gân lên cốt, mà cứ để giọng hát có chút lạc đi. Nhưng với 1 track dài đến 6 phút rưỡi thì cái sự lặp trong giai điệu và chuỗi hợp âm cùng với sự tối giản của hòa âm hẳn không thể giữ người nghe mãi được. Trước đó, những biến đổi ý nhị trong nhạc là phần đổi gam giữa Am (la thứ) và A (la trưởng). Tới quá nửa bài về phía cuối, khi mà trống, piano, bass vào làm đầy và ấm áp hơn thì là lúc Stevens phá vỡ chuỗi lặp ở trên. Đầu tiên là phần chuỗi hợp âm nghe đen tối hơn. Thứ hai là giai điệu hát được anh với lên một nốt cao hẳn hơn 1 quãng tám ở chữ “Lord” trong câu “Cause He is the Lord”. Mỉa mai thay là khi các nhạc cụ vào đầy đặn ấm áp hơn thì lại là lúc bài hát chuyển hướng về hình ảnh Chúa xuất hiện vào ngày tận thế.
Các ca khúc trong album Carrie & Lowell (2015) của Sufjan Stevens cũng vậy. Mang chủ đề về những tâm trạng của Stevens trước sự ra đi của bà mẹ, người mà anh luôn thiếu vắng tình thương từ những ngày còn bé. Chính thế nên Stevens chọn cách thể hiện giản dị hơn cả bằng âm thanh lo-fi chủ đạo từ guitar, và chút piano / keyboard, nhưng các nhạc cụ khác, kể cả trống hay bộ gõ gần như không xuất hiện, hoặc nếu có thì chỉ phảng phất trôi lững lờ ở phía sau. Không khí buồn man mác của đĩa này cùng với thời điểm anh sáng tác hai ca khúc cho bộ phim Call Me By Your Name kể trên.
Dù thế sự phức tạp trong cách sáng tác của Stevens lại ẩn ở những khúc chuyển đổi đầy tinh tế. Giống như bài “Should Have Known Better” với giai điệu cực đẹp nhưng buồn bởi tông giọng Em (mi thứ) để hát về cảm xúc lẫn lộn của Stevens khi nghe tin về cái chết của bà mẹ. Sau đó, như thể để chuyển tải một thông điệp tích cực hơn về cuối, bài hát đổi sang tông G (sol trưởng) có màu sắc sáng hơn, phản ánh sự chuyển hướng trong dòng suy nghĩ khi anh nhận ra việc không gì có thể thay đổi được quá khứ để anh nuối tiếc việc mình đã nên hoặc không nên làm.
“I should have known better
Nothing can be changed
The past is still the past
The bridge to nowhere
I should have wrote a letter
Explaining what I feel, that empty feeling”
Khó tìm nhất là những bản thực sự đơn giản như bài “Futile Devices” thuộc album đầy thể nghiệm The Age Of Adz (2010) mà Stevens có dùng trong cả soundtrack phim Call Me. Khi hầu hết cả bài quanh quẩn ở hai hợp âm chính F#m7 và B, thì Stevens vẫn tô thêm phảng phất các màu mới của những nốt thêm vào ngoài bộ ba nốt hợp âm. Ví dụ như tiếng guitar chơi nốt E để hợp âm F#m mang màu sắc của F#m7. Và đó cũng là cách anh nghệ sĩ này biến ca khúc lung linh hơn nhờ các nốt bậc 7, bậc 9 hay những nốt biến đổi của hai hợp âm chính xuất hiện trong giai điệu hát tạo độ căng khác lạ trong bài. Và rồi sau đó, như ở một số ví dụ trên, với “Futile Devices”, Stevens có bước chuyển tông sang một màu sáng hơn là A ở cuối nhằm mang lại ý nghĩa tích cực cho âm nhạc lẫn lời ca.
Dấu hiệu 2 – lời bài hát:
Dấu hiệu thứ hai dễ nhận hơn nằm trong lời ca của Sufjan Stevens. Thay vì chỉ đơn thuần viết những phần lời có vần điệu như thơ, Stevens phát triển lối viết theo phong cách sáng tác tiểu thuyết. Đó là kỹ thuật “Show, Don’t Tell” – tả mà không kể. Khi ấy Stevens sử dụng các danh từ và động từ để miêu tả càng cụ thể càng tốt. Và trong các bài hát, đó là quá trình dựng lên những khung hình, bối cảnh và từ đó phát triển cốt truyện xung quanh một vấn đề.
Trong lời của bài “Fourth Of July” ở đĩa Carrie & Lowell, có đoạn:
“Sitting at the bed with the halo at your head
Was it all a disguise, like junior high?
Where everything was fiction, future, and prediction
Now, where am I? My fading supply”
Thay vì nói lên những suy nghĩ băn khoăn của mình về người mẹ đang hấp hối bên giường bệnh, mà Stevens luôn thiếu vắng tình thương của bà từ nhỏ, anh chọn cách tả bà “ngồi trên chiếc giường với vầng hào quang ở trên đầu”. Hình ảnh bà thánh thiện như một nữ thần, “hay đó chỉ là lớp cải trang”, giống như thời học sinh, khi mọi thứ điều tốt đẹp “chỉ là tiểu thuyết”, “chỉ là câu chuyện của tương lai” hoặc “chỉ là những điều phỏng đoán”.
Rồi Stevens hát:
“The hospital asked, "Should the body be cast?"
Before I say goodbye, my star in the sky
Such a funny thought to wrap you up in cloth
Do you find it all right, my dragonfly?”
Ý nghĩa của lời hát càng tạo ấn tượng mạnh hơn khi Stevens lóe lên “một suy nghĩ tếu táo” lúc anh vĩnh biệt bà khi quấn chiếc khăn quanh người. Việc anh quấn khăn cho người mẹ khi bà đã khuất cũng lại giống như điều bà đã làm khi anh mới sinh ra, cả hai hành động đều là những cử chỉ quan tâm và yêu thương. Nhưng đang buồn là chúng chỉ diễn ra trong những khoảnh khắc trong một cuộc đời mà hai mẹ con anh không có nhiều kỷ niệm gắn bó. Và đó là lý do Stevens ví bà như “con chuồn chuồn” bởi quãng thời gian được sống trên cuộc đời thật quá ngắn ngủi.
Ở một thái cực khác, vẫn là những bài hát nhẹ nhàng, ví dụ như track “The Pillar Of Souls” trong album A Beginner’s Mind (2021) hợp tác giữa Sufjan Stevens và Angelo De Augustine, câu đàn piano huyền ảo và giai điệu hát buồn tê người lại chỉ là bề nổi của những gì thực sự diễn ra ở lời bài hát.
“Now covered in chains (now covered in chains)
My skin is ablated with bleeding incision
And still, life remains, my cadaver imprisoned
As you shall retain me and raise me from Hell”
Sự ngọt ngào ở phần nhạc cũng chỉ là phương tiện để hai nghệ sĩ hát về thứ ít ai nghĩ tới, địa ngục. Trong không gian bối cảnh mà Stevens “vẽ” bằng lời, đối lập với nhạc là những hình ảnh máu me và rực lửa, con quỷ bị giam cầm và chịu đựng những đòn tra tấn dưới địa ngục. Và khi nhìn kỹ lại hình bìa đĩa thì hình ảnh kỳ dị của một loài nửa thiên thần nửa quỷ, vừa có nét tăm tối nhưng đứng trong một không gian sáng màu, có lẽ mới phần nào khớp với những ý nghĩa lời ca kể trên. Vậy nên phần artwork của album nhạc của Stevens cũng là dấu hiệu để nhận biết những ý đồ khác lạ của anh.
Dấu hiệu 3 – bìa đĩa và tên bài hát:
Thực ra nếu chỉ tìm nghe những bài hát theo dòng nhạc Indie Folk thơ ca hay mơ màng cũng là đủ để yêu nhạc của Sufjan Stevens lắm rồi. Nhất là khi nhạc anh làm luôn gửi gắm sự phá cách trong đó, đủ để một bài hát nhẹ nhàng dài tận 5-6 phút nghe vẫn không hề nhàm tai.
Nhưng chính như lời anh này nói, đã có những lúc Stevens nảy ra những ý nhạc vượt qua cả khả năng thể hiện của anh, và đó là lúc anh phải mời các nghệ sĩ đến để chuyển tải ý tưởng của mình.
Có điều là tôi cũng không biết lúc đó là lúc nào, bởi vì nhìn tên credit những người tham gia trong các album của Sufjan Stevens, thì đa phần tôi thấy mỗi mình anh lo từ việc sáng tác, rồi sản xuất, và tự chơi đủ các loại nhạc cụ. Số nhạc cụ mà Stevens chơi thì không thể kể hết, từ banjo, piano, guitar, oboe, keyboard, bass, vibraphone, đến xylophone, glockenspiel, recorders, trống, saxophone, sáo, accordion, v.v. Thế nên âm nhạc của anh này cũng đa dạng đến mức, không chỉ nhạc Folk, mà Electronic, Baroque Pop, Art Rock, Electropop, Soul v.v. cũng được Stevens đưa vào.
Khá là trùng hợp là đa phần những album đa dạng về nhạc của Stevens là những album có những hình bìa album khá là kỳ lạ và những cái tên bài hát khó hiểu.
Trong album Illinois (2005), bức vẽ phong cách cổ điển với hình ảnh ông trùm gangster Al Capone đang mặc bộ véc đứng một bên, còn phía còn lại là con dê đứng chơ hơ trước một background sai hết về tỷ lệ không gian cùng mấy cái đĩa bay đang nối đuôi nhau. Trong bản bìa đĩa gốc, còn có cả hình ảnh Superman đang bay trên bầu trời thành phố Chicago. Kỳ quặc như vậy, các bài hát trong đĩa mang những cái tên dài ngoằng mà đến nữ nghệ sĩ Fiona Apple có khi phải gọi Stevens bằng cụ, tiêu biểu như bài “The Black Hawk War, or, How to Demolish an Entire Civilization and Still Feel Good About Yourself in the Morning, or, We Apologize for the Inconvenience but You're Going to Have to Leave Now, or, 'I Have Fought the Big Knives and Will Continue to Fight Them Until They Are Off Our Lands!'”…
Được đánh giá là tuyệt phẩm của Sufjan Stevens bên cạnh album Carrie & Lowell, nhưng đối lập với Carrie, nhạc phẩm Illinois này mang đầy yếu tố đa dạng trong kiểu nhạc, hòa âm đầy đặn và phức tạp. Trong bài “Come On! Feel the Illinoise! (Part I: The World's Columbian Exposition – Part II: Carl Sandburg Visits Me in a Dream)”, Stevens đổi từ số chỉ nhịp từ 5/4 đầu bài tạo sự vội vã sang 4/4 có không khí từ tốn hơn về phía sau. Một track khác cũng rất hay trong Illinoise là "They Are Night Zombies!! They Are Neighbors!! They Have Come Back from the Dead!! Ahhhh!", câu bass chơi rất hay nhưng nhấn vào những phách lệch được cân bằng với phần giàn dây và dàn đồng ca, được phối rất phức tạp nhưng tinh xảo, đến mức thật khó tưởng tượng nó được thực hiện bởi chính tay Sufjan Stevens.
Rồi tới album The Avalanche (2006), artwork vẽ anh chàng Stevens mặc chiếc áo phông có chữ “I” đằng trước và đeo phía sau tấm khăn choàng siêu nhân màu đỏ. Như để tránh hiểu nhầm, một nhân vật khác mặc áo véc với dòng chữ thoại chú thích thêm “Outtakes And Extras From The Illinois Album!”. Quả nhiên với tấm bìa đó, tên các bài hát ở album này cũng đều kỳ lạ như chính âm nhạc phá cách hơn của chúng. Trong bài “Dear Mr. Supercomputer”, Stevens sáng tác và sản xuất trên nhịp lẻ 7/8, với các nhạc cụ được chơi khá phức tạp trong nhịp điệu, thứ gì nhiên khác xa những gì ta vừa nghe ở trên. Đến bản Alt Rock mang tên "Springfield, or Bobby Got a Shadfly Caught in His Hair" có âm điệu chậm rãi lại thì cũng lại có điểm khó ngờ là câu guitar điện solo nghe ngang phè phè. Âm sắc tươi sáng như ở “The Henney Buggy Band” với âm thanh dầy tiếng nhạc cụ phảng phất màu sắc âm nhạc mà tôi vẫn nghe của Vampire Weekend, vẫn chen vào một vài khuông nhạc chuyển time signature để dẫn dắt bài đầy bất ngờ.
Album The Age Of Adz (2010) không có những cái tên lạ lẫm hoặc dài ngoằng, nhưng hình bìa với các chi tiết đập vào mắt gây ấn tượng về mặt thị giác được Stevens chọn để phản ánh đúng kiểu nhạc đầy thể nghiệm gây ấn tượng về mặt thính giác. Không còn sự tĩnh lặng của Seven Swans hay giống với Carrie & Lowell sau này, không nhẹ nhàng và cổ điển như Illinois, không gian âm nhạc trong The Age Of Adz là những tiếng đàn điện tử, hiệu ứng âm thanh ma mị, thậm chí cả autotune đan xen vào nhau. Khác biệt vậy nhưng tổng thể mọi thứ đều khác xa một nồi lẩu âm thanh hỗn loạn. Cũng lại dưới cái tên nhà sản xuất Sufjan Stevens, album này càng chứng tỏ cái thiên tài trong khả năng làm nhạc đa dạng của anh xuất sắc đến bất ngờ. Và bất kể với kiểu nhạc nào, truyền thống hay phá cách đến đâu thì chất lượng nhạc phẩm dưới cái danh Stevens đều được đảm bảo.
Dù vẫn còn nhiều album nhạc khác trong khối tài sản âm nhạc khá đồ sộ, tôi nghĩ vậy cũng là đủ để ta có một cái nhìn rộng hơn về một nghệ sĩ tài năng xuất chúng như Sufjan Stevens. Không phải ai cũng đều hợp với tất cả những gì mà Stevens mang tới cho fan âm nhạc của anh, nhưng với người nghệ sĩ không thích đi đến hai lần trên một lối mòn như Stevens, phần lớn âm nhạc anh làm vẫn chứa đựng những nét nhạc của thể loại Folk, để anh vẫn có thể ôm cây đàn lên sân khấu biểu diễn theo phong cách mộc mà không khiến người nghe thấy nhàm chán.
Hẹn gặp lại!
Kroon