top of page

Album trọn vẹn cuối cùng của Take That

Tôi xin dành tặng bài hát tiếp theo cho Mark Owen, Jason Orange, Howard Donald…” - ngưng một lúc rồi Robbie Williams nói tiếp “… và Gary Barlow”.

Thế là nhạc nổi lên và Robbie cất giọng hát:

Tell me a story Where we all change…


Ca khúc “No Regrets” – đĩa đơn nằm trong album I’ve Been Expecting You (1998) được Robbie thể hiện tại show Live At Knebworth năm 2003 là những lời cay đắng của anh dành cho những thành viên còn lại của ban nhạc Take That. Phần nhạc của nó được từ từ đẩy lên cao trào, cùng với phần lời ngày một rõ nghĩa hơn về những gì Robbie cảm nhận được trong thời gian ở Take That. “Bass” – Robbie dứt lời là tiếng bass vào với tiết tấu nhanh như sự bồn chồn của chính anh khi hồi tưởng lại quá khứ không mấy vui vẻ này, và nó giống như ngọn lửa bập bùng cháy lan theo vết xăng rò từ chiếc can Robbie xách trong video clip chính thức của bài.

Mặc dù bản diễn live này không có được vẻ đẹp của giọng hát bè cực hay từ Neil Tennant của ban nhạc Pet Shop Boys như trong bản studio, bằng nghệ thuật trình diễn hết sức cuốn hút của Robbie Williams - tay ca sĩ có dáng vẻ nghênh ngang nhưng rất duyên dáng tài năng này, bản live vẫn có cách hút người nghe từ những thay đổi biến tấu trên sân khấu:

Remember the photographs insane The ones where we all laugh so lame We were having the time of our lives Well FUCK you, it was a real blast


Câu bridge trong bài gây bất ngờ hoàn toàn với tôi khi Robbie thay đổi phần lời chỉ một từ thôi, từ “THANK you” trong bản thu âm thành câu “FUCK you” đầy chua chát. Hình như “you” ở đây chính là Mark Owen, Jason Orange, Howard Donald; nhưng chắc chắn không thể thiếu kẻ thù không đội trời chung - Gary Barlow.

Tôi tin là trong đám đông khán giả phía dưới show Knebworth đó, không một ai nghĩ tới một ngày Robbie Williams và Gary Barlow sẽ bỏ qua chuyện cũ, chứ đừng nói đến là làm hòa và cùng nhau ghi âm nhạc.

Thế rồi ngày 7 tháng 6 năm 2010, cái tin đĩa đơn “Shame” được sáng tác và thể hiện bởi chính Robbie và Gary vỡ òa thị trường âm nhạc. Single này được đưa vào album greatest hits của Robbie. Và quả nhiên, không dừng ở đó, chỉ 5 tháng sau album Progress của Take That được phát hành. Progress (2010) không chỉ là album đầu tiên kể từ Nobody Else (1995) với đầy đủ 5 thành viên, mà nó còn là album có chất lượng nhạc xuất sắc và trọn vẹn cuối cùng của Take That.


***

Robbie: “Vấn đề của tôi luôn là Gary. Luôn luôn là vì Gary. Tôi muốn nghiền nát anh ta. Tôi muốn nghiền nát những ký ức với ban nhạc và tôi chưa bao giờ nguôi mối hận này”.

***

Âm nhạc của đĩa Progress mang một sự khác lạ lớn lao so với nhạc của Take That, không chỉ thời kỳ đầu tiên vào những năm 90, mà cả với hai album liền trước đó Beautiful World (2006) và The Circus (2008) khi Gary Barlow tái hợp ban nhạc cùng các thành viên còn lại - trừ Robbie Williams. Có vẻ như sự trở lại của Robbie đã làm âm nhạc của Progress chuyển hướng sang âm thanh điện tử với âm hưởng rock, hao hao như thứ nhạc anh mới sử dụng trong album solo Rudebox (2006) của mình.

Tại phần trình diễn bài “SOS” nằm trong album Progress của Take That tại chương trình Royal Variety Performance năm 2010, Mark Owen mở đầu với kiểu hát rất độc. Anh ôm chiếc khung bánh xe có gắn micro trên đó rồi cất giọng:

Save our souls we're splitting atoms / Go tell Eve and go tell Adam / Liberate your sons and daughters / Some are gods and some are monsters / We'll get a five minute warning for divine intervention / With the satellites falling prepare for ascension


Giọng hát mỏng nhưng lạ của Mark là một trong những điểm nhấn của Take That. Và chưa bao giờ giọng hát độc đáo của anh lại được tôn lên hay như vậy, nhờ năng lượng hừng hực của trống và bass chơi đằng sau.

Rồi sau đó Robbie vào verse 2 bằng một nguồn năng lượng khác từ chất giọng khỏe và cá tính. Thay vì cầm mic, trên tay anh là chiếc loa và những lời hát trong “SOS” mà được Robbie sáng tác cứ thế tuôn ra:

We'll get a five minute warning for divine intervention / With the satellites falling, prepare for ascension / Under mind control / We'll be practising our politics / Defending all our policies / Preparing for apocalypse

Trong Take That, người mà Robbie quan tâm và thân thiết nhất là Mark Owen. Chính thế nên trong lần tái hợp này, người ta vẫn thấy sự hòa hợp ăn ý trong lối trình diễn của hai anh trên sân khấu. Trong nhóm, năng lượng hầu như vẫn tỏa ra nhiều nhất từ Mark và Robbie. Ở bản diễn live “SOS” tại Royal Variety Performance, giữa phần trống đội đang được nện dồn dập ở khúc bridge của bài, Mark đang hát: “Like a bullet in my head … head … head … head … head … head … head / Like a bullet in my head… head … head … head … head … head … head…” thì Robbie bỗng dưng biến tấu chêm ngay chữ “give” vào giữa từ “head” mà Mark hát, gây sốc hoàn toàn với những người trong rạp hát. Thử tưởng tượng trong số khán giả dưới kia, có cả Prince Charles ngồi xem, mà Robbie và Mark cả gan hát ngay “give” / “head” (tạm dịch là “mút c..”) thì mới thấm phong cách đầy cá tính của hai anh chàng này.

Ngày Robbie Williams bị đá khỏi Take That (hoặc theo một số nguồn tin khác là tự nguyện xin rời nhóm) vì những mâu thuẫn nội bộ và sự nghiện ngập nhấn chìm anh khỏi việc tuân thủ theo lịch làm việc của nhóm, anh ôm ngay quả dưa trong phòng, nước mắt giàn giụa đi về nhà, để lại đúng Mark Owen là thành viên duy nhất cảm thấy suy sụp vì sự ra đi của ông bạn thân. Sự căm hờn của Robbie với ban nhạc, và đúng hơn là với chính Gary Barlow, kéo dài đến mãi về sau. Kể cả khi Robbie biểu diễn ở Knebworth vào năm 2003 trước tổng số 375.000 khán giả trong 3 buổi diễn – một con số kỷ lục tại nước Anh, là khi Take That đã tan rã được tới hơn 7 năm, còn kẻ thù không đội trời chung của anh đã thử sức với sự nghiệp solo và thất bại thảm hại, thì anh vẫn chưa đủ hả hê mà vẫn tiếp tục tìm cớ dìm hàng anh chàng tội nghiệp Gary.

***

Gary: “Thật đau đớn khi tôi chứng kiến Rob ngày một tiến xa trong sự nghiệp còn tôi bị tụt lùi lại tới 10 bước. Nó như sự mỉa mai, đay nghiến tôi hàng ngày, theo tôi mọi chốn mọi nơi, khiến tôi cảm thấy mình là một kẻ thất bại thảm hại.”

***

Nói là album Progress có chịu ảnh hưởng nghiêng nhiều về Robbie Williams thì cũng không đúng. Thực tế là ở thời điểm đó, sự nghiệp solo của anh cũng không còn tạo ra những dấu ấn như trước. Thế nên, âm nhạc của album Progress là sự hoàn thiện và chất lượng vẹn toàn nhất, không chỉ cho Take That, mà cả với Robbie Williams. Âm thanh nhạc điện tử ở đĩa không dừng ở việc mang lại sự mạnh mẽ ở bề nổi, mà nó vẫn có độ sâu sắc ở các chuỗi hợp âm đẹp và phần lời có phần tối tăm hơn về xã hội và con người.

Bài “Kidz” hay nhất của album được Take That trình diễn ở The BRIT Awards năm 2011 được dàn dựng công phu với dàn cảnh sát trong bộ giáp với khiên chắn phía trước để “đối chọi” với 5 thành viên Take That trong vai những kẻ biểu tình. Âm thanh uy lực của nhạc disco được tôn bởi phần trống nện mạnh bạo như tiếng dậm chân của đoàn người, bởi câu bass điện tử ma quái chao đảo, và bởi phần piano chơi vơi làm người nghe choáng ngợp bởi thứ nhạc với sức mạnh chưa bao giờ có ở Take That trước đây. Trong ca khúc này, Mark Owen là người hát chính ở những đoạn verse trong tông trầm:

Kings and Queens and Presidents / Ministers of Governments / Welcome to the future of your world / Through talking heads that took liberties / The monkeys learn to build machines / They think they'll get to heaven through the universe


Đối lập với phần điệp khúc tông cao bừng sáng được thể hiện cực hay bởi Gary Barlow:

There'll be trouble when the kidz come out (come out) / There will be lots for them to talk about (about) / There'll be trouble when the kidz come out / When the kidz come out, when the kidz come out

Có điều, dù Robbie Williams không hát chính trong bài này, người xem vẫn không thể không chú ý đến sự hiện diện nổi bật của anh. Dù là lúc cả nhóm đang đứng nghiêm thì Robbie cũng phải uốn éo người, và đôi lúc lại tung chiếc micro lên và nở nụ cười nhếch mép duyên dáng đặc trưng của mình.

Gary đã từng tâm sự rằng nếu như anh đã phải dành tới 6 tuần để tập dượt một bài diễn dài 5 phút và có được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, thì Robbie chỉ suy nghĩ về một bài diễn 4 phút trước khi bước ra và anh ta luôn làm cả sân khấu bừng sáng, khiến khán giả quay cuồng bên dưới. Nghệ thuật trình diễn như đã ăn vào máu của Robbie, biến thành viên trẻ tuổi nhất của Take That thành một cái gai trong mắt với chính cả Gary, nhất là khi trong nhóm, Robbie là kẻ duy nhất ghen tị và ganh đua với Gary.

Sau khi Take That tan rã, Gary tự tin theo đuổi sự nghiệp solo của mình. Kể cũng phải thôi, trong nhóm, Gary là kẻ cực kỳ tài năng khi anh sáng tác gần như tất cả các bài cho nhóm, gồm cả nhạc lẫn lời. Nên anh cũng phỏng đoán ra lý do mà Robbie căm ghét mình là vì sự ghen tị với mức thu nhập gấp 3 của Gary so với các thành viên còn lại, đặc biệt với con số 6,5 triệu bảng Anh mà Gary đút túi nhờ tiền bản quyền sáng tác. Nhưng đời ai nào ngờ kết quả thương mại của những nhạc phẩm solo của anh đi ngược hẳn với những gì xảy ra với Take That. Trong khi phía bên kia, sự nghiệp Robbie ngày một phất lên như diều với 3 giải BRIT Award và bán tới 6 triệu bản, thì album thứ hai - Twelve Months, Eleven Days (1999) của Gary chỉ bò lên được vị trí số 35 và anh cuối cùng cũng bị chính hãng đĩa chấm dứt hợp đồng ghi âm.

Nếu như Robbie đã từng căm ghét âm nhạc của Take That, ghét Gary Barlow đến mức sau đó ghét cả chính bản thân, thì cái tôi của Gary cũng dìm anh xuống đáy của sự tủi hổ và thất vọng với chính mình.

***

Mark: “Tôi xem chương trình thế giới động vật về loài khỉ đột. Chúng sống theo bầy đàn và đôi lúc sẽ có con thách thức để nắm vị trí đầu đàn. Gary và Robbie cũng như vậy. Họ như cặp đôi khỉ đột chuyên cạnh tranh nhau vị trí trưởng nhóm

***

Từ khi tái hợp ban nhạc Take That vào năm 2005, cái tên Robbie đã được nhắc đến trong cuộc bàn luận của 4 thành viên, với hy vọng một ngày họ có thể rủ được Robbie về lại. Một trong những sự thay đổi lớn lao nhất của một Take That mới là vai trò của các thành viên đã được chia đều hơn. Nếu như trước đây gần như toàn bộ các bài hát của nhóm đều do Gary Barlow sáng tác thì lúc này cái tên của cả 4 thành viên đều xuất hiện trong phần credit của hai album Beautiful World và Circus. Thêm vào đó, vai trò hát lead trong các bài cũng được chia đều hơn cho các thành viên, thay vì chỉ tập trung phần lớn cho Gary như trước đây.

Do vậy, ở album Progress, sự tham gia của Robbie càng làm cân bằng hơn sự đóng góp của Take That, với nhiều bài được hai thành viên đảm nhiệm vai trò hát chính. Ngoài ra, sự có mặt của Robbie có vẻ như góp phần định hướng một thứ âm nhạc có cá tính hơn cho Take That. Khác với Beautiful World và Circus với các bài có sự góp mặt của những nhạc sĩ khác tham gia cùng, thì ở Progress, toàn bộ album được chăm chút bởi đúng 5 thành viên, ngoại trừ duy nhất bài “Eight Letters”. Có thể đâu đó, sự ảnh hưởng hay nguồn cảm hứng chính về nhạc sẽ đến từ Gary Barlow, người có khả năng sáng tác những câu nhạc giai điệu cực đẹp, hay phần lời đến từ Robbie Williams, người có biệt tài sáng tác những ca từ ấn tượng, thì đa phần các bài được đóng góp bởi cả 5 thành viên. Giống như đoạn điệp khúc của bài “SOS”, giai điệu và lời dù đơn giản nhưng nó rất hiệu quả, bởi vì nó đến một cách tự nhiên từ cả 5 con người họ. Ở sau đoạn lời “It’s an SOS” bỗng dưng toàn bộ cả nhóm đồng thanh “It’s an SOS. It’s an SOS. Oh yes, oh yes” theo cùng một giai điệu, cùng một nhịp điệu, như thể có một sợi dây kết nối bộ não của năm người họ vậy.

Để có được lại cái giây phút hội ngộ và tái hợp của cả 5 thành viên và tạo ra những điều kỳ diệu như Take That đã làm nên trong album Progress, mọi thứ đã không thể diễn ra dễ dàng một sớm một chiều, nhất là khi hai nhân vật chính của chúng ta đều là những kẻ “cứng đầu”.

Gary Barlow đã mất 10 năm để đưa ra quyết định táo bạo gây dựng lại tên tuổi Take That và mất tới 15 năm để nghĩ ra những gì cần nói với Robbie Williams. Vậy mà, sau khi tái hợp với 3 thành viên kia, đã có lúc Gary mời Robbie đến khách sạn trong chuyến công tác ở Los Angeles, nhưng buổi gặp mặt đó đầy căng thẳng và gượng gạo, đến độ Robbie bỏ ngay đi chỉ sau đúng 10 phút nói chuyện.

Phải đến cuộc gặp mặt lần thứ hai, khi Robbie mời Gary về nhà, cả hai “đứa trẻ cứng đầu” đó mới trút được hết cảm xúc nỗi niềm về vấn đề của quá khứ. Cho tới khi Robbie thừa nhận với Gary là anh đã xử sự như “thằng đầu b…” và Gary chen vào “Không tôi mới giống thằng đầu b… hơn” và cứ thế cả hai đồng thanh “dickhead” rồi cười phá lên, là lúc mọi sự hận thù đã được bỏ qua.

Ở màn trình diễn bài “The Flood” tại The Royal Variety Performance năm 2010, Robbie Williams đứng giữa, vừa nở nụ cười hạnh phúc vừa mở đầu bài hát:

Standing on the edge of forever / At the start of whatever / Shouting love at the world / Back then we were like cavemen / But we map the moon and the stars / Then we forgave them

Đôi mắt của Robbie như sáng lên khi anh hát “the moon and the stars”.


Là ca khúc đầu tiên của album Progress, “The Flood” mang một giai điệu gần giống nhất với âm nhạc của Take That trước đây. Nhưng sự phá cách đầy mới mẻ hơn ở nửa sau của khúc tiền điệp khúc (pre-chorus), khi Gary Barlow cất giọng:

You know no one dies / In these love drowned eyes / Through our love drowned eyes / We’ll watch you sleep tonight

Trong chốc lát, bài hát bỗng được đổi cả tông lẫn giọng của người hát, khiến cho không gian âm nhạc được chuyển mình, tựa như có một “con đập được dựng lên sừng sững, chống lại dòng lũ đang ào về” trong phần điệp khúc cao trào đầy mạnh mẽ, được bè đồng cả bởi toàn bộ 5 người với giọng Gary lead trên tông chính của bài.

Although no one understood / We were holding back the flood / Learning how to dance the rain / We were holding back the flood / They said we’d never dance again

Bài “The Flood” nói về những hiểu lầm, những mâu thuẫn và xung đột giữa các thành viên và với cả chính tay quản lý từ những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, sau những hiểu lầm được giải thích, những vết thương được hàn gắn, nhóm nhạc đã trở lại với đủ bộ sậu đoàn kết hơn bao giờ hết.





Trong buổi diễn của bài “The Flood” đó, có một dàn vũ công nam gần như khỏa thân hoàn toàn múa phụ họa cùng. Hình ảnh của họ tựa như bìa đĩa của album Progress, trong đó 5 thành viên của Take That tạo hình lần lượt như một quá trình tiến hóa, từ người cổ đại thành con người của xã hội hiện đại, và cũng giống như sự biến đổi từ một boyband để trở thành một manband, trưởng thành cả về âm nhạc lẫn tư duy.

Đáng tiếc là đội hình 5 người của Take That không thể giữ vững được vậy. Sau Progress, Jason Orange quyết định rời nhóm vì những lý do cá nhân, và Robbie Williams thì vẫn phải tập trung vào cuộc sống gia đình và những dự án solo của anh. Dù vậy, tình bạn của 5 người vẫn không bị ảnh hưởng và cánh cửa của Take That vẫn luôn mở rộng cho Jason và Robbie trở lại bất kỳ lúc nào. Bởi lẽ sự trưởng thành và tiến hóa nhất của họ chính là nằm ở “lòng vị tha”.


***

Robie: “Giờ đây tôi và Gary đã học được cách chia sẻ “những món đồ chơi của mình” và đó là mấu chốt của việc trưởng thành. Chúng tôi cùng nhau viết nhạc, đi dạo và ăn tối cùng nhau. Tôi yêu mến và vô cùng kính trọng anh ấy.”

***

Hẹn gặp lại!

Kroon

1,615 views

Recent Posts

See All
bottom of page