Ngày 25 tháng 1 năm 1977, ban nhạc The Clash ký hợp đồng ghi âm với CBS Records với cái giá 100.000 Bảng Anh. Đó là một số tiền rất lớn, nhất là với một ban nhạc Punk. Khi đó, ban nhạc 4 thành viên này mới ngấp nghé 1 năm tuổi, chỉ chơi được 30 buổi diễn, và chưa bao giờ là cái tên xếp trên đầu tại bất cứ đại nhạc hội nào.
Thêm nữa, quan niệm của hội trong giới là thể loại Punk chỉ “nên” nằm trong thị trường ngách, hay trong thế giới underground. Do vậy, Clash bị bĩu môi vì đã “bán rẻ” danh dự nhạc Punk. Một tay bình luận nhạc còn tuyên bố “Punk bị giết chết ngay cái ngày The Clash ký với CBS”. Một tuyên bố có lẽ hơi vội vàng, mà chỉ thành hiện thực tận hơn 6 năm sau đó.
6 năm sau, vào năm 1983, tay trống cự phách của nhóm - Topper Headon đã bị đuổi một thời gian vì thói nghiện ngập, còn tay guitar chính Mick Jones - đầu não âm nhạc của Clash cũng bị ép nghỉ do những mâu thuẫn với các thành viên còn lại, đặc biệt với thủ lĩnh Joe Strummer và ông bầu ban nhạc Bernard Rhodes.
Ngày đó, Clash đang trên đà chinh phục nước Mỹ. Những kẻ còn lại vẫn đang hừng hực khí thế. Với niềm tin ở ông bầu của nhóm, Joe để Bernard nhúng tay vào định hướng âm nhạc, thay thế vai trò của Mick. Có điều, những cố gắng nửa vời, non tay trong việc làm nghệ thuật, và quan trọng là không nắm bắt được cái hồn của sự ăn ý giữa âm nhạc đến từ Mick và lời nhạc đến từ Joe trước đây, Bernard chỉ làm The Clash trở nên loạn xì ngầu hơn trong album Cut The Crap. Cái suy nghĩ với chí hướng quay về gốc gác nhạc Punk nổi loạn của Bernard và Joe không còn quan trọng nữa khi có những quyết định khó đỡ của Bernard như dùng trống điện tử lập trình sẵn để thu âm, âm nhạc bị “pha chế” quá tay, âm thanh của cả band thì rời rạc, làm Joe tự dưng bỗng cảm thấy tội lỗi hơn với người bạn cũ Mick Jones.
The Clash lúc đó có thể chưa chết, nhưng nhạc Punk của họ thì đã trở nên vô hồn, và hấp hối, một hệ quả của một loạt nhưng mâu thuẫn xung đột diễn ra trong nhóm, như chính cái tên của ban nhạc vậy.
Mâu thuẫn xung đột thứ nhất đến từ định kiến là nhạc Punk không dành cho số đông. Thế nên việc Clash ký một hợp đồng ghi âm lớn với hãng CBS năm đó chả khác nào việc họ chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Nhưng mà nhờ vậy, Clash mới có cơ hội mang âm thanh của nhạc Punk ngỗ nghịch đến biết bao ngóc ngách khác của giới trẻ. Họ giúp phổ biến nhạc Punk tới số đông người nghe hơn qua các tuyệt phẩm từ album đầu tay The Clash (1977), Give ‘Em Enough Rope (1978) đến London Calling (1979). Dù Sandinista!(1980) không hẳn là sản phẩm ưa thích với tôi, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng, và vẫn được nhiều fan hâm mộ xếp vào hàng tuyệt tác.
*** Quay lại thời điểm Mick Jones lần đầu được xem Sex Pistols biểu diễn, anh bị mê hoặc hoàn toàn. Đó là sự bất cần của ban nhạc khi đứng trên sân khấu. Mặc kệ khán giả phía dưới, không cần biết họ thích hay ghét thứ âm thanh đang phát ra từ dàn âm thanh kia. Điều quan trọng của nhạc Punk phải ở chính ban nhạc. Họ phải chơi hết mình, ồn ào và náo nhiệt!
Do đó khi Mick gặp được Joe Strummer là một cơ duyên trời định. Mick chơi guitar lead còn Joe hát chính và đánh rhythm guitar, thế nến Joe mới lấy cái tên “Strummer” đó, nôm na là Joe “Quạt Chả”. Cả Joe và Mick chia sẻ nhiệm vụ sáng tác cho nhóm và hai người rất là hợp rơ với nhau. Album đầu tay cùng tên của nhóm sau đó đã ngay lập tức được tung hô, và săn đón, thoả chí tò mò của người nghe nhạc trước lời quảng cáo “Ban nhạc duy nhất đáng để nghe” - một câu quảng cáo PR liều lĩnh nhưng hiệu quả của tay manager Bernard Rhodes. Các album sau lần lượt tiếp tục được khen ngợi và đón nhận nhiệt tình của cả hội phê bình và fan nhạc.
Nếu như ở nước Mỹ, người nghe quay cuồng theo những bài Punk nội dung đơn giản nhưng vui nhộn của hội Ramones, thì ở Anh, giới trẻ sục sôi với những bài Punk có tính bạo lực hơn khi nhắm tới chính trị của Sex Pistols. Chính thế, khi The Clash được lập với mục tiêu đối chọi lại Pistols, thị trường âm nhạc mới vỡ oà và cuồng loạn cùng thứ nhạc Punk kể về cuộc sống và những khó khăn, như phát ra chính từ miệng những thanh thiếu niên thuộc tầng lớp lao động ở nước Anh. Nhìn chung, công lao của nhạc Punk mà những kẻ tiên phong này đem lại, như The Clash là band góp công lớn, là đã tạo cảm hứng cho những đứa trẻ dưới kia, trong đám khán giả, có thể tự tin cầm đàn và lập ban nhạc Rock, mà không cần phải siêu như Jimi Hendrix hay Jimmy Page.
Mâu thuẫn xung đột thứ hai đến từ định hướng âm nhạc nội bộ của các thành viên trong The Clash. Nếu như nhạc Punk được nhắc đến như thứ nhạc mà không cần chơi guitar giỏi cũng có thể đem lại bầu không khí hừng hực của tốc độ nhanh, những tiếng riff đơn giản nhưng dồn dập nã thẳng vào mặt người nghe, thì The Clash đã chứng tỏ cho thị trường thấy rằng, hóa ra giỏi nhạc cũng là không hề thừa khi làm nhạc Punk.
Ở album đầu tay, The Clash còn đi theo công thức ngắn gọn của nhạc Punk khi gần như tất cả các track đều chỉ quanh quẩn ở độ dài 3 phút, nhưng họ đã nhen nhóm tình cảm đặc biệt với nhạc Reggae khi có bản track dài 6 phút “Police & Thieves” cover lại của Junior Murvin. Không những thế, các bài của Clash đều có số hợp âm phức tạp, nhiều hơn con số 3 có phần “nhàm tai” phổ biến ở Punk.
Thứ âm thanh mà Clash tạo ra cũng kỹ thuật hơn các đồng môn. Trên dàn trống, từ Terry Chimes (xuất hiện ở album đầu) đến Topper Headon, thứ nhịp điệu có cảm xúc tưởng như không cần thiết ở nhạc Punk chuyên bổ vào mặt, tự dưng lại mang đến nhiều màu sắc hấp dẫn hơn hẳn. Đặc biệt trong cách chơi của kẻ không trường lớp như Topper, khi anh được dạy từ gốc nhạc Jazz, bằng việc “cảm giác” thay vì đánh như cái máy khâu. Do đó có những bài tốc độ của cả band cứ tăng dần đều, nhưng vẫn được giữ trong đĩa vì tính ngẫu hứng của nó. “Cảm giác” ở dùi trống cho phép Topper chơi mọi thể loại nhạc, điều mà Mick Jones rất thích khi sáng tác nhạc. Với Paul Simonon, kỹ thuật chơi bass chịu ảnh hưởng của nhạc Reggae và Ska khiến anh khác hẳn hội bassist ở các band còn lại. Dù cho kỹ thuật của Paul dừng ở mức vừa đủ, độ máu lửa và hung hãn của Paul cũng đủ để hâm nóng bầu không khí trên sân khấu. Chính hình ảnh kinh điển ở bìa đĩa London Calling là Paul đang cáu tiết đập cả cây đàn bass vì đám khán giả bị yêu cầu ngồi yên trên ghế khi xem Clash biểu diễn.
The Clash từ đĩa thứ hai trở đi, chơi nhạc cũng có thời lượng dài hơn, phong phú hơn cả ở thể loại. Ngoài Reggae, ban nhạc kết hợp cả Funk, Jazz, Hip Hop vào những sản phẩm nhạc Punk của họ, chứng tỏ cho thế giới thấy rằng nhạc Punk không hề đơn điệu, rằng một tuyệt phẩm đa dạng như album London Calling không có một track nào là thừa, kể cả trong một album đôi.
Có điều sự đa dạng âm nhạc đẩy Clash đi xa khỏi gốc rễ nhạc Punk cũng có ý kiến hai chiều. Với tôi, ba đĩa đầu của họ đều hoàn hảo. Album đầu The Clash thì đậm chất Punk nhưng thô ráp và hấp dẫn với cách hát không ra hát mà vẫn lôi cuốn của Joe Strummer. Album Give ‘Em Enough Rope dù bị làm sạch tiếng hơn, nó vẫn hấp dẫn mạnh mẽ từ đầu đến cuối đĩa nhờ cách làm nhạc vô cùng giai điệu của Mick Jones và những câu riff biến tấu và những đoạn solo đầy bất ngờ, ví dụ trong “English Civil War” hay “Cheapskates”. Album London Calling mở rộng thể loại nhạc của The Clash hơn nhưng vẫn kết hợp thành một tổng thể album chặt chẽ và hoàn hảo.
Mick Jones có lẽ quá mải mê thử nghiệm các thể loại nhạc nên đến album Sandinista! đã thành bữa buffet đủ các món, ngon có nhưng tàm tạm cũng nhiều. Và cho đến lúc Mick và Joe bắt đầu khục khoằm với nhau, Mick đã trong giai đoạn nghiên cứu cả nhạc điện tử để đưa vào The Clash.
Biết là nhạc Punk có nhiều điểm hạn chế. Biết rằng mỗi người có một gu nhạc khác nhau. Nhưng sự mâu thuẫn về định hướng âm nhạc kiểu gì cũng phải xảy ra khi con người ta đã đi xa khỏi gốc nhạc Punk của mình. Do đó, dù Clash chỉ có 3 album để đời (hoặc tính là 4 với những ai yêu mến đĩa Sandinista!), họ vẫn xứng đáng là ban nhạc Punk có tài nhất.
Mâu thuẫn xung đột thứ ba đến từ chính hợp đồng âm nhạc tưởng như béo bở mà The Clash đã ký với CBS.
Cho đến nay, người ta nói là hợp đồng ghi âm của Clash vẫn được đem ra làm bài học kinh điển cho các ban nhạc trẻ để lường trước các điều khoản hợp đồng thuộc hàng ngũ tồi tệ nhất lịch sử âm nhạc.
Ngỡ tưởng là ngon lành với 100.000 Bảng Anh, chi tiết câu chữ mới lòi ra là mọi chi phí, vâng tất cả mọi khoản chi, từ ghi âm, thuê nhà sản xuất, đến tổ chức tour diễn, v.v. đều phải do The Clash tự chi trả, bằng khoản tiền ứng trước đó. Không dừng ở đó, ban nhạc tưởng họ ký một hợp đồng ghi âm 5 album trong vòng 5 năm, thì sau đó, không biết cụ thể thế nào, bới móc mấy cái chữ bé tí lên mới biết con số thực tế lên đến 13 album, trong 13 năm. 100.000 bảng Anh để ghi âm tới 13 album thì đâu có nhiều tiền, chưa tính tới chuyện con số ràng buộc quá lớn.
Tưởng tượng để đẻ ra được cả 1 album cho mỗi năm, liền tù tì trong 13 năm liền, hẳn là một điều kiện bất khả thi cho cái gọi là sáng tạo nghệ thuật. Thời gian để tìm cảm hứng, sáng tác một album tầm 10 bài, ghi âm nó, rồi phải đi tour lưu diễn để kiếm thêm tiền, rồi quay lại sáng tác và ghi âm, hẳn là một chu trình lặp đủ gây bức xúc cho bất kỳ thành viên nào trong ban nhạc.
Vậy mà các bạn biết không? Khi nung nấu cho tác phẩm thứ ba, Mick, Joe, Paul và Topper còn nặn được số lượng ca khúc với tổng thời lượng gần gấp đôi đĩa Give ‘Em Enough Rope. Kết quả là bốn thành viên của Clash vẫn ép hãng đĩa CBS phát hành đĩa đôi đó, nhưng với giá chỉ bằng một đĩa, với mong muốn nhiều fan của nhóm có thể nghe trọn vẹn tuyệt phẩm London Calling này của họ, bất chấp tình hình tài chính của Clash lúc này đang bị thắt chặt. Chi phí sản xuất cao hơn gấp đôi mà tiền thu lại phải giữ nguyên, CBS dĩ nhiên chỉ đồng ý với hai điều kiện: tiền bản quyền của Clash bị giảm đi, và đĩa đôi này chỉ tính là 1 album trong hành chính 13 đĩa.
Người khác sẽ nghĩ là với số tác phẩm nhạc như vậy, lẽ ra Clash nên tách ra làm 2 album riêng và phát hành trong 2 năm. Nhưng không. Đĩa London Calling tung ra vào tháng 12 năm 1979, thì có nghĩa là chớp mắt một cái, Clash đã phải quay sang việc tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng bằng 1 album mới trong năm sau.
Kết quả chúng ta có đĩa Sandinista!
London Calling có thời lượng 65 phút thì Sandinista! lên tới 144 phút, hơn cả gấp đôi, nhét trong 3 cái đĩa LP. Có vẻ như Clash quá nản với điều khoản bóc lột của CBS, nên như một cú tát vào mặt mấy ông trùm, họ tiếp tục ép hãng đĩa cho họ phát hành cả 3 cùng một lúc, và vẫn là với giá bán ra của một đĩa. Dĩ nhiên, đổi lại, CBS đòi quyền ẵm trọn tiền bản quyền của các bài trong album này tại Anh Quốc, đồng thời Sandinista! vẫn chỉ được tính là 1 album theo hợp đồng ghi âm.
Câu chuyện đến đây thì mọi người cũng đã biết cái kết. Phần nhiều, sự căng thẳng, chán nản khi bị “án tù” oan 13 năm thì con người ta ít nhiều cũng phải lục đục nội bộ, nói gì đến sáng tác nghệ thuật.
Vì thế, để bảo The Clash đã “bán rẻ” danh dự nhạc Punk khi ký hợp đồng ghi âm đó với CBS thì chỉ là sự ganh tị nhất thời của những kẻ dèm pha. Nói đúng hơn phải là The Clash đã bán âm nhạc của họ với cái giá quá rẻ, chỉ để nhiều người nghe nhạc có thể sở hữu được toàn bộ những ý tưởng bay bổng nhất, điều rất ít thấy ở một ban nhạc Punk. Nhìn lại, 100.000 Bảng Anh cho 3 tuyệt phẩm, trong đó có 1 album đôi, và nếu gom những bài hay nhất (thực sự điểm sáng của Sandinista! vẫn là thứ mà các ban nhạc cạnh tranh phải thèm thuồng) vào 1 album đơn nữa, thì chung ta có ngay 5 đĩa LP để đời của ban nhạc Punk sáng tạo nhất thế giới. Và nói cho cùng, những kẻ có lợi nhất vẫn là người hâm mộ âm nhạc.
Thế nên cái ngày The Clash ký Hợp đồng ghi âm với CBS chính là ngày cả thế giới mới biết tới giới hạn trong sáng tạo của nhạc Punk có thể rộng lớn đến nhường nào.
Hẹn gặp lại!
Kink
Comments