top of page

Jennifer Batten: Khi shred không còn là sân chơi của riêng ai

Tui nghĩ tất cả chúng ta đều từng trầm trồ mỗi khi được xem show diễn live của Michael Jackson, bởi vì ngoài những điệu nhảy đã đi vào lịch sử, thì những nghệ sĩ chơi nhạc mà ông hoàng nhạc Pop mang theo trên sân khấu cũng khiến người xem phải khối lần phải trầm trồ từ khả năng trình diễn những đoạn nhạc khó cho tới khả năng dàn dựng đầy kịch nghệ kèm theo cả những phần vũ đạo nhịp nhàng khớp với cả sân khấu. Và nổi bật trong tất cả số đó, hẳn là cô gái chơi lead guitar cho Michael Jackson với mái tóc dài trắng xóa và khả năng shred siêu hạng trên cây đàn có thể khạc ra lửa đúng nghĩa. Và tới tận khi đám mày râu hãy còn hồ nghi trước khả năng của cô và thậm chí dè bỉu đó chỉ là một show nhạc Pop, Jennifer Batten sau đó tiếp tục lưu diễn và thu nhạc cùng Jeff Beck, thứ có lẽ khiến khối kẻ hồ nghi kia phải im bặt. Và chắc hẳn từ sau Jennifer Batten, cánh cửa cho các cô gái chơi Rock và Metal mới thực sự mở ra từ đây.

Kể cũng lạ bởi khi nhìn ra các thể loại khác ngoài Rock và Metal, có quá trời các bậc virtuoso là nữ giới như trong các giàn nhạc giao hưởng hay thậm chí cả trong nhạc Blues hay Country. Chả hiểu có thứ gì gắn Metal với đám mày râu, mà vô khối kẻ lúc nào cững tự vỗ ngực cho rằng đó là thứ của riêng cánh đàn ông và ra sức dè bỉu hoặc nghi ngờ nếu như có phái nữ tham gia vào cái thứ âm nhạc nặng trịch của họ.


Jennifer Batten cầm đàn từ khi mới 8 tuổi với sự đam mê Blues và Rock cùng sự ham học hỏi từ bất kỳ ai xung quanh cô. Sau khi theo học nghiêm túc từ một nghệ sĩ chơi Jazz là Peter Sprague, người đầu tiên chỉ dạy cho cô khá bài bản về chord scale nọ kia, cô lọt được vào viên âm nhạc G.I.T. (Guitar Institute of Technology) ở Los Angeles. Cả khóa học có 60 người thì 59 người là đàn ông. Và khỏi nói thì chương trình học khó như thế nào vì khối kẻ trong số 60 người đó cũng chẳng trụ lại được. Jennifer Batten luôn tự hào những ngày tháng ở G.I.T đã giúp cô có đủ kỹ năng để trụ lại được với những show đòi hỏi khó như với Michael Jackson và Jeff Beck.


Trong thời gian ở G.I.T, trong số những người tới thỉnh giảng có cả Emmett Chapman, người phát minh ra cây Chapman stick (vốn là một cây đàn tựa guitar nhưng có cái cần đàn rộng chà bá và người nghe phải chơi bằng cách gõ - thay vì gảy - cả hai tay lên phím đàn như piano vậy). Trong khi cả lớp học cố gắng tìm cách đưa cách chơi này vào đàn guitar, Jennifer Batten cùng với ông bạn Steve Lynch cùng lớp (sau chơi cho band Autograph) đã thực sự nâng tầm lối chơi này với cách chơi tapping bằng cả hai tay. Dĩ nhiên cả đám lúc đó chưa hề nghe tới cái tên Van Halen. Đừng hỏi tại sao Jennifer Batten có thể tapping hai tay một cách điêu luyện như thế trong màn solo của “Beat It”.


1. Lead guitar của Michael Jackson


Quả là một ý tưởng táo bạo cho một cô gái chơi rock vừa tốt nghiệp G.I.T lừng danh khi tham gia chơi nhạc Pop ở thời điểm những năm 1987. Nhưng quả thật, ở thời gian khi Batten tham gia band của Michael Jackson, trước đó Prince cũng có tay guitar Wendy Melvoin và tay keyboard Lisa Coleman. Billy Idol cũng có một tay chơi keyboard là nữ, và chỉ một suy nghĩ thoáng qua trong đầu Jennifer Batten lúc đó: có lẽ thời của phụ nữ chơi nhạc rock cuối cùng cũng tới.


Ngoài ra, đó cũng là một ý tưởng thiên tài của Michael Jackson. Bởi khi nhận ra tài năng cũng như nét cá tính của Jennifer Batten, Michael Jackson đã lên ngay một kế hoạch xây dựng hình ảnh cho tay lead guitar của mình phải xuất hiện đầy ấn tượng ở những khúc nhạc rock nhất và chưa kể còn phải phối hợp như một vai diễn khác trên sân khấu. “Beat It” dĩ nhiên là một bản hit không thể thiếu trong bất cứ show diễn nào và cũng là ca khúc mà Michael Jackson luôn đau đáu tìm ra những hình hài mới để Jennifer Batten có thể xuất hiện, khi thì với bộ sừng hươu ở phía sau lưng, khi thì với mặt nạ và những bộ cánh kỳ quái.


Chỉ có một điều chắc chắn, Jennifer Batten đã có những màn đóng góp cực lớn vào những chuyến lưu diễn world tour của Michael Jackson, và chưa bao giờ khiến khán giả cảm thấy thiếu vắng Edward Van Halen mỗi khi “Beat It” được chơi. Điều có lẽ đáng tiếc nhất với Jennifer Batten, theo tui, là việc cô không thể chen chân vào các album studio của Michael Jackson, nơi những bậc “lão thành” trong studio như Steve Lukather và đội hình Toto có lẽ luôn là những cái tên được ưa chuộng hơn cả ở bờ Tây nước Mỹ thời đó.

 

2. Chơi nhạc cùng Jeff Beck


Sau gần một thập kỷ đi lưu diễn với Michael Jackson, Jennifer nhận được lời mời trong mơ từ thần tượng của mình: Jeff Beck. Đây chắc chắn là một bước tiến dài về âm nhạc bởi Jennifer Batten sẽ được chơi thứ âm nhạc giàu tính “nhạc” hơn, nhưng ngược lại, thu nhập của cô chắc hẳn sẽ bị giảm đáng kể vì nếu so ra thì những show diễn của Michael Jackson luon ở cỡ 50.000 trong khi Jeff Beck chỉ thường diễn ở những chỗ cỡ 5.000. Và chuyện lâu nay không mới này chắc cũng là thứ khiến cho các nghệ sĩ chọn chơi guitar instrument luôn thua xa về thu nhập so với những người chơi nhạc có hát.


Mọi chuyện manh nha thậm chí từ tour diễn "Dangerous" cùng Michael Jackson. Khi cả ban nhạc tới nước Anh, Jennifer Batten đã nhờ tất cả những người quen tìm cách liên lạc với Jeff Beck. Nhưng phải mãi tới cuối thập niên 90s, sau rất nhiều lần Jeff Beck đề nghị Batten cùng thu một cái gì đó, họ mới có thể bắt đầu chơi nhạc cùng nhau.


Dĩ nhiên trong một ban nhạc đã có Jeff Beck thì vai trò chơi guitar của Jennifer Batten có lẽ không còn quá nặng, nhưng từ đây, họ tìm ra được một lối đi hoàn toàn mới cho Jennifer Batten khi cô có thể dùng cây guitar để chơi synth thay cho các nhạc cụ khác làm giàu cho bản nhạc. Vẫn là Jennifer Batten cùng cây guitar, nhưng cô có thể solo cho phần kèn như trong bản “Savoy”, hoặc bè cho Beck bằng tiếng sáo trong bản “Declan”. Những nhạc cụ không thuộc bộ dây này thực sự phải được xử lý cực kỳ khéo léo bởi chúng vốn kêu không bởi những cái dây được rung lên.


Kết quả là hai album đáng nhớ mà Jennifer Batten thu cùng Jeff Beck với Who Else! (1999) và You Had it Coming (2000) và dù mọi người có nhận xét thế nào đi nữa, sự xuất hiện của Jennifer Batten thực sự đã thổi một luồng gió mới vào âm nhạc của Jeff Beck bởi chắc hẳn ai cũng biết rằng Beck không mạnh về sáng tác nhạc.

 

3. Sự nghiệp solo


Vốn được biết rộng khắp như là nữ cầm thủ chơi “Beat It”, mọi người thường quên rằng đoạn solo của bài này thực ra chỉ trong khoảng 16 khuông nhạc. Việc chính của Jennifer Batten là chơi guitar cả rhythm lẫn solo khét lẹt trong suốt hai hay ba giờ đồng hồ trên sân khấu trong suốt những tour diễn dài đằng đẵng. Jennifer Batten không chỉ biết tapping mà còn tạo ra được những groove đáng nể trong suốt sự nghiệp của mình.


Không thể không nhắc tới các tác phẩm solo của Jennifer Batten, dù trong suốt ngần ấy năm cô chỉ ra có 3 album. Các nhạc phẩm solo của Batten thì trải rộng khắp từ Rock, Jazz cho tới cả World Music. Việc đi tour cũng Michael Jackson khắp thế giới cũng giúp Jennifer Batten có một bộ sưu tập đáng kể các nhạc phẩm ở khắp nơi từ Ấn độ cho tới châu Phi để trở thành nguồn cảm hứng dồi dào.


Nhưng có vẻ đây cũng là nơi Jennifer Batten có lẽ chịu lép vế với các đồng nghiệp nam giới của cô, bởi dường như khi cô đi quá xa khỏi lãnh vực mà cô nổi tiếng nhất là Rock và Metal như trong 2 album sau là Jennifer Batten's Tribal Rage: Momentum (1997) và Whatever (2007) với vô khối các âm thanh hoang dã cùng world music, người nghe có lẽ sẽ đắn đo hơn khi tìm mua đĩa của Batten. Tui phải thú thực Jennifer Batten có lẽ có nhiều đất diễn hơn khi đứng ở vai trò chơi rhythm và lead guitar cho một người khác.


Và đó chính là album rất hay tui muốn giới thiệu sau đây.

 

4. Scherer Batten


Có thể cái tên ca sĩ Marc Sherer không quá nổi tiếng, nhưng tui thực sự kết album kết hợp giữa anh này và Jennifer Batten mang tựa đề BattleZone (2017).


Xin được giới thiệu album này ở đây như là sự kết lại của bài viết này, một bài viết để tỏ lòng ngưỡng mộ một tay guitar nữ giới dám theo đuổi hết mình những thứ tưởng chừng như chỉ dành cho một nhóm nhỏ đàn ông, người đã mở đường cho vô số các nữ nghệ sĩ virtuoso chơi nhạc rock sau này.


Hẹn gặp lại!


Kai

© 2018 by EmoodziK

bottom of page