top of page

The Rolling Stones pt. 1: ai rủ lòng thương cho quỷ dữ

Updated: May 4, 2021

Brian Jones căn dây đàn theo D tuning. Gã thử miếng tuýp chơi slide bằng thép rồi đồng, nhưng không cái nào tạo được âm thanh hay như chiếc bằng thủy tinh mà mãi về sau gã mới phát hiện ra. Brian còn chế cái máy ghi băng thành cái amply và cắm con đàn guitar thùng với pickup của DeArmond và chơi thử. Âm thanh phát ra lúc đó nghe không khác gì tiếng đàn của Elmore James, huyền thoại nhạc Blues của nước Mỹ và thần tượng của Brian Jones.


Có một thứ gì đó luôn thôi thúc bên trong Brian – một thanh niên nước Anh tìm tòi tiếng đàn giống nhất với âm thanh nhạc Blues của người da màu nước Mỹ. Người ta từng bảo Blues là thể loại nhạc của quỷ, hay vì chăng Brian Jones phải bán linh hồn cho quỷ dữ để giải mã được âm thanh đó?


Và “con quỷ” đó đã tạo nên ban nhạc The Rolling Stones (RS).


Gã là kẻ đầy đam mê nhưng lại thích điều khiển người khác và cực kỳ nhạy cảm. Brian có thể biến đổi cảm xúc từ kẻ rất dễ mến sang hằn học nếu gặp điều gì đó không vừa lòng. Gã có thể yêu một cô gái ngọt ngào nhưng lại dễ dàng bị kích động ghen tuông vì những lý do vớ vẩn. Đã thế, gã còn mang thành tích bất hảo khi dễ dàng cao chạy xa bay sau khi làm mấy cô bạn tình chửa ễnh bụng. Trong ban nhạc, sự nhạy cảm quá đà cũng khiến Brian ngày một lánh xa với những thành viên còn lại. Quyền lực của gã trong RS cũng mất dần khi bộ đôi Mick JaggerKeith Richards chứng tỏ được khả năng sáng tác nhạc cho cả nhóm. Còn gã, thì như lời Mick nói, chỉ là kẻ bất tài không sáng tác nổi một bài nhạc cho ra hồn. Và sau 7 năm tung hoành, gã cuối cùng cũng bị đuổi khỏi ban nhạc vì những rắc rối gây ra bởi thói nghiện rượu và chất kích thích, cũng như bỏ show và thường xuyên vắng mặt trong các buổi thu âm.


Trong Let It Bleed (1969), album cuối mà gã còn góp mặt với RS, Brian chỉ đóng góp được đúng có phần thu âm bộ gõ congas trong bài “Midnight Rambler” và đàn autoharp trong “You Got The Silver”. Toàn bộ phần guitar, nhạc cụ sở trường của Brian, đều do Keith Richards gánh vác gần hết, với sự giúp đỡ vào phút cuối của Mick Taylor – thần đồng guitar, cũng là người thay thế gã sau đó. Tháng 6 năm 1969, gã bị đuổi khỏi ban nhạc. Chỉ chưa đầy một tháng sau đó, Brian được phát hiện chết đuối dưới bể bơi. Ngày đó gã mới 27 tuổi.


Sự ra đi của Brian không ảnh hưởng xi nhê gì đến những thành công nối tiếp thành công sau đó của RS. Ban nhạc được mệnh danh vĩ đại nhất nhì thế giới này đa phần được nhắc đến như thành quả của sự phối hợp siêu việt giữa bộ đôi Mick Jagger và Keith Richards. Những gì người ta nhớ về Brian, đôi lúc qua lời kể của Mick, Keith và Andrew Oldham (ông bầu của nhóm), đa phần chỉ là một thành viên chơi guitar góp phần lập nên RS thời kỳ đời đầu.


Chỉ có điều, với nhiều người trong nghề, những người đã từng tiếp xúc và làm việc với gã, từ những kỹ sư âm thanh, nhà sản xuất nhạc Jack Nitzsche, cho đến các thành viên của The Beatles, The Animals, Bob Dylan và chính Bill Wyman (tay bass của RS), thì Brian Jones mới chính là một "hòn đá lăn" thực sự.


*****

Thuở Mick JaggerKeith Richards mới gặp Brian, cả hai thanh niên này đều có chung một tình yêu với nhạc Blues như chính Brian. Chỉ có điều so với gã lúc ấy, Mick và Keith chỉ như hai đứa trẻ mới chập chững biết đi, mắt chữ O mồm chữ A trước những ngón đàn điêu luyện và tiếng slide guitar có một không hai của gã. Lúc bấy giờ Brian gần như là nghệ sĩ da trắng đầu tiên thuần thục ngón nghề slide guitar chơi nhạc Blues. Vào đầu những năm 60, khi mà RS còn chưa được sinh ra, cứ lúc nào rảnh rỗi không vướng show cùng band mà gã chơi cùng, Brian lại vác guitar đi xin đánh giao lưu cùng các đàn anh lớn hơn ở các quán bar và họ đều có cái nhìn nể phục với một cậu thanh niên trẻ tuổi nhưng thuần thục nhiều chiêu đàn. Vì thế khi RS thành hình, gã đã kinh qua phải hơn 100 show diễn khác nhau rồi.


Nhưng Brian không hề có cái vẻ khệnh khạng của một kẻ biết tuốt, ngược lại, gã vẫn hồ hởi hướng dẫn Keith chơi nhạc Blues trên cây guitar sao cho có hồn nhất và tiết lộ với Mick bí mật của cách dùng chiếc cross harp harmonica mà gã tự mày mò để thổi ra những dải âm của nhạc Blues. Như vậy không chỉ lập ra ban nhạc huyền thoại RS, từ những ngày đầu Brian đã một tay hướng dẫn kỹ năng chơi nhạc cho các thành viên khác trong ban và định hướng âm nhạc cho cả hội.


Gã đặt quyết tâm thành công với thứ nhạc Chicago Blues mang màu sắc Anh Quốc, mạnh mẽ và tốc độ hơn mà gã gọi là Rhythm & Blues, bất chấp những lời can ngăn của các đàn anh bấy giờ: Nhạc Blues của người da màu chỉ mãi là một nhánh nhỏ, làm sao có thể thu hút được thị trường số đông thanh thiếu niên da trắng ở Anh được?


Âm nhạc của RS thời gian đầu không có gì quá xuất sắc về mặt chất lượng. Các bài hát đa phần là những bản cover lại của các nghệ sĩ nhạc Blues như Jimmy Reed, Chuck Bery, Bobby Womack. Giọng hát của Mick Jagger nếu không đưa qua bộ micro và dàn loa thì không có gì đặc biệt. Brian còn phải chỉnh sửa nhịp cho Mick rồi thu âm đè lên những câu đàn chưa chuẩn của Keith cho bài được hoàn thiện hơn. Điều bất ngờ là tầm nhìn của gã hoàn toàn đúng đắn. Dù cho kỹ thuật chơi của cả nhóm bấy giờ còn chưa trơn tru, nhưng âm thanh thô ráp trên dải scale nhạc Blues chơi ở tempo nhanh hơn bản gốc cùng nhịp điệu funky là điểm hút người nghe nhạc khi họ chưa từng được nghe thứ âm thanh của “quỷ” trước đó bao giờ. Tất cả đều do cái tai nhạy về âm sắc của gã chế ra.


Tính ra những bài RS không cover lại, dù số lượng ít ở thời kỳ đầu, lại cho phép Brian thoả sức sáng tạo nhất. Như bài “Now I’ve Got A Witness” do cả band RS sáng tác qua phần jam dưới cái tên nghệ danh “Nanker Phelge” ở album đầu tiên có màn thổi harmonica của gã đầy ma lực. Tiếng kèn này không điều khiển hơi giỏi thường bị tiếng yếu hoặc quá chói tai. Nhưng ở đây Brian giữ hơi chắc tạo âm sắc mượt mà. Hay như bài “What A Shame” ở album sau do Mick và Keith sáng tác có màn slide guitar độc chiêu của gã rung bần bật làm điểm nhấn, đã thế khúc solo bằng harmonica ở cuối bài mà nhiều người tưởng do Mick chơi thực ra là do Brian đảm nhận luôn, vì ở thời điểm đó, không ai trong nhóm RS có thể thở ra tiếng kèn harmonica luyến láy mềm mượt ở trình độ bậc thầy như gã được.


Tuy vậy, một trong những bản hit đầu của RS lại là sản phẩm được The Beatles cho mượn, bài “I Wanna Be Your Man”. Khác với cách thu âm sạch sẽ của Beatles, Brian làm dầy tiếng của Mick và dùng slide guitar làm điểm nhấn. Quan trọng hơn cả, tiếng guitar rè đục đối lập với kiểu của Beatles cũng là tiền đề cho âm thanh Blues Rock đeo bám RS cho mãi về sau. Brian cũng chính là người đưa ra ý tưởng tạo hình ảnh ngông và hư hỏng cho RS để khác biệt hoá với bộ tứ đối thủ kia. Cũng chẳng cần phải gồng mình gì, bản thân gã đã vốn dĩ như vậy, giờ đây RS chỉ là chất xúc tác cho gã truyền bá lối sống sa đoạ cho các thành viên còn lại. Cho đến lúc tay bầu trẻ tuổi cho ban nhạc Andrew Oldham được chọn vào quản lý, mọi hướng đi tầm nhìn đều đã được an bài. Cái khác mà Andrew có thể làm được sau đó, là một tay giúp RS vươn tầm thế giới và một tay huỷ hoại ngược lại chính Brian.


Có lẽ Andrew đã học theo Beatles khi tạo dựng hình ảnh bộ đôi sáng tác nhạc. Cơ mà hắn lựa chọn MickKeith, một phần vì cả hai đều là bạn thân từ trước khi gia nhập band, một phần vì hắn nhìn thấy sức mạnh ngôi sao tiềm tàng trong Mick Jagger để trở thành thủ lĩnh tương lai, bất chấp sự thật rằng ở mọi buổi diễn, buổi gặp mặt, tiệc tùng, phỏng vấn của ban nhạc còn non trẻ này, Brian Jones - thành viên duy nhất có mái tóc vàng hoe - vẫn luôn là cục nam châm có sức hút mạnh mẽ.


Tài năng âm nhạc của Brian đáng nhẽ có thể mãi luôn là nền tảng vững chắc cho vị trí thủ lĩnh của gã nếu không xảy ra một ngày cả hội bắt đầu phát hiện ra gã tự thu xếp mức lương cao hơn 5 bảng mỗi tuần so với những thành viên còn lại. Dù con số 5 bảng này không nhiều nhặn gì so với số tổng khoảng 130 bảng lúc bấy giờ, các thành viên nhìn vào đó như một sự xảo trá của tay thủ lĩnh, mặc dầu rõ ràng sự đóng góp của Brian thời đó đáng kể hơn rất nhiều.


Để giành lại quyền lực từ tay Brian, Andrew ngấm ngầm kích bộ đôi Mick và Keith tập tành sáng tác. Hắn chủ động gạt đi những sản phẩm âm nhạc được tạo bởi cả nhóm với cái nghệ danh “Nanker Phelge”. Dần dà cái tên “Nanker Phelge” cũng biến mất và thay bằng “Mick Jagger & Keith Richards”. Bản hit đầu tiên do bộ đôi sáng tác “The Last Time” không hề có gì đặc biệt, đấy là chưa kể đến 3 hợp âm đơn giản xuất hiện nhan nhản ở các bài khác bấy giờ. Chính nhờ câu riff guitar bắt tai hơn của Brian trong bài này đã mang đến sức sống mới cho bài. Tuy vậy, công sức của gã chả ai trong bộ ba Mick-Keith-Andrew đoái hoài. Công sáng tác vẫn là của hai tay kia và Brian vẫn chỉ là tay nhạc công không biết viết nhạc.


Nhưng sự thật là Brian không hề ngưng việc viết nhạc. Nhưng còn tệ hơn cả những lời chê bai có phần coi thường của Mick về việc gã là kẻ bất tài khi động đến sáng tác, mỗi lần Brian có ý tưởng nhạc mới đều bị cả bọn Mick, Keith và Andrew vùi dập. Với người nhạy cảm như gã, điều đó khác gì vết muối chà thêm nỗi đau của Brian, khi gã cảm nhận vị trí thủ lĩnh của mình ngày một lung lay. Trong ban nhạc, công sức sáng tác kiểu gì cũng bị bóp méo để làm sao ghi nhận cho hai tay kia, mặc dù thực tế là nếu không có Brian, thì album Aftermath, đánh dấu sản phẩm đầu tay tự sáng tác 100% của bộ đôi kia đã không trở thành tuyệt phẩm đầu tiên của RS.


Khi ghi âm album Aftermath, RS và đặc biệt hai tay Mick và Keith không có gì hơn ngoài mấy câu riff. Những bản jam chỉ thành bài hoàn chỉnh nhờ công nhà sản xuất Jack Nitzsche sắp xếp lại. Và chính Jack là người được chứng kiến sự thiên tài của Brian trong âm nhạc. Nếu như Andrew Oldman ghét Brian, coi gã như thằng mặt L* chỉ chuyên mang lại rắc rối cho nhóm và lấn mất ánh hào quang của Mick Jagger thì Jack lại yêu quý Brian thực sự.


Ở bài “Under My Thumb”, khi cả nhóm gặp bế tắc với vòng hoà âm phổ biến giống vô vàn các bài khác trên thị trường, thì Brian chợt thấy cái đàn marimba của một band bỏ lại trước đó trong studio. Chỉ sau vài phút mày mò, gã đã sáng tác ngay ra câu riff thần kỳ, biến từ một bài nhạc đơn điệu thành bản track độc đáo nhờ màu sắc lạ của nó.


Ở bài “Lady Jane”, gã cũng chính là người nghĩ ra dùng chiếc đàn dây phím cổ harpsichord và đàn dây dulcimer.


Ở bài “Paint It, Black”, gã đánh chiếc đàn sitar cùng phần organ mà Bill Wyman đang mày mò với tiếng trống của Charlie Watts. Giai điệu trên chiếc đàn sitar của gã không những mang lại âm hưởng phương Đông mới lạ mà còn giúp Mick hoàn thiện bài đó. Toàn những nhạc cụ mà Brian có thể chưa chơi bao giờ nhưng chỉ trong thời gian ngắn, gã có thể khai thác được sức mạnh của nó như một tay chơi thuần thục.


Ấy vậy mà công sức của cả hội, chưa nói đến riêng Brian, lại không được ghi nhận. Trên đĩa vẫn chình ình chỉ hai cái tên duy nhất: Mick Jagger và Keith Richards.


Chưa kể, mỗi khi nhắc lại lần ghi âm đĩa Aftermath đó, Keith còn bêu riều Brian vì gã đã không thèm động đến cây đàn guitar, còn Mick chỉ nhìn những nỗ lực của Brian như kẻ màu mè thích ra vẻ ta đây. Sự ganh ghét của Mick nảy sinh từ những ngày đầu khi Keith thân thiết với gã như anh em chí cốt, cùng thay nhau tạo ra những câu đàn rhythm và solo quyện với nhau, rồi cả từ những lần Brian hút hồn đám con gái trong những buổi tiệc tùng. Với sự ủng hộ từ Keith và Andrew, Mick và hai tên này bày đủ trò hành hạ Brian Jones, một kẻ từng một thời đầy tự hào và kiêu hãnh lãnh đạo một ban nhạc nổi tiếng thế giới nhờ chơi thứ nhạc Rhythm & Blues.


Có những lần Brian ngỏ ý đóng góp ý tưởng nhạc mới thì bộ ba đó bỏ ngoài tai. Có lúc Brian đề nghị thu âm đoạn harp, chúng cố tình bắt gã thu đi thu lại 5-6 lần đến rỉ cả máu môi mà không thèm bật máy thu âm. Có lần Brian đến studio ghi âm như đã hẹn thì chỉ nhận được cái note hướng dẫn gã tự ghi âm phần của mình vì cả bọn đã cuốn gói xong việc trước đó rồi.


Sự rời rạc, chia rẽ càng khiến Brian đau khổ đấu tranh tư tưởng giữa việc níu kéo và đấu tranh lại với những thành viên trong chính ban nhạc gã tạo ra với việc bỏ đi trong tủi nhục.


Cũng chẳng biết sự nghiện ngập và chán nản cái nào đến trước. Điều chắc chắn là chính việc đàn áp ngược lại từ những kẻ trong nhóm càng khiến gã chìm sâu vào nghiện ngập. Gã say khướt và phê thuốc liên tục. Với sức khoẻ chưa bao giờ được gọi là ổn định của người từng bị hen suyễn từ nhỏ, Brian xác định một điều là gã sẽ không sống thọ quá 30 tuổi khi gã ngày một bê tha, huỷ hoại chính cuộc đời và sự nghiệp. Những năm cuối với RS, gã thường xuyên vắng mặt trong các buổi ghi âm. Lần Brian nhập viện không thể đi diễn được, cả bọn còn lại phải nhờ tay đánh piano lấp vào chỗ trống đó.


Khoảng cách giữa Brian và cả hội ngày một cách xa. Xa về địa lý khi gã cảm thấy hạnh phúc hơn khi ở chung với những đồng đội cũ trong các ban nhạc, giao lưu với các nghệ sĩ khác và nói chuyện về âm nhạc hơn là bàn chuyện về RS. Xa cả về suy nghĩ tư tưởng khi gã từ một thủ lĩnh cầm đầu bị đánh tụt xuống vai trò của một nhạc công. Gã nản chí bất lực khi không còn nắm vị trí thuyền trưởng để giữ cho âm nhạc của RS đôi lúc bị kéo ngang ra khỏi nhánh Blues gốc rễ của cả hội, đến mức gã không buồn dùng những ngón đàn guitar sở trường mà gã từng dạy dỗ cho Keith để đóng góp cho RS. Kỹ thuật đàn của Keith Richards giờ có thể lên tay nhưng cảm nhận màu sắc âm thanh của Brian mãi là vô đối.


Trớ trêu lắm thay, lúc RS quay lại chơi nhạc Blues trong hai album, Beggars BanquetLet It Bleed, thì Brian đã không còn tâm trạng để chơi thứ nhạc luôn là tình yêu vĩnh cửu của mình với RS nữa. Lúc này đây, cả Mick và Keith đã sáng tác nhạc chắc tay hơn rất nhiều, Mick hát cũng hay và đầy cá tính hơn, còn Keith đã tự xoay sở được cả phần rhythm lẫn lead guitar. Tính ra, Let It Bleed là album cuối mà Brian tham gia, nhưng sự đóng góp có tâm cuối cùng của gã lại ở bài “No Expectations” trong đĩa Beggars Banquet trước đó. Nghe tiếng đàn slide guitar lần cuối của Brian mới đầy nỗi buồn không thể chia sẻ của một kẻ cô độc trong chính ban nhạc gã tạo ra. Từng nốt gã chơi đối âm lại với tiếng hát của Mick Jagger đầy day dứt khiến không khí như trùng lại. Cú luyến chỉ 1/4 cung ở cuối bài đầy chơi vơi như chính sự kết thúc không trọn vẹn của Brian Jones với RS.


Trong đám tang của Brian Jones, nhóm RS chỉ có đúng Bill WymanCharlie Watts đến viếng. Cả Mick và Keith đều vắng mặt.


Pete Townshend của The Who đã sáng tác bài thơ tiêu đề “A Normal Day for Brian, A Man Who Died Every Day” dành tặng cho gã. Jim Morrison của The Doors viết một bài thơ với tựa “Ode to L.A. While Thinking of Brian Jones, Deceased” dành tặng cho gã. Jimi Hendrix biểu diễn bài nhạc “Lover Man” để tưởng nhớ tới gã trên show truyền hình.


Còn ban nhạc của gã đã dành buổi hoà nhạc diễn ra chỉ hai ngày sau cái chết của gã, với dự định ban đầu giới thiệu thành viên mới Mick Taylor, chuyển thành show tưởng nhớ tới gã. Nhưng đó là tất cả dấu ấn về một Brian Jones được nhắc tới trọn vẹn từ phía The Rolling Stones. Đâu đó trong những buổi phỏng vấn sau này nếu có ai nhắc tới sự mâu thuẫn từng xảy ra trong nhóm, không có sự hối tiếc được thể hiện từ phía những thủ lĩnh mới. Bởi vì dù sao, gã vẫn luôn bị coi là kẻ tự mình phá hoại bản thân và mối quan hệ với các thành viên trong RS, nên những gì gã nhận được là việc không tránh khỏi. Hay ít ra đó là điều những kẻ từng đối đầu với gã phải tự nhủ với bản thân là vậy!


Hẹn gặp lại!


Kink

2,853 views

Recent Posts

See All
bottom of page