top of page

The Rolling Stones pt. 2: ai bẻ gãy cánh thiên thần?

Updated: May 4, 2021

Khi Marlon, đứa con trai đầu lòng của Anita Pallenberg với Keith Richards được sinh ra 1 tháng sau khi Brian Jones chết đuối ở hồ bơi tại nhà, không nhiều người còn nhớ Anita vốn là bạn gái của Brian Jones. Sắc đẹp và sự thông minh của cô diễn viên kiêm người mẫu và nghệ sĩ này cũng là chất xúc tác cho những thăng hoa của Brian khi gã ghi âm đĩa Aftermath (1966) kinh điển. Có điều, cả Keith Richards và Mick Jagger cũng không thoát được sự quyến rũ chết người của cô, và những dị nghị càng có cơ sở được dấy lên sau khi Anita đóng chính cùng Mick Jagger trong bộ phim đầy "nghệ thuật" Performance. Có Chúa biết được cặp đôi ăn hai đã từng ghen tị với kẻ đã từng là thủ lĩnh của Stones đến thế nào.


Với Anita, cô cảm giác như Marlon chính là Brian được tái sinh. Cũng khó có thể quên được thời gian cả hai chia sẻ chung một mối quan hệ độc hại với đầy rẫy chất kích thích đi kèm. Nhưng lúc Brian bị thứ thuốc ảo giác gây điên loạn và bạo lực hơn với chính cô bạn gái, Keith đã nắm cơ hội vàng để giành Anita khỏi tay Brian, khi cả nhóm đang trong kỳ nghỉ ở Maroc, cũng là khi Brian còn đang nằm viện.


The Rolling Stones (RS) đã trải qua một cuộc "lột da" như rắn mà không có nhiều người để ý trong giai đoạn cuối thập niên 60s, cũng bởi ban nhạc vẫn luôn xuất hiện thật tuyệt vời trong các buổi biểu diễn. Thiết nghĩ, đó cũng là điều cần thiết khi Brian không còn là trụ cột (và cũng tèo luôn sau đó), và RS trở thành ban nhạc của Keith RichardsMick Jagger, cặp bài trùng "ăn hại" đã cùng nhau sáng tác nên hết ca khúc bất hủ này đến ca khúc bất hủ khác. Dĩ nhiên về phía Keith Richards, vẫn còn đó những đồng đội "trung thành" như Charlie WattsBill Wyman, và nhất là có Anita ở bên cạnh, "chiến lợi phẩm" cho riêng Keith và cũng là nguồn cảm hứng vô tận xúc xuyên suốt thời đỉnh cao của ban nhạc RS.


Thế nên mặc cho Pete TownshendThe Who mới là những kẻ đã làm nên tên tuổi của tour diễn tốn kém Rock n Roll Rock and Circus do Mick Jagger mạnh tay lĩnh xướng, RS lặng lẽ "lăn" vào thập niên 70s với một sự ngạo nghễ và bất cần của một kẻ đã sẵn sàng đóng vai phản diện trong thế giới âm nhạc.


Lúc này đây, trước cửa phòng thu âm là Mick Taylor, một tay guitar mới ở tuổi 20. Qua lời giới thiệu của gạo cội John Mayall, thủ lĩnh nhóm Bluesbreakers, Taylor hôm đó được mời tới thu âm cùng RS cho hai bài “Live With Me” và “Honky Tonk Women” ở đĩa Let It Bleed (1969). Ai mà quan tâm chớ, Taylor được gọi đến để làm dày thêm phần guitar cho bài “Honky” lừng danh, và có lẽ bản “Live With Me” mới thực sự là track đầu tiên mà Taylor chơi ngẫu hứng với RS.


Tiếng guitar đôi xen kẽ nối đuôi nhau giữa Mick TaylorKeith Richards đã khiến nhà sản xuất Jimmy Miller vô cùng hứng khởi. Chính bản thân Keith và các đồng đội cũng không giấu được sự khoái chí, bởi đã lâu rồi gã mới tìm lại được cảm xúc trong lối chơi song hành bồi đắp cho nhau rất đặc trưng của RS mà gã từng chơi cùng Brian trước đây. Gần như toàn bộ phần guitar rhythm và guitar lead trong đĩa Beggars Banquet trước đó (1968) và đĩa Let It Bleed này đều phải do Keith tự mình xoay sở.

Vị trí guitar lead trong RS sau buổi ghi âm đó nhanh chóng được dành cho Mick Taylor. Nhưng buổi ra mắt công chúng đầu tiên của Taylor với ban nhạc RS vào tháng 7 năm 1969 ở Hyde Park, London, tréo ngoe thay lại trở thành buổi tưởng niệm tới Brian Jones khi Brian chỉ mới chết trước đó hai ngày. Có vẻ như cái chết của Brian là một điều trêu ngươi với Keith Richards, bởi lẽ cả bọn dường như đều miễn cưỡng nhắc đến Brian Jones trong buổi biểu diễn, trước đám đông 250.000 người mà chẳng nhẽ lại hủy.


*****

Mick Taylor chơi đàn guitar từ rất nhỏ. Giống như Brian Jones, Taylor có tình yêu đặc biệt với nhạc Blues. Không những thuộc làu các album của Elmore James, cũng như Freddie King, Taylor còn tập rành rẽ theo các album nhạc của John Mayall và nhóm Bluesbreakers. Cái ngày định mệnh mà Taylor đến xem buổi diễn của Mayall, cũng là ngày mà tay guitar lead Eric Clapton tự dưng cho cả nhóm leo cây. Cũng giống như Brian Jones, từng rong ruổi vác đàn xin đánh cùng các đàn anh ở pub, Mick Taylor mạnh dạn lên sân khấu đề nghị John Mayall cho đánh thế chân.


Chỉ khác Brian Jones, vị trí mà Mick Taylor nhảy lên "đánh thế" là cho Eric Clapton "không có đối" ở nước Anh khi đó. Chưa kể, anh còn được sử dụng cây Les Paul của Eric vì "người nổi tiếng" không đến. Khối người sau đó đã ca ngợi linh tính của John Mayall hôm đó khi đã liều lĩnh cho một cậu trai vô danh thử việc trước toàn bộ đám đông khán giả. Kết quả tuyệt vời hơn là, một năm sau anh được John Mayall trải thảm về làm thành viên chính thức của Bluesbreakers sau khi Eric Clapton và Peter Green bỏ đi thật. Dĩ nhiên là sau buổi biểu diễn hoàn hảo của Taylor, lúc đó mới có 16 tuổi.

Thế nên, 250.000 người hâm mộ của RS hôm đó có thể thấy ngạc nhiên trước những gì họ được chứng kiến, chứ trình độ guitar ở mức virtuoso của Taylor không phải là gì lạ với John Mayall và những người theo dõi Bluesbreakers.

Keith Richards nhìn Taylor chơi guitar với đầy sự tự tin bằng một con mắt tự hào của một đàn anh chiêu mộ được cậu em tuổi trẻ tài cao, cũng như việc lôi kéo được "đệ" của John Mayall lừng danh. RS lúc này thật sự cần luồng gió mới như Mick Taylor để tiếp tục tiến vào thập niên 70s, dù không ai có thể phủ nhận tài năng của cặp Keith Richards và Mick Jagger. Và chắc chắn là về tài năng trên cây đàn guitar, không có ai có thể cân được với những gì Keith Richards đã tạo ra cùng RS.

Keith có thể đảm nhiệm nhiều vai trò với vị trí guitar rhythm, guitar lead, chơi trên chiếc đàn thùng 12 dây, hay cây guitar điện với nhiều cách tuning khác nhau rất sáng tạo, nhưng câu đàn solo của gã như trong bài “Wild Horses” có hay đến mấy, cũng vẫn thiếu đôi chút kỹ thuật bậc thầy mà khi nghe Taylor chơi solo ngay ở track phía sau “Can’t You Hear Me Knocking” mới nhận ra sự khác biệt. Khi khúc kèn solo giữa bài cất lên, văng vẳng phía sau người nghe đã nghe được những tiếng đàn rất nhẹ nhàng và tình tứ. Chỉ đợi lúc tiếng kèn đó lắng xuống, Taylor mới dần dà đẩy lên cao trào lên bằng từng cú bend dây cực chuẩn, và ngọt ngào ở từng nốt ngân. Tất cả đều là ngẫu hứng. Cảm giác Taylor đánh những câu đàn này với cảm xúc được truyền đều từ trái tim xuống 10 đầu ngón tay. Âm sắc nhẹ bẫng và êm ái của Taylor hẳn là không chỉ khiến người nghe, mà cả Keith cũng phải nín thở vì lối chơi đó. Những âm thanh đẹp đẽ nhất do Mick Taylor tạo ra đã được đều được tận dụng triệt để ở những sản phẩm âm nhạc xứng tầm của RS thời đó.

Có điều vẻ đẹp trong nhạc của RS, dưới sự sáng tạo của Keith và Mick Jagger, từ xưa đã không quá thiên vị cho bất kỳ nhạc cụ nào, kể cả là cây guitar điện - thứ nhạc cụ thần thánh của các ban nhạc Rock. Từ thời Brian Jones, vô số nhạc cụ lạ đã được thử nghiệm nhằm tôn màu sắc mới cho RS. Nhưng đó là khi nhạc mà Keith và Mick sáng tác còn chịu ảnh hưởng của Pop hơn là Blues. Khi mà bộ đôi này thực sự lên tay trong việc sáng tác nhạc Blues Rock, ngoài chiếc kèn harmonica chuyên dụng ở band RS, kể từ đĩa Beggars Banquet trở đi, các nhạc cụ từ piano, organ, cho đến saxophone, mandolin, harp đều đóng vai trò quan trọng trong âm nhạc của RS. Cái hay vì thế là những câu riff guitar, câu lick, hay đoạn solo, nếu có, thì xuất hiện ở mức độ vừa phải, hoà chung với các nhạc cụ khác. Có lẽ vì thế, nhạc RS không cần có quá nhiều đoạn solo guitar đáng nhớ như những ban nhạc Rock khác, nhưng bù lại những câu riff "nghe biết liền" trong các album thì nhiều vô kể, và dĩ nhiên công lớn là từ cái đầu siêu đẳng của Keith Richards. Từ câu riff chỉ có 3 nốt đầy ma lực trong “I Can’t Get No (Satisfaction)”, đến tiếng đàn hừng hực ở “Bitch”, hay cách chơi hoàn toàn lạc nhịp và đầy những cú chạm "cảm giác" trên guitar thùng rất con người và không thể nào quên ở “Angie”.

Không ai có thể phủ nhận tài năng của Keith Richards, nhưng âm nhạc của RS khi nhìn lại, có lẽ được nó cấu thành từ nhiều hơn tất cả những gì mà Keith có thể tạo ra với cây guitar. Nhìn lại cái thời gã phải tự thân vận động đảm đương sáng tác, tập dượt, đánh và thu âm trên các cây đàn khác nhau trong Let It BleedBeggars Banquet , kể cả với sự hỗ trợ của Mick Jagger, có thể thấy Keith vẫn tròn vai nhưng không đủ đầy. Khi nghe hai album này, tiếng đàn của Keith có được màu sắc thô ráp hợp với thứ nhạc Blues Rock của riêng RS mà Brian đã xây dựng nền móng trước đây, và khi chỉ có một mình, phần guitar của Keith Richards có đủ cả âm thanh mộc mạc của đàn thùng, có cả slide guitar ỉ ôi như cách Brian từng dạy gã chơi, lẫn sự cộc cằn của guitar điện, và dù có thật bất công với Keith, âm nhạc RS có lẽ vẫn cần hơn là một tay guitar. Thế đấy, có lẽ RS là ban nhạc hiếm hoi chỉ cần một tay guitar rưỡi, vì hai thì có vẻ là bắt đầu thừa. Dĩ nhiên tôi tính Brian Jones trước đó là một cây guitar.

Có lẽ vì thế, những album Sticky Fingers, Exile On Main Street hay Goats Head Soup sẽ mãi là những album ở thời kỳ đỉnh cao trong sáng tạo của RS, nhờ tài năng Mick Taylor góp sức trên phần nền các bài hát đến từ Keith và Mick Jagger. Với Taylor, tiếng đàn của anh đa phần là để làm giàu màu sắc kỹ xảo hơn cho RS, bởi trong RS, Taylor không có cơ hội để vận dụng hết các chiêu tinh xảo của mình: mọi người có thể nhắc đến Taylor như một bậc virtuoso ở đâu đó ngoài kia, nhưng ở một ban nhạc rặt chơi blues như RS, luôn có một "trần nhà" vô hình dành cho Mick Taylor.

Đến đây có lẽ ai cũng thấy rằng với Keith, gã cần tài năng của Taylor, nhưng phải ở trong tầm kiểm soát để nhạc của RS vẫn chỉ là của gã và Mick Jagger. Taylor vẫn chỉ là một thành viên thay thế, trong một bộ sậu toàn những kẻ tham gia từ những ngày đầu. Vì thế, sự lạc lõng của cậu thanh niên trẻ nhất nhóm trong ban nhạc các đàn anh này lộ ra rất rõ ràng. Không ngạc nhiên khi những mâu thuẫn và căng thẳng giữa anh và Keith ngày một tăng. Tham gia RS, Taylor từ một chàng trai tử tế, lịch sự, kiệm lời và nhút nhát dần trở thành một kẻ đanh đá và sống sượng như một sự thích nghi.

Ở bên kẻ chơi thuốc như ống khói như Keith, Taylor sớm muộn cũng bị kéo vào vòng quay đó. Tập dượt, thu âm, đi tour diễn, xung quanh Keith luôn đầy rẫy các loại kích thích, đặc biệt là heroin. Không quá ngạc nhiên khi Mick Taylor bắt đầu dấn thân vào con đường nghiệp ngập từ Exile On Main Street, album được thu âm tại biệt thự của Keith Richards. Việc chơi thuộc một phần vì cám dỗ, nhưng một phần cũng như để Taylor cố gắng có một kết nối nào đó với ông anh. Trong âm nhạc thì sự kết nối đó rất mạnh mẽ, nhưng ở cuộc sống ngoài thì cả hai kẻ này vẫn như hai thái cực. Trong lúc Keith và Jagger liên tục vướng mắc vào lao lý khi nhiều lần bị cảnh sát tóm với tội tàng trữ và sử dụng ma túy, Taylor cũng từng bước cho phép thứ đó ăn sâu vào máu anh. Khi mà Keith dấn sâu tới mức có những lúc, thời gian gã dành cho âm nhạc có khi không bằng thời gian gã phê pha với thuốc, thì Taylor cũng bị thứ thuốc độc đó kéo xuống vực thẳm.


Nhận ra kết cục tương tự như một Brian Jones có thể lặp lại với Keith và chính mình, Taylor quyết định rời nhóm, để cứu sống bản thân, và cứu vãn cuộc sống gia đình mà anh đang dần đánh mất. The Rolling Stones có lẽ chưa bao giờ là thứ mà Mick Taylor hằng theo đuổi, bất chấp lời đề nghị của Mick Jagger, Taylor vẫn kiên định với quyết định của mình. Mặc dù vậy, Taylor sau này cũng không thể tìm lại được ánh hào quang như trước đó. Cuộc sống gia đình của anh cũng tan vỡ. Anh vẫn vật lộn với cơn nghiện, thứ khiến anh phải tan gia bại sản. Chưa đủ, cú tát năm 1982 mà Keith Richards và Mick Jagger vả vào mặt Mick Taylor khi cắt đứt mọi tiền bản quyền của Taylor sau khi RS ký hợp đồng ghi âm với hãng đĩa mới đã cướp đi chiếc phao cuối cùng của anh. Không có quá nhiều người có siêu năng lực như Mick Jagger và Keith Richards, để có thể đi qua những sự sa đọa và chấm mút cái lằn ranh với cái chết mà vẫn quay lại và trình diễn âm nhạc suốt bao thập kỷ. Và có lẽ cũng thật ai oán cho những bậc virtuoso như Mick Taylor, khi khả năng chơi guitar cự phách dường như chỉ được phát huy trên những nền tảng âm nhạc tuyệt vời từ những cộng sự lừng danh.


*****

Cuốn băng ghi âm bắt đầu quay. Keith đếm nhịp theo trên nền nhạc nhanh chỉ có trống, bộ gõ bongos, bass và piano. Bất chợt, như bị quỷ nhập, gã bật ra những tiếng đàn solo sắc lẹm đầy tức tưởi và nhồi nó lên đến cao trào. Không hề vội vã, sau vài vòng lặp của hợp âm thì âm thanh bỗng nổi lên như con quỷ dữ nuốt chửng hết các tiếng động còn lại. Trong “Sympathy For The Devil”, Keith bỗng trở thành một tay guitar đầy bản năng, người có thể đánh ra những câu đàn nảy tim thật đáng sợ.

Quên chuyện Rolling Stones sẽ chơi với hai guitar đi, bởi lẽ Keith Richards sẽ chẳng cần con quỷ nào giúp sức, cũng như thiên thần nào hỗ trợ. Sâu thẳm bên trong con người Keith, gã đã nắm giữ cả hai từ lúc nào rồi. Hẹn gặp lại! Kink

1,872 views

Recent Posts

See All
bottom of page