top of page

Tiếng đàn ma quái của Tori Amos

Tối hôm đó, như mọi khi, Tori Amos đến biểu diễn đàn piano và hát tại một quán bar ở Los Angeles.

Cô làm công việc này từ năm chỉ mới 13 tuổi tại Maryland ở những quán bar dành cho người đồng tính do bố cô giới thiệu đến. Đáng nhẽ cô cũng sẽ có một tấm bằng tốt nghiệp âm nhạc danh giá của trường Peabody Institute (đại học Johns Hopkins) sau khi được nhận hồi mới có 5 tuổi. Nhưng rồi do tính cách ngang bướng, không chịu tập nhạc theo các bản nhạc được định sẵn và chỉ đánh nhạc do mình sáng tác hoặc ngẫu hứng, cô đã bị đuổi học khỏi trường năm 11 tuổi. Đến lúc này cô còn chưa biết đọc bản nhạc và hình như cô cũng chẳng bận tâm học kỹ năng đó.

Cần gì, vì với tài năng thiên phú, mới 2 tuổi, Tori đã có thể chơi lại các bài nhạc chỉ sau khi nghe nó một lần. Đến 3 tuổi, cô đã bắt đầu sáng tác nhạc.

Nhưng cũng chả hiểu là trời phú hay không, mà tặng thêm cho cô cái tật chromesthesia - là một dạng giống như synesthesia (gắn kết âm thanh với một loại giác quan khác như đã có dịp đề cập trong bài Michael Jackson). Và với Tori, cô cảm nhận mỗi nốt nhạc như một màu sắc khác nhau. Chẳng hạn như khi nghe một bài nhạc bất kỳ, trong đầu cô sẽ tự động hiện ra một dải cấu trúc các màu với ánh sáng khác nhau. Thế nên với  Tori Amos, âm nhạc được cảm nhận một cách tự nhiên như một thứ ngôn ngữ mẹ đẻ, chứ không nhất thiết phải phụ thuộc vào nhạc lý. 


Sau một thời gian đánh quán tại Maryland, cô bắt đầu chuyển tới Los Angeles để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc cho riêng mình. Cô vẫn đi đánh đàn vào mỗi tối để có thêm thu nhập trong lúc chưa có hợp đồng thu âm nào.

Biểu diễn được một lúc, Tori bắt đầu sắp xếp đồ để đi về nhà thì có một tay khách quen của quán có lời đề nghị nhờ cô chở về. Không suy nghĩ quá nhiều, Tori đồng ý chở gã về chỗ nhà người bạn của gã.

Ngồi cạnh trên xe, gã bất ngờ lôi con dao ra và ép cô dừng xe vào chỗ vắng. Tại đây, gã tiếp tục dùng con dao đe doạ bắt cô hát và bắt đầu giở trò đồi bại. Nếu không phải vì gã mải tìm thêm thuốc kích thích lúc đó, thì cô đã không có cơ hội chạy trốn.

Tủi nhục, run sợ, toàn thân ướt sũng, người cô rung lên bật khóc khi về được đến nhà. Vụ tấn công đó khiến Tori bị ám ảnh tâm lý suốt hàng năm trời. Cú sốc quá lớn mà cô phải tự vượt qua nó bằng cách đối mặt với sự thật khi cô nghĩ lại những khoảnh khắc đáng sợ đó, không phải bằng sự thù hận mà bằng sự vị tha.  Cô bắt đầu tìm lại cảm xúc tích cực hơn qua âm nhạc và cây đàn piano của mình.

Cảm giác buồn bã ùa đến, Tori rệu rã rải từng ngón tay trên phím đàn như bỏ mặc mấy người bạn đến chơi đang ngồi quanh. 10 ngón tay cô bắt đầu dần lướt nhẹ trên phím đàn piano và cô bắt đầu hát. Với một chân như dính chặt vào pedal phía dưới đàn, người cô như co sát trên chiếc ghế ra đến sát mép. Trông cô lúc này như đang lên đồng vậy.

...... Tori đắm mình vào các phím đàn. Cô chơi như bị ma nhập khi bản thân cô vừa thả lỏng để cho chiếc đàn điều khiển mình và vừa mạnh mẽ để đôi lúc giành lại kiểm soát, giống như có hai linh hồn đang chơi cùng một lúc. Khi là những khúc mạnh mẽ với dải âm trầm như tiếng sấm lúc Toni giành kiểm soát, khi là những âm thanh mượt mà lúc cô để mặc cho ngón tay mình bị chiếc đàn điều khiển lướt nhẹ trên các phím. Đôi lúc là sự hoà nhập của hai linh hồn khi hai bàn tay cô tự rải những giai điệu hoà hợp nhưng lại ở hai nhịp điệu khác hẳn nhau.

Cảm xúc của Tori lúc đó đang ở một thế giới khác. Đó là những không gian vũ trụ nhiều màu sắc được tạo ra bởi mỗi nốt nhạc được vang lên.

Ở dưới chân đàn, chiếc pedal giữ độ ngân của tiếng đàn được Tori nhấn nhá như đang nói chuyện với một nhân vật khác trong thế giới của cô. Với Tori, chiếc pedal đó giống như một nhạc cụ khác trong cả dàn nhạc mà cô đang tạo ra từ âm trầm đến âm bổng, lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh mẽ lúc mềm mỏng. Âm sắc mà cô tạo ra từ chiếc pedal đó giống như hơi thở vậy. Nhờ nó, tiếng đàn của Tori có cảm xúc như lời nói của con người.

Nhạc của Tori Amos có ảnh hưởng của Led Zeppelin, Joni Mitchell và Kate Bush. Dù vậy, người gây cảm hứng lớn nhất cho cô lại là Jimmi Hendrix. Bố cô từng nói đó là tiếng đàn của quỷ, nhưng cô lại thích thế. Cô muốn khi chơi, giống như Jimi, cô như bị quỷ nhập và có thể tạo ra âm thanh của chiếc đàn piano cũng ma quái như vậy. Vì vậy thay vì chỉ đánh thuần tuý những nốt trong hợp âm, Tori sẵn sàng thả vào những nốt nghịch tai, và thay vì theo sát nhịp, cô chơi lệch đi hoặc cố tình kéo dài khuông nhạc chậm hoặc sớm hơn nhịp điệu bình thường. Cô đánh hăng say hàng giờ đồng hồ. Người bạn cô ngồi đó im lặng nhận ra một điều là Tori chỉ có thể là chính mình và mạnh mẽ hơn nếu cô được ngồi bên cây đàn.

Sau đó một thời gian, Tori bắt đầu quay lại theo đuổi sự nghiệp âm nhạc của mình. Tuyệt vời hơn, cô thuyết phục được ông chủ hãng đĩa Atlantic lừng danh cho cô được tự do sáng tạo trong album đầu tay. Không quá bất ngờ khi trong album Little Earthquakes đó, Tori sáng tác hẳn một bài riêng "Me And A Gun" kể về buổi tối kinh hoàng đó với chi tiết con dao được thay bằng khẩu súng. Cô còn biểu diễn bài này tại tất cả các buổi live show trước đám đông khán giả, với mục đích kêu gọi những cô gái từng là nạn nhân tương tự lên tiếng phản đối tội ác này, cũng như để vượt qua mặc cảm của họ như cô đã từng làm được. Từ đó, Tori cũng trở thành người đại diện phát ngôn cho tổ chức Rape, Abuse & Incest National Network (RAINN) - một kênh hotline cho các nạn nhân có thể gọi điện chia sẻ và tố cáo. 


Với nhiều người nghe qua nhạc của Tori Amos, họ có thể thấy nhạc của cô dị và quái đản như bề ngoài của cô. Nhưng không phải ai cũng hiểu những gì cô đã phải trải qua.


Ca khúc nổi tiếng "Silent All These Years" trong album đó cũng vậy, như là một lời tự bạch về chính cô trong giai đoạn đi tìm âm nhạc của chính mình. 

Sử dụng âm nhạc như một ngõ ra truyền tải những câu chuyện và cả những bí mật được "mã hóa" trong đầu, nhạc của Tori vì thế có lẽ cần nhiều hơn một đôi tai lắng nghe thông thường - có lẽ là thêm một chút "giải mã" và "lọc nhiễu" trong cái đầu của người nghe. Tự cho tiếng đàn của mình có thể chơi những âm thanh của quỷ, chẳng phải những gì trong quá khứ của cô cũng giống như là địa ngục mà cô muốn thoát ra?


Được hoà mình vào âm nhạc, Tori như thoát khỏi thế giới thực tại, quên đi quá khứ và cả thế giới lúc ấy chỉ có cô và cây đàn piano, người bạn tri kỷ. Với tôi, hình ảnh của cô gái mảnh khảnh như ôm chặt lấy cây đàn Piano to lớn, vẫn là một trong những hình ảnh với xúc cảm khó quên nhất trong âm nhạc.


Hẹn gặp lại.


Kroon

318 views

Recent Posts

See All
bottom of page