Câu chuyện ngụ ngôn “Con quạ và cái bình nước” kể rằng khi hạn hán khô cằn ập đến, một chú quá phải bay đi tìm nguồn nước tự cứu sống chính mình. Bỗng dưng chú nhìn thấy một cái bình nước trên mặt đất, bèn sà xuống và thò mỏ vào để uống. Nhưng vì miệng bình nhỏ và cổ bình nước lại cao nên chú quá không với được tới nước trong bình để uống. Chú quạ bỗng chợt thấy viên sỏi, và một suy nghĩ lóe lên rằng chú chỉ việc kiên trì gắp từng viên sỏi bỏ vào bình thì nước sẽ dâng lên cao cho đến khi sát đến miệng bình, thì đó là lúc chú quá có thể ung dung uống nước.
Câu chuyện ngụ ngôn đó chính là triết lý mà RZA sử dụng trong việc dấn sâu vào làng nhạc, trong đó những viên sỏi như những tài năng góp lại của từng thành viên Wu-Tang Clan. Dần dà, kế hoạch 5 năm của RZA và Wu-Tang Clan cũng đưa được “mực nước dâng lên đến miệng bình”, và đó là lúc họ trên đà hướng tới thành công.
5. Gã dẻo mồm Method Man
Method Man (Meth) là một trong số đó. Thực ra Meth đã quen biết RZA trước đó, và có một mối liên kết đầy định mệnh với anh này qua cái ngày Meth thoát chết trong gang tấc.
Hôm đó Meth đang đi bộ tới số 160 Park Hill Avenue để mua “rau cần” thì bỗng dưng RZA bắt gặp từ bên kia đường. “Lại đây cu” - RZA gọi với tới. Chả hiểu thế nào, Meth mới dừng rảo bước và chạy qua đường gặp RZA một cách tình cờ. Nhưng không ngờ chỉ vài giây sau, căn nhà số 160 đó bị một tên nã súng hàng loạt từ ngoài vào. Cả RZA và Meth sững sờ chứng kiến Poppy, một người bạn khác bị bắn chết tại đó.
Cho đến giờ, Meth vẫn nhắc lại cái ngày định mệnh đó, rằng nếu không phải RZA mà là một người khác thì có lẽ anh đã mặc kệ tiếp tục đi tới căn nhà. Còn với RZA, anh này tin rằng Wu-Tang Clan sẽ không bao giờ được trở nên thành công nếu thiếu đi thành viên quan trọng như Meth.
Kể cũng đúng là vậy. Khi cả hội phát hành single đầu tay “Protect Ya Neck”, phần side B của đĩa được dành riêng cho bài “Method Man” solo của riêng Meth. Cái đặc ân dành cho anh là vì RZA nhìn ra tiềm năng thành công về thương mại lớn nhất ở Meth.
Trong số các thành viên, Meth dường như là ngôi sao sáng giá nhất nhờ lời rap chất lượng nhưng không quá phức tạp, và khả năng “cuốn hút” chị em gái, không chỉ qua giọng flow mềm mượt, mà cả “đức tính” ham vui tiệc tùng nhất hội. Với Meth, có hai thứ quan trọng nhất với anh, đó là phụ nữ và cần sa.
Vì thế nên cái “năng lực” đó thể hiện ở sự biến chuyển flow trong các bài rap của Meth. Giọng của anh như trộn lẫn giữa sự nhịp nhàng của Raekwon và uyển chuyển âm điệu của Ol’ Dirty Bastard. Do đó, có những lúc Meth cũng nửa đọc rap nửa hát, và có cách thể hiện ổn định, phù hợp cho các phần hook của bài rap.
Tiềm năng ngôi sao đưa anh trở thành thành viên đầu tiên nhóm Wu-Tang Clan được phát hành album solo Tical. Qua mỗi track, Meth phô diễn nhiều lối đọc rap khác nhau, và biến đổi trong cùng một verse.
Trong “Bring The Pain”, Meth lướt nhịp nhàng trên phần beat, không chỉ mỗi đoạn verse mà kiêm luôn đoạn hook cực cuốn.
Trong verse thứ hai của “Sub Crazy”, giọng rap của Meth như quỷ nhập, cách kéo dài âm một số từ làm chậm lại nhịp càng làm tăng màu sắc bản rap vốn dĩ hay thiếu vắng các tông trầm bổng:
“Killer Beeeees on the swarm
Alaikum as-salaam, drops bombs like Qur'an
The ism helps to stimulate my pugilism
I bust rhymes like jism
Impregnate the rhythm with the wisdom
Decipher, the stee, I be hyper
I dwindle the style, that rekindle like old flamesss
Sssssssaliva, check the wicked flows I delyvah
Oops, I mean delivers like the Hudson River”
Cách Meth thể hiện tài năng rap ở đây cũng rất thông minh khi anh ví việc gieo vần như anh đang “phun trào”, khiến cho những “vần thơ” của anh “mang bầu” đứa con “trí tuệ”.
Giọng điệu của Meth vẫn tiếp tục có những sáng tạo bất ngờ khác như cách anh nhấn âm vần như tiếng quát lớn ở cuối câu trong bài “I Get My Thang In Action” hoặc giữ nguyên cao độ để tạo không khí căng thẳng như chính lời rap trong bài “Stimulation”.
Meth có thể không hẳn là một MC có phong độ vững vàng như GZA, Ghostface Killah hay Raekwon, nhưng khi cần thì anh có thể hạ gục đối phương đáng gờm như Rae trong cuộc so găng ở bài “Meth Vs. Chef”.
“Who lit that shit it was I the chinky-eye
Chiba-hawk from New York, Tical Staten Isle
N**** thought, that they could walk a dog but they caught
A bad situation, cause I'm a sandwich short
Of a picnic, cause you ain't equipped with the sickening
Style, blowing up the spot like ballistic
Missiles, I be comin through like the four-nine-three-eleven
Tearing up the power-u, Meth-Tical”
Câu đầu dẫn dắt đầy dí dỏm giới thiệu về bản thân - Meth, kẻ chuyên đi hút ké đang phê thuốc mắt trợn trừng. Và nếu như các thành viên kia mượn từ ngữ của tư tưởng Five Percent Nation để nói những thứ cao quý thì Meth mượn để đánh vần “four-nine-three-eleven” thành từ “D.I.C.K.” để “xé toạc” “power-u” (có nghĩa là “pussy”).
Sự nghiệp của Meth sau Tical tiếp tục cất cánh khi anh là khách mời tham gia rap với nhiều nghệ sĩ khác nhau nhất trong Phái Võ Đang. Ngoài ra, mấy ấn phẩm rap chung của Meth với Redman trong Blackout! và Blackout! 2 đều là những album rất hay.
Có điều giống như Raekwon, Ol’ Dirty Bastard, Ghostface Killah, và các thành viên “cứng đầu” khác, Method Man cũng có những thứ không hài lòng về cách vận hành của chính nhóm Wu-Tang Clan.
Sau khoảng thời gian 5 năm chờ đợi, lời hứa của RZA ít nhiều đã thành hiện thực, nhưng cái gì cũng có cái giá của nó.
6. Đầu não RZA và Phái Võ Đang
Để biến được câu chuyện “Con quạ và chiếc bình nước” thành hiện thực không phải đơn giản chút nào. Giống như cách thức mà bố già George Clinton và đồng đội trong Parliament / Funkadelic đã làm, RZA cũng tiếp cận hướng đi chưa từng có trong làng nhạc Hip Hop.
Anh tiếp cận thuyết phục từng người: GZA, Ol’ Dirty Bastard, Ghostface Killah, Raekwon, Method Man, Inspectah Deck, Masta Killa và U-God (với Cappadonna là thành viên thứ 10 tham gia sau này); bảo họ dành thời gian 5 năm cuộc đời của mỗi người để anh đưa sự nghiệp của cả nhóm Wu-Tang Clan và từng thành viên lên đỉnh cao mới. Kế hoạch của RZA là thâm nhập thị trường âm nhạc qua ý tưởng Phái Võ Đang (Wu-Tang Clan), trong đó, anh chỉ thương thảo với hãng đĩa nào đồng ý cho phép mỗi thành viên trong nhóm được quyền ký hợp đồng ghi âm solo riêng với bất kỳ hãng đĩa cạnh tranh nào khác. Chỉ có Loud Records đồng ý với điều kiện của anh. Mọi doanh thu có được từ Wu-Tang Clan sẽ được chia 50/50 giữa Loud Records và Wu-Tang Productions (do Mitchell “Divine” Diggs và Robert “RZA” Diggs làm chủ). Từng thành viên của nhóm sẽ được khuyến khích ký hợp đồng ghi âm riêng với các hãng đĩa khác, với điều kiện mỗi người sẽ đóng góp 20% thu nhập của mình, bỏ vào “con lợn đất” Wu-Tang Productions. Để rồi sau đó hàng năm, tất cả các thành viên của nhóm sẽ được chia đều lợi nhuận của Wu-Tang Productions, không cần biết số lượng đĩa solo của mỗi người bán ra nhiều hay ít, và thậm chí họ có phát hành đĩa nào năm đó hay không.
Kế hoạch đó nghe thì hay đấy, nhưng để thực hiện nó không dễ tẹo nào. Về mặt lý thuyết, khi có một lực lượng lớn 9 (sau này là 10) thành viên có năng lực thì sẽ tăng khả năng đàm phán. Nhưng để thực hiện, thì đầu tiên RZA phải thuyết phục được từng thành viên theo sát kế hoạch của anh, không phải dưới dạng hợp tác, mà phải tuân thủ dưới chế độ “độc tài” hơn là “dân chủ” do chính RZA vẽ ra. Với những rapper có xuất thân từ các hoàn cảnh khác nhau, có kẻ ra tù vào tội, nhưng đều có “cái tôi” cực lớn, việc RZA thuyết phục được họ cũng là nhờ chính RZA đã là kẻ có số có má trong giới buôn bán mai thúy trước đây. Chưa kể là anh cũng là kẻ đã học sâu tư tưởng Five Percent Nation (hay còn gọi là The Nation Of Gods And Earths) do Allah The Father lập ra – một tư tưởng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng da màu từ giữa thập niên 60 đến nay, nhờ đó mọi người đều có một lòng tin với kẻ đã nhìn thông hiểu thấu vận hành của vạn vật.
Và rồi ngoài các thành viên đã được giới thiệu trong các phần viết trước, RZA thuyết phục được thêm Inspectah Deck, U-God và Masta Killa, với mỗi kẻ mang tới nhóm một “cá tính” và “năng lực” riêng:
- Inspectah Deck như cái tên của hắn, là kẻ ít nói, chỉ yên lặng ngồi quan sát và đọc vị điểm yếu của đối phương, trước khi tung đòn hiểm. Lời rap của Deck thường thâm thúy và thông minh và flow của hắn thì cũng tuyệt hay.
- U-God là kẻ máu lạnh và vô cảm trước sự vật sự việc. Đó là lý do lời rap của hắn thường rất thẳng thừng và không trốn tránh.
- Masta Killa là môn đồ của GZA. Hắn là kẻ khiêm nhường, suy nghĩ thấu đáo và vì thế lời rap của hắn thời gian đầu không nhiều, nhưng mỗi lần ra trận, là hắn đánh gục hết đối phương.
Giống như đoạn quote trong bộ phim Kungfu trong bài “Da Mystery Of Chessboxin’” có nói “The game of chess, is like a sword fight”, từng đường đi nước bước đều được kẻ đầu não RZA tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo các đòn tung ra đều là những đường kiếm sắc lẹm. Và đó chính là “năng lực” của RZA (phát âm là “Rizza”), như chiếc banh xa lam (“razor”), anh là kẻ có những chiến lược sắc bén nhất Wu-Tang Clan.
Trong bản single đầu tiên “Protect Ya Neck”, mặc dầu là người rap thứ hai sau Raekwon, nhưng sau khi nghe bản verse của Inspectah Deck, RZA quyết định đưa lên đầu. Giọng điệu mạnh mẽ, ngôn từ ấn tượng như “The hell-raiser, raisin’ hell with the flavor”, “Deep in the dark with the art to rip the charts apart” và “The Rebel, I make more noise than heavy metal”, rõ ràng là những câu tuyên bố đầy trọng lượng của một lực lượng mới đến từ Hip Hop bờ Đông tuyên chiến với thứ âm nhạc đang thịnh hành lúc đó là Hip Hop bờ Tây và nhạc Heavy Metal.
Trong album đầu tiên của Wu-Tang Clan, RZA tạo một “đấu trường” với chính các thành viên trong nhóm. Một sự cạnh tranh căng thẳng nhưng hiệu quả khi anh cố tình khích mọi người “đấu võ” bằng những phần lời hay nhất có thể để được rap trên các bản beat của anh, giành quyền có tên trong mỗi bài.
Với vai trò nhà sản xuất cho album này, RZA đã kiến tạo một sản phẩm đối ngược với những gì đang diễn ra trên bảng xếp hạng nhạc Hip Hop bấy giờ. Những âm thanh chau truốt của Dr. Dre với The Chronic và sau đó là Snoop Dogg với Doggystyle, kẹp giữa và đối lập với tiếng nhạc thô ráp lo-fi trong album đầu tiên Enter The Wu-Tang (36 Chambers) của Wu-Tang Clan. Điều không ngờ rằng, các fan nhạc Hip Hop bấy giờ vẫn đói thứ nhạc Rap không cầu kỳ về beat, mà chuyên sâu về ngôn từ, kỹ thuật và các lớp nghĩa. Nhờ đó mà Enter The Wu-Tang (36 Chambers) đạt được thành công, làm bệ phóng cho loạt các album solo tiếp đó.
Nói thế không phải là beat mà RZA làm lại kém chất lượng. Trong tay sở hữu chiếc keyboard, thay vì mỗi bộ lập trình trống, anh tự học nhạc từ con số 0 tròn trĩnh. Anh bắt đầu tìm cách điều chỉnh, biến đổi các bản sample, học đánh lại các nốt nhạc của bản sample đó, và sau đó là các hợp âm phức tạp hơn. Với RZA, âm thanh lo-fi lại mới là âm nhạc. Vì thế, anh cố tình giảm chất lượng âm thanh sample đó để có thể kéo dài thời lượng của bản sample trong phần beat của mình.
Trong đĩa Enter The Wu-Tang, mỗi thành viên đều có cơ hội tỏa sáng, với mục đích ghi dấu ấn với người nghe nhạc và các ông chủ hãng đĩa. Bài “Shame On A N****” như bản PR cho ODB, “Clan In Da Front” là bản solo của GZA, “Can It Be All So Simple” được Ghost tỏa sáng qua câu chuyện đầy cảm xúc của anh, “Da Mystery Of Chessboxin’” có Masta Killa kết bài với phần verse hay “chết người”, “C.R.E.A.M.” có phần verse của Raekwon được bầu là Rhyme of the Month do tạp chí The Source, và dĩ nhiên bài “Method Man” solo của Meth và bài “Protect Ya Neck” giới thiệu Inspectah Deck như đã nói trước đây.
Tài năng sản xuất nhạc của RZA tiếp tục đưa anh tới việc produce toàn bộ các album solo sau này, gồm Method Man (đĩa Tical), ODB (đĩa Return To The 36 Chambers: The Dirty Version), Raekwon (đĩa Only Built 4 Cuban Linx…) và GZA (đĩa Liquid Swords). Cái tài của anh là trong thời gian mấy năm liền giam mình trong studio để làm nhạc cho nhiều dự án khác nhau như vậy, các bản beat của RZA nghe không hề giống nhau. Mỗi album đều có màu sắc phù hợp với rapper đó, như âm thanh sắc tối trong Liquid Swords của GZA, âm thanh mang màu sắc điện ảnh trong Cuban của Raekwon, v.v.
Tuy vậy, cái gì cũng có cái giá của nó? Đường sách chiến lược của RZA cũng dần lộ các điểm yếu.
Sự độc đoán trong cách lãnh đạo của anh chứng tỏ sự hiệu quả ở thời gian đầu khi tất cả các thành viên đều chưa có số má gì trong thị trường âm nhạc, cũng như chưa có kinh nghiệm gì trên thương trường. Nhưng khi RZA giữ quyền kiểm soát đến mức độ lựa chọn hãng đĩa nào sẽ ký hợp đồng ghi âm solo với ai trong nhóm, thì ắt hẳn sẽ gây sự khó chịu nhất định. Như trường hợp Method Man đã ký với hãng Def Jam rồi thì cả khi ODB đòi theo cùng hãng đĩa đó thì RZA vẫn ép anh này ký với Elektra Records. Đấy là Def Jam và Elektra Records đã ít nhiều có kinh nghiệm lăng xê các nghệ sĩ Hip Hop khác, với trường hợp GZA phải ký với Geffen Records, rủi ro càng lớn hơn khi hãng đĩa đó còn không có kinh nghiệm với nghệ sĩ da màu lớn nào trước đó.
Lý do của RZA là anh muốn tránh sự cạnh tranh không đáng có của hai hay nhiều thành viên của Wu-Tang Clan trong cùng một hãng đĩa khi ngân sách sản xuất và ghi âm cho mỗi thể loại nhạc đều có hạn mức nhất định.
Rồi cả việc chia sẻ con số 20% của thu nhập mỗi cá nhân để “góp lợn” cho công ty Wu-Tang Productions cũng lâu dài dẫn tới sự cạnh tranh và ganh ghét giữa các thành viên lẫn nhau. Thế nên cả khi album đầu tiên của Wu-Tang Clan và các đĩa solo không cái nào bán dưới 600.000 bản, rồi đĩa thứ hai của nhóm lên vị trí đầu bảng, những mâu thuẫn cũng bắt đầu xuất hiện, từ ODB, Raekwon, đến Ghostface và U-God, mỗi người có lý do mục đích riêng, nhưng tựu chung cũng là sự thiếu cân bằng trong việc phát triển sự nghiệp của mỗi thành viên, trong khi họ phải “nghe theo” và chờ đợi lịch làm việc của RZA. Rồi số tiền đóng góp 20% của mỗi người đó khi chia ra cũng không được rõ ràng, khiến các thành viên bắt đầu kiện tụng.
Tình anh em giữa các thành viên và với riêng RZA vẫn được trân trọng, nhưng tất cả họ đều có mối hiềm khích chung với chính Wu-Tang Productions. Những mâu thuẫn đó xuất phát từ Mitchell “Divine” Diggs – gã CEO và những động thái kinh doanh mờ ám, bao gồm việc không cho các thành viên được chấm dứt hợp đồng đầy ràng buộc cả về mặt sáng tạo lẫn thu nhập cho họ. Cho tới giờ, các thành viên đều được giải phóng, nhờ RZA phải thuyết phục gã CEO. Là kẻ suy nghĩ thấu đáo, RZA hiểu rằng nếu không thả tự do cho mọi người, thì sẽ không bao giờ kéo được tất cả các thành viên lại trong những lần lưu diễn và ghi âm sau này. Cái quyết định đó có thể giảm doanh thu hàng năm của Wu-Tang Productions, nhưng nó hàn gắn được mối quan hệ giữa RZA và anh em trong nhóm.
Cuối cùng, RZA có thể trút được gánh nặng, khi anh đã thực hiện được lời hứa của mình với mọi người, ban đầu ràng buộc họ để đưa tất cả lên bệ phóng, và sau đó giải thoát cho từng người, để họ có thể tự do theo đuổi sự nghiệp riêng của mình. Ít ra không ai trong Wu-Tang Clan còn bị những điều khoản hợp đồng "bóp cổ" họ như chính những lời mà GZA từng nói tới trong bài "Protect Ya Neck".
Hẹn gặp lại!
Kunt
Comentarios