top of page

50 Năm Hip Hop (pt 1): Old School và những bước đi đầu tiên

Updated: May 4, 2023

Nhạc Hip Hop được “sinh ra” vào ngày 11 tháng 8 năm 1973, tại địa chỉ 1520 Sedgwick Avenue, Bronx, New York. Tối hôm đó là buổi party sinh nhật mà DJ Kool Herc tổ chức cho người nhà dưới cái tên “Back To School Jam” tại căn hộ của ông. Ngày đó, Kool Herc đã thành thục việc sử dụng hai bàn turntable, nhưng không phải để chuyển nhạc, mà dùng hai bản ghi âm giống nhau để kéo dài những đoạn drum break trong một bài. Kool Herc để ý thấy khán giả phía dưới thường đợi để thực hiện những động tác nhảy breakdance khi một đoạn nhạc đặc biệt trong một bài xuất hiện, đa phần là khúc drum break - khi âm thanh của giọng hát và các nhạc cụ khác ngưng chơi trong một hoặc hai khuông nhạc, để lại đúng nhịp điệu của tiếng trống. Ông cũng mang tới các buổi tiệc văn hóa “toasting” từ quê hương Jamaica, nơi người ta sẽ cầm mic nói trên nền nhạc Reggae. Và hôm 11/8/1973 đó, Coke La Rock – một người bạn của ông đã đảm nhận trách nhiệm “toasting”, trở thành MC đầu tiên, đánh dấu ngày Hip Hop được sinh ra đời.


Năm 2023 này là một năm đặc biệt khi Hip Hop tròn 50 tuổi. Đây là một dòng nhạc độc đáo ăn sâu vào văn hóa của cộng đồng người da màu nước Mỹ, rồi nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng tới những con người của các sắc tộc văn hóa khác nhau, không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới.

Do đó đây cũng là dịp đặc biệt để chúng ta cùng nhìn lại lịch sử phát triển, những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng và các đặc tính văn hóa, vùng miền của Hip Hop trong 50 năm vừa qua. Do quy mô lớn và tính chất đa dạng của dòng nhạc này, EmoodziK xin phép chỉ giới hạn câu chuyện của chúng ta trong phạm vi nước Mỹ, quê hương của Hip Hop, và ở phần nhạc và rap, chứ không nói tới những yếu tố khác như graffiti hay break dance.

Những bước đi chập chững


Ý tưởng ban đầu của DJ Kool Herc là muốn thử nghiệm việc chơi liên tục một đoạn "break" trong một bản ghi âm để kéo dài khúc nhạc mà những người dự tiệc cảm thấy hưng phấn nhất. Herc mới chơi thử nhiều đoạn break khác nhau thay vì cho bản thu âm chạy từ đầu tới cuối. Ông không tìm cách gắn các đoạn beat đó lại với nhau mà chỉ thực hiện thao tác giảm nhỏ dần tiếng của đoạn break trước và bật to dần đoạn break liền sau, và lấp đầy khoảng "lặng" đó bằng việc "toasting" - nói vào mic.


Dần dà để có những đoạn mix mà đoạn break được kéo dài, mà Herc gọi là "Trò Đu Quay" / "Merry Go Round", ông mới dùng hai bàn turntable và mua hai bản thu âm giống nhau của một đĩa để có thể tạo ra một phần break duy nhất được chơi gần như vô tận. Học theo kỹ thuật sử dụng hai bàn turntable của các DJ nhạc Disco, ông lồng ghép nhạc Punk và Funk với các nhịp trống để tạo không khí khác lạ, rồi phát triển thêm kỹ thuật tách và lặp các đoạn nhạc giữa các bản đĩa khác nhau, khởi nguồn cho việc sản xuất beat trong nhạc Hip Hop ngày ấy. Từ những âm thanh riêng biệt bị xé lẻ, nay dưới bàn tay ma thuật của Kool Herc và các DJ khác, họ đã tạo ra những phần nhạc nền mới hoàn toàn.


Không những vậy, những đồng nghiệp của Herc vẫn tiếp tục đẩy kỹ thuật DJ lên những tầm cao mới, ví dụ như DJ Grand Wizzard Theodore, người đã sáng tạo ra kỹ thuật chà đĩa (scratching) vào năm 1975, tăng hiệu ứng âm thanh giật cục vô cùng ấn tượng. Tiếng trống, tiếng loẹt xoẹt của những chiếc đĩa than trên bàn turntable và loạt những hiệu ứng khác sau này như needle drop đã nhanh chóng thành những âm thanh quá đỗi đặc trưng, đến độ ai nghe phải thì trong đầu họ cũng vang lên hai chữ “HIP HOP”.


Mặc dầu vậy, cách nối ghép nhạc của các đoạn break thời kỳ này vẫn còn thô sơ. Một DJ khác với nghệ danh Grandmaster Flash xuất hiện. Ông có đôi tay điêu luyện thao tác nhanh như chớp (lý do ông tự đặt cái tên "Flash"). Ông có thể nhanh chóng chuyển từ một bàn turntable sang bàn bên cạnh gần như trong tích tắc, có thể dò ra phần đầu của một đoạn break hay thậm chí một phần beat mà ông đã dự định để chơi trước đó. Qua đó, ngay trên bàn DJ, Flash vừa chơi, vừa ghép nhạc, vừa bật lại những khuông nhạc ấn tượng để tạo ra một bản track mới hoàn toàn. (Chính Grandmaster Flash là người sau này lập ra nhóm Grandmaster Flash and the Furious Five huyền thoại cùng Melle Mel mà tôi sẽ nói tới dưới đây).

Đấy là về phần nhạc và DJ, những nhà sản xuất cho dòng nhạc Hip Hop ngày đó.

MC, những nghệ sĩ thể hiện phần lời từ giai đoạn “sơ sinh” cho tới lúc “chập chững biết đi” vào chớm đầu những năm 80 đa phần là những người biểu diễn ở các buổi tiệc. Lời “rap” của họ chủ yếu về khoe tài, khoe của, tiệc tùng và nhảy nhót.

Tuy nhiên khi single “Rapper’s Delight” của nhóm The Sugarhill Gang phát hành năm 1979, nó đã trở thành bản hit đầu tiên mang lại danh tiếng cho Hip Hop trên khắp cả nước Mỹ. Nó đã mở ra một cánh cửa cho biết bao người nghe nhạc biết tới một thứ âm thanh mới lạ hoàn toàn này. Khi nghe bài “Rapper’s Delight”, có thể thấy rõ tại sao nó trở thành một bản hit.

Big Bank Hank, Master Gee & Wonder Mike

Trên nền nhạc sử dụng câu bass được sample từ bài nhạc Disco mang tên "Good Times" của nhóm Chic, các đoạn verse của 3 anh, Wonder Mike, Big Bank Hank, và Master Gee nghe cực cuốn qua cách flow hấp dẫn không thua gì các bản rap về sau này. Thay vì kiểu “đọc” rap đều đặn, các anh trong Sugarhill Gang lướt lời rap trên tốc độ khá bốc, với nhịp điệu biến thiên đảo phách mà vẫn nhấn nhá một cách nhịp nhàng.

Check it out, I'm the C-A-S-AN, the O-V-A and the rest is F-L-Y / You see, I go by the codeof the doctor of the mix and these reasons I'll tell you why / You see I'm six foot one and I'm tons of fun and I dress to a tee / You see, I got more clothes than Muhammad Ali and I dress so viciously”.


Lấy đoạn lời trên của Big Bank Hank làm ví dụ. Thay vì những âm vần chỉ ở cuối câu đơn giản giống lời rap của những ngày đầu, với số từ khá nhiều trong từng bar khuông nhạc, những âm được lặp trong cùng một câu như “go” với “code”, “one” với “tons” và ”fun” là những ví dụ làm cho phần rap này nhiều màu sắc hơn, dù không phức tạp, nhưng vẫn đủ làm đoạn rap này của Hank nhỉnh hơn hai phần verse của Wonder Mike và Master Gee trước và sau đó.

Có điều là với một bài rap mang tính biểu tượng của Hip Hop như “Rapper’s Delight”, nó đáng nhẽ đã không bao giờ thành công đến vậy nếu không nhờ công lao của Grandmaster Caz.

Big Bank Hank, một người bạn và cũng là quản lý của Caz, đã lấy đoạn lời trên từ quyển rhyme book của Caz và ngang nhiên thể hiện phần verse trên. Cái tên “Casanova Fly” mà Hank đánh vần ở trên là một nghệ danh Caz dùng trong nhóm The Cold Crush Brothers, và số đo chiều cao “six foot one” cũng là của Caz. Như vậy là Hank cũng không buồn sửa một từ nào cả mà bê nguyên tên và chiều cao của người khác vào bài rap của mình, còn Grandmaster Caz thì không hề nhận được được một đồng tiền bản quyền nào hay ghi nhận là tác giả của đoạn verse trên mặc cho thành công đem về của cải rủng rỉnh cho Hank ngày đó.

Vì thế nên Big Bank Hank đã trở thành một trong những ví dụ mà giới Hip Hop gọi là “biter” mà tôi đã từng nói đến trong bài Tản mạn chuyện nhạc Rap không cover. Đối với một dòng nhạc mà bản beat đã phải đi vay mượn từ các sample của các dòng nhạc khác, thì tính mới mẻ nguyên gốc trong phần lời rap là điều tối quan trọng. Ngoài chuyện copy lời rap, thì việc bắt chước flow cả khi lời đã được thay đổi cũng là điều phải tránh. Do vậy, một luật bất thành văn trong Hip Hop là “no biting”, nôm na là “không đớp trộm” của người khác.

Đáng tiếc là Big Bank Hank đã phạm phải chuyện này với một track mang tầm vóc quốc gia đầu tiên như này. Nhưng may thay, Grandmaster Caz, người mà Hank “đớp trộm” phần lời, dù không có được tiếng thơm và quả ngọt từ bài “Rapper’s Delight”, với tài năng vượt trội ngày đó, ông đã trở thành một trong ba tượng đài của Hip Hop trong kỷ nguyên Old School.

Những bước đi tiên phong

1. Grandmaster Caz


Trong số ba tượng đài đời đầu của Hip Hop, Grandmaster Caz là người đầu tiên phá vỡ rào cản quan niệm của những người theo đuổi sự nghiệp Hip Hop, đó là nên làm một DJ hay một MC, khi mà người đó có thể đảm nhiệm cả hai vai như chính Caz. Bên cạnh việc làm nhạc, khả năng sáng tác lời rap của ông còn được truyền dạy cho những MC khác từ cuối những năm 70. Khi ông gia nhập The Cold Crush Brothers (CCB), người ta còn truyền mồm rằng Caz là người sáng tạo ra cách sắp xếp lời rap trong nhóm của ông để những câu rap mỗi người nối tiếp, đan chéo nhau – một cách thức mà Run DMC học hỏi và thể hiện đầy hiệu quả sau này.

Tuy vậy, Caz có quá ít bản ghi âm chính thức, solo hay cùng nhóm CCB, để fan nhạc Hip Hop có thể được thưởng thức tài năng của ông. Những bản thu âm tại chỗ không chính thức của những lần diễn live của nhóm CCB được nhiều rapper thế hệ sau phải lùng kiếm tìm nghe để học hỏi kỹ thuật từ Caz.


Vậy nên để chiêm nghiệm tài năng sáng tác lời và gieo vần của Caz, mỉa mai thay đoạn verse của Big Bank Hank nói trên trong bài “Rapper’s Delight” là ví dụ dễ tìm nhất. Như đã chỉ ra ở trên, cách sáng tác của Caz qua những âm vần tuy ngắn nhưng xuất hiện trong cùng một khuông nhạc và mật độ từ khá nhiều ở mỗi câu là mấu chốt cho đoạn flow của Hank nghe hấp dẫn và có “trình” hơn đồng đội Sugarhill Gang. Do đó, cũng không có gì là bất ngờ nếu Caz ngày đó có những lần tỏa sáng lấn át đồng đội mình trong CCB.

2. Melle Mel

Nhạc rap thời đó đa phần phục vụ cho các buổi tiệc, vì thế cách hô vang những phần lời đơn giản của một MC để hâm nóng không khí và kêu gọi đám đông phía dưới đáp vọng lại là chuyện thường thấy. Nhưng Melle Mel thì khác. Ông là người đã tự mình thay đổi sự giản đơn đó với phần lời được đầu tư công sức hơn, và được thể hiện vào đúng nhịp và đúng phách với nhạc, tạo nên một đẳng cấp mới trong Hip Hop.


Khi mà rất nhiều MC có kiểu flow đơn giản, thì Mel lại chọn cách thể hiện lời rap của ông cực chuẩn theo nhịp điệu và lướt trên beat, nhưng vẫn bật mạnh ra giọng điệu và âm vần rõ ràng.


Broken glass everywhere / People pissing on the stairs, you know they just don't care / I can't take the smell, can't take the noise / Got no money to move out, I guess I got no choice / Rats in the front room, roaches in the back / Junkies in the alley with a baseball bat / I tried to get away, but I couldn't get far / 'Cause a man with a tow truck repossessed my car”.


Thật khó tưởng tượng đoạn lyric trên được viết ra từ những năm đầu thập niên 80. Đó là sáng tác của Melle Mel trong bài “The Message” được phát hành từ năm 1982 dưới tên nhóm Grandmaster Flash and the Furious Five của ông. Bức tranh Hip Hop thay đổi hoàn toàn sau bài rap này, bởi các MC khác mới nhận ra rằng, họ có thể dùng lời để vẽ các khung hình đầy chân thực.


A child is born with no state of mind / Blind to the ways of mankind / God is smiling on you, but he's frowning too / Because only God knows what you'll go through / You'll grow in the ghetto living second-rate / And your eyes will sing a song of deep hate


Khi xung quanh đầy rẫy những chủ đề khoe mẽ và chuyện chơi bời tiệc tùng rất phổ biến thì Mel chọn một chủ đề mới lạ và khó nhằn. Trong đoạn lời đó, ngoài việc gieo vần cực hay, như cụm từ “state of mind” gần với “ways of mankind”, bên cạnh hình ảnh đối lập giữa “smiling” / “nở nụ cười” với “frowning” / “cau mày” của Chúa trước số phận đứa trẻ mới ra đời, nội dung của đoạn rap kể về một hiện thực cuộc sống của đứa trẻ “kém may mắn” khi sinh ra tại nơi xóm liều, để rồi tương lai đã được định sẵn cho một công dân da màu hạng hai của xã hội. Thử tưởng tượng với chủ đề gai góc như vậy, từ ngữ lựa chọn sẽ khó hơn và phải kết nối nhiều câu với nhau để thành một bức tranh, chứ không chỉ dăm ba chuyện vui tai dễ quên khác khi nghe các MC rap tại các buổi party. Thế mà Mel đã dày công viết được một đoạn verse ý nghĩa, vẫn gieo vần đầy đủ, vẫn bám nhịp chắc chắn, mà lại khiến người nghe phải suy ngẫm sau khi nhạc dừng.


Melle Mel có thể không phải là người đầu tiên tạo ra nhánh “conscious rap” từ đầu thập niên 80, nhưng ông chắc chắn là người chắp cánh cho chủ đề mang nặng ảnh hưởng tới nhiều rapper theo đuổi dòng nhạc tả thực này.

3. Kool Moe Dee

Là thành viên nhóm Treacherous Three, Kool Moe Dee được biết đến nhờ lối rap phức tạp, hơn hẳn tiêu chuẩn ngày đó. Kể cả đem đi so với Grandmaster Caz và Melle Mel thì Moe Dee cũng là người chăm chút kỹ thuật trong lời rap với cấu trúc nhịp điệu và gieo vần điêu luyện. Chính Moe Dee là người khởi nguồn cho việc rap nhanh trong bài “The New Rap Language” của nhóm Treacherous Three cùng với Spoonie Gee (thành viên mới rời nhóm từ cuối thập niên 70) phát hành năm 1980.


Phải nói là các thành viên từ Spoonie, Special K tới L.A. Sunshine đều có màn trình diễn ấn tượng với kiểu rap nhanh do chính Kool Moe Dee bày ra. Có điều không ai rap nhiều liền mạch với khả năng lấy hơi rất tốt và phát âm rõ ràng như Moe Dee. Từ bài track này mà các MC / rapper mới học được lối rap nhanh bằng việc nhấn một âm trong mỗi cặp hai âm tiết liền nhau, tạo cảm giác nhấp nhô liên tục rất hay.

Hey, diddle-diddle on the fiddle / ‘Cause the cat is in the middle / Will he rhyme or will he riddle? / Does he want a tender vittle? / Have a lot, maybe a little / Long as he can fill his middle / And an ocean full of lotion / ‘Cause it's like his magic potion / But my notion's that the potion / Workin' some kind of commotion

Có thể thấy trong lối rap nhanh mà Kool Moe Dee sáng tạo, ngày đó ông đã nắm bắt ra bí quyết để phần rap nhanh nghe cuốn hút. Ngoài việc nhấn một âm tiết trong từng cặp, Moe Dee còn gieo âm vần kéo dài trong câu và mấy khuông nhạc liền (thay vì chỉ theo cặp hai khuông nhạc cho mỗi âm vần) để đoạn flow nghe mượt tai, chiêu thức mà sau này những “chopper” chuyên rap tốc độ nhanh như Bone Thugs-N-Harmony, Twista hay Tech N9ne học hỏi và tận dụng triệt để.

Trên cả, Moe Dee còn nổi tiếng trong lịch sử Hip Hop khi ông là nhân vật chính của vụ diss nhau nảy lửa đầu tiên đáng nhớ được người đời ghi lại giữa ông và Busy Bee trong màn đấu tài năng.

Kool Moe Dee vs. Busy Bee

Đó là một ngày năm 1981 tại Harlem World, khi ấy Busy Bee biểu diễn như cách tay này thường làm, đó là hô hào làm nóng bầu không khí. Busy Bee tiếp tục với màn rap những lời láo lếu khi nhạo những MC khác, trong đó có Kool Moe Dee, người đứng ngay tại phía khán đài. Dĩ nhiên Moe Dee không để yên. Ngay sau khi Busy Bee rời sân khấu, Moe Dee dập tay kia một trận bằng một màn diss chất đỉnh cao:


Hold on, Busy Bee, I don’t mean to be bold / But put that “ba-ditty-ba” bullshit on hold / We gonna get right down to the nitty-grit / Gonna tell you little somethin’ why you ain’t shit”


Sau đó là một loạt đòn nảy lửa:

And now to bite a n***a's name, that's some low-down shit / If you was money, man, you'd be counterfeit / I gotta give it you, though, you can rock / But everybody know you're on the Furious' jock


He begged for the rhyme, asks for it twice / He says, "Spoonie G, I'll buy at any price! / When Spoonie finally sold it, oh, what a relief / Busy B stole it like a fuckin' thief / Came out rockin', the party hard / Got everybody thinkin' that shit-sound's yours! / Every time I hear it, I throw a fit / Party after party - the same old shit!


Và khi Moe Dee rap đến đoạn chế nhạo những lần thắng cuộc ngớ ngẩn trước đây của Busy Bee:

Celebrity clubs, those are the kind you can win / They're all set up before he comes in / But in a battle like this, you'd know you'd lose / Between me and you, who do you think they'll choose? / Well, if you think it's you, I got bad news / 'Cause when you hear your name, you're gonna hear some boos


Thì cả đám đông đều nhận thấy rõ ai là kẻ thắng cuộc. Thử tưởng tượng đoạn rap trên của Moe Dee, ngoài một số câu ông dùng lại từ bài rap đã sáng tác của mình, còn lại Moe Dee hoàn toàn freestyle tự chế ngay tại chỗ, rất nhiều âm vần, mật độ từ dày đặc, tốc độ thì nhanh, flow thay đổi liên tục và quan trọng nhất là độ thâm thúy của chúng bật ra như những viên đạn ghim sâu vào chỗ hiểm của Busy Bee.


Sau buổi đấu này, nghệ thuật đọc rap đã thay đổi hoàn toàn. Những MC đi khuấy động phong trào bằng những lời lẽ nông cạn như Busy Bee trong các buổi tiệc nay được thay thế bằng những MC có thực tài về khả năng ngôn ngữ. Người yêu nhạc Hip Hop giờ đây muốn được nghe những nội dung sâu sắc hơn trong lời rap, thay vì những lời lẽ vô nghĩa, ví dụ như cụm từ “ba-ditty-ba” mà Moe Dee nhại lại để giễu chính Busy Bee.


***

Ngoài ba tượng đài trên, kỷ nguyên Old School cũng vẫn có những MC tài năng tiên phong khác, ví dụ như nhóm Funky 4 + 1 với bản "That's The Joint" có đủ chất liệu nhạc Disco, Funk và Jazz, và quan trọng hơn cả là đoạn verse thú vị của thành viên Sha-Rock, người được coi là MC nữ đầu tiên của nhạc Hip Hop. Hoặc như Brother D hay Kurtis Blow, những người đã đưa các nội dung lời rap ra khỏi chuyện tiệc tùng từ những năm 80 khi rap về chuyện cuộc sống và xã hội. Hoặc như track "Planet Rock" của Afrika Bambaataa and the Soul Sonic Force, ngoài chuyện MC G.L.O.B.E. của nhóm Soul Sonic Force phát triển kiểu flow rap lệch phách, rất phá cách ngày đó mà ông gọi là "mc popping", bài "Planet Rock" này còn được sản xuất trên nhạc cụ trống điện tử Roland TR-808, với đoạn break của band Kraftwerk được nhạc công chơi lại trên đàn synth và lập trình thu âm lại trên bàn mixer. Việc này giúp cho họ có thể diễn live mà không cần các nhạc công trên sân khấu để chơi lại những đoạn nhạc sample, giống như những nghệ sĩ Hip Hop khác ngày đó phải làm. Nhờ vậy mà nhạc cụ trống điện tử, gọi tắt là 808 này, cùng với kỹ thuật lập trình phần thu âm ghép sẵn vào đoạn beat đã trở thành kỹ thuật sản xuất nhạc không thể thiếu trong lịch sử Hip Hop những năm 80, trước khi các công nghệ làm nhạc tân tiến hơn xuất hiện.


Người ta nói kỷ nguyên Old School của Hip Hop kết thúc vào khoảng năm 1983 và 1984, bởi vì nhạc rap bước sang một trang mới. Đó là kỹ thuật rap và phần âm nhạc, nhịp điệu đã không còn mang tính truyền thống đơn giản như trước nữa. Old School Hip Hop giống như giai đoạn sơ sinh và chập chững biết đi của dòng nhạc mới mẻ này. Dù có những bước hụt (như vụ “đớp trộm” của Big Bank Hank), nhưng khi đôi chân bắt đầu vững vàng, một tiềm năng bật lên tăng tốc mới thật đáng nể. Nếu nhìn ba cây đa cây đề kể trên, Grandmaster Caz, Melle MelKool Moe Dee, rồi nghe họ rap, đọc lời họ sáng tác, thì mới thấy được nền tảng mà những người như họ, và những DJ / MC đã chung tay góp sức khác ngày ấy thật sự quá vững chắc, tới độ, nếu nhạc Hip Hop chỉ dừng ở đó và có thêm những nghệ sĩ giỏi như vậy, thì dòng nhạc này cũng đã đủ phần nào có chỗ đứng trong lịch sử phát triển của âm nhạc.

(…còn tiếp)

Hẹn gặp lại!

Kunt

1,449 views

Comments


bottom of page