Vào một ngày trong năm 1983, Pras lúc ấy mới 10 tuổi đang đi lang thang trong công viên ở Brooklyn. Bỗng dưng cậu bị một đám trẻ khác, tầm 8 đứa, lao vào đấm đá túi bụi. Pras cũng không nhớ nổi lý do vì sao nữa. Trong khi bọn trẻ đó đang ra tay thì một tay thanh niên rảo bước qua, trên vai vác theo con loa Boombox. Âm thanh mạnh mẽ bùng nổ của nhịp trống dạo đầu trong bài “Sucker MCs” của Run-D.M.C. vang to.
Bụp Chát Chát Chát Chát Chát Chát Chát BụpBụp Chát Chát Bụp Chát BụpBụp Chát Chát Bụp Chát ……
Tám thằng nhãi đó bỗng chốc dừng hình và quay lại. Cả cậu bé Pras cũng chống tay đứng dậy, không mảy may nghĩ tới chuyện bỏ chạy. Cả hội dỏng hết đôi tai nghe thứ âm nhạc vĩ đại đó. Tiếng kick drum được tiếp nối bằng loạt âm thanh snare nã liên tục trước khi vào bài. Âm trống snare xen kẽ lệch phách nhau bằng tiếng hi-hat điện tử có âm sắc đốp chát, vô cùng kích thích.
“Two years ago, a friend of mine / Asked me to say some MC rhymes / So I said this rhyme I'm about to say / The rhyme was Def a-then it went this way / Took a test to become an MC / And Orange Krush became amazed at me / So Larry put me inside his Cadillac / The chauffeur drove off and we never came back / Dave cut the record down to the bone / And now they got me rockin' on the microphone…”
Sau đó khi Run bắt đầu cất giọng rap, thì cả kick drum và snare ngưng lại, còn mỗi tiếng hi-hat trong 4 khuông nhạc đầu trước khi toàn bộ phần trống cùng xuất hiện ngay sau khi Run rap “…it went this way…”. Trên nền nhạc tối giản mà tiếng trống điện tử làm chủ đạo đó, những khoảng ngưng lại đó giúp cho bài “Sucker MCs” vừa không nhàm chán, mà vẫn tôn được những đoạn lời qua sự tương phản của tiếng trống.
Cho đến khi tay thanh niên cùng con loa Boombox đó đi khuất và tiếng nhạc nhỏ dần, đám trẻ kia mới quay lại giải quyết nốt việc chúng đang dở tay, đó là tẩn cho Pras một trận. Với Pras, trận đòn đó không hề hấn gì bởi cậu thấy vui vì nhận ra niềm đam mê của cuộc đời mình.
Pras sau này lập ra nhóm Hip Hop mang tên The Fugees huyền thoại với Lauryn Hill và Wyclef Jean, nhưng đấy là câu chuyện của tương lai. Còn thứ âm thanh mà anh nghe ngày đó đánh dấu cột mộc của một kỷ nguyên New School cho Hip Hop.
New School và thời kỳ vàng
Kỷ nguyên New School của Hip Hop được lịch sử ước tính bắt đầu từ quanh những năm 1983 – 1984. Nếu như âm thanh của Old School Hip Hop được viết trong Phần 1 của bài là những nhịp trống điện tử đều đặn có tiếng snare rõ ràng, và những câu bass funky rất hay, “hát song ca” cùng các MC / rapper, thì âm thanh của New School thời đầu được tối giản với nhạc cụ chủ đạo là phần nhịp điệu trống bụp chát mạnh mẽ có nhịp phách đầy kích thích và không gian âm nhạc chịu ảnh hưởng của nhạc Rock. Nếu như giọng đọc rap của các MC / rapper thời kỳ Old School rộn ràng nhưng ở cao độ vừa phải, thì những ngày đầu New School, cách rap được thể hiện đầy dõng dạc, vang và cao, gần như kiểu đang quát vào mic. Nếu như chủ đề rap của Old School đa phần là chuyện tiệc tùng (ngoại trừ một số MC với tài năng đột phá được nhắc đến ở Phần 1), thì New School ngoài những nội dung đầy tính tự mãn còn là những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Thành phố New York, nơi sản sinh ra Hip Hop vào đầu thập niên 80 đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tệ nạn mai thúy cũng như tỷ lệ tội phạm tăng cao. Vì thế, những người tiên phong như nhóm Run-D.M.C. mới chọn cách thể hiện nhạc Hip Hop khác biệt hẳn với những đàn anh thời kỳ Old School bằng việc thay đổi trong trang phục lẫn âm nhạc để gần gũi hơn với những thanh thiếu niên ngoài đường phố. Phong cách mạnh mẽ đầy năng lượng từ nhạc cho đến kiểu rap với chủ đề nội dung gần gũi đời thực đó của New School nhanh chóng lan tỏa khắp nước Mỹ.
Bên cạnh Run-D.M.C., LL Cool J cũng là nghệ sĩ tiên phong tiêu biểu trong phong trào New School của Hip Hop. Single “I Need A Beat” phát hành năm 1984 khi LL mới 16 tuổi là một nhạc phẩm quan trọng thời kỳ này. Trên nền nhạc mạnh mẽ bởi nhịp trống điện tử và những hiệu ứng scratch điêu luyện do Jazzy Jay và Rick Rubin sản xuất, lời rap của LL nói rất rõ về nhạc Hip Hop ngày đó:
“Lacking a melody, but still complete / Providing musical energy for the street / Lyrics are smooth for maximum effect / Drum track patterns are pre-set / Tom-toms, snare, hats, bass, and cymbal / Like that of a cat, on the mic I'm nimble / Basic patterns, groups and chains / Sequence frequent, seek and gain”.
Album Radio đầu tay của anh phát hành sau đó cũng biến LL Cool J thành siêu sao nhạc Hip Hop đầu tiên. Đĩa nhạc này đánh dấu phong cách sản xuất album nhạc Hip Hop với thời lượng mỗi track ngắn hơn, phù hợp để được bật trên các kênh radio, cũng như âm nhạc và nội dung của đĩa được đồng nhất.
***
Tuy nhiên, điều gây hứng thú với tôi nhất lại chính là thời kỳ vàng – golden age của Hip Hop ngay liền sau đó, bắt đầu từ khoảng năm 1986 - 1987. Người ta gọi đây là thời kỳ vàng bởi các sản phẩm âm nhạc Hip Hop ngày đó liên tục mang tới những đột phá. Thời gian này nhạc Hip Hop giống như “một nguồn tài nguyên của sự sáng tạo” mà những producer và rapper có cơ hội khai phá.
Bên cạnh Run-D.M.C., nghệ sĩ đầu tiên mà tôi muốn nhắc tới trong thời kỳ vàng này là Beastie Boys – bộ ba MC da trắng vừa biết rap vừa biết chơi nhạc cụ. Chính album Raising Hell (1986) của Run-D.M.C. và Licensed To Ill (1986) của Beastie Boys đã giới thiệu tới Hip Hop cách làm nhạc đột phá khi mang phong cách Rock để pha với Rap. Nếu như Run D.M.C. gây bão với bản “Walk This Way” thu âm cùng với Aerosmith dựa trên bản hit cùng tên phát hành năm 1975 của rock band này, thì Licensed To Ill của Beastie Boys trở thành album Hip Hop đầu tiên đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Âm thanh ban đầu của New School vốn dĩ có hơi thở của Rock qua tiếng trống đanh chát, nhưng với nhạc phẩm của hai nhóm nghệ sĩ này, cùng với sự hỗ trợ của Rick Rubin và Russell Simmons (người đồng sáng lập nên hãng Def Jam với Rubin và cũng là anh trai của Run - thành viên nhóm Run-D.M.C.), nhạc cụ guitar điện được sử dụng để làm dầy phần nhạc tối giản kia hơn.
Thế rồi xuất hiện Eric B. & Rakim cùng single “Eric B. Is President” (1986). Phần nhạc do Eric sản xuất nghe khác hẳn những gì phát ra trên radio trước đó. Âm thanh trống nền và đỡ chua chát hơn. Câu bass sample được dùng cũng rất tinh tế làm cho bản beat ấm áp hơn rất nhiều.
Chính thế kiểu rap của Rakim cũng là những gì dòng nhạc này chưa bao giờ được chứng kiến. Ra đã thay đổi quá nhiều định kiến trong nhạc Rap. Đầu tiên là giọng đọc lời trầm tĩnh, rất hợp với beat mà Eric làm. Giọng Ra không sôi nổi như thời Old School, mà lại càng không kiểu hét vào mic như những đồng nghiệp khác thời đầu New School. Nhưng cái hút hồn chính là kỹ thuật rap đột phá. Với nhịp điệu thay đổi liên tục, số từ mà Ra rap ở mỗi khuông nhạc không đều nhau, nhưng nhìn chung là mật độ dày hơn. Có những lúc anh ngừng ở cuối câu, nhưng lại có lúc anh rap liền khuông nhạc ngay sau đó.
“Say indeed and I'll proceed 'cause my man made a mix / If he bleed, he won't need no Band-Aid to fix / His fingertips, so I rhyme until there's no rhymes left / I hurry up, because the cut will make 'em bleed to death / But he's kicking it 'cause it ain't no half stepping / The party is live, the rhyme can't be kept in- / Side of me, erupting just like a volcano”
Về âm vần thì kỹ thuật Rakim đưa vào mới gọi là cuộc cách mạng. Anh gieo vần nhiều lần trong cùng một câu (ví dụ “indeed”, “proceed”, “a mix”) và nối tới câu tiếp theo (“he bleed”, “won’t need”, “to fix”). Anh chơi chữ khi rap “his fingertips, so I rhyme” nhưng có thể hiểu theo ý “his fingertips sew a rhyme”, thì sẽ hợp lý khi sau đó “vết cắt” (do khâu vá) có thể khiến tay này “bleed to death”. Đoạn lời phức tạp tới độ cụm từ “his fingertips” có thể là kết thúc cho đoạn lời liền trước “…need no Band-Aid to fix” nhưng lại cũng có thể là bắt đầu một câu mới nếu ta hiểu theo ý “His fingertips sew a rhyme”. Nói tới nối câu, ở khúc sau Ra còn tách đôi từ “inside” ra để gieo vần “kept in-“ với ”stepping” trước đó, kỹ thuật chưa từng có trong Hip Hop bao giờ.
Vậy là chỉ cần đúng một đĩa đơn của kẻ mới vào nghề mà ta có thể thấy kỹ thuật rap của Rakim đã được nâng lên liền mấy tầng cao mới vô cùng khó với cho những rapper đàn anh và những kẻ đồng lứa. May mắn thay, Hip Hop không chỉ có mình siêu nhân Ra.
Sau anh, người ta được chứng kiến anh tài Big Daddy Kane, người có kỹ thuật gieo vần đa âm đỉnh cao. “I'm good and plenty, servin' many and any / Competition, wishin' for an expedition / I'm straight up dissin' and dismissin', listen”. Trong đoạn lời trên của bài “Smooth Operator”, Kane gieo vần trong vần, khi mà quá nhiều từ ngắn và từ dài đều mang nét đồng âm với nhau. Và ngay sau đó, anh cũng lại rap: “Confuse and lose abuse and bruise the crews / Who choose to use my name wrong, they pay dues”. Bằng việc gieo vần liên tục và đa âm tiết, các bài rap của Kane tạo sự cuốn hút ở phần flow của anh. Nó trở nên mượt mà và lôi cuốn hơn những gì người ta có thể tưởng tượng trước đó.
Cùng với Rakim và Big Daddy Kane, KRS One và Kool G Rap cũng góp phần tạo nên Tứ Đại Anh Tài về kỹ thuật rap của thời kỳ vàng, trong đó KRS One còn mang thêm nhiều kiến thức vào lời rap qua nhịp điệu rap độc đáo thay đổi liên tục, chịu ảnh hưởng nhạc Reggae còn Kool G Rap kể về thế giới xã hội đen đầy chân thực qua những âm vần đa tiết được tạo nên từ các cụm từ đơn mà chỉ có anh mới nghĩ ra nổi (ví dụ như “random luck” với "handome fuck" và “vans and trucks”).
Ngoài gieo vần, ngày đó kỹ thuật rap cũng được vươn rộng và xa hơn với những đoạn lời dùng phép so sánh đầy tượng hình, những phép ẩn dụ mang ý nghĩa sâu xa hay những câu punchline giáng đòn hiểm gây choáng với người nghe, mà Lord Finesse là một ví dụ. Rồi kỹ thuật rap còn ở cách kể chuyện sống động và đầy sáng tạo như Slick Rick với nhiều giọng điệu để thể hiện các nhân vật khác nhau.
Sự đột phá của thời kỳ này còn nằm ở sự phong phú trong chủ đề / nội dung những bài rap. Lời rap về tiệc tùng và sự tự hào về cái tôi của mỗi MC / rapper vẫn thường là chủ đề phổ biến từ những ngày đầu cho tới nay. Nhưng dần dà các MC / rapper bắt đầu mở rộng nội dung. Ở Bờ Đông, Public Enemy và Chuck chuyên nhắm tới những vấn đề chính trị, thách thức những nhà cầm quyền được bổ trợ bằng phần beat sử dụng sample các nhạc cụ bị bóp méo tiếng, hay như nữ rapper MC Lyte với nội dung kêu gọi tôn trọng quyền nữ giới qua lời rap thông minh và dí dỏm. Thế rồi ở bên Bờ Tây, cụ thể tại Compton, xuất hiện nhóm N.W.A. với nội dung gangsta đường phố, về bạo lực, về trừ khử băng đảng, và chửi thẳng cả chính cảnh sát trên nền nhạc khá thưa, được điểm suyết bằng tiếng guitar và kèn sample. Rồi quay lại chính Bờ Đông, bộ đôi EPMD chuyển sang rap về tiền bạc, tiệc tùng, những buổi hẹn hò, với những bước đột phá hơn nữa trong việc sử dụng sample nhạc Funk và tiếng bass dầy trong âm nhạc. Và nhảy sang Miền Nam, ta có nhóm Geto Boys rap về chuyện buôn mai thúy và thành viên cốt cán Scarface còn rap về những suy nghĩ tâm tưởng, không chỉ của anh, mà còn của những nhân vật ở ngôi thứ ba.
Đến đây, ta có thể thấy bắt đầu manh nha những yếu tố tạo ra…
…Khác biệt vùng miền
New York là cái nôi của nhạc Hip Hop. Bởi thế nên phần lớn những tên tuổi huyền thoại trong giai đoạn phát triển đầu tiên đều đến từ phía Bờ Đông. Nhưng khi âm thanh G-Funk đến từ Bờ Tây trở nên nổi tiếng vào đầu thập niên 90, bỗng dưng người ta thấy sự khác biệt ngày một rõ trong âm nhạc Hip Hop giữa các vùng miền: Bờ Tây, Bờ Đông, Miền Nam và rồi sau đó là Midwest (có thể dịch là Trung Tây Hoa Kỳ nhưng thôi nghe kỳ lắm). Và dĩ nhiên khi sự khác biệt đó xuất hiện, mỗi fan hâm mộ của dòng nhạc Hip Hop sẽ tự hình thành nên trong họ thứ tự ưu tiên và lòng trung thành với âm nhạc của mỗi vùng miền.
Nhạc Hip Hop Bờ Đông vốn dĩ đã phát triển theo hướng khởi nguồn của những tiếng trống điện tử kết hợp với những bản sample cắt ghép ra từ các nhạc phẩm của các thể loại khác. Funk có, Disco có, Rock cũng có. Tuy vậy âm thay lo-fi với tiếng bass dầy và nặng trên nền tempo tương đối nhanh đã dần lộ ra điểm yếu.
Phía bên Bờ Tây, sau khi Dr. Dre rời bỏ N.W.A., ông đã bắt tay nghiên cứu để hoàn thiện hơn thứ âm thanh G-Funk độc đáo. Tempo nán chậm lại, âm sắc các nhạc cụ được tinh chỉnh “sắc lẹm” hơn, và dĩ nhiên có cả màu sắc nhạc Funk dưới ảnh hưởng chính từ các nhạc phẩm để đời của bố già George Clinton. Vươn xa hơn việc copy paste đoạn nhạc sample, Dre còn là người tiên phong khám phá cách tạo lại âm thanh của sample gốc bằng nhạc cụ sống do chính các nhạc công chơi, giúp cho Dre có toàn quyền kiểm soát âm sắc của nó, từ cao độ, nhịp độ, đến việc thay đổi chút cách thể hiện đoạn nhạc đó.
Nhờ vậy âm thanh hoàn hảo chill và đầy quyến rũ của G-Funk, tượng trưng cho Hip Hop Bờ Tây bỗng chốc lan rộng “lãnh thổ âm nhạc Hip Hop” để qua mặt cả chính Bờ Đông, nơi dòng nhạc này đang ngủ quên trên ngai vàng. Từ album The Chronic (1992) của Dr. Dre, Doggystyle (1993) của Snoop Dogg, It's On (Dr. Dre) 187 um Killa (1993) của Eazy-E, cho đến Regulate... G Funk Era (1994) của Warren G, và Thug Life, Volume I (1994) của nhóm Thug Life mà Tupac lập nên.
Nói vậy không có nghĩa nhạc Hip Hop của Bờ Đông lại dậm chân tại chỗ. Dù cho các producer không tìm ra âm thanh khác lạ như G-Funk, họ lại là người giúp Hip Hop Bờ Đông luôn mang nhiều nét thể nghiệm trong âm nhạc nhất. Cùng thời điểm đó, album Whut? Thee Album (1992) của Redman có phong cách nhạc funky của The Parliaments với âm thanh vừa chắc nịch, mà cũng lại dễ gần, giống như chính phong cách rap của Redman trong đĩa. A Tribe Called Quest và The Pharcyde thì thành công với công thức nhạc pha với Jazz, một thể loại được chuộng ngay chính tại thành phố New York, đặc biệt thông qua các tiếng đàn contrabass chảy mượt cực chất, với album The Low End Theory (1991) của Tribe và Bizarre Ride II The Pharcyde (1992) của Pharcyde.
Tuy vậy công lớn của những rapper bên Bờ Đông trong việc đối chọi lại Hip Hop Bờ Tây ngày đó phải nói tới nhóm huyền thoại Wu-Tang Clan với album Enter The Wu-Tang (36 Chambers) (1993) khi thành viên RZA tiến một bước xa trong việc sample, không chỉ đưa các đoạn nhạc mà còn âm thanh từ các bộ phim Kungfu, thay đổi hoàn toàn bầu không gian âm nhạc, biến những bản beat mà RZA sản xuất luôn nhiều màu sắc như một bộ phim. Và sau Wu-Tang Clan, những Nas và Biggie cùng các album đầu tay cũng trở thành các nhạc phẩm huyền thoại khẳng định một thứ mà Hip Hop Bờ Tây không bao giờ có thể giành chiến thắng được, đó là kỹ thuật rap điêu luyện và lời rap đa nghĩa sâu sắc.
Thế còn Hip Hop Miền Nam thì sao? Album We Can’t Be Stopped (1991) của Geto Boys cùng album solo đầu tay của Scarface – thành viên của chính nhóm này, mang tên Mr. Scarface Is Back (1991), là những tác phẩm kinh điển cho đại diện đến từ vùng đất này. Như đã nói ở trên, Scarface có những sáng tạo đột phá trong những chủ đề rap của mình, đặc biệt là xoáy sâu bên trong những suy nghĩ và tư tưởng của nhân vật trong các câu chuyện của anh. Chính thế nên nội dung lời rap của Miền Nam có phần khác biệt với những nơi khác khi cùng là nội dung mang đậm chất bạo lực, thì thường chỉ ở Hip Hop Miền Nam thì ta mới hay thấy các rapper nói đến “luật nhân quả”, bởi dường như họ có chút dè chừng hơn trong mỗi hành động và quyết định của mình.
Tuy vậy để phân định rõ màu sắc âm nhạc Hip Hop Miền Nam lại rất khó khi nó khác nhau ngay giữa các khu vực trong cùng một ranh giới. Đơn cử như chính album 3 Years, 5 Months And 2 Days In The Life Of… (1992) của nhóm Arrested Development. Chính sự thành công về mặt thương mại của album này đã kéo thêm sự chú ý của người nghe tới nhạc Rap của vùng đất Miền Nam. Tựa như chính bìa album, không gian nhạc của album của nhóm nhạc đến từ Atlanta này khác xa các album của Geto Boys hay Scarface, những người đến từ Houston. Nếu chỉ nghe phần instrumental chơi rất hay bởi các nhạc cụ sống trong album này thì rất khó biết được đây là một album nhạc Hip Hop. Arrested Development thậm chí còn đưa vào cả chất liệu đồng quê vào qua tiếng kèn harmonica, thứ nhạc cụ khó tưởng đối với thể loại nhạc thời thượng này. Còn lời rap của họ, có lúc pha những giai điệu hát, thì lại mang nội dung chống lại bạo lực. Tới khi bộ đôi OutKast, cũng tới từ Atlanta, trình làng nhạc phẩm đầu tay Southernplayalisticadillacmuzik (1994), người ta lại nhận ra rằng Hip Hop Miền Nam có cả chất liệu Soul và Funk, và các nhạc cụ sống thường được ưu tiên sử dụng trong làm beat, bổ trợ cho phần lời rap kể về cuộc sống người da màu tại đây. Dù có những khác biệt trong cùng một ranh giới phía Nam, về mặt nhạc, Hip Hop Miền Nam nhìn chung có một không khí souful, chill và thoải mái hơn, với tiếng synth lồng theo từng lớp trên nền nhịp trống 808, cùng với âm thanh của một số nhạc cụ sống.
Sinh sau đẻ muộn là vậy, Miền Nam vẫn còn có được tiếng nói sớm chán so với vùng Midwest. Sản phẩm âm nhạc gây tiếng vang sớm nhất đến từ đây lại là album E. 1999 Eternal (1995) của nhóm Bone Thugs-N-Harmony, vào thời điểm muộn hơn hẳn sau thời kỳ vàng của Hip Hop. Tuy vậy, phong cách nửa rap nửa hát của Bone Thugs thổi một luồng gió mới cho Hip Hop và cách rap cực nhanh của họ cũng mở ra cánh cửa cho các chopper (những rapper đọc lời ở tốc độ bắn tỉa) sau này như Twista, Tech N9ne, v.v.
Và quan trọng hơn nữa, dù như là đứa em út, vùng Midwest này vẫn sản sinh ra các anh tài như Common, Nelly và thậm chí những nghệ sĩ vĩ đại của thế hệ mới, đó chính là Eminem và Kanye West, mà tôi sẽ nói đến trong Phần 3.
Nhiều người đặt dấu chấm hết cho Thời Kỳ Vàng vào đầu thập niên 90, vào khoảng quanh những năm 92-93 khi mà Hip Hop Bờ Tây lên ngôi, bởi sự phát triển âm nhạc Hip Hop không còn mang tính đột phá mạnh mẽ như trước. Nhưng tôi xin phép kéo dài giai đoạn của Thời Kỳ Vàng cho tới cuối năm 1996, đầu năm 1997, khi mà cuộc chiến giữa Bờ Đông và Bờ Tây xảy ra đã dẫn tới kết cục bi thảm cho Tupac và Biggie. Bởi thời điểm đó, nhạc Hip Hop dường như đã chấm dứt một chương của những trang vàng. Và bằng việc kéo dài đến thời điểm này, thì chúng ta mới có thể ghi nhận thêm những album quan trọng khác trong lịch sử phát triển của Hip Hop. Tại Bờ Đông có: Mobb Deep – The Infamous (1995), Raekwon – Only Built 4 Cuban Linx… (1995), GZA – Liquid Swords (1995), The Fugees – The Score (1996), Jay-Z – Reasonable Doubt (1996), v.v. Bên Bờ Tây có: E-40 – In A Major Way (1995); The Alkaholik – Coast II Coast (1995), Tupac - All Eyez On Me (1996), Makaveli (aka Tupac) – The Don Killuminati: The 7 Day Theory (1996), v.v. Phía Miền Nam có: Goodie Mob – Soul Food (1995), OutKast – ATLiens (1996), UGK – Ridin’ Dirty (1996). Và Midwest có: The Dayton Family - F.B.I. (1996) và Eminem – Infinite (1996).
Sau cuộc chiến đó, người yêu nhạc Hip Hop không còn mấy ai chọn theo phe cánh cũng như quan tâm tới những phân biệt vùng miền. Âm nhạc Hip Hop vẫn tiếp tục phát triển với nhiều nhánh nhỏ. Các rapper tiếp tục tìm kiếm những ngóc ngách của sự sáng tạo mà các đàn anh chưa khai phá, để tìm ra “giọng nói” cho riêng mình. Để rồi cho đến một lúc, lịch sử Hip Hop bỗng một ngày bị lãng quên.
(…còn tiếp)
Hẹn gặp lại!
Kunt