Ngày 15 tháng 6 năm 1999, album mang tên This Or That của Sway & King Tech và DJ Revolution được phát hành. Trong album này có một track mang tên “The Anthem”. Mang cái tên tạm dịch là “Rap Ca”, track nhạc này giống như một sự kiện trong làng nhạc Hip Hop khi có đến 8 vị MC tài năng góp giọng, lần lượt là RZA, Tech N9ne, Eminem, Xzibit, Pharoahe Monch, Kool G Rap, Chino XL và KRS-One. Thời điểm track nhạc này được phát hành cũng là khi nhạc Hip Hop không còn sự phân biệt và chia rẽ vùng miền như trước. Ngoài đa phần những rapper có gốc gác từ Bờ Đông, còn lại Tech N9ne, Eminem và Xzibit đều tới từ Midwest, nhưng riêng Eminem và Xzibit đã được rap trên những con beat mang đậm chất của Bờ Tây trên những album solo được phát hành thời kỳ đó.
Bản “The Anthem” được coi là một sự kiện vì nó quy tụ được những rapper từ các giai đoạn phát triển khác nhau. Dù không có các “bô lão” trong giai đoạn Old School, nhưng sự tranh đấu ngầm giữa hai thế hệ ở Thời Kỳ Vàng (Kool G Rap, KRS-One, Pharoahe Monch và RZA) với giai đoạn sau (Chino XL, Eminem, Xzibit và Tech N9ne) qua những đoạn verse được viết trau chuốt kỹ lưỡng mà tôi đã từng phân tích và xếp hạng cũng đủ thấy sự truyền lửa của lứa đàn anh với thế hệ sau và sự nỗ lực hết mình của những rapper trẻ để sánh vai với các huyền thoại.
Nhưng nếu như ta nhìn lại những bước đi tiên phong của các lão làng trong Phần 1, những bước nhảy đột phá của những đàn anh thời kỳ vàng của Hip Hop trong Phần 2, thì liệu có còn gì để cho các thế hệ sau có thể chứng tỏ bản thân, hay tìm ra “giọng nói” của riêng mình?
Kỹ thuật và nội dung
Từ cuối những năm 90 cho tới trước những năm 2010, kỹ thuật và nội dung lời rap vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng để đánh giá khả năng một rapper có mặt trên thị trường. Dẫu biết rằng các ngóc ngách trong kỹ thuật viết lời đã gần như được khám phá hết từ thời kỳ vàng của Hip Hop, nhưng bằng cách nào đó, những rapper thế hệ sau vẫn nâng cấp chúng lên những tầm cao mới hoặc đưa vào các ý tưởng mới lạ để cạnh tranh với những kẻ cùng thời, và thử thách cả với bản thân mình.
Như bài viết trong Phần 2 tôi có nhắc tới sự sinh sau đẻ muộn của những rapper tới từ Midwest, nhưng họ lại không hề mờ nhạt chút nào, nếu không muốn nói tới việc họ đã tạo ra những đoạn verse đỉnh cao về kỹ thuật. Đơn cử như các rapper đến từ Detroit, ví dụ như Proof, Eminem, hay Royce Da 5’ 9’’. Những người này đều gây choáng với người yêu nhạc Hip Hop về tài năng vô đối của họ.
Với Proof, người bạn thân đã khuất của Eminem, anh luôn tranh tài ngang ngửa với Em trong các bài rap của nhóm D12. Ở track “When The Music Stops”, Proof rap: “Instigators turn pits in cages / Let loose and bit the neighbors, wrist to razors”. Chỉ cần hai câu mà anh có tới 4 lần gieo vần 4 âm tiết mà trong đó không thể nghĩ được “pits in cages” lại hợp về sự đồng âm với các từ còn lại như vậy.
Với Eminem, anh viết hai câu, gieo vần song song giữa 4 cặp âm vần khác nhau, mà mỗi âm vần đó có 3 âm tiết trong bài “Stimulate” như sau: “(1) Like a flame (2) in the night, (3) like a ghost (4) in the dark / (1) There's a ray, (2) there's a light, (3) there's a hope, (4) there's a spark” tựa như cách viết câu đối trong văn thơ của Việt Nam.
Với Royce Da 5’9’’, người là nguồn thúc đẩy Em trong những cuộc đấu ngầm với bất kỳ track nhạc nào mà họ rap chung với những kẻ khác, còn gieo vần “Devil” với “Nazis”, và “intelligence” với “and the Nation”, phù hợp cả về ý nghĩa đằng sau của những nhóm vần đó, và ghép lại thành một âm vần dài tới 6 âm tiết trong đoạn lời của bài “Bad Meets Evil” rap chung với Eminem: “Kissed the cheek of the Devil, intelligence level / And stay over-worked, it's like the Nazis and the Nation”.
Không chỉ những anh tài từ Midwest, Bờ Đông, Bờ Tây và Miền Nam vẫn tiếp tục sản sinh ra nhiều rapper tích cực phát triển kỹ thuật gieo vần. Bên cạnh Jay-Z, Nas, Black Thought, những người đã tạo danh tiếng từ nửa cuối của thời kỳ vàng nay vẫn phát huy phong độ, nửa cuối thập niên 90 trở về sau đón chào Mos Def, Talib Kweli, Cam’ron, Kendrick Lamar, Big K.R.I.T., v.v.
Nhưng đáng nể nhất phải nói tới Aesop Rock và MF DOOM. Với Aesop Rock, vốn từ ngữ của anh được xếp vào hàng phong phú bậc nhất so với tất cả những rapper khác. Đến độ, trung bình chỉ cần bốc bất kỳ cụm 5 từ nào trong một bài ở một album thì sẽ có 1 từ là chưa xuất hiện trước đó bao giờ, khiến cho những âm vần của anh luôn lạ và thú vị. Với MF DOOM, thì đó là mật độ âm vần cực dày. Theo thống kê của RapMetrics (https://genius.com/posts/63-Introducing-rapmetricstm-the-birth-of-statistical-analysis-of-rap-lyrics), MF DOOM đứng đầu tất cả các rapper về mật độ gieo vần với tỷ lệ 44%, nghĩa là cứ 2 âm tiết là gần như chắc chắn có 1 âm tiết là vần của một âm gần đó. Chỉ cần đọc nhẩm đoạn lời sau ở bài “Figaro” của DOOM là thấy sự gắn kết quá đỗi chặt chẽ bởi số âm vần: “Do not stand still, boast yo' skills / Close but no krills, toast for po' nils, post no bills / Coast to coast Joe Shmoe's flows ill, go chill / Not supposed to overdose No-Doz pills”.
Với các rapper lứa sau, họ vẫn tiếp tục có những kỹ thuật gieo vần siêu hạng sánh ngang đàn anh. Như Tyler, the Creator với câu “Now me and Justin smoke sherm and been talking 'bout freeing perms / And purchasing weapons, naming them and aim 'em in One Direction” trong bài “Domo23” lời nghe như xoắn lại với nhau. Hoặc A$AP Rocky rap “Back in the buildin', sold crack in the livin' room / N****s toe-tagged, sold gats for a livin' / Doo rag, keep a red or blue flag in the denim / One you be with be the one to shoot at ya in a minute” với những âm vần như nảy nở cấp số nhân trong bài “Multiply”. Hay J.I.D trong bài “151 Rum” chỉ với 3 cách đồng âm nhưng liền tù tì vê tít lỗ tai trong câu hook: “Yeah, run, Ricky, run, run n****, run, jump, n****, jump / Come here they come, run, run, run, run / Gun with the drum, bum bittybum, slump in the trunk / My city go dumb, dumb, dumb, dumb / One Fifty One rum and ablunt / Young n**** numb, numb, numb and he got-a little gun / A little bitty killer reallydoin' it for fun / Give him a little bit and he'll get-a n**** done”.
Trong đầu tôi thường tự so sánh những âm vần trong bài rap tựa như những hợp âm trong một bài hát. Chỉ khác là mỗi lần một âm vần được nhắc lại, thì nó sẽ giống như một hợp âm mới được chơi. Nói một cách khác, âm vần càng nhiều càng hay thì sẽ lại tương đương như một bài hát với sự đa dạng của vòng hòa âm.
Phép so sánh thứ hai khi tôi nghe rap còn là nhịp điệu của một rapper giống như giai điệu của bài hát. Sự biến đổi lúc nhanh, lúc chậm nhưng nhấn vào phách chính trong các khuông nhạc tạo sự hấp dẫn như một giai điệu đẹp của một bài hát.
Bằng phép so sánh này, vô hình trung, các bài rap trở nên vô cùng lôi cuốn, kể cả từ những thời kỳ phát triển đầu tiên của Hip Hop, khi mà phần beat còn khá là thô ráp với nhịp trống và phần nhạc là những vòng lặp tương đối đơn giản. Nói một cách khác, tính “nhạc” trong Hip Hop đến từ lớp màu nền bằng câu beat, và các sắc màu tô điểm khác bằng âm vần và flow của lời rap.
Nhịp điệu flow của các rapper giai đoạn sau ngày một đa dạng và phức tạp. Nhưng tính “nhạc” mà tôi ấn tượng nhất chia làm hai phong cách: “lái trên nhịp” và “lướt trên nhịp”.
“Lái trên nhịp” là những rapper bám cực chắc theo nhịp điệu của bài, giống như những người tài xế trên chuyến đi của mình. Có những rapper sẽ “lái” vô cùng đều tốc độ trên con đường xuyên qua khung cảnh thiên nhiên cực đẹp, như mấy anh Deacon the Villain và Natti trong nhóm CunninLynguists. Có những rapper sẽ “lái” những con xe có động cơ mạnh mẽ như cách DMX thể hiện giọng điệu đầy năng lượng có phần hung hăng. Có những rapper kiểu đường nào cũng bám chắc được, dù bằng phẳng hay gồ ghề, như Eminem, cụ tỷ như bài “Renegade” đầy trúc trắc trong nhịp điệu nhưng flow của Em đu theo như không. Có những rapper thì luôn đi vượt tốc độ trên con xe mui trần, gió thổi mát cả mặt như cách T.I. dùng flow tốc độ gấp đôi tempo của beat. Hoặc những rapper thuộc hàng quái xế khi cả nhanh hay chậm, đường bằng phẳng hay bùn lầy xe đều bám cực chắc như Tech N9ne, người có nhiều phong cách flow đa dạng nghe rất cuốn tai và cũng là người cùng với Twista phổ biến phong cách chopper đặc trưng đến từ vùng Midwest mà những đàn anh Bone Thugs-N-Harmony đã khơi mào.
“Lướt trên nhịp” là những rapper có sự biến đổi nhịp điệu liên tục, nhiều lúc không cần nhấn vào các phách chính, nhưng lại vẫn “tiếp xúc” với beat ở những thời điểm cần thiết, giống như những tay lướt sóng. Kỹ thuật này tôi thấy có Busta Rhymes hay Talib Kweli là những người có biệt tài như vậy. Lấy trường hợp của Kweli là ví dụ, anh này không hề chủ đích, nhưng do cách viết lời “chay”, trước khi có được con beat để rap, nên những câu anh viết có độ dài ngắn khác nhau làm cho Kweli phải rap lúc nhanh lúc chậm, mà theo nhịp điệu sẽ là các chùm 3 chùm 5 chùm 6 khác nhau. Kỹ thuật nhất thì chính là rapper có phong độ tốt nhất hiện nay, Kendrick Lamar. Cách Kendrick rap giống hệt như một tay trống cự phách chơi thể loại Progressive. Kendrick có thể kết hợp những đoạn nhịp theo các chùm những nốt khác nhau, có thể tăng tốc đột ngột, như trong bài “DNA”, và còn đỉnh cao ở khả năng biến chuyển ca từ cần nhấn, ở các vị trí khác nhau trong cùng khuông nhạc hoàn toàn theo chủ đích của anh, giống như bài “Feel” mà tôi đã từng phân tích trong bài viết về anh.
Với các rapper trẻ hơn gần đây, tôi ấn tượng nhất kỹ thuật flow đa dạng của Denzel Curry, người thậm chí trong màn freestyle acapella tại XXL năm 2016 có thể rap được các nốt theo chùm lẻ để tạo độ trễ trong phần flow mà không cần một tín hiệu nhạc nào bên ngoài hỗ trợ. Hoặc như cô gái cực kỳ tài năng với nghệ danh Noname có cách đọc rap rủ rỉ bên tai như đang kể chuyện trên nhịp điệu ngẫu hứng, tựa như một nghệ sĩ nhạc Jazz.
Về chủ đề lời rap, ở thời kỳ hậu Golden Age, các rapper khai phá rất nhiều chủ đề phong phú, từ cuộc nổi dậy của Rap thức tỉnh / Conscious Rap mà không thể không kể tới Mos Def, Talib Kweli và Run The Jewels; chủ đề đào sâu về buôn mai thúy nghe không bao giờ nhàm chán nhờ ngôn từ thú vị của Pusha T, tới những chủ đề về suy nghĩ tự sự và bộc lộ cảm xúc, kể cả những lúc yếu mềm của Mac Miller, Kid Cudi, Drake; chủ đề về những nữ anh hùng của Rapsody trong album tuyệt hay Eve.
Chủ đề rap còn có thể là những câu chuyện theo lối concept album xuyên suốt mà CunninLynguists sáng tác trong nhiều album của họ, được kể ngược từ dưới lên mà Black Thought viết trong album Undun của The Roots, được hiểu theo hai nghĩa nếu nghe xuôi hoặc nghe ngược như Kendrick Lamar trong ablum DAMN. Nhiều rapper thậm chí còn chơi chữ và hình ảnh ẩn dụ vô cùng sâu sắc, không chỉ được hiểu dưới 2 lớp nghĩa, mà còn có thể là 3 hoặc thậm chí 4 tầng lớp ý nghĩa khác nhau như Lupe Fiasco và Vince Staples.
Âm nhạc
Vào thời điểm khi mà cái chết của Tupac và Notorious B.I.G. xảy ra, kết thúc thời kỳ vàng, nhạc Hip Hop được chuyển sang giai đoạn mà người ta gọi là Bling Era, được biết đến bởi việc các bài rap được pha trộn với các thể loại mềm mại hơn, tiêu biểu như cách mix với nhạc R&B và có những ca sĩ R&B hát trong đoạn hook mà Puff Daddy đã tiên phong trong album No Way Out.
Có điều với tôi, việc để các ca sĩ R&B hay Pop hát đoạn hook sẽ giống như lớp sốt được rưới lên miếng steak thịt bò, có thì cũng lạ miệng, mà không có thì cũng vẫn ngon nếu đó là miếng thịt thượng hạng. Nhạc Hip Hop cũng vậy. Và tôi thấy Hip Hop sẽ trở thành món ăn thượng hạng khi nhạc của thể loại khác được pha trộn khéo léo vào làm một. A Tribe Called Quest và cách đưa nhạc Jazz vào album của họ ở thời kỳ vàng là một ví dụ tiêu biểu.
Ở giai đoạn sau này, những nhạc phẩm gây ấn tượng mạnh, khi mà Hip Hop được tôn lên cao nhất, chính là Lauryn Hill và chất Neo Soul trong album The Miseducation of Lauryn Hill; The Roots – ban nhạc Hip Hop thực thụ với kiểu nhạc Progressive Soul hút hồn; Missy Elliott và âm thanh R&B cùng Funk với âm sắc sáng tạo; Aesop Rock và đủ các thể loại nhạc cụ, kể cả những thứ kén nhạc nhất như harmonica, bagpipe, xylophone; OutKast và âm thanh Jazz-Funk, Avant-Soul trong album Speakerboxxx/The Love Below; v.v.
Thế nhưng kẻ đột phá nhất trong làm nhạc Hip Hop phải kể đến Kanye West. Cách sử dụng sample của anh đầy sáng tạo và mới lạ, nhưng quan trọng nhất là vô cùng hợp với tổng thể của bài rap. Qua bàn tay ma thuật và đôi tai cực nhạy của Kanye, những đoạn sample đó nghe như thể chúng được thu âm trực tiếp tại studio bởi ca sĩ hay nhạc công cho riêng bài đó. Đã thế, cách làm nhạc của anh tinh tế tới độ, không còn những vòng lặp về nhạc thường thấy ở Hip Hop trước đây (khi mà sự khác nhau chỉ xảy ra giữa phần verse và hook). Nghe Kanye, chúng ta cảm thấy anh (và những rapper khách mời khác) đang rap trên một bài nhạc mà Kanye sáng tác hơn là đơn thuần một con beat được ghép lại. Sự bất ngờ đến từ những đoạn chuyển gam liên tục, thay đổi nhịp điệu trống, âm thanh các nhạc cụ thay nhau cất tiếng, phá vỡ mọi rào cản về sự sáng tạo của việc sản xuất beat. Với thứ âm nhạc vẫn Hip Hop, nhưng phong phú hơn, cộng với nội dung chân thực, cái ngày Kanye vượt qua 50 Cent để giành vị trí số 1 trên Bảng xếp hạng, dòng chảy của Hip Hop đã thay đổi.
Cũng từ đó, âm nhạc Hip Hop dường như không còn một giới hạn nào cả. Kid Cudi và Drake mang kiểu thể hiện nửa rap nửa hát vào Hip Hop. Tyler, the Creator sau khi theo dòng Horrorcore bỗng quay ngoắt qua chất liệu Neo Soul và Jazz, với album Flower Boy khi yếu tố rap bị giảm hẳn. Childish Gambino thì thể nghiệm cả Psychedelic Soul / Funk / Rock với kiểu hát ma quái trong “Awaken, My Love!”. Earl Sweatshirt với kiểu thể nghiệm, không chỉ mỗi các đoạn sample khó nghe, mà còn ở những nhịp lạ 5/8, 3/8 trong bài “Shattered Dreams”, 6/8 trong bài “The Mint”, hay thậm chí đa nhịp (polyrhythm) trong bài “74”, khiến cho việc để rap được chúng đòi hỏi người đó phải cực chắc và rành về nhịp, bởi nó khác xa nhịp 4/4 truyền thống trong hầu hết tất cả các bài rap. Và không thể không nói đến Travis Scott, người làm nhạc từ một góc nhìn không phải của rapper, khiến cho những đoạn chuyển đổi trong mỗi phần instrumental luôn tạo sự bất ngờ đầy hứng thú, như một bản Progressive nhạc Hip Hop, biến toàn bộ một bài, hoặc chính xác hơn cả album thành một không gian âm nhạc kỳ ảo.
Một lịch sử lãng quên
50 năm nhạc Hip Hop chưa bao giờ ngừng biến chuyển. Khi những nền móng được xây dựng vững chắc bởi các thế hệ đầu tiên, nhạc Hip Hop liên tục vươn xa với vô vàn các nhánh, mà nay người ta có rất nhiều cái tên cho các dòng nhạc đó. Bắt đầu với Old School và Boom Bap, các nhánh Rap Rock, Jazz Rap, Gangsta Rap, G-Funk, Coke Rap, Horrorcore nổi lên. Rồi tới những Conscious Rap, Alternative Rap, Country Rap, Crunk, Emo Rap, Grime, Soundcloud, Trap, và Mumble Rap. Nhạc Hip Hop nay đã trở thành thể loại nhạc chiếm lĩnh bảng xếp hạng, mặc cho việc nó chưa bao giờ được giới truyền thông mainstream hỗ trợ vào những ngày đầu tiên. Bằng phép màu nhiệm và sự nỗ lực thần kỳ, Hip Hop đã tự lực vươn lên trỗi dậy để thành một thứ nhạc không có rào cản hay hạn chế nào ở sự sáng tạo, và người nghệ sĩ được tự do nói tới bất kỳ vấn đề gì họ muốn thế giới này nên lắng nghe. Chính thế nên tốc độ phát triển của Hip Hop đã vượt xa và thậm chí lấn át những thể loại nhạc khác.
Chỉ là nay nó đã lộ ra một vấn đề cực kỳ nhức nhối.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, khi đứng trên đỉnh của những Emo Rap, Trap hay Mumble Rap để nhìn xuống, hình ảnh của những rapper từ thời Gangsta Rap, G-Funk, Jazz Rap bỗng dưng mờ nhạt. Lứa đàn anh của giai đoạn New School và thời kỳ vàng tự dưng được gọi là Old School bởi họ quá đỗi “lỗi thời”, và thời kỳ đầu tiên mang tên “Old School” gần như bị quên lãng. Hay đó ít ra là những suy nghĩ của những rapper trẻ và thế hệ người nghe Hip Hop hiện nay.
Cuối năm 2016, Lil Yachty gây sốc khi phát biểu một câu rằng Biggie được đánh giá hơi bị quá so với thực tài (“overrated”). Trong khi mới vài tháng trước đó, Kodak Black tuyên bố hùng hồn rằng anh giỏi hơn cả Tupac lẫn Biggie. Đến ngay chính rapper có tài như Vince Staples cũng ngứa mồm nhận xét rằng anh không hiểu sao thế hệ của thập niên 90 lại được ca ngợi như vậy. Năm 2017, Joey Bada$$ tuyên bố anh có thể rap vượt trình cả Tupac. Và vào năm 2019, đến lượt Lil Durk khiến cả Internet dậy sóng khi anh post danh sách 50 rapper đã thay đổi văn hóa Hip Hop. Năm người đầu tiên trong list là Meek Mill, Lil Baby, Lil Uzi Vert, Young Thug và Future. Những cái tên còn lại thì toàn những ngôi sao của thì hiện tại, mà không chút bóng dáng của những Nas, Kanye West, Jay-Z, Lil Wayne chứ đừng nói tới những Rakim, Big Daddy Kane hay KRS-One.
Các bạn có nhớ tôi đã nói ở trên trong bài viết này, rằng ở thời kỳ đương đại, kỹ thuật và nội dung trong lời rap là một yếu tố cực kỳ quan trọng để đánh giá một rapper cho tới trước những năm 2010 không? Đó là bởi sự phát triển của nhạc Hip Hop thật lạ kỳ! Nó đã từng thực sự rất đơn giản trong những năm đầu tiên với nội dung vui vẻ về chuyện tiệc tùng. Thế rồi dần dà nó trở nên nghiêm túc hơn, đòi hỏi kỹ thuật rap cầu kỳ phức tạp hơn. Rồi các thế hệ dần dà cố thể hiện năng lực mình để vượt qua cái bóng của những đàn anh trong cách trau chuốt từ lời, âm vần đến âm nhạc. Nhưng đến một ngày, khi nhạc Hip Hop dễ tiếp cận tới nhiều người nghe hơn qua nền tảng Soundcloud, người ta chợt nhận ra rằng thế giới trẻ có nhiều người muốn tìm thứ nhạc đơn giản, hợp tai và vui vẻ. Họ không muốn đào sâu tìm hiểu, phân tích và suy nghĩ về các lớp nghĩa hoặc các kỹ thuật gieo vần phức tạp. Mumble Rap xuất hiện vào đầu những năm 2010 với công thức như vậy. Cấu trúc lời đơn giản, nhịp điệu từ tốn, ca từ không cần phát âm quá rõ và quan trọng nhất là phải nghe bắt tai cho những ai muốn tìm tới âm nhạc này để giải khuây.
Không có gì sai cho sự phát triển của âm nhạc nếu cung hợp với cầu, người nghệ sĩ tìm được khán giả của họ. Tôi cũng không muốn quy chụp chỉ những Mumble rapper mới tỏ thái độ thiếu kính trọng với bậc đàn anh vì cũng có những rapper trẻ của các nhánh khác (như Joey Bada$$ hay Vince Staples kể trên) nói những lời thiếu suy nghĩ. Có điều, chỉ những năm gần đây xu thế này mới diễn ra nhiều hơn. Khi mà trước đó, từ Mos Def, Eminem đến Kendrick Lamar và J. Cole đều luôn tỏ lòng kính trọng với những đàn anh bởi kỹ thuật rap của họ mang nặng ảnh hưởng từ loạt bậc tiền bối. Có phải bởi vì âm nhạc Hip Hop ngày nay quá dễ dàng tiếp cận khán giả và đòi hỏi về mức độ chất lượng lời rap của người nghe cũng giảm xuống? Hay vì những ca từ chắt lọc như những “cuốn sách giáo khoa” của những người thầy Grandmaster Caz, Melle Mel, Kool Moe Dee, Rakim, Big Daddy Kane, KRS-One, Kool G Rap, v.v. giờ không còn mang giá trị cho thị hiếu âm nhạc ngày nay?
Khi so sánh với nhạc Rock, lịch sử phát triển của Rock N’ Roll rõ ràng đã bắt đầu sớm hơn Hip Hop đến cả hai thập kỷ. Thế nhưng các kênh báo chí, các hiệp hội, các tổ chức, giải thưởng luôn dành những vị trí trang trọng nhất cho những nghệ sĩ tiên phong. Dù nghe hay không nghe nhạc của họ, những cái tên như Chuck Berry, Little Richard, Elvis Presley ở thời kỳ đầu (tương ứng như giai đoạn Old School của Hip Hop) luôn được nhắc nhở cho các thế hệ về sau. Người yêu nhạc Rock càng không bao giờ quên The Beatles, The Rolling Stones, The Beach Boys, The Doors, The Yardbirds, Pink Floyd, The Who, The Kinks, Cream, Jimi Hendrix, Led Zeppelin, v.v. – những người giúp phát triển mạnh mẽ cho nhạc Rock vào những năm 60 và đầu 70 (tương ứng như thời kỳ vàng của Hip Hop).
Những điều Rock N’ Roll làm được trong việc tôn vinh lịch sử lại là thứ thiếu sót trong quá trình phát triển của nhạc Hip Hop. Chỉ có nghệ sĩ hot nhất tại từng thời kỳ được nhắc tới. Người ta quên mất Old School đã từng tồn tại để rồi những rapper từ kỷ nguyên New School và thời kỳ vàng lại được nhìn nhận là “Old”, đa phần vì nhạc của họ đã “cũ” với những fan Hip Hop thế hệ trẻ. Chỉ có Tupac, Biggie, Nas và Jay-Z là những cái tên được truyền tai nhau nhiều nhất, nhưng rồi mọi người cũng lại “lười” nghe lại nhạc của họ, trừ các hip hop head thực sự.
Tôi không tự nhận mình là một hip hop head, bởi vẫn còn quá nhiều rapper ở các thời mà tôi chưa nghe hoặc chưa tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, bộ ba phần bài viết nhân kỷ niệm 50 năm Hip Hop này cũng là để tất cả chúng ta cùng ôn lại phần nào lịch sử phát triển của dòng nhạc mang tính thời đại này. Tôi không có ý định kêu gọi ai phải thích, phải hiểu nhạc Hip Hop từ thuở xa xưa vì sở thích là của mỗi người, dù đó có là Conscious Rap hay Mumble Rap. Tuy nhiên chúng ta cũng vẫn nên nhìn nhận một điều rằng, những yếu tố hấp dẫn trong âm nhạc của rapper ưa thích nhất của mình chắc chắn chịu ảnh hưởng từ một hay nhiều nghệ sĩ rap ở lứa trước, những người cũng đã chịu ảnh hưởng từ những lứa trước nữa, để rồi tất cả cũng đều quy tụ về những gì tinh tuý nhất mà các MC và DJ của dòng nhạc Hip Hop vào những ngày đầu đã khám phá và chắt lọc cho các thế hệ sau học hỏi.
Chúc mừng sinh nhật Hip Hop 50 tuổi (11.8.2023)!
Hẹn gặp lại!
Kunt
Bình luận