top of page

Tản mạn (ep. 6): chuyện nhạc Rap không cover



Tôi tình cờ xem được từ Youtube bài “Billionaire” mà series Glee cover lại của Travie McCoy ft. Bruno Mars. Phải nói là tôi khá ấn tượng với giọng hát được thể hiện bởi cậu diễn viên có cái miệng rộng được ví như rổ đựng bóng tennis, còn mái tóc và khuôn mặt lại khá là giống Justin Bieber. Đoạn hook được cậu này hát hay gần như Bruno Mars vậy. Cover vậy thì cũng tạm ổn.


Có điều đến khi vào đoạn rap, một cậu diễn viên khác có khuôn mặt của một chú bé mọt sách bắt đầu rap những đoạn lời của Travie McCoy, thì một cảm giác khác hẳn ập đến. Đó là một cảm giác khó chịu. Do việc đoạn lời được giữ gần như nguyên bản, chỉ thay đúng những chỗ tên của Travie thành tên Artie (nhân vật trong phim), những câu như “Yeah, can't forget about me stupid” tự dưng thấy nó kỳ cục sao sao ý, khi giọng điệu khệnh khạng hay ho vốn thấy của các rapper nay phát ra từ miệng của một nhân vật có bề ngoài nhút nhát như vậy; nhìn thật sai sai.

Bản cover ở series Glee chỉ bắt đầu kỳ quặc khi tới đoạn rap


Kể ra cũng lạ. Nếu cậu đọc rap này mà chuyển sang hát thì chắc cũng không vấn đề, nhưng với nhạc Rap, dường như không phải ai đọc được rap thì cũng nên rap vậy? Chúng ta có thể quá quen với việc người này người kia, nghệ sĩ này nghệ sĩ kia cover lại bài nhạc của kẻ khác. Nếu chán hoặc vừa đủ chấp nhận được, thì chúng ta xếp vào dạng đi hát karaoke, nếu có hay hơn mức trung bình thì có thể xếp dạng đi thi Idol hoặc mấy chương trình chỉ cầm mic hát hò. Nhưng nếu hay thực sự xuất sắc đỉnh cao, tỉ như “The Man Who Sold The World” mà Nirvana cover của David Bowie, “Hallelujah” mà Jeff Buckley cover của Leonard Cohen, hoặc “Sweet Dreams (Are Made Of This)” mà Marilyn Manson cover của Eurythmics, thì chúng ta có thể khen ngợi hết lời. Bởi vì những bài cover thành công này mang một phong cách riêng hoặc có nét nhạc mới so với bản gốc.

Có điều riêng với thể loại Hip Hop, cuộc chơi không đơn giản vậy!


Thử tưởng tượng Rakim cover bài “Smooth Operator” của Big Daddy Kane, sẽ rất khó cho Ra khi anh sẽ phải thay những đoạn lời liên quan đến tên của Kane như “The B-I-G, D-A-double-D-Y-K-A-N-E”. Và còn kỳ cục hơn nữa nếu những đoạn lời của rapper tự hào về tài sát gái như Kane lại phát ra từ mồm của Ra, như “Now girls, step up to this / One simple kiss, and it's over, miss” hay chơi chữ từ nghệ danh của chính Kane “'Cause It's a Big Daddy Thing”, khi phong cách của Rakim chỉ thuần đi diệt đối thủ bằng lời lẽ như khẩu súng bắn liên thanh, cho tới khi micro phải bốc khói.

Hoặc thử tưởng tượng cuộc nội chiến Hip Hop sẽ ra sao nếu Wu-Tang Clan lại cover bài rap với phần lời súng ống bạo lực gangsta trong “Fuck Tha Police” của N.W.A. khi phong cách khác biệt đối lập giữa hai nhóm, một đến từ bờ Đông và một tới từ bờ Tây nước Mỹ.


Để bớt sự tương phản vùng miền kể trên, chúng ta chỉ cần thử tưởng tượng nốt về The Game50 Cent - cả hai anh này đều cùng một hội trong Aftermath / Interscope. Dù hai anh này có tiểu sử “ăn đạn chì” giống nhau thì phần nội dung trong lyrics có thể không bị gượng nếu một người đọc lời của kẻ có lại. Nhưng mà rất khó tưởng tượng như đoạn hook với kiểu flow có lên xuống rất chill đặc trưng của 50 Cent lại phát ra từ miệng của The Game khi phong cách flow của Game có một sự vồn vã hơn. Hoặc như Game với Eminem, chúng ta cũng không cần mất công tưởng tượng khi trong bài “We Ain’t” của Game rap cùng Eminem, trong verse cuối cùng anh cố tình bắt chước flow chùm 3 nhấn mạnh vào từ cuối giống cách Em rap ở “The Way I Am” như một cách thể hiện sự kính nể với Em, nhưng Game cũng chỉ bắt chước lối flow đó trong một vài bar khuông nhạc rồi quay về phong cách riêng của mình.

Trong bài "What More Can I Say" của Jay Z có đoạn "I'm not a biter / I'm a writer / For myself and others / I say a B.I.G. verse I'm only biggin' up my brother"


Bởi vì, ngoài việc copy lời rap, kể cả chuyện bắt chước flow dù đã thay đổi lời cũng là điều tối kỵ. Một luật bất thành văn trong nhạc Hip Hop vì thế là “no biting”, nôm na là “không đớp lại” của người khác. Đây chính là lý do mà trừ một số ngoại lệ, việc có ghostwriter hay cover lại lời hay flow của một rapper khác là điều đáng hổ thẹn trong làng nhạc Hip Hop.


Việc không cover các bài Rap đầu tiên bắt nguồn từ hạn chế của thể loại này. Dòng nhạc này được khởi nguồn từ những hạn chế về nhạc cụ và điều kiện làm nhạc thu âm. Do đó, các bản beat chủ yếu được tạo từ việc đi mượn các bản sample của các dòng nhạc khác. Chính thế mà những gì mang tính mới mẻ nguyên gốc nhất nằm ở đoạn lời của bài Rap.

Nói thế không phải để giảm đi giá trị nghệ thuật của khâu sản xuất beat cho Hip Hop, khi mà sự đón nhận ngày một lớn từ người nghe số đông đồng nghĩa với việc cải thiện điều kiện kinh tế, dẫn tới các nhà sản xuất nhạc có thể phát triển cách làm beat ngày một phong phú và đưa thêm nhiều yếu tố sáng tạo nghệ thuật mới của mình vào trong đó. Tuy vậy trong nhạc Hip Hop, việc làm lại một bài rap bằng cách thay beat rồi đưa track rap acapella vào cũng chỉ dừng ở việc remix, theo nhiều kiểu khác nhau.

Bài "Solo (Reprise)" ở album của Frank Ocean, Andre 3000 rap "After twenty years in, I'm so naïve I was under the impression / That everyone wrote their own verses / It's coming back different and, yeah, that shit hurts me"


Nhưng một khi rapper đó cầm mic lên đọc lại đoạn lời của một rapper khác thì là lúc tay đó tự bôi tro trát trấu lên mặt mình. Nếu như với các thể loại nhạc khác, nghệ sĩ cover sẽ tìm những phong cách thể hiện mới nào đó thì nhạc Hip Hop, các rapper cũng không thể đổi nhịp điệu hay làm mới flow bằng cách này hay cách khác mà không bị những người xung quanh nhíu mày.

Thế nên chúng ta cần nói tới yếu tố thứ hai cho việc không ai cover bài Rap của người khác, đó là do cái tôi cá nhân rất lớn được đặt nặng cho thể loại này.


Luật trong nhạc Hip Hop đặt ra ở đây là: Nếu ông đã làm rapper rồi thì ông phải tự viết lời cho riêng mình; vì từng từ ngữ, câu chữ, flow và gieo vần là ADN, là tính cách, là đại diện cho phong cách, hình ảnh gắn liền với ông, kể cả nếu chúng đến từ nhân cách khác tự dựng lên, thì không rapper nào khác được copy chúng. Do vậy, đối với một rapper, thường chỉ cần trong mấy tác phẩm đầu tay là người đó đã phải giới thiệu về bản thân hoặc nhân cách họ đã chọn.

Giờ hãy thử nghĩ xem các rapper sau thì hình ảnh hay phong cách gì đại diện thường thấy trong bài Rap của họ:

  • The Notorious B.I.G.: phong cách bình tĩnh rất ngầu dù rap những nội dung tàn bạo và lối gieo vần trong cùng một câu và ở các khuông nhạc liền nhau gắn chặt thành một chuỗi mắt xích.

  • Pusha T: rap về chuyện buôn mai thuý với loạt những tiếng lóng trong nghề rất đặc trưng, cũng như cách lựa chọn từ ngữ sắc lẹm thể hiện một tay rapper máu mặt đáng gờm.

  • Big L: cách dùng những câu punchline đầy ấn tượng làm tăng sức nặng trong ý nghĩa thâm thuý sâu sắc của anh.

  • Nas: một rapper với lối flow nhẹ như trò chuyện và khả năng về ngôn từ đỉnh cao để kể những câu chuyện sâu sắc và chân thực.

  • Bone Thugs-N-Harmony: cách rap tốc độ nhanh và lên xuống qua phần bè “hoà âm” nghe như hát không lẫn đi đâu được của nhóm rap này.

  • Mos Def hay Talib Kweli: các bài conscious rap hướng tới vấn đề thực tại trong xã hội. Cả khi hai anh từng hợp tác chung trong Black Star thì vẫn phải có sự khác biệt trong phần flow, mà Def là lối rap mượt mà còn Kweli là cách đổi nhịp điệu liên tục.

  • DMX: chất giọng gằn khàn đục như nhân vật “chó điên” mà X tự gán cho mình vì một tuổi thơ dữ dội.

  • Eminem: kỹ thuật gieo vần đa âm điêu luyện cùng nhiều kiểu flow đa dạng của một rapper da trắng ngang tàn bất cần với những kẻ quay lưng lại với anh kể cả với bà mẹ vô tâm cho đến cô vợ lang loàn qua 3 nhân cách: một kẻ điên loạn và bạo lực (Slim Shady), một con người vật lộn với cuộc sống (Marshall Mathers) , và một nghệ sĩ truyền cảm hứng (Eminem).

  • Lil Wayne: cách Wayne chơi chữ trong lời rap của anh thực sự đỉnh cao và phong cách nội dung kể chuyện anh đi “lếu lều” các chị em phụ nữ mới thật phong phú.

  • Lupe Fiasco: không chửi bới nhiều. Các bài rap của một rapper được giáo dục đầy đủ từ bé này luôn mang nhiều lớp lang ý nghĩa mà phải bóc tách mới rõ sự thâm thuý của anh.


Phew! Rồi thế là tạm đủ! Các bạn có thể thấy mỗi rapper này “xây dựng” tường tận về tiểu sử, tính cách, phong cách, kỹ thuật rap đặc trưng cho họ. Cả khi sự chịu ảnh hưởng của các thế hệ trước là phải có, họ vẫn phải tạo được sự nhận diện riêng cho mình. Chính thế nên trong các phần lời mà họ viết, ta có thể thấy những danh từ riêng họ hay đưa vào như là chữ ký hay con dấu đóng cộp, tựa như cái dấu bản quyền “copyright” chèn vào để không ai copy được. Đó là Jay Z với “Jigga”, “Hov”, “Brooklyn”; Kendrick Lamar với “Kenny”, “Compton”; Tech N9ne với “Tech”, “Nina”, “Strange”. Hoặc danh từ chung hay xuất hiện như Tupac với “thug”, “outlaw”; Ice Cube với “gangsta”, “west” rất đậm chất background của hai rapper này.

Ở verse thứ 2 bài "Seduction", Eminem bắt chước Jay Z với âm "aww" đặc trưng



Ngoài ra, các rapper còn có thể thêm các âm điệu cảm thán vào như Jay Z là tiếng “aww” hoặc Tech N9ne là “chyeah” ở cuối câu rất đặc trưng.


Từ đó, đưa chúng ta tới lý do thứ ba cho việc không ai "dám" cover bài Rap của kẻ khác, đó là họ phải giữ được sự nhất quán trong hình ảnh đã được tạo dựng cho riêng mình.


Như trong trường hợp bài “Billionaire” của Glee kể trên, lời rap của Travie dù khá là trung tính nhưng nó vẫn bị khớp so với cậu diễn viên cover lại đoạn rap đó bởi phong cách và bộ dạng của nhân vật trong phim không giống người có thể thốt ra những câu từ đó. Đó giống như một sự giả tạo.

Ẩn dụ hơn là phong cách gieo vần phức tạp trong bài “The Watcher” của Dr. Dre:

Things just ain't the same for gangstas / Times is changing, young n****s is aging / Becoming O.Gs in the game and changing / To make way for these new names and faces


Việc vần đa âm được đánh dấu ở trên cũng không thể hiện được sự đồng âm ẩn trong đó của “just ain’t” và “the same” ngay liền nhau nghe rất cuốn tai hay “time is changing” và “young n****s is aging” cũng có phần nào cùng vần với các đoạn đánh dấu trên. Đây là cách gieo vần phức tạp mà nó thể hiện rất rõ phong cách của Eminem, người sáng tác đoạn lời trên cho Dr. Dre. Dù có một số nguồn tin nêu là Nas là người ghostwrite phần rap trên, nhưng cái tên Eminem duy nhất trong phần credit của bài, cũng như phong cách vần đa âm đặc trưng thời đó của Em là rất rõ. Phong cách đó thể hiện còn rõ hơn qua hai cụm từ không hề đồng âm mà lại vẫn thành vần sau đó là “hospital” và “across the globe”. Đó giống như một sự bắt chước phong cách của một kẻ khác nếu người rap những câu từ này không phải là Dre.

Bài "The Watcher" của Dr. Dre có phần lời với lối gieo vần đậm chất Eminem viết dành cho ông. Eminem sau đó có phát hành bản freestyle trên nền beat này nhưng lời được viết mới theo nhân cách của Slim Shady.


Trong làng nhạc Rap, những ngoại lệ như Dr. Dre, Eazy E hoặc Kanye West trong việc sử dụng ghostwriter là điều được chấp nhận bởi tài năng và sức ảnh hưởng của họ. Kể cả vậy, chưa bao giờ họ phải đi cover lại bài của kẻ khác vì những đoạn lời lyrics viết cho họ luôn là những câu từ mới mẻ được sáng tác từ hoàn cảnh và góc nhìn của chính người thể hiện. Cả với trường hợp của Eazy E không hề sáng tác lời hay chí ít sản xuất beat giỏi như Dre và Kanye, thì những ca từ Ice Cube trước đây viết cho anh vẫn được toát ra chân thực của một kẻ gangsta thứ thiệt trong nhóm.

Vì thế, cái quan trọng trong nhạc Hip Hop còn là sự nhất quán trong hình ảnh của mỗi rapper. Một khi họ thể hiện khác đi so với phong cách hình ảnh trước đó của mình, dù chính họ tự viết lời đi chăng nữa, như trường hợp Eminem với phong cách party tiệc tùng hoặc gangsta súng ống trong một số bài, hay qua việc đổi phong cách nhạc như Black Eyed Peas sau khi lôi cô Fergie vào để chuyển sang nhạc Pop; hoặc như Ice Cube đi đóng phim gia đình; thì đều nhận được cái nhíu mày khó chịu của người hâm mộ và có khi còn bị chê bai nhiều hơn.

Thế nên chuyện cover lại một bài của một rapper khác lại đừng có bao giờ mảy may nghĩ đến!

Việc Denzel Curry bắt chước flow và chất giọng gằn của DMX ở bài "Diet" như một cách tribute cũng làm bài Rap hay hơn mà không mang tội "biting"


Hẹn gặp lại!

Kunt

503 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page