top of page

KISS: cứ miễn ăn tiền

Updated: Oct 25, 2020

Kể cũng lạ, dẫu cho nghe “Detroit Rock City” cả trăm lần rồi, mỗi khi đoạn đầu của bài đó nổi lên, tôi lại chạy khắp nhà kiếm cây guitar. En-Èn-En-Èn-En-Èn-En- (2 lần) rồi bùm bùm (tiếng pháo nổ), lặp lại thêm 1 lần và lần này có thêm tiếng gọi trống dồn dập. Lật ngang miếng gảy vuốt theo dây đàn rít lên một tiếng dài, và rồi bùm bùm, tiếng pháo nổ (có lẽ cả pháo sáng) phụt ra còn dữ dội hơn lần đầu. Nhắm mắt lại, và tưởng tượng tất cả các khán giả đang đứng dưới chân mình bùng cháy.


Tôi nghĩ ai cũng thích nhóm Kiss. Giống như trẻ con thích truyện với phim siêu nhân vậy. Và cũng giống như các vị siêu nhân trong truyện (quân số thì đông mà số được hâm mộ thì ít), hình như các đĩa ưa thích của Kiss cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay: Unplugged (1996), Kiss (1973), Destroyer (1976), Love Gun (1977), hay Alive II (1977). Nhưng họ quả nhiên là một ban nhạc kỳ tài, khi trong ngần ấy năm vẫn có thể tạo ra không khí rực lửa với ngần ấy bài đinh, và các fan từ già đến trẻ đều mong ngóng được đi xem show của họ.


“Detroit Rock City” có lẽ chính là đại diện cho âm nhạc của Kiss: nó khiến những gã amateur như tôi muốn cầm lấy cây đàn, chơi những câu riff không quá khó nhưng thật ngầu kia, và tưởng tượng ra toàn bộ khung cảnh hoành tráng của khán giả ở bên dưới.

Thật đơn giản để vui: hãy nhắm mắt lại và chơi Detroit Rock City cùng Kiss


Khối người nói rằng Kiss không giỏi. Ngay chính các anh trong band Kiss còn thỉnh thoảng đăng đàn lên nhận mình là những tay chơi nhạc dở ẹt. Kiss cũng chưa bao giờ có một album nào đạt No 1. Nhưng đấy, họ là band đã bán được hơn 100 triệu đĩa. Họ là niềm cảm hứng cho những bậc kỳ tài như Darrel Dimebag hay thậm chí cả Van Halen. Những biểu tượng vẽ mặt của họ có thể nhận ra bất cứ đâu trên thế giới, thậm chí bởi những đứa trẻ con. Và không ai đến show của họ mà không trở về với cảm giác được đối xử “đặc quyền” mà những showman thứ thiệt tạo ra.


Hóa ra Kiss nhen nhóm ý định tạo ra “thương hiệu” ngay từ đầu. Khi tay bass Gene Simmons và ca sĩ Paul Stanley manh nha về một ý tưởng ban nhạc chơi Rock N Roll sau thất bại của nhóm Wicked Lester của họ, tay trống Peter Criss được chọn sau khi hai tay kia đăng quảng cáo tìm tay trống chịu làm đủ trò. Và vượt qua khoảng 50 tay guitar khác đi thi, Ace Frehley được chọn với khả năng trình diễn guitar solo bóng bẩy, và hình như là cả vì đi hai chiếc giày màu khác nhau đến audition.


Để khác biệt hoá, họ quyết định trang điểm, mặc đồ loè loẹt và đi giày cao gót để trông dị thường hơn. Nhóm Kiss quyết định họ còn mặc cả đồ trang điểm ra đường, một mặt là để che dấu thân phận, nhưng quan trọng hơn, họ muốn mọi người thấy họ đang tạo ra một thứ văn hóa thật đặc biệt.


Chưa hết, hồi đó đã có nhóm New York Dolls cũng chơi nhạc và trang điểm rồi, nên Kiss nâng tầm việc đó lên bằng cách tạo ra nhân vật ảo cho từng thành viên. Simmons trở thành Demon, Stanley Star Child, Peter Criss hóa thân thành Catman, còn Ace Frehley mãi mãi trở thành Spaceman.

Và đến bây giờ, sau gần 50 năm, con gái tôi mới học lớp 1 cũng đã gọi tên rành rọt những Demon hay Spaceman. Con của các bạn tôi hóa ra cũng vậy. Và sáng nay khi tôi mở đĩa Love Gun ra nghe chơi, con gái tôi chạy vào hỏi “nhạc vui như nhạc của nhóm Kiss vậy ba?”. Chốt nhé!


Trước khi Kiss trở thành một thương hiệu toàn cầu, phải thú thật là họ đã tạo ra được một thứ nhạc nghe rất được vào giai đoạn cuối thập niên 70s. Nhưng quan trọng hơn, khả năng trình diễn của họ mới là thứ độc chiêu. Kiss nhanh chóng nổi tiếng với các show diễn hấp dẫn: bom nổ, đèn nhấp nháy, pháo hoa phụt lên trời (Kiss là band đầu tiên sử dụng pháo sáng trong biểu diễn). Tay bass Demons thì luôn sẵn sàng phun ra máu tươi trong khi biểu diễn, còn cây đàn của Spaceman thì chỉ chực tóe ra lửa. Tóm lại, một buổi biểu diễn của Kiss “tấn công mọi giác quan” và không khác gì một bữa tiệc âm thanh sướng tai và tràn ngập hình ảnh đã mắt.


Dường như bất kỳ ai đi xem Kiss diễn lần đầu đều gần như thành fan của họ. Khổ cái, khi Kiss quan sát thấy mọi người rất thích đến xem show của họ, nhưng khi đi về lại không chịu mua đĩa, họ đã quyết định phát hành đĩa live đầu tiên có thể ghi lại toàn bộ không khí biểu diễn của họ.


Cùng lúc đó, hãng đĩa Cassanbla của Kiss thì đang ở bên bờ vực phá sản, và mọi mũi dùi dường như hướng cả về 3 album của Kiss không bán được như kỳ vọng. Đĩa đôi Kiss Alive!, vì vậy dường như một cú đánh tất tay của tất cả bọn họ, và nhà sản xuất Eddie Kramer, người sản xuất cho Jimi Hendrix và phụ trách phần kỹ sư âm thanh cho đĩa Led Zeppelin II, đã được vời tới để giúp. Kiss Alive! sau đó đạt đĩa vàng và đi vào lịch sử như một trong những album biểu diễn live hay nhất mọi thời đại, bởi cái không khí thực sự hào hứng mà nó tạo ra. Những người đi xem Kiss biểu diễn trở về, nay bỗng nhiên có một thứ giúp họ hồi tưởng lại những giây phút kì diệu kia (bí quyết là gì thì còn lâu mới nói).


Người hay bị bỏ qua nhất về những đóng góp trong Kiss Alive! (và cả Alive II), có lẽ là Spaceman. Space Ace có lẽ là người có khả năng chơi nhạc hoàn thiện nhất trong đội hình Kiss nguyên thủy, và đem lại sự cân bằng cần thiết cho công thức chiến thắng quen thuộc thời đó: một ca sĩ hát giọng cao vút bên cạnh một guitar hero. Xin đừng so Ace Frehley với những người đồng nghiệp như Jimmy Page (Led Zeppelin) hay Joe Perry (Aerosmith) ở hai bên bờ Đại Tây Dương - tôi cho là Space Ace có đầy đủ phẩm chất của một Guitar Hero theo đúng nghĩa đen của nó: một người có đủ kỹ thuật và kỹ xảo trên sân khấu, và quan trọng hơn, anh khiến cho mọi người, nhất là lũ trẻ, muốn cầm đàn và bắt chước theo những động tác “phi thường”. Hãy hỏi Darrel Dimebag, John 5, Marty Friedman, và cả người sau này đã nâng tầm khái niệm guitar hero, Eddie Van Halen.

Space Ace - Anh hùng guitar đúng nghĩa của lũ trẻ thời "tiền" Van Halen


Với tất cả sự tôn trọng, tôi nghĩ các anh hùng guitar thời sau chơi đàn đâm ra... khó bắt chước quá. Nhìn xem, ta có một danh sách khá dài những tay guitar chịu ảnh hưởng từ Spaceman, dù rằng đời không phải lúc nào cũng là mơ (và cả những dè bỉu của hậu duệ sau này rằng Ace chơi đơn giản). Nhắc mới nhớ lần Darrel Dimebag được tận mắt gặp thần tượng của mình, Dimebag cảm thấy ngạc nhiên vô cùng khi thần tượng giới thiệu cho anh “chiêu” giúp cho tiếng đàn trở nên đẹp đẽ khi biểu diễn: chiếc hộp im lặng. Đúng vậy, các cây guitar của Kiss được chơi qua amply được đặt trong một chiệc hộp cực lớn và bọc cách âm, được đặt phía sau sân khấu, rồi trong chiếc hộp đó có sẵn microphone dẫn ra ngược ra bàn mix và hệ thống loa sân khấu. “Chiếc hộp im lặng” là một ý tưởng thiên tài đã trợ giúp đáng kể cho tiếng đàn sạch sẽ của Kiss suốt cùng năm tháng.


Và dù thích hay không, Kiss Alive! tự nhiên giúp Kiss bán được những album trước kia lỗ chổng. Cassblanca bỗng hào hứng trở lại giúp Kiss tạo ra thời kỳ hoàng kim của họ với 3 album liên tiếp: Destroyer (1976), Rock and Roll Over (1976), và Love Gun (1977) trước khi kịp thâu tóm khoảnh khắc huy hoàng này với album Kiss Alive II (1977) với chính công thức chiến thắng của Alive!, nhưng với set bài mới tinh.


Nhưng chính sự nôn nóng gỡ gạc lại của Kiss cũng báo hiệu sự cạn kiệt dần các ý tưởng âm nhạc của họ. Số bài biểu diễn live của 3 album kia chỉ đủ làm đầy 3 trên 4 mặt của đĩa đôi, và Kiss đã phải thu thêm 5 track cho đủ đĩa Alive II. Cái sự thu thêm này tự nhiên bộc lộ ra sự hục hặc trong Kiss, khi Ace Frehley không chịu thu tới 4 trên 5 bài đó, và phải nhờ sự giúp sức của nghệ sĩ phòng thu là Bob Kulick "làm phép". Trộm nghĩ, chữ "giả nai" với "giả live" nghe cũng tiệp một vần.


Thế đấy, có lẽ chu kỳ thành công ngắn ngủi của Kiss chắc chỉ có 3 năm, bắt đầu từ Alive!, và đã kết thúc tại Alive II. Tin tốt là họ đã xây dựng được một thương hiệu về một thứ âm nhạc cực kỳ vui vẻ, những màn biểu diễn đầy kịch tính lẫn kịch trường, và những kỹ xảo trong biểu diễn đi trước thời đại. Hơn thế nữa, hai vị đầu tàu của Kiss là Gene Simmons và Paul Stanley bắt đầu triển khai những kế hoạch siêu việt để phát triển thương hiệu của họ. Giai đoạn tiếp theo, nặng tính thương mại của Kiss, hóa ra kéo dài tận hơn 30 năm sau những thành công về âm nhạc trong vẻn vẹn có 3 năm của họ.


Kiss ra truyện tranh siêu anh hùng về chính họ. Warner Bros thậm chí còn sản xuất phim hoạt hình Kiss Babies, và phim Kiss Meets The Phantom Of The Park. Kiss vừa quảng cáo cho Pepsi, lại vừa có mặt trên chai Coca Cola ở Pháp. Người ta thậm chí có thể sở hữu thẻ Visa có hình Kiss ở một số ngân hàn.


Không thể bỏ qua thị trường ưa những thứ kỳ quái như chính bộ dạng của họ, Kiss có máy ảnh thương hiệu riêng ở Nhật. Ngày nay hơn 3000 sản phẩm mang logo Kiss từ hộp ăn trưa, thùng rác, cho đến giấy toilet và bao cao su.

Có ai nghĩ Rolling Stones hay Led Zeppelin sẽ có sản phẩm như này?

Kiss kiếm được 1 tỉ đô từ năm 1974 nhờ biểu diễn và bán sản phẩm. Và tới năm 2001, Kiss vẫn được xếp hạng thứ 41 về kiếm tiền trên Forbes Celebrity 100 Index. Năm 2007 Kiss thậm chí đi tour 10 thành phố chỉ để quảng cáo nước hoa thương hiệu Kiss cho nam và nữ. Hiện các anh vẫn tiếp tục nghiên cứu: nhạc kịch của Kiss, casino tên Kiss, thậm chí bàn chải đánh răng Kiss. Trong âm nhạc, không ai có thể đọ được với Kiss về merchandising. Ngoài âm nhạc, có lẽ “vũ trụ” của Kiss chỉ thua DisneyLucas.


Và chính Kiss là band đầu tiên làm truyền thông marketing tổng hợp trong ngành âm nhạc trước khi từ này trở nên thời thượng trong kinh doanh. Năm 2009 Kiss thậm chí nghĩ ra trò ra đĩa và phát hành độc quyền tại Walmart.


Quả nhiên, chắc khó có ai trong thế giới âm nhạc có thể sánh được với đầu óc kinh doanh của Kiss, nhất là Gene Simmons. Trong lúc rảnh rỗi, anh thậm chí còn phát hiện ra chữ viết tắt O.J. có nhiều người dùng để nói về "Orange Juice", bèn đi đăng ký bản quyền cho chữ viết tắt luôn. Chưa kể, Simmons còn đi đăng ký bản quyền cho phiên bản ngón tay devil horn của anh, nhìn hơi khác cách chúng ta hay làm với ngón trỏ và ngón út chĩa ra một chút (do Ronnie James Dio quảng bá) với ngón tay cái hơi mở ra.

Nếu bạn ở Mỹ, hãy cẩn thận khi để tay thế này kẻo phải trả tiền cho Gene Simmons

Với Simmons, đơn giản không có tin tức nào được coi là tốt hay xấu. Chỉ có là anh có đủ quan trọng để xuất hiện trên mặt báo hay không. Simmons ko bận tâm với chê bai. Bất cứ điều gì có thể làm Kiss xuất hiện trên tin, họ sẽ làm.


Chả thế mà Kiss không ngần ngại đăng đàn thú nhận họ chơi nhạc dở ẹt. Họ cũng không ngại thú nhận luôn album Kiss Alive! kinh điển hóa ra được overdub (thu bổ sung) và chỉnh sửa rất nhiều trong phòng thu trước khi phát hành, kể cả tiếng náo động của khán giả cũng được nhét thêm vào. Cũng từ đây, có lẽ khẩu hiệu “Whatever works” (“miễn là ăn tiền”) của Kiss mới trở nên sống sượng như chính cái vẻ bề ngoài ẩn dưới lớp mặt nạ của họ. Paul Stanley còn nói: "Đừng đánh giá lương tâm nghề nghiệp trong âm nhạc của tụi tôi, bọn này làm mọi cách để khán giả có thứ hay nhất để nghe". Còn Gene Simmons thì kết luận: "Bob Dylan hay gì thì cũng cần có tiền để sống chứ. Đâu ai khen nếu mấy người đó hát hay mà nghèo đâu".

Nhạc vui nhạc vui


Trở lại với âm nhạc, mặc dù không còn cho ra được những album nổi trội như Kiss hay Destroyer, Kiss vẫn luôn thử mọi cách. Khi kế hoạch mỗi thành viên ra một album solo ngay sau Alive II để tận thu cái sự nổi tiếng không thành công như mong đợi (trớ trêu là kẻ bị ghét nhất là Spaceman lại bán được nhiều đĩa nhất), Kiss quay qua thử nghiệm với nhạc thị trường, a.k.a nhạc Disco với album Dynasty (1979), nhạc kịch với Music for the Elder (1981), trước khi trở lại với công thức chiến thắng cùng "Fun Rock" với Creatures of The Night (1982), và hai cái gai trong mắt là Peter Criss và Ace Frehley nay đã bị loại bỏ.


Điều quan trọng, Kiss nhận ra là họ nên xoay quanh công thức chiến thắng truyền thống: có bài hit về một khoảng thời gian vui vẻ, còn đâu là filler. Điều quan trọng hơn là Kiss nhận ra họ cần có những nghệ sĩ thực thụ để gánh team: Eric Carr rồi đến Eric Singer trên giàn trống, và nhất là Bruce Kulick ở vị trí guitar. Đó còn chưa kể đến những đóng góp thầm lặng của những người phía sau sẵn sàng điền vào chỗ trống như Bob Kulick (guitar), hay Vinnie Vincent (guitar), và rất nhiều nghệ sĩ session khác cho cả phần bass và trống, Kiss vật vã đi qua thập niên 80s và đầu thập niên 90s. Ấy là cho đến khi họ thu đĩa MTV Unplugged, và thật tình may quá có tài năng của tay trống Eric Singer và lead guitar Bruce Kulick, MTV Unplugged trở thành đĩa nhạc cực hay và là nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ fan mới toe, những người sinh ra vào thập niên 80s và đâu như có bố mẹ ưa nghe Kiss thời vui vẻ của thập niên 70s. Một lần nữa, chúng tôi lại đi tìm mua đĩa Kiss của thập niên 70s (và xót tiền đứt ruột vì chất lượng ghi âm quá dở), và bới trong đống đĩa của ông anh bà chị ra những cái đĩa Kiss Alive! và Alive II thật ngầu.

Thật may khi Kiss vẫn còn những nghệ sĩ cự phách như Bruce Kulick


Và Kiss từ sau năm 1998 đã đón Space Ace trở lại, lại tiếp tục trang điểm và lưu diễn; và những ông già ở tuổi xưa nay hiếm như Gene Simmons vẫn tiếp tục mang trên mình những bộ quần áo nặng gần 20kg, để tiếp tục chinh phục các miền đất hứa khác lẫn bán bất cứ thứ gì trên đời gắn tên họ. Và họ vẫn chỉ cần setlist được tạo ra từ thời những năm 1970.


“Miễn là ăn tiền!”.


Hẹn gặp lại!


Kcid

1,421 views

Recent Posts

See All
bottom of page