top of page

Muse và nghệ thuật nhồi nhét


- “Cậu có nghĩ là bọn mình nhồi nhét nhạc thế này có điên rồ không?

- “Cứ thử đi, rồi mới biết làm có tới không Đó là câu hỏi thường xuyên giữa các thành viên trong ban nhạc Muse khi họ sáng tác và sản xuất nhạc. Sự nhồi nhét đến “tham lam” nhiều thể loại gồm cổ điển, rock, electronic và cả dubstep; và phần mix nhạc dày đặc với hàng đống track vào trong một bài hát là phong cách không xa lạ với nhạc của Muse. Nhưng nó hoàn toàn khác biệt với nhạc rock hiện đại thời kỳ đầu thế kỷ 21 lúc bấy giờ. Cái giai đoạn chuyển giao hai thế kỷ này nó dở dở ương ương khiến các ban nhạc rock đều đi tìm hướng đi mới, sau khi grunge của Mỹ thì ngỏm, Britpop thì chết yểu, indie rock thì vẫn tắc trong thị trường ngách. Ở Mỹ lúc này xuất hiện nu-metal, còn Anh Quốc thì làm gì đây? Trên các kênh ca nhạc, Radiohead vẫn sống sót sau thời kỳ Britpop vì họ đi một mình một hướng âm nhạc đầy màu sắc thử nghiệm. Nhưng lúc này đây, họ cũng phải tiếp tục tự đổi mới như chính bản chất ''mày mò'' của cả ban nhạc. Vậy nên Kid A về sau bắt đầu chịu ảnh hưởng nhiều của nhạc điện tử. Coldplay thì nổi tiếng từ năm 2000 với album đầu tay. Tuy nhiên trong phong cách pop rock của Coldplay, họ lại dùng tiếng keyboard làm chủ đạo. Thế nên để vươn lên giữa những làn sóng âm nhạc rock hiện đại, Muse mới nghĩ ra một công thức nhạc khác người, thể hiện rõ ràng nhất từ đĩa thứ hai Origin Of Symmetry. Mặc kệ cho nhiều người nhận xét là cách hát của Matt Bellamy - ca sĩ kiêm guitar và keyboard/piano của nhóm quá giống với Thom York ở kiểu ỉ ôi nhưng lôi cuốn, và một số cách chuyển hợp âm khá là u ám như Radiohead, Muse vẫn mang một phong cách cực khác người: phô trương đến điên rồ.


1. Đầu tiên cần kể đến lối sáng tác nhạc rất Muse - hay nói đúng hơn là rất Bellamy. Chịu ảnh hưởng từ nhạc cổ điển khi còn tập đàn piano, Matt Bellamy có sở thích tạo không khí căng thẳng ở nhạc rock của Muse qua vòng hoà âm và giai điệu.

Matt rất thích sử dụng “âm giai thứ hoà âm” (harmonic minor scale), khá là phổ biến trong nhạc cổ điển mà Matt chịu ảnh hưởng thời còn tập đàn piano. Nôm na thì hợp âm thứ đã có màu sắc buồn nếu làm tông chính cho giọng, nhưng nếu nhét thêm hợp âm bảy (V7) dựa trên bậc 5 của âm giai thì sẽ tạo độ hút vô cùng lớn tới giọng âm thứ của bài. Matt sử dụng khá thường xuyên hợp âm 7 trong âm giai thứ hoà âm này để tạo sự căng thẳng và được giải toả bằng tông chính của bài hát liền sau đó. Ví dụ như bài "Hysteria", "Apocalypse Please", "New Born", "Butterflies and Hurricanes".

Matt còn tăng độ căng trong giai điệu khi ở đầu khuông nhạc, anh rất hay hát ở nốt lệch với các nốt nằm trong hợp âm, ngân một lúc rồi kéo về nốt nhạc mà tai người nghe “chờ đợi” trong tiềm thức, giải toả được sự căng thẳng. Màu sắc này khiến bài hát u ám và có phần ỉ ôi hơn nhạc rock thông thường. Duy có điều Matt “lạm dụng” lối hoà âm và giai điệu này hơi nhiều nên nếu nghe cả đĩa nhạc sẽ dễ dẫn đến nhàm tai về sự giống nhau và có phần mệt mỏi. 2. Bù lại, ở đặc điểm thứ hai trong nhạc của Muse, Matt che lấp điểm yếu ở trên bằng tài năng trong cách phối nhạc với sự trợ giúp của hai thành viên còn lại, Chris Wolstenholme (bass, hát phụ) và Dominic Howard (trống).

Tiếng trống của Dominic được chỉnh mạnh mẽ trong mỗi cú nện và hầu như xuất hiện trong suốt cả bài hát. Nếu chẳng may có khoảng lặng xuất hiện, thì thường là ở đoạn đầu bài hát để tạo sự cao trào tăng dần. Câu bass của Chris rất ấn tượng. Anh tự khám phá cách thể hiện âm sắc dày đặc chắc nịch và chơi những câu riff dồn dập. Ví dụ ở bài "Plug In Baby" hay "Time Is Running Out" dồn dập câu bass chảy mượt với tốc độ nhanh tỉa những nốt nằm trong hợp âm. Nhờ phong cách sáng tác của Matt khi sử dụng vòng hoà âm mà hợp âm ở mỗi khuông nhạc có sự tương đồng ở một tới hai nốt nhạc trong hợp âm liền trước đó, tương tự như trong nhạc cổ điển, mà Chris chỉ việc dịch chuyển ngón tay nhẹ nhàng trên chiếc cần của cây đàn bass.

Tiếng riff guitar của Matt cũng vậy. Để tránh xoắn quẩy với tiếng bass, Matt có thể chơi câu riff tương đồng cách quãng tám hoặc vảy power chord. Điểm chung là tiếng guitar điện của Matt nghe khoẻ và chắc nịch làm cho những bài nặng về guitar của Muse chính ra lại là nghe hay nhất, ví dụ như các bài nằm trong đĩa Origin Of SymmetryAbsolution - hai album chất lượng nhất của Muse. Ngoài ra, cái hay của phần hoà âm trong nhạc Muse còn là sự đan xen của một số câu đàn guitar solo mạnh mẽ.  Giỏi đánh guitar là vậy, Matt còn thuần thục kỹ năng chạy ngón trên piano và keyboard. Cũng lại là phô trương tiếng đàn, lúc Matt đánh theo kiểu rhythm lúc anh chạy ngón với tốc độ nhanh như câu bass mà Chris. Sự pha trộn với nhạc cổ điển cũng là cảm hứng để Matt thay solo guitar bằng màn solo piano siêu đẳng như trong "Butterflies And Hurricanes". 

Dường như chưa đủ đô, Muse và bộ xậu sản xuất ghi âm tiếp tục làm dầy tiếng bằng nhiều track khác nhau. Ngoài bass, synth bass, bass sub (như 5 track bass dùng trong bài Uprising), guitar thùng, guitar điện, piano, synth, synth pad, còn có cả dàn nhạc violin, viola, cello,..v..v.. nhiều vô số kể. Đã thế tiếng hát của Matt cũng phải thu âm trên nhiều track để có đủ các phần bè. Giọng anh khoẻ và lối hát theo phong cách phô diễn như nhạc opera kể cả trong âm vực ở giọng giả thanh. Mỗi cú lấy hơi của Matt nghe rõ tiếng thở sâu vào bụng và nhả âm hết cỡ như sắp tắc thở đến nơi. Thế nên lạ lùng là dù mỗi nhạc cụ (bao gồm giọng hát của Matt) đều được phô diễn hết mức nhưng lại đan chéo nhau, không bị chồng chất nên bài hát của Muse rất cao trào và đầy năng lượng mà không bị nhoè tiếng nên bài hát ít có khoảng lặng. Tất cả là nhờ cái tài trong sáng tác, sản xuất và ghi âm của Muse và bộ xậu. Nhờ đó dù là ý tưởng âm nhạc chồng chéo trộn lẫn giữa nhạc cổ điển, rock và electronic hay thậm chí nhạc sàn dubstep (ví dụ bài "The 2nd Law: Unsustainable") với vô vàn track thu âm, nhạc Muse, đặc biệt trong các ca khúc kinh điển của nhóm nghe rất sướng tai và giải trí tốt, mặc kệ cho lời ca có thể hơi ngớ ngẩn khi than vãn về chính trị, hay thế giới suy tàn trong một viễn cảnh u ám. Tưởng tượng được nghe bộ ba trong Muse chơi mấy bài như "New Born", "Bliss", "Micro Cuts", "Apocalypse Please", "Time Is Running Out", "Stockholm Syndrome", "Hysteria" hoặc "Uprising" là đã thấy phê rồi.


Đó cũng là cách các fan của Muse đón nhận nhạc của họ. Chính sự nhồi nhét của nhạc Muse là điều giúp họ trở thành một trong những ban nhạc chơi hợp nhất ở sân vận động.

Cái lần Muse biểu diễn lần đầu ở Nhật. Cả bọn nghiêm túc tập trung biểu diễn bài hát đầy tâm huyết nhưng đám khán giả cứ đứng im re. Chỉ đến khi Matt tự dưng làm trò dở hơi bằng cách trườn hai đầu gối xuống đất và hét to “come on” thì khán giả mới thực sự ồ lên hưởng ứng. Lúc này đây cả hội mới hiểu rằng, không cần gồng mình gì hết.


Thả lỏng và mặc kệ mọi thứ để chìm trong âm nhạc.

Đây cũng là hướng đi đúng đắn và độc đáo của Muse, tự khác biệt hóa với các ban nhạc rock hiện đại khác để “sống còn” với thể loại nhạc vốn không còn sự thống trị trên các kênh đại chúng nữa rồi. Nói cho cùng, dù là Matt từng nói guitar không còn là nhạc cụ chính trong nhạc rock hiện đại nữa, thì kỹ thuật chơi đàn guitar của anh và hiệu ứng trong tiếng đàn đó vẫn giữ lại được cái hồn của nhạc rock, dẫu cho anh có trộn nó với các thể loại và nhiều nhạc cụ khác đi chăng nữa.


Hẹn gặp lại! Kink

1,339 views

Recent Posts

See All

3 Comments


Nong trai Thiet
Nong trai Thiet
Dec 01, 2022

viết rất hay, cảm ơn Kink!

Like
K.K.N.
K.K.N.
Dec 01, 2022
Replying to

Cám ơn bạn!!!

Like

comayvlogs
comayvlogs
Apr 26, 2020

Nhạc mới được chia sẻ tại: https://www.youtube.com/watch?v=VcyUKBKgJSo

Like
bottom of page