top of page

Seal: nụ hôn của anh mặt thẹo

Updated: Feb 20



Khi tôi xem chương trình What Makes This Song Great? episode 105 của nhà sản xuất kiêm Youtuber đình đám Rick Beato về ca khúc “Kiss From A Rose” của anh ca sĩ Seal, đoạn gây ấn tượng với tôi nhất lúc đó là khi Beato phân tích cách chuyển điệu thức độc đáo đến độ ông phải gọi điện cho Seal để hỏi. Mà bác gọi thật. Facetime hẳn hoi.



Bài “Kiss From A Rose” cho đến giờ vẫn là bài nổi tiếng nhất của Seal. Độ nổi tiếng của nó lấn át hết các những nhạc phẩm khác của anh. Thêm nữa, với người biết tới Seal lần đầu tiên qua bài hát này như tôi, (1) bề ngoài, (2) âm nhạc và (3) tài năng của anh đều khác xa với những hình dung ban đầu của mình.


Cái khác thứ nhất so với tưởng tượng của tôi là vẻ bề ngoài của Seal.

Khi tôi xem video clip bài “Human Beings” của anh trên kênh MTV lúc mới phát hành, tôi đã hoàn toàn sốc lúc nhìn rõ khuôn mặt của anh. Các cụ có nói “Đừng nghe nhạc mà bắt hình dong” đâu có sai. Giai điệu nhẹ nhàng và giọng hát mượt mà của anh khiến tôi không ngờ anh có khuôn mặt dữ tợn như vậy. Vết sẹo của Seal nổi lên rõ hai bên mặt anh ca sĩ đầu trọc lốc cao tới 1m92.


(Do bản video clip của ca khúc "Human Beings" của Seal không còn xuất hiện trên Youtube nên xin phép đăng audio clip ở đây)


Đến ông sản xuất nhạc thân thiết của anh - Trevor Horn còn khiếp sợ khi lần đầu gặp anh vì cái tướng giống dân xã hội đen của Seal. Nỗi lo ngại nữa của Horn về việc giữa ông và Seal không có những điểm chung trong âm nhạc cũng biến mấy ngay khi Seal chia sẻ các nghệ sĩ yêu thích của anh là Crosby, Stills & NashJoni Mitchell. Rồi khi Seal cất giọng nói, chất giọng nhẹ và mượt như nhung ấy cùng với nụ cười hiền lành làm vết sẹo hai bên đấy bỗng dưng biến mất.


Nguyên căn của vết sẹo đó đến từ căn bệnh lupus ban đỏ anh mắc phải khi 23 tuổi. Chính xác hơn là tác dụng phụ của việc điều trị căn bệnh đó đã gây ra vết thương trên da và khiến anh rụng hết tóc. Vẻ ngoài dữ tợn đó từng khiến Seal tự ti và chán nản với giấc mơ theo đuổi âm nhạc của mình. Và cũng vì cái vẻ bề ngoài đó của Seal luôn khiến người đối diện phải ngạc nhiên về chất giọng của anh. Từ những lời khen ngợi chân thành của người bạn cùng phòng và cô bạn gái về giọng hát của mình, Seal lấy lại được tự tin để theo đuổi âm nhạc. Sau khi cô bạn gái kéo anh đi bằng được ra cửa hàng nhạc cụ mua bộ lập trình trống điện tử, chiếc băng thu âm 4-track, Seal bắt đầu ghi âm các bản demo và gửi tới các hãng đĩa. Nhưng anh đều bị từ chối.


Hoá ra khuôn mặt anh chưa bao giờ là thứ cản trở thành công. Giọng hát của anh thì quá đặc biệt rồi, có điều lúc đó Seal vẫn thiếu một dấu ấn riêng cho mình. Chỉ đến lúc bắt đầu tìm tòi nghe nhạc của Sly And The Family Stone, Jimi Hendrix, Led Zeppelin, Crosby, Stills And Nash và dĩ nhiên Joni Mitchell thì Seal mới nhận ra cái còn thiếu trong âm nhạc của mình.



Cái khác thứ hai so với tưởng tượng của tôi là định hướng âm nhạc của Seal.

Khi tôi xem chương trình The Masked Singers dành cho các celeb đội lốt hoá trang và hát để người xem phải đoán ai trong đó, Seal hoá trang đội lốt con báo (vâng đáng lẽ anh nên mặc bộ con hải cẩu, nhưng thế chắc người ta đoán ra ngay) và hát toàn bài khó. Từ “Somebody To Love” của Queen, “Teenage Dream” của Katy Perry, đến “We Are Young” của Fun. và “Big Spender” của Shirley Bassey. Phải nói là thứ giọng hơi khàn nhưng vẫn mềm và cao đặc trưng của anh là công cụ để Seal có thể hát các thể loại nhạc khác nhau này đều cực kỳ hay theo cách riêng của anh. Có lẽ do tôi trót biết chú báo đó là Seal đội lốt nên không có cơ hội đoán mò, nhưng kỳ cục thay là ban giám khảo ở dưới thì cứ hỏi nhau “Jamie Foxx đấy à?”, “Hẳn là Jamie Foxx ư” như thể chất giọng soulful của người da màu chỉ có Foxx hay hát nhất ý. Nhưng nhiều người yêu nhạc Seal họ đều nhận ra giọng hát cực kỳ đặc trưng của anh.


Nó là thứ giọng ấm áp ở âm trầm, hơi khàn khi lên cao nhưng khi đủ nội lực thì anh với các nốt đó đều rất khoẻ. Ở dải trầm hay cao, giọng anh đều có âm sắc mượt nhẹ như nhung. Thêm nữa, cái dấu ấn riêng mà Seal tìm được cho giọng hát của anh là chất Soul anh đưa vào các thể loại nhạc khác nhau, như chương trình The Masked Singers vậy.

Đó là lý do các album, đặc biệt là hai đĩa đầu rất hay của anh (đều trùng tên “Seal”) lại theo phong cách nhạc Electro và Dance, thứ nhạc thường dễ bị lạc vào sự vô hồn nay được đẩy lên một bậc qua cách thể hiện cực soulful của Seal. Đây là điều thú vị khi mà anh đã khéo léo pha trộn giữa nhạc Soul và R&B với các thể loại trên, và thậm chí còn cà ở âm hưởng nhạc Rock. Thế nên những bài hát của anh đều khác xa phong cách Pop ballad âm hưởng Soul của “Kiss From A Rose”.

Seal tên thật là Henry Olusegun Adeola Samuel, người Anh gốc Phi. Anh từng rong ruổi các nước Nhật, Thái Lan và Ấn Độ, tham gia một số ban nhạc địa phương trước khi trở về nước Anh. Các ban nhạc anh từng tham gia chơi nhạc Funk và Blues nhưng quãng thời gian ở châu Á đã thay đổi định hướng âm nhạc mà anh theo đuổi, đó là nhạc Dance. Seal quen nhiều người bạn làm nhạc “sàn” nhưng may mắn thay là cuối cùng anh lại chọn Trevor Horn để sản xuất nhạc cho mình bởi vì trên hết, Horn là một nhạc sĩ.



Khi ông nhìn thấy tài năng trong cách sáng tác âm nhạc và giọng hát thiên phú của Seal, ông không muốn nó bị bó buộc trong chỉ một thể loại âm nhạc dễ bị dập khuôn. Đó là lý do Horn mang cả tiếng nhạc cụ thật như guitar thùng vào phần nhịp điệu giai điệu của nhạc “sàn”, làm nó có hồn qua thứ giai điệu và cấu trúc bài hát rõ ràng. Đó là lý do mà ca khúc “Killer” mang lại thành công đầu tiên cho anh dưới bàn tay Horn nghe ngọt ngào hơn bản đầu tiên của Adamski. Vẫn là câu bassline đặc trưng có đổi một chút và nhịp trống điện tử, Horn bổ sung đoạn intro đầy chiều sâu, câu keyboard mềm hơn, bộ dàn dây và tiếng đàn guitar điện lúc gằn lúc day dứt.


Bài “Crazy” của Seal cũng vậy. Tiếng đàn guitar bật rung dây trầm làm nền dưới và bộ gõ là những thứ “rất người” cho âm nhạc bớt “sàn” hơn và có chiều sâu, giống hệt giọng hát của Seal.


Cái khác thứ ba so với tưởng tượng của tôi là tài năng thiên bẩm của Seal.

Khi tôi xem clip team của Seal trong chương trình The Voice biểu diễn bài hát kinh điển “Kiss From A Rose” của anh, tôi nhận ra là bài này khó hát đối với cả với những thí sinh đã có tài năng ca hát tham gia chương trình rồi. Sự lên xuống các nốt với các quãng dài khiến người hát dễ hụt hơi, như cậu thí sinh vấp phải ngay ở giữa câu đầu “There used to be a graying tower alone on the sea”. Rồi những nốt cao phải hát bằng giọng giả thanh ở từ “You” và “Love” sau đó đòi hỏi người hát phải vào đúng cao độ mà vẫn mượt. Sự lên xuống và quãng dài giữa các nốt khiến cho từ đầu tiên của điệp khúc “Baby” đòi hỏi người hát lấy đủ sức để vào vừa đủ mạnh mẽ mà không phô. Tất cả các yếu tố trên đều là thách thức mà vẫn chỉ mình Seal là thể hiện tròn trịa nhất.


Trước đây khi nghiền bài hát kinh điển này của Seal, tôi đã hiểu khả năng ca hát của anh tài năng thế nào rồi. Nhưng phải đến khi xem chương trình của bác Rick Beato mà tôi nói ở đầu bài thì tôi mới khám phá ra tài năng thẩm âm của anh.

Seal trước đây không biết chơi nhạc cụ. Nhưng anh hầu như tự sáng tác nhạc của mình. Và khi Seal sáng tác bài “Kiss From A Rose” và đặc biệt những đoạn chuyển điệu thức giữa G (sol trưởng) và Gm (sol thứ), các âm sắc đó phải bằng cách nào đó tự hiện lên trong đầu anh. Vậy nên khi bác Rick Beato lôi vụ nhạc lý ra thì Seal chỉ bảo anh không biết lý thuyết nhạc, anh không nắm được cái gì làm được và cái gì không nên làm. Những nốt anh hát ra là bởi anh tự cảm thấy thế âm sắc vậy mới đúng.

Như vậy câu chuyện ở đây là Seal có khả năng lựa chọn các nốt nhạc nằm ngoài tông giọng của bài, biến đổi nó trong đầu mà vẫn chuẩn cao độ, và quan trọng hơn là những chuyển biến đó vẫn tới một cách tự nhiên và làm sáng bừng cả bài hát. Đây nhé, thường khi sáng tác nhạc, nếu bạn biết chơi đàn và tự thử nghiệm những cách đổi tông hay chọn các hợp âm vay mượn ngoài giọng của bài, giai điệu sẽ có thể tự biến đổi trong đầu dựa trên phần nhạc nền thay đổi đó. Nhưng Seal làm được vậy mà không cần bất cứ nhạc cụ gì. Cái anh có chỉ là cuộn băng ghi âm 4 track mà anh tự hát thay cho nhạc cụ.

But did you know

That when it snows

Như câu hát trên chẳng hạn, 4 âm ở trên anh hát ở các nốt B G F# B (theo gam G major - Sol trưởng) thì 4 âm ở dưới anh lại hát ở các nốt B G F Bb (theo gam G minor - Sol thứ). Để nghĩ ra trong đầu mà không cần nhạc và hát đúng cao độ chuẩn ở những đoạn thay đổi, từ nốt Fa thăng (F#) trước đó thành Fa thường (F), và từ nốt Si thường (B) trước đó thành Si giáng (Bb) là cực khó khi não bộ phải điều chỉnh sự biến chuyển gắt như vậy.

Ca khúc “Kiss From A Rose” đó còn khác xa các nhạc phẩm khác của anh ở sự biến tấu trong giai điệu và nhịp điệu, thứ mà các bạn lưu ý lại giúp lần nữa là đều được anh sáng tác chỉ bằng cách hát vào cái máy ghi âm.


Nếu như các ca khúc như “Killer” hay “Crazy” kể trên vẫn có sự lặp lại phổ biến trong cấu trúc âm nhạc thường thấy, bài “Kiss” này không tạo nên hai con đường song song kể cả khi đặt chung các đoạn verse với nhau.


Ở verse đầu, câu:

You became the light on the dark side of me / Love remained a drug that's the high and not the pill

được Seal hát giai điệu khác hẳn verse thứ hai:

You remain my power, my pleasure, my pain, baby / To me you're like a growing addiction that I can't deny / Won't you tell me, is that healthy, baby?


Khác với verse thứ hai, từ “seen” cuối verse đầu trước khi vào điệp khúc cũng được Seal phá cách hát ở nốt Si thường của gam G từ đoạn nhạc theo giọng Gm ngay trước đó.


Về nhịp, ngoài nhịp 6/8 khác với nhịp 4/4 phổ biến của nhạc Pop, với những câu hát cùng giai điệu như “Won't you tell me, is that healthy, baby?” khi Seal hát lại lần thứ hai cũng có sự ngắt nghỉ khác với lần đầu.


Sự “trúc trắc” khác thường trong giai điệu, điệu thức và nhịp điệu là thứ khiến Seal ngần ngại lúc đầu trong việc sử dụng ca khúc đó. Cuộn băng xếp xó đó phải nhờ Trevor Horn nằng nặc đòi anh cho nghe thử và dưới bàn tay tài ba, nó đã trở thành ca khúc bất hủ.


Có những thứ như bác Rick Beato có nhận xét đã biến mất ở nhạc Pop ngày nay. Đó là sự phức tạp trong âm nhạc và giọng hát thật của nghệ sĩ không cần căn chỉnh autotune mà chỉ khi nghe nhạc của những người như Seal, ta mới thấy sướng tê người. Cái tôi nghĩ cũng hiếm gặp hơn ở nhạc bây giờ nữa là những nghệ sĩ không cần ngoại hình bóng bẩy, điển trai hay đẹp gái, bởi tài năng và âm nhạc mới là giá trị cốt lõi.


Hẹn gặp lại!


Kroon

2,483 views

Recent Posts

See All
bottom of page